Truyện dài : Đền - phần 2
3. Sau vụ tôi cho thằng Văn mượn cuốn sách, nó bắt đầu thân thiện với tôi hơn. Nó nói nhiều hơn với tôi, ban đầu chỉ là những chuyện...
3.
Sau vụ tôi cho thằng Văn mượn cuốn sách, nó bắt đầu thân thiện với tôi hơn. Nó nói nhiều hơn với tôi, ban đầu chỉ là những chuyện vặt vãnh trong lớp, về những đứa không liên quan, về các môn học và các giáo viên, sau nó còn bắt đầu hỏi về tôi, và nói về nó. Một dấu hiệu tốt mà tôi đồ rằng sẽ là một khởi đầu mới cho cuộc sống của nó sau này, khi mà nó quyết định sẽ đi học đại học ở một thành phố lớn hơn và làm quen với những con người đầy đủ cảm giác hơn nó, học hỏi những thứ mà ngôi trường này và gia đình đã không dạy nó. Cái đấy nằm ngoài kế hoạch nho nhỏ của tôi, cũng nằm ngoài khả năng suy đoán của tôi, nhưng cái vẻ mặt dễ chịu của nó mỗi ngày đến lớp khiến tôi cũng an tâm hơn phần nào, và làm cảm giác tội lỗi của tôi về hành động sai trái của mình trước đây bớt dày bì lên trong cuống họng mỗi khi nói chuyện với nó. Tôi còn phát hiện ra khi nó cười, hai bên khuôn miệng nó tạo thành hai đường rãnh sâu, duyên dáng đến độ tôi bị lóa mắt như khi phải nhìn thẳng vào mặt trời. Nó không đẹp, thậm chí nhiều đứa trong lớp ác ý còn nói khuôn mặt nó giống như con dơi quắt lại, nhưng ở nó toát lên một sự sạch sẽ trắng bóc mà không đứa nào trong lớp với đống bộn tiền của cha mẹ nó mang lại. Tôi ưa thích cái sự sạch sẽ của nó đến độ sau này khi đã sống cách xa nhau hàng trăm ngàn cây số, tôi vẫn bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ ấy đến độ chỉ tìm những người đàn ông sạch sẽ mà yêu thích.
Nó ham thích sách như tôi nhưng không đủ khả năng chi trả cho việc đó. Thư viện thị trấn bị nó cày nát hết cả nhưng sách ở đó chỉ có hạn, còn lâu mới sách bằng cái ham mê trong việc đọc của nó. Chính thế nó lại càng quấn quít tôi hơn. Tôi chẳng có gì trong ngoại hình cũng như trong tính cách hấp dẫn nó ngoại trừ tủ sách của cha tôi. Và tôi sẵn sàng đưa cho nó bất cứ cuốn sách nào nó yêu cầu kể cả cuốn sách cha cấm tôi được đụng vào, thay cho một lời xin lỗi, mọi thứ tôi làm đều muốn bù đắp cho nó giống như tình cảm người mẹ yêu thương dành cho đứa con vì đã không cho nó được một cuộc sống đầy đủ hơn. Tôi sẽ hỏi cha mình về bất cứ vấn đề nào mà Văn băn khoăn trong các cuốn sách rồi sau đó giải thích lại cho nó. Nó hâm mộ cha tôi vì sự uyên bác của ông, hâm mộ mẹ tôi vì tính cách lặng lẽ của bà, hâm mộ tôi vì tôi là con hai vị đó. Một lần tôi bảo nó về nhà mình ăn cơm vì mẹ tôi lộ ra ý lo ngại với cha tôi rằng tôi không hòa đồng được ở trường nên có thể không kết được đứa bạn nào. Văn khiến cha mẹ tôi khá hài lòng với cái vẻ mặt cam chịu và những nụ cười gượng gạo khi phải ngồi trên bàn ăn mà ăn cơm. Tôi giải thích cho cha tôi rằng nó thích những cuốn sách, ba tôi liền hỏi nó đã đọc những cái gì vì theo ông một con người dễ dàng được đánh giá qua những thứ mà họ chọn đọc.Văn liền kể ngay không vấp váp tất cả những tiêu đề trong tủ sách của nhà tôi và cả trong thư viện. Cha tôi gật gù tỏ vẻ đồng ý, như thế nghĩa là ông thấy Văn cũng là một người bạn “khá được”, còn tôi thì biết chọn bạn mà chơi. Cha nói với Văn nếu có bất cứ vấn đề gì cứ tìm ông, còn mẹ tôi nói cứ đến đây bất cứ khi nào cháu thích. Cha mẹ tôi từ trước đến nay chỉ đưa ra những nhận xét về những người bạn mà không hề áp đặt lên tôi việc không được hay được phép chơi với một người nào. Họ để tôi có quyền lựa chọn và tự đưa ra cách đáng giá của mình, điều này tạo dựng nên trong tôi một lớp kính tuy hãy còn khá mờ nhưng sau này sẽ giúp đỡ tôi trong việc chọn lọc các mối quan hệ của mình.
Sau bữa tối, tôi chỉ cho nó ngôi Đền trước mặt ngôi nhà, nói với nó rằng tôi đã đến đấy một lần nhưng cảm giác hoàn toàn sai khác. Nó không nói gì, chỉ gật gù và bảo ngôi đền ấy đối với người trong thị trấn này rất thiêng liêng. Rồi hai chúng tôi chia tay nhau để nó ra về vì đường về nhà nó xa và tối tăm, nó phải đạp xe đạp (cái xe có cái ngạnh ngang trước yên xe như của mẹ tôi nhưng rỉ sét và thường kêu kẽo kẹt theo mỗi lần bánh xe quay một vòng) gần một tiếng mới về được đến nhà. Từ đó cuộc sống có thêm một người bạn của tôi dễ chịu hơn, đến lớp trao đổi bài vở và sách, ra về. Mỗi sáng đi học tôi đều tự cuốc bộ vì chỉ có một đoạn ngắn, nhưng gần đây Văn hay cho tôi quá giang vì nó muốn đến trường phải đi qua nhà tôi. Bọn cùng lớp bình thường không để ý đến hai chúng tôi, nhưng chuyện hai đứa tôi đèo nhau đến trường khiến chúng tò mò, từ đó nổi lên cái tin đồn rằng hai đứa chúng tôi yêu nhau và cả lũ ngạc nhiên khi thấy cha mẹ tôi không hề có ý kiến gì về việc ấy. Với chúng, những đứa trẻ mới lớn bắt đầu có những tình cảm riêng tư, xây dựng các mối quan hệ giữa nam và nữ chỉ dựa trên một điều duy nhất ấy là cái cảm giác hứng thú về nhau, bố mẹ chúng ngoài việc tạm gác công việc riêng lại khoảng năm phút để răn dạy về những yêu đương tuổi mới lớn ra thì không còn thời gian cho chúng nữa. Tôi đã rất ngạc nhiên suốt cả khoảng thời gian ấy về chuyện một đứa con gái trong lớp, thuộc loại khá xinh xắn, da nó trắng hồng lên dưới lớp áo đồng phục, còn phần chỏm má dưới hai con mắt to tròn lúc nào cũng ửng đỏ, có cảm tình với một thằng con trai học trên một cấp. Thằng con trai thì tôi không biết gia đình nó có ngăn cấm gì không, nhưng đứa bạn cùng lớp ấy bị bố mẹ nó cấm không được đi ra ngoài đường sau buổi học, đi học cũng có người đưa đón, và chỉ cần một dấu hiệu nhỏ tỏ sự lơ đãng là nó sẽ bị cô giáo báo cáo ngay lại với bố mẹ nó. Thế là từ một lẽ tự nhiên trong quá trình phát triển tâm sinh lí cần phải trong sáng, những thứ tình cảm ấy bị vùi lấp đi trong vòng gọng siết chặt của những người lớn - những người cho rằng không thể quản được thì cấm. Tôi nói chuyện với bố tôi về vấn đề này vài lần, ông với tư cách là một người cha có kinh nghiệm, đã bỏ ra hẳn một buổi chiều ở phòng khách, để phân tích cho tôi nghe tâm lí của những người làm cha mẹ:
“Con không hiểu, vì sao phải cấm đoán?”
“Ấy là vì ngay từ đầu người ta đã không giáo dục con cái ở mức độ mà đến tầm tuổi này, chúng có thể tự lập trong suy nghĩ được ! Ấy là một quan niệm hết sức sai lầm nhưng lại rất dễ bắt gặp. Con cần phải mở to mắt mình và nhìn vào các vị ấy, con có thấy trong ánh mắt họ có sự dễ dãi vì được nhàn nhã không? Ở một nơi như thế này không làm việc thì không có cái ăn, và muốn có một ngôi nhà khang trang với xe cộ và con cái được học đại học thì phải làm việc thật lực. thế nên người ta quên luôn cái việc phải giáo dục con cái ra sao, mà cũng chính vì một thế hệ đi trước chưa cho các bậc phụ huynh của thời đại này hưởng một nền giáo dục an toàn nên họ lại lặp lại điều ấy, con hiểu không?”
“Thế nên tụi con không thể yêu nhau ư?”
“Trước hết, con gái, nghe cha nói, con được phép yêu, cha mẹ không thể kiểm soát tình cảm của các con. Nhưng cái tình yêu mà con nói đến có thể đẹp, có thể không, là dựa trên góc độ và suy đoán của chính bản thân các con. Vì thế mới nói chuẩn bị cho các con những kiến thức chắc chắn là cần thiết, để các con vẫn cảm thấy tự do nhưng mãi mãi về sau này sẽ không hối hận về chuyện tình cảm trẻ tuổi này.”
Tôi suy nghĩ về những điều cha nói:
“ĐỨa bạn cùng lớp con bỏ nhà ra đi vì nó nói nó không chịu được sự quản lí của bố mẹ nó..”
“Điều ấy là tất nhiên rồi..” Cha nhún vai và mỉm cười khi nhìn vào mắt tôi. Tôi biết ở tôi có cái gì làm ông tin tưởng, vì những lý thuyết đã ngấm vào máu tôi kể từ khi tôi bắt đầu nhớ được sự việc, hay từ những thứ mà ông cho rằng tôi đã tiếp thu được ở một nền giáo dục lạc quan của môi trường thành phố hiện đại?, cha mẹ chưa đẩy tôi đến độ nảy ra một ý nghĩ muốn bỏ nhà ra đi, hay tôi cảm thấy căm ghét chính cha mẹ mình. Họ để tôi vùng vẫy trong vùng không gian riêng tư của mình và chắc chắn rằng tôi sự tự tìm được một con đường sáng để đi, họ chỉ ghé mắt vào nếu tôi im ắng quá lâu, điều này tôi rất cảm kích.
“Vậy con được phép yêu chứ?”
