1.
Tôi vẫn thường xuyên nghĩ về mình như một kiểu người dễ dàng bị tác động bởi những suy nghĩ của mọi người xung quanh. Nhưng giả thử thế là thật đi chăng nữa thì tự tôi cũng đã nuôi dưỡng cho mình một bản thể hoàn chỉnh ăn khớp với cái hữu hình hiển hiện trong cõi thế gian thực tại này. Tôi nói tự mình, vì người xây dựng nên bản thể ấy là tôi, chỉ một mình tôi chứ không phải ai khác. Mặc dù với sự giáo dục của gia đình cũng như hoàn cảnh sống, tôi đáng lẽ phải bị ảnh hưởng mà cộng hưởng vào với cái hạt sâu xa từ trong bản thân tôi để kết tinh ra thứ là tôi bây giờ, nhưng không, chính tôi từ tấm bé đã tự tin nói với mình rằng tự tôi tạo nên tôi bây giờ, và nếu phải ở trong một hoàn cảnh nào khác đi chăng nữa, thì đến thời điểm này, tôi cũng chỉ là một tôi y hệt. Đấy không phải ngẫu nhiên mà tôi lại tuyên bố như thế, mọi sự đều cần có sự kiểm chứng của nó. Như thể trong quá khứ tôi đã từng bị lôi ra khỏi vòng tay ấm áp của cha mẹ tôi mà đến sống với một người bà con ở thành phố lớn, nhưng rồi tôi lại quay trở về trong những đồng ý ngầm định của người lớn. Hai con đường, nhưng sẽ chỉ có một tôi tồn tại theo đúng quy trình mà tôi đã xây dựng nhưng chưa kịp hoàn thiện nó ở mức tối đa.
Gia đình tôi có một ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Mát. Tôi cùng ba mẹ dọn về đây vào những năm sau khi đến sống thử với người bà con kia một thời gian. Ba tôi bất mãn với công việc ông đang làm, còn mẹ tôi vốn là một thứ trang trí điểm xuyết trong cuộc sống của hai cha con tôi đã đồng ý chuyển về nơi ấy để sống “một cuộc sống thanh nhàn” như ba tôi phân tích. Tôi biết rằng ông - người cha thân mến luôn ấp ủ trong lòng một cái gì đó to lớn hơn chính hạt nhân của ông mà giờ đã được bao bọc bởi những kiến thức thu lượm được từ cuộc sống lăn lộn từ chiến trường đến khắp các trường đại học của cả nước, luôn luôn muốn trở thành một cái gì đó to lớn hơn cái ông đang nắm giữ bây giờ, chính thế nên tôi biết cuộc sống của ông sẽ không dừng lại ở mức “an nhàn” tại thị trấn nhỏ này. Nhưng sự thể thì vẫn cứ tiếp diễn theo những bất chợt nắng mưa trong tâm tưởng của người lớn,chúng tôi đến đây vào một ngày đẹp trời mà bầu trời trong đến độ tôi cứ cảm giác nếu ngẩng đầu lên tôi sẽ thấy được gương mặt mình trong ấy. Cha tôi khi này hãy còn hưởng ứng với ý nghĩ mới mẻ về sự an nhàn mà không lường trước được thói phù phiếm gắn với hạt của ông từ khi còn bé tí đã rất vui vẻ vừa huýt sáo vừa dọn những cái thùng cạc tông nặng chịch những sách vào trong nhà. Mẹ tôi mệt mỏi vì chuyến đi dài nhưng vẫn không nói một lời, thi thoảng vuốt sợi tóc mai thấm mồ hôi dính trên thái dương rồi lại tiếp tục mở những thùng các tông có ghi chữ “bếp”. Bố mẹ tôi vốn tự cho tôi cái quyền là con gái nhẹ nhàng nên không bao giờ ép tôi phải làm những việc nặng nhọc, nên tôi chỉ ôm những thứ vừa phải  vào trong nhà và quan sát tất cả những thứ xung quanh mình bằng con mắt lơ đãng mà tôi được thực hành nhiều giờ trong trường cấp hai gần nơi ở cũ. 
Cha tôi luôn thích kéo tôi vào lòng ông ngồi mỗi buổi tối khi ông không có một công trình phải nghiên cứu, hay một hồ sơ báo cáo phải hoàn thành, ông sẽ âu yếm vuốt ve hai má phúng phính của tôi, rồi hỏi tôi những câu hỏi vu vơ về trường về lớp, về những người bạn mà, tôi biết câu trả lời của tôi chỉ đọng lại ở chính bờ môi tôi mà không thể nào lọt qua được ánh mắt mờ đục của ông. Ông chỉ đặc biệt chú ý khi nghe tôi nhắc đến những phương pháp giáo dục của các cô giáo, hay một kiểu đổi mới nào của nhà trường. Những lúc đề cập đến vấn đề ấy, mắt ông sáng lên như vừa phát hiện ra ở đứa con gái nhỏ của mình cũng có những thứ đáng để quan tâm. Đức tính lơ đãng ấy tôi chắc hẳn được thừa kế từ ông, nó ảnh hưởng qua tôi từ cha,nhưng một phần nó hiển hiện ngay sẵn trong bản tính tự nhiên của tôi. Và cứ như thế tôi trưởng thành để nuôi dưỡng cái hạt càng ngày càng lớn với phần lơ đãng ngày càng hiển hiện ra trong ánh mắt. Hai cha con tôi nói chuyện với nhau mà không một ai để ý vào nội dung câu chuyện, như những kẻ săn sao qua ống kính thiên văn, họ nhìn mà như không nhìn, đôi lúc tôi tự hỏi liệu có khi nào điểm rơi của ánh mắt hai cha con tôi khác hẳn với những người khác, rằng là nó hoàn toàn không thuộc về bất cứ một vật gì cụ thể ở thế giới này?, và thế nên trông chúng tôi lúc nào cũng có dáng vẻ của những kẻ vừa du hành từ vũ trụ trở về, không già, không trẻ, cứ lơ lửng ở giữa những ánh nhìn. Kể từ khi người ta đặt tôi hãy còn vương những máu và cái dây rốn lơ lửng ở giữa hai chân lên ngực mẹ tôi thì bà đã biết chuyện này sẽ xảy ra, bà nhìn thấy trước sự xa lánh hữu hình trong đôi mắt tôi y hệt như của chồng bà. Và chẳng sớm thì muộn, vai trò của bà trong mối quan hệ giữa một người đàn ông và một đứa trẻ sẽ chấm dứt ngay khi đứa trẻ có khả năng làm chủ được đầu óc mình. Cứ thế, vai trò của ba chúng tôi trong một không gian với những mối quan hệ có tên đàng hoàng được hình thành thông qua sợi dây kết nối vô hình lỏng lẻo mà chỉ cần một ngọn gió sắc lạnh thổi qua cũng dễ dàng làm nó ta ra thành từng mảnh.
Ngôi nhà mới của chúng tôi nằm trên đỉnh một con dốc ngắn nhưng cao, tầm nhìn xa bao trùm xuống giữa con lộ chạy dọc thị trấn. Trước mặt ngôi nhà là một quả đồi nhỏ toàn bụi rậm mà ở phía trên đỉnh có một ngôi đền thờ Thánh Mẫu cứ hai tháng một lần lại thấy vẳng lại tiếng kèn trống của những người nhảy đồng. Tôi có phòng riêng trên tầng áp mái với cửa sổ hướng ra khoảng sân trước của một ngôi nhà nằm phía sau nhà tôi, tụt hẳn xuống khỏi con dốc khiến toàn bộ căn nhà đó đều bị cửa sổ phòng tôi thu hết vào thành một khoảng. Tôi không thể nói là mình thích thú trước cảnh tưởng mới mẻ ấy, nhưng tôi cũng không tỏ ra  buồn bã vì phải xa khung cảnh thân quen với bạn bè, trường lớp, những rạp chiếu phim và những cửa tiệm xanh đỏ ở chốn cũ. Những gì tôi thấy hẳn nhiên là khác với những gì bố tôi thấy, và còn khác xa hơn nữa những gì mà mẹ tôi nhìn. Tôi im ắng trong căn phòng của mình đợi cho qua mùa hè để được nhập học ở ngôi trường mới nhỏ hơn trường cũ, ít học sinh hơn trường cũ.
Bố tôi tiếp tục vùi đầu vào công việc của mình trong phòng làm việc ngay cạnh phòng ngủ của tôi. Sự im lặng vẳng lại từ phòng bên cạnh luôn khiến tôi rùng mình, đôi lúc tôi áp tai mình vào bức tường ngăn giữa hai căn phòng để kiểm tra xem bố tôi có còn sống không, nhưng cách đó chỉ làm tôi thất vọng thêm. Những lần sau tôi đành chờ đúng ba giờ chiều, bố tôi sẽ mở tung cánh cửa phòng làm việc của ông, đi vào toalet và ngồi trong đó khoảng 15 phút, rồi quay trở lại phòng làm việc. Chỉ lúc đó tôi mới thở phào rằng trái tim ông vẫn còn đập, và còn lâu nữa những sợi dây vô hình giăng kín trong ngôi nhà này mới bị đứt. Ở nhà cũ sự im lặng như thế này không phải là không có, nhưng ngôi nhà quá rộng khiến khoảng im lặng bị kéo giãn ra thành một thứ không gian mỏng hơn, áp lực của nó lên các thành viên nhẹ hơn nên không ai cảm thấy ngột ngạt, nhưng ở đây mọi thứ như bị gắn thêm một tấm kính lúp, cứ phồng tướng lên và đập vào ngực người ta những cảm xúc mới mẻ mà đa phần đều khó chịu, đến độ một hôm, sau khi chờ cho cha tôi mở cửa phòng làm việc và đi vào toalet, tôi vội vàng chạy hẳn ra ngoài đường hít lấy hít để không khí tỏa ra từ ngọn đối trước mặt hãy còn ẩm mùi khói nhang. 
Ở trong phòng của mình, tôi cũng giữ mọi thứ thật im lặng, cứ như thể chính sự im lặng này mới là chất dinh dưỡng nuôi sống cả gia đình tôi, để làm được điều đó, hàng ngày tôi ngồi đọc sách, và mỗi khi bị một cơn xúc động mạnh mẽ lan tỏa ra từ các trang sách bủa vây lấy giác quan mình, thì tôi hướng mặt mình về phía ngôi nhà phía dưới bệ cửa sổ, tập trung vào hơi thở của chính mình. Căn nhà ấy trông không khác gì những căn nhà khác ở thị trấn này, cùng một kiểu mái bằng với ba gian gạch sơn trắng, một khoảng sân trước rộng rãi trát xi măng sạch sẽ với một mảnh vườn sau dành cho cây ăn quả và nuôi gia cầm. Sân trước lúc nào cũng dựng chưng hửng một cái xe máy màu đỏ không còn hai bên chắn gió và một cái xe đạp kiểu cũ có cái thanh gióng ngang trước mặt. Tôi chưa từng nhìn thấy người ở trong căn nhà đó, tuy nhiên những đồ vật vẫn không ngừng phơi bày sự tiếp diễn của sự sống trong ngôi nhà ấy. Ví dụ như đôi lần chiếc xe máy bị đặt lệch hẳn về một bên , hay một con dao thái đồ ăn cho lợn bị vứt chỏng chơ trên cái vỏ bao tải mỏng hãy còn vương những mảnh thân cây chuối ngoài nắng. Những lúc như thế tôi thường ngồi nhìn thật lâu xuống khoảng sân trước ấy, chờ một người nào đó ra chỉnh lại cái xe máy, hay cất con dao với bao tải đi, nhưng chẳng có ai đi ra, chỉ đến hôm sau, khi tôi thức dậy, thì mọi thứ lại đâu vào đấy. 
Mẹ tôi vẫn thường nấu bữa sáng vào lúc bảy giờ, là khi bà vừa đi chợ về. Chợ ở khá xa nhà nhưng bà đã tự mua cho mình một chiếc xe đạp giống y hệt chiếc hay dựng ở sân trước ngôi nhà đằng sau nhà tôi với cái cán ngang vô lí trước mặt, mỗi lần ngồi lên đó mẹ tôi lại phải nhấc chân cao hết sức để bước qua. Có đôi lần tôi tưởng mẹ tôi nghiêng chiếc xe sắp đổ đến nơi, nhưng khi bà vừa đưa chân phải qua được bên kia thì lập tức vực chiếc xe dậy bằng hai cổ tay mỏng dính của mình. Mỗi khi mẹ rời nhà đi chợ vào buối sáng tôi phải dậy đóng cổng nhà, khi đó tôi thường bắc ghế ngồi luôn trước mỏm đất doi ra phía ngoài đường mà ngóng lên ngôi Đền ở trên đồi, ngửi mùi nhang mà người trông coi đền sáng nào cũng đốt. Trong khi ngồi ngơ ngẩn trước sân nhà vào giờ ấy, tôi thường tự cho rằng mình cũng đang làm tốt cái phần hoàn thiện bản thể của mình mà không cần một ai nắm lấy tay chỉ đường. Tôi khá mềm dẻo trong lĩnh vực tự thuyết phục bản thân mình tin vào một ý nghĩ vừa chợt đến, nhưng cũng từ đó tôi biết cách gạn sao cho thật trong thứ nước đục ngầu mà ý nghĩ ấy mang tới. Tôi xây dựng bản thể mình theo một chiều hướng tích cực hơn nhiều so với nhiều đứa cùng trang lứa, và tôi đôi khi kiêu hãnh nhìn chúng bạn bằng con mắt đấng bề trên, kẻ cả với những thứ trẻ con mà chúng bạn đang bàn tán và hưởng thụ. Tôi chấp nhận mình như một vị hòa thượng thích sự hoàn hảo, tìm kiếm một điểm đến tiếp theo cho những cái không thể xác định trên con đường trước mặt. Tôi mài bóng loáng lưỡi dao của mình chỉ chờ dịp chém xuống nhưng trong thâm tâm, tôi lại mong chờ đừng bao giờ phải dùng đến cái lưỡi dao sắc bén ấy. Cũng như khi nhìn ngắm ngôi Đền chỉ rõ một nửa vì khoảng cách thì tôi tự tưởng tưởng ra những điều vô cùng kì bí mà tôi luôn giữ kín cho riêng mình, bằng ánh mắt đờ đẫn thừa hưởng từ cha, tôi che dấu hết sức kỹ càng điều đó, chính thế nên tôi chưa bao giờ tiếc nuối một điều gì ở những thứ cũ kĩ, ở những nơi quen thuộc. Sự lạnh lùng mà người ngoài dành cho tôi được chính tôi phong tặng như chiếc áo của vị vua ngự trị trên đỉnh cao của lòng khinh miệt, tôi chấp nhận nó, giấu mình trong nó và giữ cho bộ mặt của mình lúc nào cũng thẳng đơ và im bặt. Trước mặt tôi hình ảnh ngôi đền chỉ có một nửa với những chái nhà cong lên ở bốn phía lặng lẽ đứng nhìn ngược lại phía ánh sáng, màu sơn của nó đã bạc đi vì tiếng hát của những cô đồng đến đây nhảy nhót hàng giờ mỗi hai tháng và bước chân của những con người tìm kiếm một thực thể siêu hình trong tâm trí chính mình đang giẫm đạp lên nhau. Họ cũng là những con người với những linh hồn được khởi dựng từ những hạt khác nhau, và được bồi đắp bằng lý trí hiển hiện qua từng giai đoạn thời gian, họ có chung một thứ mà tôi không tài nào đoán được là do quá trình bồi đắp hình thành hay có sẵn ở trong hạt ngay từ khi mới sinh ra, nó chính là cái đã kéo họ đến ngôi đền ấy, hai tay chắp lại thành một đóa sen phẳng trước ngực, chân cuốn lại như những dây tầm gửi uốn éo quanh thân cây, mắt nhắm và lắc lư theo tiếng hát khi cao khi thấp của các cô đồng. Trên khuôn mặt họ một sự thanh tịnh sánh ngang với sự thanh tịnh mà tôi cố công vun vén trong suốt những năm tháng qua bằng những giả dối vĩnh hằng đã kéo một đường duy nhất từ con mắt bên này sang con mắt bên kia, giữ chúng lúc nào cũng nhắm tịt và một nụ cười thỏa mãn nở trên môi. Trong mùi nhang bay xuống chân đồi luôn luôn quẩn quất những thứ mùi khác nhau nữa mà tôi không tài nào phân tách nổi.