“Chữ yêu cha nghĩ hơi nặng nề trong trường hợp này, nhưng tất nhiên, đấy là quyền tự do của mỗi con người”
Tôi nhận được câu trả lời như tôi mong muốn, quá đơn giản, quá thẳng thớm, khiến tôi càng trở nên băn khoăn với những mong muốn cực đoan của các bậc phụ huynh khác. Tôi không bao giờ, không bao giờ quên được cái ngày cô bạn xinh xắn có đôi má ửng đỏ trèo xuống khỏi xe của mẹ mình, chạy vào lớp và òa khóc trên đôi vai của cô lớp trưởng cũng là bạn thân của cô ấy. Tôi thầm một lần nữa cảm ơn cha mẹ mình vì đã có những suy nghĩ tích cực về cái cách mà trẻ vị thành niên được lập trình để học những điều mới mẻ trong cuộc sống. Tôi chợt nghĩ về Văn, thằng bạn cùng bàn, yêu sách và có chiếc xe đạp cũ mèm thường đón tôi khi tôi vừa ra khỏi cổng nhà. Tôi định hỏi nếu cha rằng lỡ tôi thích Văn thì sao, nhưng ông đã rời khỏi bàn uống nước và leo lại vào phòng làm việc của mình. Mẹ tôi ở bếp vẫn không ngừng chạy đi chạy lại giữa bếp ga, bồn rửa bát, tủ lạnh….
Bị bọn bạn trong lớp nói tôi và Văn là một cặp yêu nhau không làm tôi bận tâm lắm, nhưng điều tôi ngạc nhiên hơn cả là chính Văn cũng không phản ứng gì trước lời đồn ác ý của lũ bạn. Nhìn mặt nó mỗi khi dừng xe trước cổng trường, đặt chân xuống đất chờ cho tôi xuống hẳn mới dắt xe vào bãi gửi xe thản nhiên đến độ như chuyện ấy là điều mà mỗi ngày nó đều phải làm. Đôi khi lũ bạn ở trong lớp cố tình nói lớn để chúng tôi và giáo viên nghe thấy, rồi cười những tiếng lảnh lót, với tôi những tiếng ấy chỉ giống như những lá tre mảnh và nhọn, rơi ra khỏi thân tre rồi theo gió xoáy tròn, chạm vào mặt đất rồi nằm im ở đó cho đến khi mục nát, không hơn. Tôi có lần thử nhắc tới chuyện lũ bạn trong lớp thì thầm với cậu ta thì cũng chỉ nhận được một cái nhún vai “kệ chúng nó”. Bố mẹ Văn là những nông dân thực sự, dù tôi chưa bao giờ đến nhà nó chơi nhưng tôi cũng tưởng tượng được gương mặt bố mẹ nó nhăn lại như hai quả táo tàu, hai cơ thể nhỏ bé rúm ró trong bộ quần áo đã không còn ra màu gì. Nụ cười của họ mỗi lần nở ra chỉ như cái bóng nắng chiếu lệ đầy những miễn cưỡng. Họ hẳn chưa bao giờ học đến quá lớp cơ sở, và móng tay móng chân lẫn đầu tóc lúc nào cũng là một sự bí ẩn đen sì. Nhưng Văn lại không bị tác động bởi lệnh cấm trong giai đoạn của sự phát triển sinh lý này, hoặc như cậu ta bỏ ngoài tai lời răn đe của bố mẹ cậu?, tôi chắc không đời nào Văn không nghe lời bố mẹ mình, vì hai gương mặt khắc khổ ấy đã nói thay hết những lời phải nói.
Tôi cho rằng quá lý lẽ mà cha mình đưa ra không còn cơ sở đứng vững trong trường hợp của Văn, bố mẹ cậu ta bận bịu đến độ không có cả thời gian để cấm, và từ đó cậu ta tự thân tạo dựng được cho mình một bản thể riêng biệt nhờ ý thức được thế giới bên ngoài mài dũa, từ điểm đó, tôi thấy mặc dù hai chúng tôi có những hoàn cảnh và trường hợp khác nhau nhưng ở một góc độ nào đó, cái cách mà chúng tôi tự xây dựng nên bản thể tự thân của mình thì hoàn toàn giống nhau, và dù cho mỗi con đường hai đứa đang đi có khác nhau và nhiều đổi thay thì chắc chắn ở điểm dừng của chuỗi phát triển chắc chắn sẽ vẫn chỉ có một kết quả. Điểm này chính là lí giải cho việc mối quan hệ của chúng tôi phát triển thành tình bạn mà theo tôi biết quan hệ kiểu này xuất phát điểm là từ những thiếu sót của hai bên được bù đắp, hoặc từ chỗ sự ngang bằng nhau về mặt tính cách. Từ đó trở đi tôi không còn nhìn Văn với ánh mắt mà tôi thường dùng nữa, cái ánh nhìn ở phía dưới và gương mặt với hai hốc mắt chìm sâu vào trong bỗng trở nên méo mó với những lẫn lộn giữa những trạng thái mơ hồ trong suy nghĩ của tôi, mọi thứ không còn bị trọng lực hút nữa mà bay lơ lửng trong không gian không theo bất cứ khuôn phép nào và nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân tôi. Cái bóng của nó giờ lớn và đậm hơn, đứng bên cạnh cái bóng của tôi nó hoàn toàn là một cá thể độc lập và có suy nghĩ riêng được bản thân tôi thừa nhận và tiếp thụ. Tôi học cách bày tỏ mình ở một nấc thang khác, cao hơn trong thế giới mà tôi chưa từng nghĩ mình có khả năng bộc bach. Tôi không tìm được một trật tự để sắp xếp cái phát hiện mới mẻ của mình để nó khớp với cảm nhận ban đầu của tôi về người bạn cùng bàn, điều ấy làm tôi thêm một lần nữa bứt rứt vô cùng và kí ức về vụ cuốn sách “ác quỷ Nam Kinh” lại hiện ra rõ mồn một, cùng theo nó là cảm giác tội lỗi bức bối mà tôi tưởng như đã quên được nó nay lại bùng kèm theo những tiếng lanh canh.
Tôi đang ngồi trong phòng mình khi những ý nghĩ ấy vừa mon men ngoi lên, nhưng một chuyển động từ ngôi nhà phía sau thu hút sự chú ý của tôi khiến tôi tạm gác nó sang một bên. Đó là người đàn bà giữ Đền, bà ta vừa tiến vào sân trước ngôi nhà thấp hẳn xuống phía dưới so với nhà tôi, xe ga màu đỏ chói lựng lên y như màu môi tô đậm của bà ta. Mái tóc ngắn uốn xoăn quá đà nổi bật lên trên nền mặt dậm phấn trắng toát thành một thứ điểm tô kì quái, như con búp bê bị người ta trang trí để hù dọa lũ trẻ con trong những cơn mơ dữ dằn. Từ góc độ này tôi thấy rõ mọi động tác vành vẻ của người phụ nữ ấy, cái cách bà ta mỉm cười, cách bà ta nhấc một chân để bước xuống khỏi yên xe, cách bà ta rút chìa khóa khỏi ổ. Căn nhà vẫn vắng lặng không có một tiếng động chứng tỏ có người ở nhà, nhưng bà ta cứ thế tiến vào như biết rõ tất cả mọi thứ bên trong. Ngôi nhà hút lấy người phụ nữ đánh chụt một cái, nuốt luôn cả nụ cười mà ngay khi vừa bước chân tiến vào bà ta đã nở ra, rồi nhả ra quả bóng lừng lững của sự vô thanh. Bầu trời ngả dần về tối khi mẹ gọi tôi xuống ăn cơm mà chiếc xe máy của bà ta hãy còn ở sân trước, im lìm.
Ở khối lớp Tám có một đứa con gái cùng làng với Văn, thi thoảng khi cho tôi đi nhờ đoạn đường đến trường, cô bé ấy vẫn đạp xe bên cạnh nói cười vui vẻ. Cái không gian chung giữa ba người này luôn khiến tôi có cảm giác bồn chồn không yên, nhưng có vẻ hai người kia hoàn toàn không cảm thấy có điều gì bất thường trong chuyện này. Mỗi khi ngồi đằng sau nhìn gương mặt của hai người cười nói vui vẻ, kể cho nhau nghe những thứ xung quanh họ, nhưng thứ mà tôi không thể hiểu nổi về cây lúa, về chuồng trâu, về thức ăn cho lợn hay về đi rừng...gương mặt tôi lại bị một bóng đen chiếm lấy khiến hai tai ù đi, miệng lạo xạo những viên sạn nhỏ xíu không biết từ đâu chui vào, còn chân tóc thì ngứa râm rẩm như đang bị xâm hại bởi hàng ngàn con chấy nhỏ. Câu chuyện giữa ba chúng tôi chỉ thực sự bắt đầu khi Văn thấy sự im ắng đằng sau lưng của nó biến thành một cái gì cũng bứt rứt không kém, đành phải hỏi tôi vài câu cho phải lẽ, nhưng những bánh răng trong cái máy bỗng dưng lệch lạc và chậm chạp, khiến mọi thứ cứ vỡ vụn ra như mẩu bánh bích quy đã khô rạn. Những điểm chung giữa hoàn cảnh hai con người đang gò lưng đạp vào cái bánh xe mòn vẹt bỗng dưng biến thành một quả cầu chứa đựng những sắc màu thiêng liêng mà không phải ai cũng có thể thèm khát và tự bước vào, chất nhựa chảy ra từ quả cầu ấy nó có mùi hắc ín và in lên thành não bộ những kẻ không quen một sự thật buồn tẻ sắp trào lên thành cục trong cổ họng. Tôi luẩn quẩn trong cái ý nghĩ về quả cầu, hình dung mình như cô Alice nhỏ chơ vơ giữa một thế giới hỗn mang giữa thực và ảo, những giá trị bị đảo lộn và tâm thế chuyển đổi vần vũ thành những vầng hào quang tròn xoe tỏa ra từ giữa trung tâm của sự sống. Tôi không bận tâm đến sự thật rằng tôi khoong biết một chút nào về thế giới của người bạn nhỏ ấy, nhưng cái tách bạch giữa hai chúng tôi bỗng trở nên rõ ràng và biến cái bóng trải dài của Văn thành một tấm lưới không an toàn mà tôi của thể bám vào như trước. Mỗi khi bất đắc dĩ phải ở bên trong cái quả cầu phả mùi hắc ín của Văn và cô bé lớp dưới tôi đều phải dùng sức mạnh của tâm tưởng và lắc đầu mình thật mạnh để từ đó bật ra một khái niệm mới về sức mạnh tinh thần, chỉ có nó mới giúp tôi đứng vững trong cái mối quan hệ nhằng nhịt chính là nơi khởi nguồn của mọi tình cảm khó vượt qua ấy. Tôi nửa muốn tiếp thu, nửa lại giằng co với bản thân để dứt ra khỏi nỗi ham muốn ấy. Văn đã tác động lên tâm trí tôi một lực phát mạnh mẽ, nhưng âm thầm và không gây đau đớn, đến độ cho tới khi tôi nhận ra nó là cái gì, thì mọi thứ đã quá muộn, tôi đã không còn ở nơi có thể tiếp nhận và trao đổi nó tới người cần được tiếp nhận nữa. Tôi không bao giờ ghen ghét với hai khuôn mặt mà từ đó một làn hơi tươi mới phả ra của họ, chính tôi cũng không biết nếu không vì lí do ghen ghét thì tại sao tôi lại bối rối khi phải đối diện với nó, có thể chính cái lúc ấy, cái tôi của tôi bị đánh gục chỉ lớn hơn thân cây gãy sau trận bão một chút, nên tôi thấy mình bị loại bỏ, thừa thãi trong làn hơi tươi mới ấy. Hoặc, những thứ ấy đã không chấp nhận tôi như một phần của nó,khiến tôi tự cảm thấy điều nó muốn tôi thấy, để nó không phải trực tiếp ra tay với tôi.
Dù gì chặng đường ba chúng tôi đi chung cũng chỉ có hạn, đến trường, nơi những đứa còn lại đang chờ đón bằng những nụ cười mỉa mai dành cho nhóm bạn kì cục, họ liền rời xa nhau trở lại vị trí của mình, Văn đứng cạnh tôi, cô bé đi về lớp học của cô, làn tươi mát của họ tự lúc nào cũng biến mất. Tôi lấy lại vị thế của suy nghĩ của mình, dành nó tập trung cho buổi học và đầu tư một chút vào không khí trong lành của bầu trời. Những lần đầu chịu đựng cảnh ba người đi chung một đoạn đường tôi đã không kiểm soát được mình, bỏ chỗ ngồi của mình để vòng ra phía sau sân trường, là một khu vườn trồng rau ăn và một số loại cây thân nhỏ. Tôi ngồi đó ngắm nghía bầu trời và vườn rau, định hình lại những tình cảm, rồi mới có đủ can đảm đối mặt với Văn. Tôi thích cây cối, đặc biệt là những loại cây có tác dụng cụ thể, và hoa. Khu vườn này cũng do học sinh canh tác trong các giờ lao động tập thể, nhưng là nguồn rau cung cấp cho các bữa ăn của giáo viên trong trường. Chúng tôi không bao giờ phàn nàn gì về việc ấy, đó là một lời cảm ơn mà chúng tôi dành cho các giáo viên đã mài mòn năm tháng của mình ở nơi chán ngán này để lặp lại hàng ngày những câu nói, cử chỉ và biểu hiện của mình. Vườn rau chia thành các luống không thẳng hàng, trồng một số cây rau cơ bản dễ lớn như rau cải canh, rau xà lách, rau dền lẫn trong mấy dây leo rau mồng tơi, mấy cụm rau ngót đã bị tuốt đến tận gốc…. Chúng mơn mởn dưới cái nắng nhiệt đới, nhưng mát và khô ráo. Ở một số chỗ cây rau cải bị ngắt sót còn ngẩng đầu khoe lên cao hẳn những cái hoa màu vàng rung rinh. Trong góc vườn còn có mấy cây ổi và thân chuối thấp nhỏ. Một cây hoa đại lạc loài trong vườn rau cũng vừa kịp trổ một chuỗi hoa vàng rồi giữ nó im lìm trên cành. Các lớp học im ắng, thi thoảng tiếng của một giáo viên nào cất lên cao hơn hẳn so với sóng âm thanh truyền đi trong không khí mới vẳng lại được phía vườn sau này. Tôi bó gối nhìn những cái dập dờn của đám rau khi một cơn gió lẻ loi vừa chạy qua, quệt một đường thẳng tắp. Lòng tôi chùng xuống trong một cơn buồn ngủ bất ngờ, như khi đầu óc đã hoạt động quá công suất của nó.
Những lần sau mọi chuyện đã đỡ khó xử hơn, tuy những khó chịu trong tôi vẫn còn đấy nhưng tuổi trẻ luôn luôn được bồi đắp trong hàng ngàn kiến thức hiện thực tươi mới, khiến cho mỗi ngày đều là một ngày bận rộn, không chủ đích những suy nghĩ trong tôi cũng tự động lui về nơi thiếu ánh sáng, mặc dù Văn cũng có một vài lần hỏi tôi về sự im lặng của mình khi cả ba người đi chung, tôi quá quấy bảo với nó rằng tôi chỉ ngại vì phải nói chuyện với người lạ thôi. Tôi không nói dối, tôi chưa bao giờ thấy hứng thú khi phải nói chuyện với người lạ, bắt đầu một mối quan hệ lâu dài (kể cả sau này này cũng thế) luôn luôn là một trở ngại, nhưng trong câu chuyện với Văn, đấy chưa phải là tất cả. Tôi không phủ nhận những yếu tố tốt đẹp của Văn tác động lên tâm hồn tôi như làn gió tác động nâng đỡ cánh bướm, nhẹ nhàng nhưng hữu ích, nhưng một đôi khi ở một thế ngược lại, tôi không chắc những tác động của mình lên nó có mang lại hiệu quả tích cực?, sau những suy tư không có nguồn gốc và hồi kết mà tôi giữ cho riêng mình để tránh một hiểu lầm không đáng có giữa ba chúng tôi, tôi cảm thấy có những điều mà thực chất tôi không thể nào chia sẻ với người ngoài, thậm chí là Văn đi chăng nữa, nó cũng không thể nào động tới được một phần riêng biệt đó của tôi. Đấy không phải là tín hiệu đáng mừng hay gì cả, đối với tôi xây dựng bản thể mình hoàn chỉnh có một mục đích rõ ràng, nhưng quá trình thì phức tạp và gây cho tôi không ít những bất ngờ, có chuyện hay, có cái lại dở, nó ảnh hưởng đến tâm lí và cái nhìn của mình đối với những người xung quanh, từ đó tạo cảm giác không chắc chắn về sự tồn tại và lí do tồn tại hoặc lí do tác động của mình lên người đó. Sau chuyện lần này tôi hiểu thêm về mình, và cũng hiểu thêm về sự khác biệt trong giới hạn của tình bạn giữa tôi và văn. Nó cũng không bận tâm nữa, để những tháng ngày của nó trôi đi êm ả bên cạnh những băn khoăn của tôi.
4.
Thị trấn Mát chỉ vỏn vẹn 20km2, trải ra hai bên của trục đường chính mà nhà tôi nằm ngay đầu con đường. Thị trấn nổi tiếng nhờ những cây long não cổ thụ ở hai bên con huyện lộ trải nhựa đường thẳng tắp . Trải qua những lần chiến tranh thuộc loại khốc liệt nhất thế giới nhưng hai hàng cây vẫn đứng sừng sững ở đó tự bao giờ, giơ những cái thân xù xì ùn lên những mấu, những cục vì năm tháng hiên ngang chọc lên bầu trời. Những tán cây lớn rợp bóng cả con đường khiến thị trấn tự gọi mình là Mát vì cứ đến mùa hè những mái nhà hai bên đường, những người đi dưới bóng cây đều không bị ảnh hưởng bởi cái nắng chói chang xứ này. Hơn thế nữa, cây long não cổ thụ có một thứ mùi rất riêng biệt vừa giống như trầm hương lại vừa giống như mùi cỏ mát, cứ mỗi mùa trổ hoa lại len lỏi vào trong tâm trí cư dân ở đây để lại dư vị không thể nào quên.
Thị trấn nhỏ nên ai cũng biết nhau, tạo nên một cộng đồng nhỏ thân thuộc đến từng thói ăn ở đi lại của nhau. Từ sự hiểu nhau quá rõ ấy, mọi người trong thị trấn vừa thông cảm, vừa sẻ chia dễ dàng hơn, nhưng từ đó cũng xảy ra nhiều chuyện rắc rối.
Trước hôm thi học kì một, một chuyện đã xảy ra trong xóm tôi. Vừa lúc tôi đi học về thì thấy một nhóm người lớn xúm đông lại trước cửa nhà người phụ nữ trông coi ngôi Đền, một tiếng cao vút và ồn ã cất lên giữa những tiếng lao xao nhỏ hơn ở chung quanh. Tôi không ý thức được mình đã thấy mình len lỏi vào giữa đám đông lố nhố những cái đầu cao hơn tôi đến mười phân. Giữa vòng người là một người đàn bà đang quỳ dưới sân trát xi măng tuy thẳng thớm nhưng đã ngả màu cũ kĩ. Khi này không khí đã ngả lạnh cái lạnh ê ẩm âm thầm của mùa đầu đông nhưng người đàn bà chỉ diện độc một cái áo cánh với chiếc quần âu cũ kĩ. Nhìn dáng điệu cũng đủ biết bà ta là người làm việc ăn lương nhà nước, đầu tóc không tỉa tót, không nhuộm màu, chỉ đơn giản buộc bằng một cái dây chun màu đen. Khuôn mặt bình thường không có vẻ gì nổi bật của bà ta đang nhăn nhúm khổ sở trong làn nước mắt chắc đã trào ra từ lâu lắm. Nếu gặp người đàn bà này trong một hoàn cảnh khác thì tôi chắc chắn sẽ có cảm tình với sự sạch sẽ tỏa ra từ mùi nắng trong thứ phục trang trên người, giống như Văn, dù không phải đồ mới cáu cạnh nhưng lúc nào cũng sạch sẽ. Nhưng giờ đây hai chỗ quần ở đầu gối bà ta xộc xệch những vệt trắng do ma sát với bề mặt bê tông, hẳn da thịt ở phía trong cũng không được yên lành, nhưng bà ta không để ý, bà ta hãy còn bận giơ hai bàn tay mình lên cao rồi đập xuống hai bên đùi tạo ra tiếng phành phạch, đen đét phụ họa cho màn khóc lóc thảm thiết mà phần nhiều là tôi nghe thấy là mấy chữ “ối giời ơi”. Tôi tập trung thính giác của mình để không bị xao nhãng bởi cảnh tượng trước mắt, tôi dần hiểu ra những lời bà ta nói và những lời người xung quanh đang rầm rì chỉ trỏ. Có người nói bà này làm việc cho một công ty bảo hiểm nhỏ ở phía cuối thị trấn, làm kế toán ăn lương, chồng hay đi mỏ quặng, gia đình bình thường. Nhưng đột nhiên hôm nay bà ta phát hiện ra thằng con trai mình mới hơn mười tuổi bị xâm hại, mà thủ phạm không ai khác chính là người phụ nữ tóc ngắn có gương mặt lúc nào cũng trang điểm đậm ở cách nhà tôi ba căn này. Nghe xong câu chuyện, tôi tự nhẩm lại thành tiếng hai chữ “xâm hại” để nó thấm vào đầu mình, lúc này tôi vẫn chưa kịp hiểu mức độ nghiêm trọng trong hai chữ ấy, định bụng để về hỏi ba, đành trơ mắt nhìn tiếp cảnh tượng đập phành phạch tay vào đùi và gào khóc của người đàn bà trước cái cổng sắt trơ tráo cứ đóng im ỉm. Tôi không biết chủ nhân ngôi nhà có ở trong không, bà ta có nhìn thấy hai đầu gối người phụ nữ này phủ đầy những đường vân trắng không, thấy những giọt nước mắt mà tôi không hiểu vì đau buồn, tức giận, hận thù hay bất lực hay tất cả chúng cộng lại đang chảy tràn ra trước toàn thể những người không liên quan này hay không,..nhưng trong không khí ảm đạm