Thường thì khi những ý nghĩ của tôi đang ở đoạn cao trào thì bóng mẹ tôi đang gù lưng đạp xe lên con dốc cao này cũng xuất hiện trong tầm mắt. Tôi đưa tay lên một cái thật nhẹ nhàng và vẫy vẫy như chú chó con vẫy đuôi mừng chủ về. Tôi không vui mừng gì với chuyện bà đi chợ về, đương nhiên, nhưng từ trong thâm tâm tôi cho rằng hành động này là cần thiết để duy trì mối quan hệ ở chừng mực nhất định, và đặc biệt hơn giữ cho mẹ tôi được thăng bằng trên sợi dây gắn kết vốn đã rất mỏng manh ngay từ khi sinh tôi ra. Ánh mắt bà mẹ tôi không nói được nhiều điều như ánh mắt những người khác trong gia đình, bà luôn luôn là một kẻ lạc lõng vì hai lý do: một là bà không rơi đúng vào điểm rơi của tầm mắt hai cha con tôi, hai là chúng tôi không thấy được gì sau hai con mắt bà. Một mối quan hệ qua lại biện chứng rõ ràng như thế, chẳng trách được nếu giữa chúng tôi luôn luôn có một rào cản ngăn cách cả cái gọi là tình mẫu tử hay ruột thịt. Mẹ tôi đạp xe đến cửa nhà, thì tôi cũng vừa mở cổng bê chiếc ghế nhựa vào, đứng nép sang một bên để bà vừa thở vừa đẩy xe đạp vào sân. Lúc này trong nhà bố tôi hẳn đã thức dậy và vào phòng làm việc từ lâu, dưới tầng một lạnh lẽo như cái nhà mồ, không có một tàn dư của hơi ấm tỏa ra từ sự hô hấp của con người. Tôi và mẹ xách những túi đồ đi thẳng vào trong bếp. Đằng sau căn bếp cũng có một ban công nhìn xuống căn nhà phía sau nhưng tầm nhìn bị hạ xuống chỉ còn ngang hàng với nóc nhà phủ đầy lá mục của những cây ổi, cây lê ki ma, cây xoài… Mẹ tôi chăm chỉ trong việc nấu ăn như cha tôi chăm chỉ trong việc nghiên cứu của đời ông. Bà dường như biết làm tất cả các món ăn trên thế giới này. Còn tôi và cha tôi, hai kẻ đồng lõa với nhau trong việc biểu hiện một thứ vị giác dở ẹc thấy món nào cũng có một cảm xúc như nhau, không thể phận biệt nổi vị của phở với của mì gạo nếu như hai thứ ấy không có hình dạng khác nhau. Mẹ tôi chẳng lấy điều ấy làm bận tâm, bà chuyên cần với nhưng món ăn của mình và trân trọng chúng ngang bằng với trân trọng tình cảm bà dành cho chúng tôi nếu không nói thứ tình cảm ấy chỉ ngấp nghé ở mức nếu ăn không hết thì sẵn sàng đổ đi. Tôi thì thấy việc ấy là quá rõ ràng, một người mẹ thích nấu ăn giống như một gia đình cần phải sống ở bên nhau cho đến hết đời, và đôi khi tôi thấy vui lây cho cái niềm vui nấu ăn của bà, chẳng phải vì những thứ đồ ăn ê hề bày ra trước mắt mỗi bữa ăn, mà vì người phụ nữ trung niên ấy ít nhất cũng có một thứ gì là của riêng mình sau khi không thể hiểu thấu được linh hồn hai người gần gũi nhất với bà.
Mỗi khi nhìn món ăn mẹ tôi mang ra, trong tôi lại ào lên một thứ cảm giác vô bờ bến sóng sánh như khi người ta bê một chậu nước đầy,cái cảm giác ấy giống như sự cảm kích,nhưng lại gần với một cơn thỏa mãn tức thì. Tôi hiểu ngay điều ấy là từ đâu ra, và tôi cầm đũa lên và mỉm một nụ cười bình thản để giấu đi những cảm xúc của mình cho lòng tự trọng của mẹ mình không bị tổn thương, cho nỗi chán chường âm ỉ trong bà không bùng phát. Nhưng khi nhìn vào mặt mẹ mình, tôi lại thấy thêm một sự đố kị cùng cực và ích kỉ độc ác bùng cháy lên khiến mười đầu ngón tay đang cầm đùa và thìa của mình nóng ran. Tôi không biết cha mình có giữ cùng những suy nghĩ như của mình không, nhưng sự bối rối trong ánh mắt ông mỗi khi biết mẹ đã chuẩn bị kĩ lưỡng như thế nào cho mỗi món ăn lại khiến tôi như vừa bắt gặp một người đồng minh, muốn kêu a ha lên một tiếng để chiếm lĩnh lấy khoảnh khắc này, nhưng trên hết, vẫn là sự đau xót cho lòng tự trọng chỉ cần sơ xảy một chút là tổn thương của mẹ tôi, chúng tôi vẫn giữ kín sự ích kỉ của mình.
Mặc dù nấu ăn ngon và yêu thích nó, mẹ tôi cũng chưa bao giờ lộ ra một nét gì rằng bà muốn dạy cho tôi- đứa con gái duy nhất của bà những điều ấy. Hẳn là cũng dễ hiểu thôi vì bà không tin tưởng sau này tôi có thể trở thành một người thích ở trong bếp hơn ở trong phòng làm việc, ngoài ra, hơn thế nữa, với hiểu biết hình thành từ những năm tháng dài ở bên cạnh nhau, bà thừa biết sự không ăn khớp giữa tính cách hai con người chúng tôi cũng giống như hai miếng răng cưa trong một bộ phận, chỉ cần không khớp một cái là toàn bộ chiếc máy sẽ bị sụp đổ. Chúng tôi đã duy trì hoạt động của cái máy thật tốt bằng sự vắng mặt của những người còn lại đến độ chưa bao giờ một trong hai chúng tôi có ý định xâm nhập vào đời sống tinh thần riêng tư của nhau. Tôi trân trọng điều tế nhị này trong suy nghĩ của bà mẹ tôi. 
Cuối cùng hè cũng đã trôi qua thẳng tắp với những ngày chia ra làm hai phần, một cho ngắm nhìn ngôi Đền trên đỉnh đồi, một cho ngắm nhìn căn nhà phía sau, tôi đi học. Năm nay là năm cuối cấp hai, tức là lớp chín, tôi từ nơi khác chuyển đến phải thông qua một kì thi để xem mình sẽ học ở lớp A hay lớp B. Ngôi trường cấp hai này mỗi khối chỉ có hai lớp, A và B. Sức học của lớp A nhỉnh hơn một chút, gọi là lớp chọn. Tôi vượt qua kì thi vào lớp A một cách dễ dàng, trở thành một gương mặt mới của cả ngôi trường vỏn vẹn chỉ có 8 lớp học và hơn ba trăm học sinh này. Thực ra trong thị trấn còn có một trường cấp hai khác, nhưng đó là trường cấp thấp hơn, tức là không có nhiều học sinh giỏi, giáo viên cũng không xuất sắc bằng, nhưng học sinh đông hơn, nhiều lớp hơn và khuôn viên rộng hơn. Cha mẹ tôi cũng như cha mẹ bao người khác muốn con mình lúc nào cũng phải ở vị trí đứng đầu nên không cần đến một suy nghĩ thứ hai, lập tức đăng kí cho tôi thi vào lớp chọn ở trường chọn. Tôi không phản đối gì.
Mới bước vào lớp tôi đã thấy những ánh mắt cười cợt của lũ thanh niên sắp thành bạn cùng lớp của mình. Chúng là con những cư dân thị trấn, học hành khá hơn, trông sáng sủa hơn, và gia đình có điều kiện hơn. Chính cái điều kiện quá ư thuận lợi giữa một thị trấn nhỏ với một số ít người hình thành nên ở lũ vị thành niên mà suy nghĩ còn bị chi phối bởi sinh lý này một tính cách không kiêng nể, một thứ ta đây hoạnh họe mà sau này sớm muộn cũng bị vùi lấp ở một thành phố lớn đông đúc nào đó. Nhưng trước mắt, tôi hãy còn một chặng đường dài để đi mới thấy những thứ đáng buồn cười ấy ở lũ bạn học này bị dẫm nát. Tôi im lặng theo sự chỉ đạo của giáo viên chủ nhiệm ngồi vào cái bàn thứ ba dãy bên trái. Ngồi cùng bàn tôi có hai đứa nữa, một trai một gái. Đứa con trai ngồi ngay cạnh tôi trong có vẻ hiền lành, đứa con gái bên ngoài thì tôi không đoán nổi tính cách thông qua cái nhìn của nó.  