của những người đứng xung quanh, tôi bỗng thấy mình đột nhiên nhỏ lại chỉ bằng một con côn trùng, hai bên miệng tôi là hai cái răng vừa dài vừa quặp đen trũi mở sang hai bên mép, hai cái răng đánh vào nhau thành những tiếng bép bép, hai cánh tay tôi trở thành đôi cánh mỏng dính có thể nhìn xuyên thấu qua đang xòe lên trong tư thế sẵn sàng bay. Tôi đưa mắt về phía nơi có tiếng động lớn nhất phát ra là cái trung tâm của vòng tròn người, chuẩn bị vỗ đôi cánh mỏng bay đến đậu lên vai áo của người đàn bà, rồi tôi sẽ xoay một vòng trên những cái chân mình, để bà ta cảm nhận thấy chuyển động đang bao bọc thứ dư vị mà tôi muốn truyền đến, để người ấy tạm quên đi việc khóc lóc và đập tay vào đùi, thay vào đó dùng tay đập bẹp cái thứ đen sì là tôi đang bậu trên vai. Nhưng một cánh tay kéo giật tôi ra khỏi những ý nghĩ, đó là mẹ tôi, bà xách một bên tay mà vừa nãy còn là cái cánh mỏng có thể nhìn xuyên qua được của tôi kéo về phía nhà, rời xa đám đông hãy còn ồn ào và rời xa tiếng vọng ra thảng thốt của người phụ nữ áo cánh. Tôi chỉ vừa kịp nhận ra mẹ đang kéo lê tôi đi trên vỉa hè, kêu lên một tiếng A thảng thốt, đã thấy mẹ đóng hai cánh cửa lại. Cha tôi đang ngồi ở xa lông , một việc mà hiếm khi ông làm khi chưa tới giờ ăn cơm. Mười ngón tay ông đan vào nhau, cùi trỏ đặt trên mặt phẳng của đùi, người ông gập hẳn về phía trước, tựa vào hai điểm đỡ duy nhất ở trên đùi. Tôi bấm những đầu ngón tay vào hai quai ba lô đang đeo trên lưng, dồn toàn bộ sức lực vào đó để tránh bật khóc. Tôi không biết vì sao cơn thổn thức lại xô đến lúc này, sau tất cả những gì vừa chứng kiến, tôi cứ tưởng tượng ra cảnh thức của việc “xâm hại”” mà vẫn không tài nào nắm bắt được ý nghĩa thực sự của nó. Chính vì thế mà tôi muốn khóc ư?, không, không phải như thế, có cái gì nữa hơn thế sâu trong tôi hiểu hết tất thảy những thứ đó, và nó lớn lao đến độ vượt quá phạm vi diễn đạt bằng cảm xúc và hành động của một đứa con gái mười lăm tuổi, nên trào dâng thành cơn nức nở của sự uất ức. Tôi quyết chí không thể rơi một giọt lệ nào trước mặt cha mình, người đang ngồi kia dù không cần nhìn nhưng cũng biết tôi sắp sửa bật khóc. Mẹ tôi nhìn thấy những nếp hằn hai bên khóe môi tôi đã chạy vào trong bếp, như tất cả mọi lần khác bà chạy trốn khỏi tôi. Chỉ còn cha tôi là ngồi kia đợi tôi đi tới. Đột nhiên tôi nhớ ra hình ảnh người phụ nữ tóc ngắn ấy đã có lần đi xe máy đến ngôi nhà ở phía sau nhà chúng tôi, nụ cười mà bà ta nở ra khi bước vào phía trong căn nhà quả đã thức dậy trong tôi một số suy nghĩ tồi tệ, nếu như trong đó cũng có một đứa trẻ mới mười tuổi, nếu như trong đó có hai đứa trẻ mười tuổi, nếu như bố mẹ chúng đi làm đến tối mới về?, nếu như mọi thứ chỉ là suy đoán không có kết quả. Tôi mím chặt môi mình hơn, tiến lại gần phía hơi ấm tỏa ra từ người cha mình, tôi ngồi xuống ghế xa lông với cái cặp vẫn còn ở đằng sau. Cha ngồi thẳng dậy ,vòng tay qua vai tôi rồi giữ như thế thật lâu. Hơi ấm từ cánh tay dài của cha truyền vào vai tôi, qua lớp vải dù của cái ba lô hãy còn nguyên trên vai. Tôi cảm nhận được từ hơi ấm ấy không chỉ là một sự nhắc nhở về sự hiện diện của nó, mà còn là một cái vuốt ve bao dung từ người chia sẻ chung một dòng máu với mình. Cơn nức nở của tôi dần dần bị quên lãng đi trong không khí im lặng nhưng ấm áp này, tôi đứng lên, mỉm cười với cha trong khi xoay vai đi thẳng lên phòng mình.
Khi đã yên vị trên giường của mình, kéo chăn đến tận cằm, hình ảnh ngôi Đền đến với tôi trong một bức tranh sáng tối rõ rệt. Tôi đứng ở bên sáng, còn ngôi Đền ở bên tối với những gian nhà có lớp sơn bong tróc nhưng vững chãi, hình dáng của nó khiến tôi liên tưởng đến bộ mặt của những lạc đà trong bão táp giữa sa mạc với đôi mắt nhắm tịt lại, cái miệng trề ra, đương đầu với những trận gió lớn cuốn theo những hạt cát sắc cạnh cứ thế mà phả vào mặt chúng. Nhìn từ xa cả đàn lạc đà đứng chôn chân trong cơn cuồng phong có cái tư thế nhẫn nại và trơ tráo đến không ngờ, qua bao nhiêu thời gian đi chăng nữa thì nó vẫn cứ giữ một dáng vẻ như thế. Với dáng hình như thế tôi đã không nghĩ được rằng ngôi Đền sẽ xử trí thế nào với tội lỗi của người canh giữ nó, nhưng nếu ngôi đền là một sinh vật sống thực sự, có khả năng phán xét thì mọi chuyện bỗng trở nên đơn giản hơn rất nhiều, và tôi e rằng sẽ chẳng có ai dám mang thân mình quỳ trước cửa sân Đền mà cầu xin được phán xét. Không tôi lại đi quá xa trong trí tưởng tượng của mình rồi. Ngôi đền trong bóng tôi không hắt được cái ý niệm của nó về phía tôi đang đứng giữa ánh sáng, tất cả những thứ mà nó làm để tác động được đến tôi chỉ là sự im lặng của nó. Dưới bốn góc sàn nhà tỏa ra một thứ màu tối hơn cả màu đen của bóng đêm, tạo thành những góc 90 độ cứ run rẩy, run rẩy trong ánh sáng tù mù của mấy cây đèn cầy có nắp chụp bằng thủy tinh. Những bóng đen nhảy múa trên bức tường lở loét, không đếm xỉa gì đến vẻ run rẩy của bốn đầu rồng ngậm ngọc trạm trên mái nhà. Những đầu con rồng ấy bỗng nhiên trở nên bé tí, rồi biến mất ngay trước mắt tôi, thay bằng đầu của người phụ nữ có mái tóc ngắn uốn xoăn, cặp mắt bà ta chỉ hé được một phần vì phải căng miệng mà ngậm viên ngọc bằng gỗ. Cửa ngôi Đền mở ra một lỗ đen ngoác rộng chực cười phá lên. Tôi lùi lại và chìm hẳn vào trong một giấc ngủ sâu.
Sáng hôm sau đến lớp tôi kể lại cho Văn sự việc mà tôi chứng kiến ngày hôm trước. Lúc ấy cũng có mặt cô bé lớp dưới cùng làng với Văn mà khi này tôi đã biết tên cô là Thi. Một cái tên nhẹ nhàng và phù hợp với khuôn mặt nhỏ nhắn của cô. Khi này tôi chưa biết đến sự ghen tị, nếu không sự ghen tị về vẻ xinh xắn và nụ cười trên đôi môi nhỏ của cô sẽ giết chết hết những bản chất tốt đẹp mà tôi cũng như cha mẹ tôi cố công gầy dựng. Sau này Văn với cô bé cũng có một thời gian yêu nhau, nhưng rồi sự lại chẳng đi đến đâu. Lúc biết tin hai người chia tay, một tôi hai mươi lăm tuổi đang ở cách xa hàng trăm ngàn cây số bỗng dưng trào lên một cảm giác thỏa mãn ích kỉ, ấy chính là cái tôi nói về sự ghen tị của con người. Tôi căm ghét nó, nhưng nó vẫn ở trong tôi. Nhưng lúc tôi mười lăm tuổi, cảm xúc này chưa hiện rõ thành hình hài, nên khi nhìn thấy khuôn miệng và đôi mắt cô bé Thi bày tỏ một cảm xúc kinh hãi trước câu chuyện tôi vừa kể, tôi lấy làm thích thú lắm. Văn nghe xong không nói gì nhiều, cậu chỉ lắc cái đầu sang hai bên, rồi lại im lặng đạp bánh xe quay vòng như thể để tiếng kẽo kẹt của nó nói thay lời. Tôi cũng không biết mình có nên bày tỏ cảm xúc của mình hay không, đành im lặng tiếp tục cuộc hành trình tới lớp. Chỉ đến khi giờ ra chơi 30 phút Văn mới quay sang tôi mà nói:
“Tớ nghe nói bà ta có hành động này từ lâu rồi. Kiểu như ai cũng biết nhưng chẳng ai nói gì ấy”
“Thật thế ư? Như vậy không chỉ mỗi cậu bé kia là nạn nhân ư?”
“Hiển nhiên là thế! Cậu có nhìn đôi mắt bà ta mỗi khi bà ta đứng cầm hương trong một buổi lên đồng chưa?”- hiển nhiên là tôi chưa được nhìn nên Văn nói tiếp, “mắt bà ta mở to và trâng tráo, không như những người khác đang lim dim trong cái không khí thiêng liêng gì đó mà tớ chẳng hiểu được, tớ chỉ nhìn ra sự khác biệt trong con mắt bà ta. Nó chứa đựng một cái gì làm tớ rùng mình, không lộ liễu nhưng làm tớ rùng mình, cậu cảm nhận được không?...” - tôi gật đầu bừa, “đấy, thế nên tớ biết chắc bà ta không thể nào không làm việc gì xấu. Bởi một người hầu hạ thánh thần như bà ta phải là người hiểu rõ nhất ý nghĩa của từ xấu xa chứ”
“Tớ không biết nữa. Ngộ nhỡ nó chỉ là sự hiểu lầm?” - tôi hay như thế, đang phán xét đột nhiên xoay ngược chiều vị trí của mình, nói với đối phương tất thảy những điều ngược lại. Tôi đã không biết lí do vì sao mình hay làm thế cho đến khi lớn hơn, khi tôi chấp nhận sự im lặng là tố chất để giữ chặt sự ngu dốt, thì tôi mới nhận ra việc đảo ngược ấy xuất phát từ hạt của mình, từ nơi sâu thẳm luôn coi mọi thứ trên thế gian là tốt nhất. Tôi đã đứng về phía người xấu, trong một khoảnh khắc.
“Tớ nói cho cậu biết một chuyện nhé, khuôn mặt người ta thay đổi theo từng năm tháng. Cậu có tin không? Chính tà niệm và thiện niệm trong một con người làm người ta thay đổi. Một người có thể xinh đẹp, có thể phúc hậu, có thể tàn bạo và nhẫn tâm, đều thể hiện ra trên khuôn mặt họ. Cho đến một thời điểm nhất định nào đó, sau khi đã trải qua quá trình chuyển đổi, những đặc điểm ấy cố định trên khuôn mặt họ, nó phản ánh chính xác bản chất được hình thành vững chắc ở bên trong. Mà người phụ nữ ấy là ví dụ điển hình, gia đình tớ ở đây lâu đến độ tớ hiểu hết những con người sống trong đó. Và tớ, cũng như nhiều người có ý thức khác, không thích gương mặt của người phụ nữ ấy.”
Tôi đã suy nghĩ về cảm nhận chủ quan của Văn về ý nghĩ gương mặt thay đổi trong suốt cả quãng đời mình, đôi lúc tôi chấp nhận nó, đôi lúc tôi lại không, nhưng cứ mỗi khi nghĩ về gương mặt người đàn bà có mái tóc ngắn xoăn cầu kì ấy, là tôi lại bất giác rùng mình trong một giây mơ hồ về sự vận hành của thế giới.
Thay vào đó, cô bé Thi lại bày tỏ quan điểm của mình về vụ này theo một cách khác, cô kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện mà chính cô từng trải qua:
“Hồi mới vào lớp 8, em luôn luôn nghĩ thế giới xung quanh là phản ánh của tâm hồn em, chính bởi vì trước đó em chưa từng gặp chuyện gì thật là xấu xa và kì lạ. Mới vào lớp em chơi thường xuyên với một cô bạn khác, cứ cho cô này tên A đi, nhưng sau bọn em tự xa dần nhau ra,có lẽ do cách sống, tính cách hoặc một tỷ thứ khác không k phù hợp, nhưng chúng em vẫn là bạn, không có sự thù địch. Rồi một hôm cô ấy nói với em rằng cậu bạn xinh trai nhất lớp, đứa mà tất cả bọn con gái trong lớp đều để ý, thích cô ấy và mỗi ngày đều gọi điện thoại cho cô ấy, đến độ mà bố mẹ cô ấy phát bực vì điện thoại bàn ngày nào cũng kêu vài bận. Em đã dành hết tình cảm trân trọng và vui sướng của mình để đi khoe với đứa bạn học cùng lớp khác, tên B, mà giờ là bạn thân của em về chuyện A được để ý bởi cậu xinh trai ấy. Thế là cái B nó không tin vì nó cho rằng A không xứng đáng, nó liền đi hỏi thẳng cậu bạn kia, và tất nhiên cậu ta phủ nhận chuyện đó. Anh chị có biết em đã thất vọng như thế nào về chuyện này không, mặc dù em vẫn còn nói chuyện với A nhưng sự tôn trọng em dành cho nó, cũng như sự tự tin với thế giới tươi đẹp của em hoàn toàn biến mất. Em chưa bao giờ hiểu được tại sao con người ta lại hành động theo bản tính phù phiếm, mặc kệ những thứ ấy chỉ là ảo tưởng của bản thân mình? Rồi em chợt nhận ra, ngoài A ra, cả thế giới đầy rẫy những kẻ như thế. Em mất một thời gian để hồi phục cái nhìn của mình với thế giới, tuy giờ sự cân bằng đã trở lại nhưng đôi lúc em vẫn lo sợ về những người xung quanh mình chẳng vì lí do gì. Chuyện về người phụ nữ mà chị kể khiến em buồn chút ít, nhưng không còn sự ngạc nhiên”.
Chia sẻ của cô bé Thi khiến tôi có cái nhìn khác hẳn về cô, về những thứ mà tưởng chừng như không đúng, lại xảy ra ở một cá thể đơn độc trong một cộng đồng to lớn nhưng không có điều kiện để phát triển yếu tố ấy. Tôi không được bảo bọc trong thế giới trắng trong như của cô, không được dung nạp thứ ánh sáng sáng màu hắt lên từ đôi mắt của một người có tâm hồn màu trắng, tôi là bản sao thu nhỏ của một xã hội với những biến động khoanh vùng trong các mối quan hệ của cha và mẹ mình, ở đó đầy rẫy những cạm bẫy và đủ các thứ xấu xa, cũng như bản tính lơ đãng, tôi thừa hưởng ở cha mình cả cái tinh ý trước một nụ cười, một khóe mắt bất thường. Và chính thế, chính cái ý nghĩ của em khiến tôi suy nghĩ về việc xảy ra ngày hôm qua với một lăng kính trong sáng hơn, nó gạn lọc đi những bụi bẩn đã làm rúng động toàn bộ giác quan của tôi ngày hôm qua, biến tôi trở lại thành con bọ cánh cứng với đôi cánh mỏng dính có thể nhìn xuyên qua được, nhưng không tự chạy vòng quanh trên những cái chân của mình nữa. Nó không còn chỉ là một điểm duy nhất nữa, mà là toàn bộ câu chuyện, cái chính là chúng ta có đứng ở vị thế có thể thấy toàn bộ không, và có mở to mắt mà chấp nhận toàn bộ điều đó không? Tôi bất chợt thấy mình quả là đã quá thiếu sót khi duy trì một ánh nhìn hạn hẹp về mọi vật như thế từ trước đến nay, và nó ảnh hưởng đến tôi không ít thì nhiều, về đáng giá của riêng mình với cả thế giới. Tôi mở to nhãn quang trong mình, nhìn thật sâu vào sự việc hôm qua, nhìn vào gương mặt hãy còn in hằn lên trong kí ức về người phụ nữ vỗ hai tay vào đùi và kêu lên những tiếng ối giời ơi, trong mắt bà ta dấy lên một cái gì hơn là sự thù hằn, nó vang xa hơn cả nỗi giận dữ, và đau đớn hơn nỗi bất lực, có thể nào ấy chính là tình yêu bị thiếu sót của bà ta đang tự lên án bản thân nó, sự quan tâm cho đứa con không đủ tinh tế để nhận ra bản thân mình đã vô tình đẩy nó đi xa đến chừng nào, có thể nào đó chính là sự tức giận mà bà ta tự trút vào bản thân nhưng thể hiện ra bên ngoài như những đay nghiến dành cho người chịu trách nhiệm?... Tôi đã nghĩ mình thấy được nhiều điều hơn là chỉ một sự giận dữ đơn thuần trong người phụ nữ ấy, người phụ nữ mặc độc có chiếc áo cánh trong cái lạnh đầu đông, và tôi thấy nhiều hơn cả sự im lìm nơi cánh cửa sắt trước mặt đám đông. Tôi đã quá thiếu sót, quá ngu ngốc, quá tầm thường…
Thi và Văn ngồi bên cạnh tôi nhưng cũng chìm đi với những suy nghĩ riêng tư của mình mà tôi cá là đều xoay quanh câu chuyện vừa xảy ra hôm qua. Khuôn mặt hai người họ trong dù tưới đẫm nẵng nhưng vẫn không tránh nổi sự tím tái của đôi môi, ánh mắt phủ trong bóng râm của hàng mi dài, có cái gì quá ư chân thiện ở hai con người này, có những thứ có lẽ không cần phải trải qua thời gian vì nó vẫn luôn ở tận sâu, sâu thẳm trong hạt nhân của một cá thể, nhưng nó lại chính là thứ mà chúng ta đánh đổi để được vươn tới những tầm cao mới, những tầm cao mà tôi chưa bao giờ hiểu hết được những giá trị cụ thể của nó, để rồi sau đó người ta lại lên án chính việc đánh mất nó, và kêu gào phải phổ cập những thứ ấy đến các cá nhân khác. Những giá trị truyền thống bị lãng quên như người ta lãng quên ảnh hưởng trong việc tồn tại của mặt trăng, như người ta vẫn hàng ngày quên mất mình thực ra vẫn chưa là một cá thế hoàn chỉnh, nhưng lại đặt ra một hệ thống để tiến hóa dựa trên cái tôi ham muốn, cái tôi thỏa mãn, thế là thế giới của một con người cứ xoay quanh một điểm không phải là trục chính, lao đi trên đà phát triển và sản sinh ra những lớp tiếp nối u mê trong mê cung của trò chơi vô hình. Chỉ riêng hai người này, hai con người lang thang trong cái ranh giới của kiến thức nhưng vẫn chưa nhấc hẳn một chân kia của mình ra khỏi cái bên khơi sinh, bên khởi thủy của bản tính con người, vì thế nên gương mặt họ vẫn còn giữ được nét hài hòa của tính hướng thiện, của gò má tròn bầu bĩnh và của cặp mắt hãy còn độ sâu. Sau này, tôi không muốn nhắc tới hai chữ ấy, vì thời gian chết tiệt sẽ bào mòn cái chân thiện còn sót lại ở họ, đá họ chỏng chơ vào thế giới của những thói ưa thích vớ vẩn, và phủ lên họ một tấm màn mờ đục của bầu không khí đã bị nhuốm bẩn. Nhưng tôi, tôi biết ở một dạng thức tiến những bước lùi trong sự tiến hóa, cái chân thiện ấy sẽ còn được giữ lại và tiếp nối ở những thế hệ tiếp theo mà khởi nguồn là từ chính hai người trước mắt tôi đây. Tim tôi đập rộn ràng trong những ý nghĩ của mình về một tương lai như thế, cái rộn ràng mà tôi không còn cơ hội kiểm chứng nếu nó là hồi hộp hay chỉ còn là một nỗi thất vọng mơ hồ. Trong buổi sáng ngày hôm đó, khi ngắm nhìn gương mặt của hai người bạn dưới bầu trời xanh ngắt, tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé.