Khi vừa đặt mình xuống cái ghế băng nhỏ xíu và lạnh toát, nhét cặp vào ngăn bàn sau khi lôi một cuốn vở trắng tinh và cuốn sách số học ra thì tôi nhận thấy ngay sự hiền lành của thằng bé bên cạnh toát ra từ đâu, chính là từ cái cổ áo sơ mi trắng hoen một vệt tròn màu vàng của nó. Cái sự hiền lành của thằng bé bỗng nhiên trở nên dễ hiểu, ở một nơi không thuộc về mình, người ta trở nên dễ bảo. Tôi lén lút ngắm nhìn khuôn mặt thằng vừa trở thành bạn cùng bàn với mình, với khoảng cách gần thế này, nó ắt sẽ trở thành đứa bạn đầu tiên của tôi trong môi trường mới này. Hai con mắt nó trũng sâu xuống khiến ánh sáng lọt qua từ khe cửa sổ làm chúng tối om, nhưng ở một vị trí gần như của tôi thì không có gì lọt ra khỏi tầm quan sát, ánh mắt nó luôn luôn ở góc độ nhìn lên, tức là kể cả khi nó đứng cao hơn người khác một cái đầu thì ở nó người ta vẫn không thấy gì ngoài một cái nhìn rụt rè yếm thế. Trong đám bạn bè của cha tôi cũng có một vài người có ánh nhìn ấy, họ đến nhà chúng tôi trong một bữa tiệc rồi rời đi êm ả như phong cách của những tên trộm, những người mà nỗi sợ hãi cả thế giới bao phủ lấy khoảng không gian mà cơ thể chiếm được, cằm luôn luôn gục xuống ngực trong mọi cuộc tranh luận, không cả nhấc tay mình lên cao một cách thoải mái khi muốn vuốt mái tóc. Trong không gian có quá nhiều người, họ lại càng sợ hãi, chỉ muốn nuốt chửng lấy toàn bộ cơ thể mình, để nó biến mất vào trong hư vô, hoặc trở nên tàng hình, hoặc bất cứ kiểu dạng khác, miễn sao không ai thấy được họ. Cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe về những người như thế, hoăc giả ông không lấy làm hứng thú với những bản chất trái ngược hoàn toàn với ông, mà cũng có thể ông quá bận bịu với những dự án và những mối quan hệ xây dựng trên nền tảng mang lại giá trị riêng nên đã bỏ qua những cá thể đặc biệt ấy. Nhưng tôi thì không, trong các bữa tiệc khi trên người diện bộ váy màu trắng đẹp nhất mà mẹ tôi chọn ra, ngồi im trên một cái ghế đẩu ở phía đầu bàn ăn, tôi quan sát hết từng gương mặt. Có một số người nhạy cảm, ánh mắt của tôi đâm vào da họ khiến cơn ngứa nổi lên, họ giơ tay lên má gãi, rồi day ra phía điểm bắt đầu của ánh nhìn, nhưng khi nhận ra chỉ là một đứa bé con, họ thôi không gãi nữa, cười mỉm, hoặc lướt qua tôi, rồi tiếp tục vai diễn của họ trong bàn ăn. 
Tôi không thích bất cứ ai trong cả dãy bàn ăn đầy ắp những người bạn của cha tôi. Họ là những chính trị gia, nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, đôi lúc có cả mấy người cấp cao trong quân đội. Nhưng người mà tôi quan sát tỉ mỉ nhất vì ở họ có cái gì khơi gợi lên trong tôi một tia bốc đồng ngạo mạn và còn hơn thế nữa, thứ mà tôi không bao giờ có dịp phân tích kĩ càng vì hẵng còn bận để mắt mình la liếm lên mọi cử chỉ của họ. Những người ấy chính là giống thằng bạn cùng bàn mới của tôi bây giờ, một cái gì thụt lùi đi trong cá thể cần phải tiến hóa, một cái gì giống như bản năng tự vệ, cấu trúc cơ thể dễ dàng bị rã rời cũng y hệt như những phân tử li ti của não bộ họ. Đôi khi tôi thấy thương hại, đúng, chính thế, một sự thương hại âm ỉ mà tôi muốn phỉ nhổ, vứt vào họ những câu nói thâm độc nhất mà một đứa sắp thành niên có thể nghĩ ra, giống như một sự bùng nổ của những đứa trẻ quyết chí bỏ nhà ra đi, cái mà tôi mong muốn là ném khăn ăn vào mặt họ, phun đống thức ăn đang nhai thành một mớ hỗn độn về phía ấy, hét lên rằng đồ ngu, đồ dối trá,đồ yếu đuối. Ánh mắt tôi lúc phải nuốt cái cơn thịnh nộ ấy lại chắc phải mãnh liệt lắm, nhưng sự trong trẻo của một đứa trẻ chưa hoàn chỉnh khiến nó không thể hiện được cái mà nó muốn thể hiện. Người ta nhìn lại tôi, bằng ánh mắt thương hại gấp ngàn lần của một cá thể mà bản thể đã hoàn thiện, giống như ánh mắt của người hàng xóm khi nhìn thấy con chó nhà bên bị bạo hành. Tôi những muốn in cái sự thương hại hãy còn non trẻ của mình lên một tờ giấy, đưa thẳng vào tay họ mà chờ đợi sự hiểu thấu, nhưng ơ kìa, tôi hãy chỉ còn là một đứa trẻ, và tình cảm mà tôi biến thành hành động hãy còn một sức mạnh tiềm ẩn của bản năng và sự tích cực, tôi muốn biến sự thương hại của mình thành một động lực thúc đẩy về phía trước cái tôi hoàn thiện của những con người ấy, chứ không phải làm họ trở nên kì cục với cái khăn ăn vặn vẹo trong tay, trong khi miệng nở nụ cười như đang mếu trước những câu chuyện không ăn nhập một chút nào với đầu óc tủn mủn của họ. Ấy là cái kiểu thương hại của riêng tôi khi mới vừa bước qua tuổi mười lăm được vài tháng, sau này khi lớn lên, tôi có xu hướng quên bẵng đi tất cả những thứ không ảnh hưởng đến giá trị của mình, giống như cha tôi, tôi lạnh lùng với tất cả các cảm xúc không xuất phát từ bản thân tôi, và giống như cha tôi, tôi lặng lẽ đặt mình lên ví trí dẫn đầu của cả một thế hệ tôi.
Cậu bạn ngồi bên cạnh không đưa mắt sang nhìn mặc dù tôi biết cái nhìn lấm lét của tôi có tác động đến cậu vì đuôi mắt bên phải của cậu ta giật nhẹ một cái. Tôi đã đoán trước được điều này, những con người như cậu ta sẽ không bao giờ quay sang hai bên để khẳng định lại sự vật, vì bị cái ý nghĩ “điều đó vượt quá khả năng hành động của mình” chi phối, điểm nhìn chỉ có ở phía trước, nhưng không bao giờ cơ thể tiến về phía ấy. Tôi chán nản quay về phía bàn học, cô giáo dạy môn Số học đang viết cái gì lên bảng, đằng trước mặt tôi là lưng ba người học sinh nữa hai nam một nữ, dáng vóc đều nhỏ như nhau.

2.
Khi học đến tuần thứ ba, trong lớp vẫn không có lấy một người bạn nào nói chuyện với tôi. Tôi biết cái thứ khiến sự xa lánh xảy ra ấy xuất phát từ chính bản thân tôi,nhưng đấy là điều tôi không muốn thay đổi. Việc học hành vẫn tiến triển tốt, tôi được thừa hưởng trí thông minh của cha mình và tính nhẫn nại của mẹ mình. Trong lớp ngoại trừ các tiết học, giờ nghỉ giữa giờ tôi thường lôi theo một cuốn sách rồi vùi mình vào đấy, bỏ quên cả thời gian cũng như các gương mặt cười đùa cứ lả lướt xung quanh. 
Đến một hôm, cậu bạn ngồi bên cạnh mà giờ tôi đã biết tên là Văn đã day qua tôi khi ấy đang đọc cuốn “Ác quỷ Nam Kinh” và nói: 
“ Cho tớ muốn cuốn ấy khi cậu đọc xong được không?”
Tôi đã ngạc nhiên vì câu nói của cậu ta trong một giây đồng hồ. Vì cái cách cậu ta bắt chuyện với tôi, vì những cuốn sách hấp dẫn cậu ta, và vì cách xưng hô ấy - tớ là đặc điểm của những đứa trẻ chuyển về từ thành phố lớn. 