Câu chuyện về người phụ nữ trông Đền bùng lên ở thị trấn bé nhỏ bao quanh bởi những dãy núi này như một đốm lửa nhỏ. Ngày càng có nhiều người hơn đứng lên tố cáo những hành vi sai trái của bà ta với con cái họ. Tôi dùng từ “đứng lên” khi kể với các bạn mình, là bởi những bậc phụ huynh đáng kính kia dường như biết chuyện con cái mình bị lạm dụng một thời gian dài nhưng giấu nhẹm đi, một phần không tin rằng người đàn bà đứng chắp tay nơi cửa Đền lại có những hành động như vậy, một phần không muốn người ngoài biết chuyện con cái họ đã bị lạm dụng để rồi trở thành nguồn cơn của những bàn tán mà từ xưa nay luôn khiến họ khiếp đảm. Họ đã “đứng lên” trong một chuyện tưởng chừng như đơn giản, nhưng đối với những cái đầu chỉ dùng cho việc thu lợi nhuận trong cuộc sống, thì thành ra một cái gì to lớn như khi người ta vùng dậy đòi quyền tự do. Đây là cuộc chiến tinh thần của chính những bậc phụ huynh ấy, cất tiếng nói bênh vực một lẽ phải dễ bị thù hằn và xa lánh, bênh vực một khía cạnh đáng lí phải được bày tỏ như bao khía cạnh khác nhưng nó chỉ hiện ra ở những câu từ mập mờ lại như vừa muốn xóa tan ranh giới của việc cụ thể hóa hành động. Cha tôi nói chuyện với tôi về vấn đề này, rằng ông có thể thấu hiểu cái nhìn của các bậc phụ huynh ấy, cho rằng tôi nên đừng đánh giá họ tiêu cực nữa, hãy tập nhìn cái nhìn tổng thể mà theo cha được biết con đã học được ấy, để xem xem con đã đi xa được chừng nào trên chặng đường của mình. Cha tôi giỏi ở khoản ăn nói, sao cho không chỉ một quan điểm được đưa ra, mà tất cả những khía cạnh khác đều được đề cập đến trong một lời nhắn nhủ vô thanh, tôi cũng không giỏi thuật lại những câu chữ của cha mình, nhưng ý chính và tất cả các ý phụ của ông thì tôi đều nắm bắt được.
Tôi suy nghĩ thật kĩ trước khi tiếp tục câu chuyện với cha mình, cuối cùng tôi nói:
“Điều ấy hẳn là rất khủng khiếp phải không cha? Nếu chuyện đó thực sự xảy ra với con, thực sự ấy, thì điều con làm đầu tiên ấy là tự dằn vặt bản thân mình, con sẽ vắt kiệt mình như mẹ vẫn vắt những nửa quả cam vì cái ý nghĩ ghê tởm bản thân. Bị lạm dụng khiến con cảm thấy mình bị ô uế, thấy mình bị vứt ra ngoài thứ ánh sáng đáng lẽ phải chiếu sáng xung quanh mình như nó vẫn chiếu sáng trên lũ bạn bè mình, mà những thứ như thế thường sẽ chẳng chia sẻ được với ai. Những nạn nhân sẽ chịu sự hành hạ về tâm thần, sự phán xét, và sự lừa dối của chính bản thân mình trước tiên, vì sao ấy ạ, có lẽ vì đầu óc họ chưa đủ lớn để hiểu, hoặc vì họ không có đủ sức mình để chống lại tất cả những giới hạn mà họ cho là đã vượt xa nhiều đối với họ. Con hiểu rồi, cha ạ! Chính sự đau đớn phát ra từ tâm hồn những nạn nhân mới là thứ dằn vặt những bậc phụ huynh ấy.”
“Con gái, con đã bắt đầu suy nghĩ theo chiều hướng đúng đắn hơn, nhưng cái mà con nói về đầu óc và tư duy, nên nhớ đó chỉ là những đứa trẻ mới qua cái ngưỡng mười tuổi một chút. Nhưng con cũng không sai, cái đó nằm ở bản chất, và thông thường, không ai phân tích bản chất như cách con đang làm ở một đứa trẻ mười tuổi, bản chất ở lũ nhóc ấy được biểu hiện ra giống bản năng, hay dễ hiểu hơn, là phản xạ. Con cứ tiếp tục suy nghĩ theo chiều hướng ấy rồi con sẽ tìm thấy nhiều thứ hơn là con mong đợi.Cha tin ở con”
Ông mỉm cười, vứt sang bên tờ báo từ trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện ông vẫn giữ trong lòng bàn tay. Cha đứng lên, xoa đầu tôi bằng bàn tay to bè của ông, cử chỉ ấy với tôi có ý nghĩa rất lớn, vượt xa cả một sự ngợi khen, thế rồi ông trở lại phòng làm việc của mình.
Những diễn biến tiếp theo của câu chuyện lạm dụng vẫn được người ta nhắc tới hàng ngày, nào là về lá đơn kiện, nào là về hàng đống tiền được ai đó chi ra, nào là về một tờ báo lớn đã đăng tin về nó, nào là về vị chủ tọa quan tòa là người rất duy tâm… Rồi như dòng nước chảy trôi về phía biển, câu chuyện chìm đi trong một câu chuyện khác, ấy là chuyện của gia đình tôi. Những chuyện xảy ra khi gia đình tôi dọn đến thị trấn Mát đã đem lại cho tôi những biến chuyển trong mặt nhận thức, và tôi cho rằng mình đã làm rất tốt, mình sắp đến đích rồi, nhưng không, sự kiện xảy ra với gia đình khiến tôi nhận ra sự to lớn của thế giới nhận thức, còn tôi thì chỉ là một cô thực tập sinh vừa lơ ngơ bước vào. Song song với phát hiện ấy, tôi còn nhận ra cơ thể mình cũng có những chuyển biến lạ kì mà không có báo hiệu sẽ ngừng lại trong tương lai : sự ra đi của mẹ và tâm hồn thiếu sót của tôi
Mẹ tôi do dạo gần đây bụng liên tục đau mà không rõ nguyên nhân, bà đòi cha tôi đưa đi khám ở bệnh viện Huyện, cha tôi miễn cưỡng đứng lên khỏi cái ghế bọc da trong phòng làm việc, thay cái quần vải lanh ở nhà thành cái quần âu, khoác thêm chiếc áo gió rồi đèo mẹ tôi đi bệnh viện. Ở nhà chỉ còn lại mình tôi, trưa hôm ấy đi học về tôi tự rang cho mình bát cơm từ cơm thừa hôm qua với trứng và thịt rang cũng là đồ thừa từ hôm qua, vừa ăn vừa chờ cha mẹ mở cửa cổng rồ ga phi chiếc xe máy Simson cũ mèm vào. Háo hức chờ bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, hai người mãi cho đến khi tôi quá mệt mỏi với những bài tập về nhà của mình chuẩn bị lên giường đi ngủ mới chịu lạch xạch mở cổng, bật tứ tung đèn dưới nhà lên trong một cơn sóng ngầm im ắng đánh lên tận nơi tôi vừa chui vào chăn. Tôi bật dậy chạy xuống nhà để chào cha mẹ, nhưng hai gương mặt bạc đi chỉ trong vài tiếng đồng hồ khiến tôi hơi chùn bước, tiếng chào chưa kịp cất lên đã chui tọt lại phía trong. Cha vẫy tôi ngồi vào ghế xa lông bên cạnh ông, cốc nước vừa rót đầy bị uống cạn đặt trước mặt ông, một giọt nước lăn từ thành cốc xuống mặt bàn thủy tinh, đọng lại ở đấy. Mẹ tôi vẫn đang loay hoay trước tủ lạnh, bóng lưng bà quay về phía tôi bảo với tôi rằng bà đang không có tâm trạng để nhìn mặt tôi. Cha cuối cùng cũng cất tiếng nói:
“Bác sỹ nói mẹ con bị ung thư dạ dày!”
“Ung thư dạ dày?” - tôi nhắc lại gằn từng tiếng để chắc mình có thể hiểu từng từ trong bốn chữ ấy, thật nực cười, tôi nghĩ, người như mẹ tôi lại bị ung thư, mà còn là ung thư dạ dày?- “Có điểm gì đó không đúng,cha ạ!” - tôi nói sau gần ba mươi giây.
“Ừ, thế nên ngày kia cha mẹ sẽ đi xuống Hà Nội, để xem xem mẹ con thật ra là bị làm sao. Con cứ yên tâm, chắc không có vấn đề gì lớn đâu. Giờ thì đi ngủ đi, cha mẹ cũng mệt rồi!” - ông lại một lần nữa xua xua tay nhưng giống như đang xua đi sợ mệt mỏi hiện lên trên vầng trán ông thì đúng hơn.
Tôi về phòng, tôi nhìn lên trần nhà khi cuộn mình kín mít trong cái chăn mùa đông, tôi không hiểu một người quan tâm đến sức khỏe của hai cha con thông qua việc chăm sóc các bữa ăn, là người am hiểu tất cả các loại đồ ăn trên đời này, là người chưa bao giờ hút thuốc hay uống rượu (trừ những lúc bạn bè của cha tôi ép uống một chén lấy lệ), không có bất cứ thói quen xấu nào ảnh hưởng đến sức khỏe, lại bị mắc cái bệnh ngặt nghèo là ung thư dạ dày. Giống như trò đùa của ai đó bày ra để cười vào mặt người phụ nữ luôn coi trọng sức khỏe hơn hết thảy ấy. Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên với sự trớ trêu ấy để mà chuyển sang lo sợ cho mạng sống mẹ mình, cũng như nghĩ đến cảm nhận của bà khi vừa bị tuyên bố dính vào căn bệnh quái ác ấy.Còn có điều gì buồn hơn khi phải chứng kiến người thân của mình mắc những căn bệnh gây đau đớn đến chết?
Ngày hôm sau tôi hỏi cô giáo dạy sinh vật của mình về căn bệnh này. Đáng lẽ tôi có thể hỏi cha mình, nhưng có cái gì ngăn cản tôi lại trước cửa phòng làm việc của ông, tôi biết hôm nay ông ở trong đó nhưng không đọc bất cứ thứ gì. Tôi chỉ nghĩ được có thế, cô giáo dạy sinh vật, cô dạy chúng tôi về cơ thể người, về sự vận hành và một vài đặc điểm khác ở cơ thể con người, ngoài cô ra tôi chẳng tìm được ai để hỏi. Tôi bắt kịp cô khi cô vừa ôm cặp mình di chuyển trên sân trường từ khối lớp 8 sang khối lớp 6, tôi chào cô và mặc kệ cho trí nhớ của cô vẫn còn đang loay hoay lục tìm tên tôi trong gần ba trăm gương mặt học sinh ở trường này, tôi hỏi :
“Thưa cô, cô có biết gì về ung thư dạ dày không ạ?”