“Tất nhiên là được”
Nghe xong câu trả lời Văn liền mỉm một nụ cười rất khẽ, rất nhanh rồi quay đi, mặt lại cúi xuống vở bài tập Toán như mọi khi cậu ta vẫn làm, tôi không biết cậu ta nhìn vào đó để làm gì. Việc cậu ta có những sở thích riêng, những cá tính và hành động theo suy nghĩ không phải là điều gì lạ lùng, tôi chỉ muốn đánh giá đúng người khác thông qua tất cả những thứ được bộc phát ra thành hành động và tình cảm, chứ không phải từ những cái nhìn chằm chằm vào một cuốn vở nào đó. Tôi thử tưởng tượng ra cảnh cậu ta ở nhà, đang hét vào mặt người mẹ nông dân của cậu ta rằng cậu ta không muốn ăn thứ rau như cỏ nát này nữa, mà cậu ta muốn ăn bánh ga tô (chẳng hạn), cậu ta chán ngấy cái cảnh nhà này lúc nào cũng tẻ ngắt và thiếu thốn đủ thứ, còn cha cậu ta thì chẳng bận tâm vẫn ngồi vót tre ở ngoài đầu ngõ. Nếu mà tôi có được nhìn cảnh ấy thật thì tôi sẽ lấy làm hãnh diện hơn cả khi phải đối mặt với một cậu bé mười lăm đầu tóc gọn gàng, áo dù đã ngả vàng nhưng sạch sẽ luôn luôn không biểu lộ một tình cảm gì. 
Khi tôi trở về nhà tôi đã muốn nói chuyện với cha mình về vấn đề này, nhưng cha tôi đã đóng kín cửa phòng làm việc, còn mẹ tôi thì vẫn cứ im lặng chạy như con thoi từ bếp ra lò nướng, từ lò nướng ra bàn ăn, rồi từ bàn ăn ra bồn rửa bát. Tôi vất cặp mình lên giường, xuống nhà bắc cái ghế ra trước hiên rồi ngồi ngơ ngẩn nhìn về phía ngôi Đền trên đỉnh đồi. Ngôi đền vẫn như hôm qua, hôm kia và sẽ ở đó mãi cho đến tương lai. Đền nhỏ, chỉ có một gian nhà, tôi đoán vậy vì những lùm cây phía trước che khuất gần hết hình dạng của ngôi Đền. Xây với gạch, vữa và xi măng sơn trắng đúng kiểu truyền thống của các căn ủy ban nhân dân huyện thời nay, duy chỉ có mái của nó là được thiết kế đặc biệt hơn cho ra đúng hình dáng một ngôi Đền với tứ phía cong lên ở cuối trạm hình đầu rồng. Hình trạm rồng bằng gỗ được làm khá tỉ mỉ và duyên dáng. Nhưng tôi không biết đền thờ mẫu và đầu rồng ngậm ngọc thì có liên quan không nên bữa trưa hôm ấy tôi đã hỏi cha mình, ông khi này hãy còn bận ngậm cơm và đọc một bản báo cáo, trả lời ậm ừ cho xong : “đúng rồi đấy con ạ! Muốn tìm thêm thông tin thử đi thư viện xem”. Tôi thôi không hỏi nữa quay trở về với ngôi đền, không giống như các ngôi đền khác phải sơn son thếp vàng, quét vẽ lên những bảng màu và chữ Hán xanh đỏ, ngôi Đền này có cái vẻ tiêu điều đến kì lạ, lớp sơn bong tróc của nó đã phủ một lớp rêu xanh bám chặt lấy tạo nên những mảng đối nghịch nhau trong góc ánh sáng mặt trời. Lớp cũ kĩ thổi ra ngoài hình dáng một cái tinh thần bền vững mà không tài nào tôi nghĩ con người có được, đặc biệt ở phụ nữ. Gia đình tôi không sùng đạo nào, nhưng cũng không phải tôi chưa bao giờ được đi đến Đền thờ, Chùa chiền hay nhà thờ. Tất cả những nơi ấy đều mang lại cho tôi cảm giác không tốt, giống như tâm can mình không bị ai nhìn những vẫn phơi bày ra trước toàn thể không gian, và cái áp lực đè nặng lên một bản thể không hoàn chỉnh với những tội lỗi xuất phát từ hạt bên trong và lớp bồi đắp bên ngoài của những ý nghĩ. Không phải nỗi sợ hãi làm tôi chán nản, nhưng ở những nơi như thế con người mang trong mình cái vẻ lòe loẹt đột nhiên nở bung trong tầm mắt tôi thành những muôn ngàn sắc tía, chơi vơi và giả tạo, không giống như thứ mà tôi chờ mong ở một xã hội đang chờ đón tôi bước ra. Từ những con người ấy, mùi vị của xác thịt, của ham muốn và của những hào hóa bốc ra, ươn ươn như mùi cá thối, hòa vào trong bầu không khí ngập ngụa mùi nhang khói và những lời rì rầm thoát ra từ những cái mồm ươn ướt mấp máy khiến tôi buồn nôn. Những lúc ấy,nước mắt khẽ rơi ra từ khóe mắt tôi hòa lẫn sự kích động trong tâm trí khiến vẻ mặt tôi khó coi và đỏ ửng lên không khác gì một kẻ sùng đạo thật sự. 
May mắn thay ngôi Đền trước mặt ngôi nhà chúng tôi lại khoác lên mình một vẻ ngoài nhẫn nhịn không thường thấy ở những nơi có cùng tên gọi. Điều ấy khiến tôi cảm kích mỗi lần ngước lên ngắm nhìn ngôi Đền theo cảm hứng cần có một thứ gì để ước vọng chứ không phải kiểu tha thiết một niềm tin để bấu víu, tôi vẫn còn quá trẻ để tìm kiếm những thứ dễ dãi không tồn tại trong hiện thực này được. Không, tôi không băn khoăn về vấn đề tôn giáo, đó là một phạm trù nằm ngoài khả năng gợi hứng thú đối với tôi, cái tôi muốn tiếp nhận ấy là thứ gì nằm trong sinh hoạt vật chất của con người mà nuôi dưỡng đủ khả năng vượt ra khỏi hiện thực thực tế và nuôi dưỡng linh hồn con người trở về với bản chất tự nhiên của nó. Giống như đứng trước mặt trời chói chang ta vội cụp mắt lại, những sắc màu có hình dáng của những đốm tròn cứ nhảy ra trước mắt ta chơi vơi giữa ranh giới thực và ảo, giữa cái có và cái không, giữa những vật chất ở bên trong và ở bên ngoài. Trong khoảnh khắc ấy tôi cứ nghĩ mình chỉ cần tập trung là sẽ nắm bắt được ý niệm mà nó muốn truyền tải giống như cứ tự nhìn sâu vào trong cơ thể mình trong một thời gian thật dài thì tất cả những tạp niệm luẩn quất rồi cũng sẽ hiển hiện ra trước mắt, nhưng không, nó trôi tuột ra khỏi tầm tay với mà biến mất, để lại một màn đen trong suốt, xuyên ra ngoài kia vẫn còn là ánh sáng của mặt trời chói lóa. 
Tôi ngấu nghiến đọc xong cuốn sách với một tốc độ thần kì khiến câu chữ vừa vào đã bốc hơi đi mất không đọng lại một chút nào trong đầu, nhưng tôi có một mục đích, và nó không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của thằng Văn - thằng bạn cùng bàn của tôi. Tôi muốn tiếp cận với nó thêm một lần nữa, để bắt nó mở miệng, bắt nó nhìn thẳng vào mắt tôi và bắt nó phải ngẩng khuôn mặt của nó lên khỏi trang vở đầy chữ xấu xí của nó. Tôi không còn nhớ khi mình xây dựng kế hoạch của mình (- mà cho đến bây giờ tôi đã xấu hổ vô cùng cực khi nghĩ đến cảnh nảy sinh ra cái ý tưởng hành hạ một sinh vật tự thân thấp kém cho cái trò chơi lạc thú của mình) , tôi có giữ được một tâm niệm tốt đẹp hướng đến sự tích cực là muốn đem thằng bạn ngồi cùng bàn trở lại thế giới của loài người, hay là chỉ đơn giản như muốn nó phải bị ê hề, phải thấy tủi nhục như những gì nó xứng đáng phải nhận thậm chí trước cả khi nó quyết định rút lại trong vòng khiên bảo vệ mình, quyết định vứt bỏ đi thứ vũ khĩ mà đáng lẽ nó sẽ phải dùng như một vật bảo vệ bản thân cũng như một gút thắt để nó vượt lên trên cao tất cả những thứ sinh vật khác. Đêm trước khi đi ngủ, tôi trằn trọc như sắp có bài kiểm tra vào sáng hôm sau, những cơn rùng mình mà tôi không bao giờ dám tự thừa nhận nó gần giống với khoái cảm cứ ve vuốt lấy sống lưng và hai bên mạng sườn , khiến tôi như con thú nằm trên đống dục vọng của mình rên lên thành từng tiếng i ỉ, không khác gì những cô gái đang gần đến kì kinh, ẩm ướt và đam mê. Tôi đã ôm giấc mộng ấy mà ngủ một giấc không tròn đến 6 giờ sáng và bật dậy với tấm thân ướt đầm, thậm chí cả mái đầu cũng nhờn nhờn những dầu bết lại dưới từng chân tóc. Tôi không thể quay trở lại giấc ngủ đành đi đến nhà tắm, dùng xà phòng bánh gột rửa toàn thân, kì cọ kĩ từng ngóc ngách của cơ thể như một kẻ tội đồ muốn rửa sạch tội lỗi của mình với nước. Phòng làm việc của cha tôi đã sáng đèn tự bao giờ khiến tôi cảm thấy an tâm vì tôi không chỉ có một mình. Nước lạnh dội từng gáo lên đầu nóng bừng và bết lại của tôi, len lỏi trong các chân tóc khiến tôi thêm một lần nữa rùng mình, cơn mê đêm qua tràn về trong đầu óc vừa được gột rửa. Tôi đê mê trong nước mát và trong những kí ức âm ỉ về dục vọng. Một dòng máu đỏ chảy ra theo làn nước mát. Tôi không lấy làm bất ngờ vì mấy ngày gần đây cơ thể tôi có những thay đổi nhỏ nhắt nhưng khác thường, tôi chú ý,nắm bắt tình hình và chờ đợi. Cái gì đến rồi cũng phải đến, ấy là cái điều mà mọi đứa con gái trong vòng từ mười ba đến mười lăm chờ đợi: kì kinh đầu tiên của thiếu nữ - phản ứng sinh học luôn bị đẩy vào giữa những băn khoăn của mong muốn và không mong muốn. Tôi biết bước tiếp theo của quá trình này là gì, nhưng có một điểm gì níu kéo tôi lại trong bồn tắm này, không động đậy. Tôi lấy một bộ đồ bẩn mặc quýnh quáng vào người, chui ra khỏi phòng tắm, tiến về phía phòng ngủ của cha mẹ mà lúc này hẳn chỉ còn mỗi mình mẹ tôi. Tôi không gõ cửa, cứ thế ẩn cửa phòng tiến vào, quỳ xuống chân giường, dùng hai tay lay vào bờ vai của mẹ mình đang nằm im lìm trong một tự thế thẳng đờ như bộ mặt của bà trong các bữa tiệc tiếp đón bạn bè của cha tôi. Hai bờ mi của bà mỏng và ngắn, giống y như của tôi, đang khép hờ khiến một đường viền đen chạy từ bên khóe mắt này sang khóe mắt kia, giống như người ngủ giả vờ. Cái lay của tôi khiến bà hấp háy mắt, tôi vội nói”mẹ, con đến kì”; mẹ tôi giọng còn ngái ngủ hắt mu bàn tay về phía tủ quần áo của bà: “băng vệ sinh ở trong tủ đồ lót”, rồi quay lại cơn mê mẩn của mình không thêm một lời nào nữa. Tôi không biết giấc ngủ chưa trọn của bà đã xâm chiếm cái ý nghĩ về lần đầu tiên hay chính cái quan điểm chẳng có gì là quan trọng của bà mới là thứ khiến tôi buồn đến thế. Tôi không thất vọng, đây là câu chuyện được dự báo trước trong tôi, tôi vốn biết thế. Nhưng cái sợi dây mỏng manh gắn kết giữa hai tâm hồn phụ nữ rung lên mách bảo tôi phải làm chuyện này, phải nói với mẹ mình trước tiên về cái mốc kỉ niệm đánh dấu của cuộc đời một phụ nữ này, tôi không mong đợi chuyện bà sẽ hào hứng với thứ đó, đây vốn không phải các bộ phim Mỹ mà người mẹ run lên vì hạnh phúc với những thay đổi nhỏ trong cơ thể con cái mình. Tôi tôn trọng mẹ mình, cũng như bà tôn trọng và thấu hiểu rằng tôi là một đứa trẻ có khả năng tự xoay sở kể cả không cần kiến thức của người mẹ như bà, chính những suy nghĩ song song giữa hai chúng tôi khiến tôi không thể không đi đến phòng bà mà nói với bà rằng tôi vừa có kì kinh đầu tiên của cuộc đời mình. Nó chỉ đơn giản là thế, nghĩa vụ của một đứa con và bản năng của một người mẹ. Không, không phải chỉ có vậy, tôi với bà trên hết là hai tâm hồn đồng điệu đến độ có thể không cần phải nói cũng hiểu người kia nghĩ gì, và không cần phải hành động để cho người kia biết bản thân tôi có màu sắc như thế nào. Tất cả là thừa thãi trong mối quan hệ này, duy chỉ có cảm xúc buồn là còn lắng lại. 
Tôi đứng lên đi về phía ngăn tủ đựng đồ lót của bà, lấy ra gói băng vệ sinh mà tôi đã nhìn thấy hàng ngàn lần. Mở một chiếc ra trong toalet và tôi sử dụng chúng đúng cách, đúng quy định như tôi đã dùng nó một tháng một lần suốt mười lăm năm trước đó. Tôi không cần phải bày ra trước mắt mọi người sự bối rối trẻ con nũng nịu hỏi ai đó phải làm thế nào với cái này, tôi chỉ là để cho bản năng của mình chi phối tất cả những hành động khác. Mẹ tôi tự có những phiền muộn của riêng bà, cũng nhiều ngang bằng với chúng tôi và cũng phải loay hoay tự tìm cách giải quyết lâu như chúng tôi. Tôi chợt nhận ra dù mình có già thêm hai mươi tuổi nữa, thì những chiều hướng trong suy nghĩ của mình cũng sẽ mãi mãi ở cùng một vạch xuất phát và đến cùng một dải băng kết thúc, không ai chiến thắng trong cuộc đua này cả, chỉ còn lại hai thứ, ấy là thời gian và sự lựa chọn.
Tôi mang cuốn sách đã đọc xong đến lớp, cơ thể tôi cương lên vì những thứ tôi phải mang theo người: những cảm xúc mới mẻ về một thế giới mới chờ đón người phụ nữ tiếp theo của toàn thể nhân loại, một kế hoạch âm thầm để giết chết sự tẻ nhạt của người bạn cùng bàn, và cả về thứ vật chất giữa lớp áo quần và cơ thể cứ phồng lên khiến cách ứng xử đi đứng của tôi trở nên kì cục. Khi này tôi không biết một con người có thể mang nặng đến từng nào, vác theo bao nhiêu xúc cảm cả tích cực và tiêu cực, nhẩm tính trong đầu được bao nhiêu kế hoạch cùng một lúc để sự hưng phấn chèn ép lấy thành não bộ, nhưng sau này khi lớn hơn, tôi biết khả năng mang vác của con người mới thật kì vĩ, cộng với khả năng chịu đựng giữ cho cơ thể không bị nổ tung trước những xung động cảm giác còn kinh khủng hơn nhiều. 
Khi vừa xong tiết Kỹ thuật, chúng tôi có năm phút nghỉ giữa giờ. Tôi lôi trong cặp mình ra cuốn “Ác quỷ Nam Kinh”, đặt nó trên mặt bàn mình sao cho cậu bạn nhìn thấy, tôi đưa cho cậu một ánh mắt thật nhanh và mạnh mẽ cho cậu hiểu đến giờ rồi, tôi đã đọc xong cuốn sách, rồi lúi húi cất vở này đi, lấy vở khác ra, đóng cặp, nhét cặp vào ngăn bàn. Động tác của tôi chậm chạm như kéo dài hàng thế kỉ đối với người bên cạnh vì tôi biết mái đầu cậu cứ rung rung không yên trên cuốn tập của mình. Cái cổ áo trắng hoen ố của cậu ta đôi lúc tôi có cảm tưởng nó run lên như cánh bướm đang chưa biết nên đậu hay nên bay, lấp lóa trong khóe mắt tôi như con ngươi bị nắng phản chiếu tạo thành một chùm bông tỏa ra tứ phía. Nắng ở cửa sổ rưới vàng một góc bàn, chính là góc tôi đang ngồi, thẳng lên đỉnh đầu và đùi tôi đang duỗi ra. Tôi nhấn nhá quay ra cửa sổ để nắng chiếu thẳng vào mắt mà nhắm mắt lại, tưởng tượng ra thứ vật chất đang nằm một cách xộc xệch giữa hai chân, trong hai mí mắt mỏng dính, một màn ảo giác các điểm sáng bắt đầu chuyển động lộn xộn như muốn xộc ra từ miệng, từ hốc mắt, hốc mũi. Tôi quay phắt đầu lại, một tay đặt lên cuốn sách, tay kia làm như vô tình chạm vào tay áo được là thẳng thớm của cậu bạn: 
“Này, tớ đọc xong rồi! Cho cậu mượn!”
Điều tôi mong chờ, điều tôi nghĩ đến cả đêm hôm qua, hiện giờ ngay trước mắt tôi. Ánh mặt của sinh vật mỏng manh trước mặt tôi khi tôi không đẩy cuốn sách sang phía cậu ta, mà dùng tay nhấc hẳn lên, khiến đầu cậu ta nhất định phải quay sang phía bên tôi. Tôi không thả tay ra ngay khi cậu ta đã giơ tay nhận, mà vẫn còn giữ lấy cuốn sách chờ cậu ta mở lời. Tôi muốn một ánh mắt thẳng tắp, tôi nhận được nó. Tôi muốn một cánh tay đưa ra, tôi nhận được nó. Tôi muốn một lời cảm ơn, tôi cũng nhận được nó. Tất cả như trong kế hoạch. Nhưng cái hạt trong tôi ngọ nguậy khước từ tất thảy những thứ ấy, nó rung lên tiếng chuông cảnh báo như tiếng lanh canh của những viên đá trong cốc thủy tinh. Mỗi một âm thanh phát ra là một từ có những chữ cái quen thuộc, đầu tiên là H, rồi đến O,A và kết thúc là N .Mỗi một âm tiết phát ra như tiếng thìa gõ vào cốc thủy tinh rỗng không : tinh - H, tinh- O, tinh - A, tinh- N khiến tôi không kịp chiêm ngưỡng hết thành quả của kể hoạch mình nung nấu đã bị bể tung ra thành một khối bất động trong cái nắng tĩnh lặng của không gian. Tôi thấy mình như hóa đá trước khi kịp hiểu ra chuyện gì đang xảy ra. Một đôi khi tôi ngồi nghĩ lại kí ức buổi sáng hôm đó như một nỗi buồn về sự kiêu căng độc ác trong bản tính một con người, kể cả khi người ta được nuôi dưỡng để trở thành một cá thể tốt đẹp có khả năng đứng vững trong một cộng đồng tập thể. Tôi còn phát hiện ra được khả năng lớn hơn nữa của cái thiện mỹ đã ập đến như một bóng lưới bủa vây lấy thói hợm hĩnh ấy, mà ngay trong cơ thể tôi, ngay trong cái hạt nhỏ bé của tôi một nguồn sức mạnh khủng khiếp mà tôi chưa bao giờ được biết nó ở trong đó đã mở tung ra như khi người ta giật nắp chai sâm panh. Tôi ngạc nhiên là cơ thể mình đã không có bất cứ một phản ứng nào trước đó, cái thứ mầm mống ấy vượt ra khỏi sự kiểm soát của não bộ và nhận thức để giành quyền điều khiển cơ thể dù chỉ trong một vài giây ngắn ngủi. Nhưng chính từ cái giây phút ấy mà tôi cũng nhận ra rằng mình hãy còn là một con vật chưa được hoàn chỉnh về nhân cách lẫn bản tính, hãy chỉ còn là một đứa trẻ vừa mới có kì kinh đầu tiên, và trong cái tương lai mập mờ trước mặt, tôi có thể sẽ trở nên một cái gì đẹp đẽ nhưng không thể nào hoàn thiện, nhưng chừng đó cũng sẽ đủ để tôi đi đến hết cuộc đời mình nếu như tôi không nảy ra cái ý định điên rồ là tự khóa mình trong căn phòng suốt phần đời còn lại. Hoặc, tôi sẽ chết trước khi hoàn thiện bản thân mình thì điều đó mới thật là tiếc nuối cho toàn thể nhân loại vì tôi đang tiến thêm một bước trong quá trình hoàn thiện nhân cách con người nói chung, và nhân cách một cá thể nói riêng. Tính từ giờ phút ấy trở đi, tôi biết con đường mà tôi chắc chắn sẽ bước vào mà không cần một giây suy nghĩ, ấy là con đường hướng tới cổng thiên đàng, nơi mà những tâm hồn khác hàng ngày vẫn cầu nguyện trong ngôi Đền nhỏ trước nhà tôi để được tiếp nhận mà không một ai nghĩ rằng điều đơn giản ấy ở ngay trong chính mỗi con người họ.
Phải, trong cái giây mà cơ thể tôi réo vang tín hiệu báo động ấy, con ngươi của thằng bé bên cạnh đã nhấc cao lên một phần năm so với tầm nhìn của nó trước đây, nó đã nhìn vào khuôn mặt tôi bằng ánh mắt phản chiếu bóng nắng, và nó đã đưa cánh tay vẫn đặt trên mặt bàn của nó về phía tôi. Tôi đọc được tất cả cảm xúc đang sống động chạy qua thành từng hàng trong hai con mắt nó, giống như đọc những trang giấy in đầy những chữ thẳng tăm tắp. Chính thế, tôi đã thấy được kế hoạch của mình mới hoàn hảo làm sao, mới thấy mình cao siêu làm sao. Tôi đã đạt được đến đỉnh cao khoái cảm của mình trước sinh vật nhỏ bé vừa ngẩng đầu nhìn về phía tôi bằng ánh mắt của hạnh phúc. Tôi, chính tôi là người đã ban phát cho cậu ta những xúc cảm mạnh mẽ như thế, và tôi thậm chí kiểm soát được hành động của chính mình cũng như phán đoán chính xác được những thứ xúc cảm ấy, tôi đã thấy mình như con mãnh hổ trong rừng rậm, thứ tự cao đáng khinh đã tôi đã vô cùng đau khổ trong suốt những đêm còn lại của năm lớp 9, sau khi phải đối mặt với những tình cảm ngày càng thân thiện hơn của cậu bạn và cảm xúc xuất phát từ lòng hối lối của tôi đối với cậu mà sau đã biến thể thành một thứ gì khác xinh đẹp và tươi tắn hơn. Tiếng réo báo động lôi toàn bộ những giác quan của tôi ra khỏi cái hão huyền của mình để trở lại với bản chất thật và hiện thực quá đỗi khác xa. Nó réo gọi mỗi chữ cái trong tên của tôi như một cách chắp nối lại những mảnh hạt đang dần tan vỡ ra của tôi sau khi tôi hành xử một cách vô ý thức đối với bản thân cũng với người trước mặt. Mỗi một tiếng tinh vang lên là một cái tát nhẹ vào mặt tôi, cảm giác mát lạnh chảy xuống từ chân tóc tôi sáng nay khi tôi gội đầu trong nhà tắm hiện ra rõ mồm một. Cảm giác thật lạnh lẽo, tôi như kẻ bị đẩy ra khỏi căn buồng ấm áp của mình và đang đứng giữa hòn đảo băng lạnh giá mà không một thứ áo quần nào bảo vệ được. Tôi run rẩy trong ý nghĩ của mình về sự cô độc và hình thái mới về nỗi buồn dần dần hình thành trong óc tôi, xòe bàn tay năm ngón ra giữa không gian để nhìn thẳng vào từng đường rãnh tạo thành các đường chỉ tay chằng chịt. Có một người bạn cha tôi trong một lần đến nhà đã cầm lấy bàn tay nhỏ xíu của tôi mà phán rằng cuộc đời tôi rồi sau này sẽ khổ sở với đôi bàn tay khô và chằng chịt những đường vân như thế này, nhưng ông cũng nói thêm như an ủi cha mẹ tôi, rồi nó sẽ thay đổi theo thời gian thôi, đừng lo lắng. Hiển nhiên cha mẹ tôi không lấy làm bận tâm đến những lời như thế, còn tôi thì lại càng không. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa một lần phải vất vả nếu như sự vất vả chỉ tập trung ở những sinh hoạt thường ngày ăn, kiếm sống, ngủ nghê,học hành,...Không, tôi không có bất cứ nỗi vất vả nào ở trong những thứ kể trên, chỉ duy một lần duy nhất, ấy chính là khi tiếng rung báo động ngân vang trong cơ thể đang bất động của mình, tôi mới biết thế nào là nỗi khổ sở. Nỗi khổ sở không nằm ở ngoài mà nằm ở chính ngay giữa ranh giới giữa cái đúng và cái sai, giữa cái nên tồn tại và cái không nên, giữa những đòi hỏi và những yên bình,...nó là những mối quan hệ qua lại chống lại nhau nhưng nâng đẩy nhau lên, một mối quan hệ như cha tôi vẫn thường nói : biện chứng, và dưới sự tác động của các mối quan hệ biện chứng ấy, tôi đã lớn lên mà khổ sở như lời vị xem tướng tay ấy nói, tôi đã không thoát khỏi nổi số phận, không vượt quá được bức tường cao ngất do cái tư tưởng mỗi ngày một lớn của mình xây nên. Sự khổ sở bắt đầu từ hôm tôi đưa cuốn sách ấy cho đứa bạn cùng bàn, và thật nhanh chóng, nó lớn lên như quả bóng bơm ô xi, ôm trùm cả lấy khoảng không gian chứa cơ thể vật chất của tôi.