Cô giáo có gương mặt hãy còn trẻ, nhưng những mảng nám lớn choán lấy hai bên gò má cô khiến cô trông già hơn trước tuổi, một nét bối rối chạy ngang qua mặt cô khi nghe thấy câu hỏi của tôi khiến những đốm nám ấy sậm màu hơn nữa. Ở ngôi trường này, không, ở tất cả các ngôi trường khác nữa, chúng tôi không có thói quen nói chuyện với giáo viên của mình, mặc dù họ là giáo viên “của chúng tôi” trên danh nghĩa, nhưng chẳng phần nào trên cơ thể họ, trong tâm trí họ thuộc về chúng tôi. Chính thế nên khi bỗng dưng nhận được một câu hỏi nằm ngoài bài giảng của mình ở trên lớp thì giáo viên sinh vật của tôi bỗng nhiên lúng túng, cô hẳn chưa bao giờ chuẩn bị cho một câu hỏi đột ngột như vậy. Nhưng sau một vài giây lựa chọn từ ngữ, cuối cùng cô cũng nói:
“ Cô không nghiên cứu về những thứ sâu như thế em ạ, nhưng để nói về bệnh ung thư thì cũng không phải khó khăn…” - cô lấy lại hơi thở và giọng nói giảng bài của mình, cô tiếp - “em học lớp 9A đúng không?, vậy chắc em nhớ tháng trước chúng ta có học về gene, và các tế bào cùng với sự phân chia của nó. Các tế bào ở một người bình thường phân chia có trật tự và có tổ chức, nhưng ở người ung thư nó phân chia không có tổ chức và không thể kiểm soát được, ở một số điểm tế bào này đáng lẽ phải chết đi thì vẫn sống, tế bào cần được thay thế lại không được thay thế. Từ một điểm các tế bào bệnh tụ tập lại rồi tiêu diệt những mô bình thường khác rồi di chuyển sang các chỗ khác nữa. Cơ bản là như thế. Còn cụ thể về ung thư dạ dày hay bất cứ bộ phận nào khác thì cô cũng không rõ nữa. Nếu em muốn biết thêm có thể hỏi các bác sỹ hoặc những người có kiến thức về y học.”- cô mỉm cười khi vừa kết thúc bài học của mình - “thế vì sao đột nhiên em lại muốn hỏi về căn bệnh này vậy?”
Tôi đã không để cô giáo sinh vật có câu trả lời cho câu hỏi của cô. Tôi không muốn tiết lộ bất cứ thứ gì, tôi thỏa mãn với câu trả lời đơn giản của cô cũng như chấp nhận chuyện các tế bào phân chia theo cách của nó.
Tối đó trước khi đi ngủ, cha vào phòng tôi, ông nói với tôi rằng mai hai người sẽ đi bệnh viện lớn hơn để kiểm tra lại, nhưng chắc kết quả cũng không thuộc loại khả quan, và chúng tôi sẽ phải trải qua những ngày đầy khó khăn phía trước, nhưng tôi đừng lo lắng, vì tôi phải học cách chấp nhận một tương lai bất trắc vì điều ấy bồi đắp một con người. Tôi im lặng trước những lời cha nói, khi ông dừng lại thì tôi thấy mình đang nhìn chằm chằm vào móng tay của mình. Lúc ngẩng đầu lên thì ông đã ra khỏi phòng từ lúc nào. Tôi chui vào giường, kéo chăn lên tận cằm và ngước ra phía cửa sổ, từ giường tôi nằm vẫn có thể nhìn thấy một phần bầu trời dù tối tăm nhưng vẫn giăng đầy những đám mây màu trắng. Trong đêm những đám mây di chuyển rõ rệt hơn, tôi thậm chí có thể nhìn thấy hướng mà chúng bay đến và đi, nhìn thấy cả hình dạng của chúng xuyên qua màu đen mờ nhạt của bầu trời. Chúng làm tôi liên tưởng đến những tế bào đang phân chia trong bài giảng nho nhỏ của cô giáo sinh vật sáng nay, những tế bào với đủ các hình dạng trong đêm tối làm công việc của nó, tách thành năm bảy ngàn mảnh nhỏ hơn, giống như giọt sương ban mai đọng trên những chiếc lá dong to bằng quyển vở mọc thành cụm ở sau vườn trường, tôi dùng ngón tay gạt một đường ở giữa giọt sương, thế là nó tách thành hai phần tròn và rung rinh theo chuyển động của chiếc lá. Những tế bào mang trong nó những chuỗi gene của mẹ tôi đã chuyển sang tôi, hiện tại tôi có cùng những chuỗi gene như của bà trong một số các tế bào cũng giống y hệt. Nói một cách khác, tôi giống một tế bào mà mẹ tôi đã phân chia thành, một tế bào nhỏ hơn nhưng cũng có những điểm chính của chuỗi gene ấy, và tôi, tồn tại thành một hiện vật có hình dáng nằm ngoài tế bào mẹ. Tôi bất chợt nổi loạn, tôi không nghe lời mẹ mình nữa, tôi cảm nhận sự ngột ngạt đang chèn ép nhân của mình, tôi muốn gào lên và vượt ra khỏi con đường đi đáng lẽ mình phải tiến tới. Như những đứa con gái mà hàng ngày cha mẹ nó phải đèo nó tới trường, mẹ cố kiểm soát tôi, nhưng bà quá yếu, bà đã để đầu óc mình chạy ra khỏi những suy nghĩ tiềm ẩn trong tôi, bà biết mình không thể khống chế được đứa con mà chính cơ thể máu thịt của bà phân tách thành, bà đầu hàng. Thế là tôi – cá thể được phân chia từ một cá thể khác dọn quang được con đường của mình, chạy băng băng xông vào những đớn đau, tôi tự phân tách mình, tự sửa đổi những chuỗi gene, tự sản sinh ra hàng loạt, hàng loạt những tế bào khác không nghe lời và hư hỏng. Chúng làm tôi đau đớn một thì làm mẹ tôi đau đớn mười. Ấy là nỗi đau mà không một ai có thể cảm nhận và ngăn chặn được, chỉ có thể chứng kiến nó sưng tấy lên thành những khối u đỏ hỏn và sần sùi. Khi này tôi đã hối hận, nhưng không có cách nào quay đầu, tôi thúc giục những chú lính canh bạch cầu làm nhiệm vụ của nó nhưng không còn có tác dụng nữa, các chú ấy cũng mệt và ốm yếu như chính bản thân tôi và mẹ mình, chúng tôi hiện giờ chỉ còn thoi thóp trong chính cơ thể mình chờ cái chết giáng xuống. Tôi đã không lường trước được kết cục này, kết cục mà không chỉ có mẹ tôi, các tế bào phân chia của tôi mà thậm chí cả tôi cùng phải chung nhau gánh chịu. Chúng tôi không giống như những đám mây có một đường thẳng để mà đi mà co cụm lại một chỗ, thậm chí còn không giữ được màu sắc chính xác mà gene đã quy định, chúng tôi tái nhợt và run rẩy, không có một chút khí lực nào nhắc cho những người khác rằng chúng tôi cũng từng là những người trẻ tuổi.
Tôi lo lắng vì nỗi đau mà mình gây ra cho mẹ bao nhiêu thì càng không thể nào nắm bắt được nỗi đau ấy bấy nhiêu. Cứ mỗi lần tôi tưởng mình sắp chạm được vào nó, vì tôi cứ nghĩ chỉ cần mình chạm được vào đó thì mình sẽ có cùng một cảm nhận như mẹ, và nỗi đau mà mẹ phải chịu đựng dù ở mặt tinh thần hay thể xác đi chăng nữa, đều sẽ được chia đôi, nhưng nỗi đau lại vụt biến mất, chui sâu hơn vào trong cơ thể bà. Sau nhiều lần thất bại trong việc chụp lấy nó, tôi biết nó không phải dành cho tôi, mà dành cho người phụ nữ thầm lặng trong ba người chúng tôi. Cái gia đình của chúng tôi vốn khép lại chỉ có ba người, một con số ít ỏi với mong muốn duy trì được sự ấm áp thông qua những sẻ chia và thông cảm, nhưng không ai ngờ rằng sự chia sẻ ấy không có tác dụng trong cơn bệnh hoạn này. Tôi không thể tưởng tượng được những thứ mà mẹ sắp phải trải qua, đặc biệt là thứ mà mẹ cảm nhận khi vướng chân phải nó, nên tôi hoang mang trong chính cơ thể mình, tôi không biết nỗi đau không thể nào truyền qua được bằng sự di truyền gene cho các tế bào con, tôi cứ mãi để đầu óc mình lạc đi trong câu chuyện về không gian của nỗi đau. Sau này, khi những cơn đau đã chỉ còn là một kí ức, đôi khi tôi vẫn tự dằn vặt mình về những thứ mà tôi không làm được cho mẹ mình, cho mình và cho vòng ấm áp quay trong gia đình mình.
Câu chuyện nỗi đau làm tôi nhớ đến một câu chuyện hoàn toàn khác, nhưng nó luôn đem lại cùng một cảm giác, ấy là hối hận. Một câu chuyện ở một không gian khác, một thời điểm khác, chỉ duy có một thứ tương đồng, ấy là tôi. Khi này tôi và cha đã chuyển đến Mỹ, tôi có những buổi học tiếng Anh ở một cơ sở miễn phí dành cho người Việt. Một người đàn ông bằng tuổi cha tôi nhưng có gương mặt bảnh bao, một cơ thể dẻo dai so với tuổi của ông tiếp cận tôi, ban đầu với những ý nghĩ hãy còn trong sáng, tôi chấp nhận việc đánh bạn với một người hơn tuổi trong sự kính trọng mà tôi dành cho cha mình. Nhưng không lâu sau ông tỏ tình với tôi, rằng ông muốn có tôi, chỉ cần những cái nắm tay, thế là đủ cho ông, và ông sẽ đền đáp cho tôi những thứ khác. Tôi tất nhiên đã nói không ngay trước khi kịp suy nghĩ về việc ấy, đó là cái hạt của tôi nói, không phải tôi. Chính điều ấy làm tôi suy nghĩ rất nhiều, rằng nếu tôi đồng ý bán mình, nếu tôi tự tạo cho bản thân một số giá trị có ý nghĩa vật chất, thì liệu tôi có vui sướng với cuộc sống của mình hơn?, và nếu lúc ấy tôi có đồng ý đi chăng nữa, thì cái tôi của hiện tại có chấp nhận cái quá khứ ấy,à không, nói chính xác là hạt của tôi có chấp nhận thể xác và suy nghĩ đã qua một đợt mua bán của mình không? Cái tôi muốn nói đến là sự hối hận, sự hối hận vì đã trở thành tế bào nổi loạn khiến vật chủ là mẹ tôi bị thảm thiết trong nỗi đau, và sự hối hận vì những thứ mình chưa làm, không làm gần giống như nhau, cùng có một cái tên, cùng để lại một vệt cảm giác. Tôi biết chính xác mình nhận được gì sau khi “hối hận” đủ, ấy là một cảm giác trống trải, một cái hũ như hố đen trong không gian hút chụt lấy cơ thể này, vần vò nó bởi những va đập vào các khoảng trống khác, mài mòn đi cái ý chí được sống tốt đẹp. Tôi thậm chí sợ hãi ngay cả cái ý nghĩ về việc hối hận, nó rạch vào trong đường chỉ tay của tôi những đường khác, đậm hơn vì khi này tôi đã không còn nhiều cơ hội để sửa chữa, và đồng thời làm mờ đi những đường vốn là con đường của sự tốt đẹp, khi ấy cuộc đời tôi sẽ rẽ sang các hướng khác nữa mà tôi không lường trước được. Đơn giản như vậy, hối hận liếm láp vết thương tôi trong một thời gian dài, kể cả khi người ta nói thời gian sẽ chữa lành vết thương.