Sau buổi học hôm ấy tôi về nhà với nỗi thất vọng lớn lao hơn bao giờ hết, nó hiện rõ trên gương mặt tôi đến độ mẹ tôi cũng không cầm được mà hỏi con mệt à?, cha tôi thậm chí còn rời mắt ra khỏi bản báo cáo mà nhìn tôi chờ đợi câu trả lời, tôi nhìn vào mặt mẹ tôi với cái nhìn cương nghị mà bố tôi đã truyền lại cho tôi, một ánh mắt thẳng và lột tả dữ dội như thể tôi không có gì giấu diếm cả, tôi là thật, và anh hiểu được điều ấy, mẹ tôi như chợt nhớ ra điều gì, liền bảo : “ồ, mẹ hiểu rồi! Con nên nghỉ ngơi mấy ngày này!”
Đấy cũng là điều tôi mong muốn mẹ nghĩ đến trước bộ mặt bày ra này của tôi, cảm giác chiến thắng vừa chợt nảy lên lại bị dập tắt ngay bởi ảo ảnh của tiếng vang lanh canh buổi sáng hãy còn chưa biến mất hết. Trưa đó tôi không ngủ, ra khỏi nhà và bắt đầu bước những bậc thang đầu tiên tiến về phía ngôi Đền trên đồi.
Giữ Đền là một người phụ nữ quá bốn mươi tuổi, vẻ mặt khó đoán sau lớp son phấn và mái tóc được uốn xoăn quá mức cần thiết. Bà ta có một ngôi nhà nhỏ ngay dưới chân đồi, tức là cách nhà chúng tôi khoảng ba bốn căn. Hôm nay bà ta không có mặt ở trên Đền.Có một con đường đắp đá trắng thành những bậc thang kéo dài từ chân đến đỉnh đồi, nơi ngôi Đền ngự trị. Những bậc thang nhỏ chỉ vừa đủ cho hai người đang lên xuống tránh nhau, hẳn cũng đã được xây lên từ lâu nên những viên đá mòn nhẵn,lộ ra những vết trắng của lớp vôi phía bên trong, trời mưa thì chắc trơn trượt khủng khiếp. Tôi men theo những bậc đá tiến lên cao hơn, phía dưới cảnh vật trải ra thành một lớp phẳng lì tưới đẫm nắng, con huyện lộ kéo dài xa tít tắm, những ngôi nhà san sát nhau cùng một kiểu cách xây dựng nhưng đứng uốn éo, cao thấp và màu sắc khác nhau khiến chúng trông như một bức tranh vẽ dở của đứa học sinh cấp một. Tàng cây bàng trước sân nhà tôi mở ra thành một cái dù che mất một góc lớn, ngọn cây bị chặt cụt đi đế những thân cây phát triển hơn, tạo bóng mát hơn. Tôi không biết ai đã làm thế với cây bàng ấy, hẳn là trước cả khi chúng tôi chuyển tới đây vì không ai trong nhà tôi lại nảy sinh ra cái ý nghĩ chặt ngọn cây đi cả. Tôi tiến lên cao hơn nữa, xung quanh là đất đồi trồng những thứ cây xấu xí mà chủ yếu là bạch đàn thân trắng bé tí, những lùm cây dại nham nhở như mái đầu kẻ điên, nở những bông hoa héo quắt đi dưới cái nắng cuối hè, bụi cây chó đẻ thân xốp nhiều đến độ vươn cành liếm cả vào chân khách bộ hành đang bước trên những bậc thang đá. Cảnh tượng này chẳng lấy gì làm hứng thú, ấy là đặc điểm của núi đồi ở miền Bắc đất nước này. 
Đón tôi ở cổng tiến vào phía sân Đền là hai cây hoa đại thân nhỏ như vừa được trồng cách đây không lâu, cành sà xuống thấp, lá cũng không có nhiều, hoa lại càng không. Tôi thở dài tiến sâu vào trong sân Đền.Trước mặt là một cái Điện thờ nhỏ xíu ngoài trời bày đầy những hoa quả, oản hương và một cây đèn dầu có cái chụp đèn bảo vệ bằng thủy tinh đang cháy. Tôi ngửi thấy một mùi nhang rất mảnh phả ra từ phía một cây nhang duy nhất đang cháy gần hết ở phía điện thờ ấy. Không có tượng mẫu, tượng thần gì trưng bày ở đó. 
Sân trước ngôi Đền im ắng phả lên hơi nóng hấp thụ từ mặt trời đang đứng thẳng giữa đỉnh đầu tôi. Cái sân bê tông được trát cẩn thận ra đến tận mép dốc xuống của quả đồi khiến tôi hơi hoang mang, nhưng chính sự im lặng của nó lại làm tôi trở nên vững vàng trong cuộc khám phá của mình. Tôi không mong muốn được nhìn thấy một thứ bóng lộn kì công ở nơi này, với tôi những thứ như thế còn lâu mới tiến lại gần được với cái đẹp, cái tôi tìm kiếm chính là màu sắc của sự yên tĩnh và sức mạnh an ủi tâm hồn con người mà những nơi thiêng liêng thường đem tới mặc dù tôi không hề có khái niệm cần tìm kiếm những thứ như thế ở ngoài con người mình. Tôi tự mình đi lên đây, tự mình nhìn vào hết thảy những thứ mà ba tháng nay tôi chỉ nhìn ở một khoảng cách nhất định, nó thấp thoáng phía sau những bụi cây dại không tên tuổi thành một bóng hình mờ ảo, chỉ có những đầu rồng uốn cong phía góc nóc Đền mới là chạm được đến mắt tôi. Nhưng tôi không biết mình sẽ làm thế nào để được truyền cái sức mạnh mà mọi người vẫn nói đến ấy ở nơi này, chính giữa nơi mà tôi đang đứng, thanh lọc cơ thể đang bừng bừng của tôi và để nó trở lại nơi nó đáng lý phải như thế. Tôi tắm mình trong không khí trên cao và nhìn ra xa, cảnh vật không có gì hấp dẫn, cả ngôi Đền cũng vậy. Thân thể tôi bắt đầu bứt rứt ở một điểm mà tôi chưa bao giờ hình dung được, có cái gì thôi thúc tôi phải hành động. Tôi tảng lờ nó, ngồi xuống giữa cái sân bê tông nhỏ, xếp bằng và hướng mắt mình về phía những đầu rồng ngậm ngọc trên mái Đền. Mảng tróc ố màu thời gian của lớp sơn ngoài nóc mái giống như những vết thương lở loét ngay trong cơ thể tôi lúc này. Mới có một thời gian ngắn mà tôi cảm thấy mình như một con hủi đã đến kì không nên tiếp xúc với thế giới bên ngoài nếu không muốn bị ném cho những ánh mắt kinh tởm. Tôi tự thấy mình như thế, tự ném cho mình những ý nghĩ kinh tởm về bản thân mình, mình tàn héo, và tróc ra từng mảng. Màu xanh của rêu chạm vào những vết thương khiến chúng nảy lên vì xót, vì buốt, và rồi rêu nằm ở đấy, mãi mãi, che đi cái màu da thịt tróc lở kinh tởm mà tô lên chỉ một màu xanh nhờ nhờ. Những gì tươi mới nhường chỗ cho sự cũ kĩ và ẩm mốc. Bốn bức tường của ngôi Đền giấu kĩ trong sự ảm đạm của nó, phơi mình