Trong thời gian mẹ tôi từ chối các đợt hóa trị, xạ trị, quyết định về nhà sống nốt những ngày còn lại của mình trên giường của bà, đi lại trong căn bếp của bà bằng chính đôi chân trần, tôi đã để ý đến bà nhiều hơn. Tôi để ý đến từng đường nét trên gương mặt bà, khi bà bị một cơn đau đột ngột xẹt qua, khi bà không tìm thấy hộp đồ ăn, khi bà cố vươn tay lấy một lọ gia vị ở tít trên tủ bếp cao và một cơn đau lại ập đến trả giá cho sự cố gắng. Những đường nét ấy khi bà còn khỏe mạnh tôi đã không bao giờ để ý đến, vì với tôi nó giống như một tấm áo choàng phải mặc lên hàng ngày, nó không làm bận tâm nhiều khi người ta biết rằng nó vẫn sẽ ở đó ngày mai, ngày kia, nhiều ngày sau nữa,… Nhưng chuyện đổi khác khi những nét mặt ấy dù cố gắng vẫn phảng phất một nỗi buồn, một nỗi buồn thực sự. Tôi đồ là mẹ mình luôn mang trên mặt một nỗi buồn khi bà hãy còn khỏe mạnh, hoặc một cái gì tương tự thế, có phần hơi giống với mặt nước lặng gió nhiều ngày nên hòa vào cảnh vật buồn chán. Gương mặt bà cũng giống như cái hồ nước im lặng ấy, không gì làm nó rung động được, đôi lúc nó làm tôi chán nản, và làm cha tôi cựa mình trong một mối u sầu riêng, nhưng nó ở đó, trên gương mặt của mẹ tôi, nên chúng tôi chưa bao giờ phàn nàn. Nhưng nỗi buồn có biến thể của nó, và khi nó đã trở thành một điểm rõ ràng và dễ nhận thấy thì có còn đáng sợ hơn cả nỗi đau. Nó lừng lững hiện ra khi mẹ tôi cố gắng cười, nó ở đó khi mẹ tôi thái thịt và rau, khi mẹ tôi phơi quần áo, khi mẹ tôi thiêm thiếp ngủ trên ghế sô pha…Nỗi buồn mà tôi cứ tự cho rằng vì bà lo sợ cuộc sống của hai chúng tôi khi bà đã rời khỏi hơn là bà đau nỗi đau của riêng bà, cái ấy là đặc quyền của một người mẹ : lo lắng. Tôi thông cảm với bà, dù cố tỏ ra mọi việc vẫn diễn biến theo nhịp điệu hàng ngày của nó, còn bà thì vẫn là mẹ tôi khi bà ốm đau cũng như khi bà khỏe mạnh, khi bà lo cho chúng tôi một bữa cơm đủ đầy cũng như khi bà đang đợi nồi nước sôi lại ngủ thiếp đi vì một cơn đau nuốt mất sự tỉnh táo cuối cùng trong ngày…, tôi theo dõi tất cả những sự ấy trong một niềm hồi hộp thầm lặng, rằng chỉ cần tôi rời mắt đi là bà sẽ ngã xuống, hoặc chỉ cần tôi quá căng thẳng là bà sẽ nhận ra mà lại bùng lên trên gương mặt một bất lực đáng thương. Khi bà ngủ tôi sẽ lấy chăn cho bà, tôi xào nốt rau, bắc nồi nước đã sôi ra khỏi bếp, phơi nốt đống quần áo dang dở, quét nốt cái nhà, …rồi lại im lặng chui về phía góc kín của mình tiếp tục theo dõi. Cha tôi thì khác, tôi không muốn nói ông đang trốn tránh nhưng ông dành nhiều thời gian của ông hơn trong phòng làm việc, để mẹ tôi tự xoay sở với nỗi đau của mình. Hẳn ông cho rằng như vậy thì mẹ tôi sẽ vẫn nhận thấy sự hiện diện của bà, cũng như tác động của bà lên hai người là chồng và con bà, bà sẽ thấy mình vẫn y như khi khỏe mạnh chăng?, tôi đã cho rằng cha mình sai, sai hoàn toàn, đấy không phải là cách mà một người chồng hành động khi biết vợ mình đang bị bệnh, không phải là cách một người yêu thể hiện tình yêu, không phải là cách người trong gia đình quan tâm một người khác. Tôi bỗng ghét cha mình vô cùng, tôi đã không nhận thấy bấy lâu nay mình luôn tự hào rằng mình giống cha ở tính cách hơn là giống mẹ là một sai lầm, tôi không muốn thể hiện ra cái thái độ như thế, tôi không muốn giống ông ở điểm này. Khi tự hào về điều đó, tôi đã đẩy mẹ mình ra xa hơn ở nấc thang xếp hạng thành viên gia đình, tôi đứng ở một phía với cha mình, còn mẹ tôi thì ở riêng một phía. Tôi đã vô tình xúc phạm tình mẫu tử thiêng liêng của bà cũng như tình yêu vô điều kiện bà dành cho chúng tôi, tôi biết bà buồn nhưng tôi quên ngay, tôi bận bồi đắp sự sống cho tâm hồn mình để rồi khoe khoang với tất thảy thế giới là cái hạt của tôi thật đẹp. Nhưng đến khi bà giữ mãi một nỗi buồn trên gương mặt ốm yếu của mình, và đến khi cứ ngày hay đêm tôi đều trông chừng bà như khi bà trông chừng tôi hồi còn đỏ hỏn mà không hiểu điều ấy xuất phát từ đâu, thì tôi mới biết lỗi lầm của mình nặng nề đến chừng nào. Buổi sáng là không đủ cho những canh chừng của tôi, đêm khi đi ngủ, dù yên tâm với sự có mặt của cha mình bên cạnh mẹ cả đêm, thì tôi vẫn cứ một đêm bật dậy hai lần đứng trước cửa phòng bà lắng nghe hơi thở đều đều của hai người, rồi mới quay trở lại giường mình. Tôi không đặt báo thức cho hai lần thức giấc ấy, không tự nhủ mình cần phải làm điều ấy trước khi chìm vào giấc ngủ, nó cứ đơn giản là tôi bật dậy, rồi trước khi lí trí kịp trở lại thì tôi đã đứng trước cửa phòng cha mẹ mình. Tôi cho rằng chuyện này lại cũng là do hạt của tôi làm, và cũng như bao lần trước, nó bộc phát ra bằng hành động suy nghĩ tự thân của nó, suy nghĩ của nó và của tôi là hai thứ hoàn toàn độc lập dù rằng chung một cơ thể, trong khi tôi là tạp chất của nhưng u ám bao quanh bởi những góc nhìn, những tâm niệm và kiến thức của toàn thế giới, bao gồm cả điều tốt và xấu (có lẽ xấu nhiều hơn một chút, nhưng chỉ có xấu xa mới mang đến những lợi ích riêng); thì nó – hạt của tôi, thứ ở trong tôi trước khi ý thức của tôi hình thành, thì luôn luôn là một điểm sáng chiếu trên một đường thẳng, cái gì ở đó từ lúc nó xuất hiện, thì vẫn sẽ ở đó ngay cả khi nó chết đi. Chính nó là cái cần điều khiển, là kim chỉ nam cho mỗi bước đi trong cuộc đời mình, giống như khi người ta muốn làm một cái gì đấy, phải mở cuốn sách chỉ dẫn ra để xem mình có phạm luật không, xem mình có đi đúng đường không, để rồi mới quyết định có làm hay không. Hầu hết ý thức của tôi kiểm soát tôi, nhưng một vài lần, khi mọi chuyện quá dễ dàng để quyết định nhưng ý thức lại cần cân nhắc trước những hậu quả và lợi ích nên mất quá nhiều thời gian trong mê cung suy nghĩ, hạt tự quyết định thay, vì như đã nói nó chỉ di chuyển theo một đường thẳng. Cái hành động thức dậy trong đêm để đến bên phòng cha mẹ mình hẳn là do hạt điều khiển. Tôi cảm kích nó, không chỉ vì chuyện này, mà còn vì những lần nó cướp quyền kiểm soát nữa, như khi tôi từ chối có một mối quan hệ với người đàn ông lớn tuổi, như khi tôi hối lỗi vì đã lên kế hoạch kiểm chứng tâm tư của cậu bạn Văn, như khi tôi quyết định lắng nghe cô bé Thi,...
Mẹ tôi không đồng ý hóa trị nên bà vẫn giữ được mái tóc đen dài của mình chứ không như những người ung thư khác. Trước đây bà vốn rất yêu mái tóc của mình, (tôi vẫn cứ nghĩ bà từ chối điều trị vì bà muốn giữ mái tóc ấy), bà nói khi còn là thiếu nữ, chính mái tóc đen dài của bà đã làm cha tôi phải lòng bà, tôi luôn giữ câu chuyện ấy như một minh chứng cho tình yêu cha mẹ mình, như tình yêu họ dành cho tôi. Bây giờ khi bệnh ngày càng nặng, mái tóc bà cũng trở nên xơ xác và cồi cồi như không phải tóc người. Nhưng mỗi ngày bà đều ngồi trước gương mà chải nó hàng tiếng đồng hồ, rồi vấn nó lên thành một búi phía sau gáy, xiên vào giữa một cái trâm bằng ngà ngắn và đơn giản, sau đó mới bắt tay làm những việc thường ngày. Khi bà nằm nghỉ trên xô pha, vì quá mệt nên không để ý đến mái tóc mình, để búi tóc lệch hẳn sang một bên, rồi mắt nhắm hờ lại. Tôi phải nhẹ nhàng rút cái trâm ra vì sợ vô ý sẽ chọc vào gáy bà, rồi để nghiêm cẩn sang phía bàn, nơi mà khi bà dậy, chỉ cần với nhẹ tay là chạm vào nó. Có một lần khi nhấc nó ra khỏi búi tóc, những sợi tóc xổ tung ra thành một màn đen trên chiếc đệm màu trắng, tôi chạm vào tóc bà, cảm giác ran rát khi ấy xuyên vào cơ thể tôi, rồi ở mãi trong ấy cho đến tận những ngày sau. Tôi mân mê chiếc trâm nhỏ, ấy là một chiếc trâm đơn giản quá đỗi, không có chút hoa văn trạm trổ nào,màu ngà hơi ngả màu cánh gián, bèn bẹt ở phía cuối, bóng bừng lên khi chạm vào da tay người. Tôi đồ rằng đây lại là một vật mà cha tôi từng tặng cho bà khi hai người còn là những thanh thiếu nữ. Tôi không bao giờ hỏi ông về việc đó sau này, và tôi cứ giữ cái ý nghĩ ấy mãi cho riêng mình. Khi mẹ bệnh nặng hơn, chỉ nằm được ở trên giường, đến thở cũng làm cho bà đau đớn,y tá đề nghị chúng tôi cắt mái tóc bà ngắn đi để dễ bề chăm sóc hơn. Tôi chỉ dám cắt khi bà đã ngủ thật say mới dám dùng cây kéo sắt cắt phăng đi mái tóc bằng một đường duy nhất, rồi lấy một sợi dây vải đen buộc đám tóc lại rồi để trong ngăn kéo đầu giường, tôi nghĩ vật yêu quý của bà nhất thiết phải ở bên cạnh bà trong tất cả những giờ phút này.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất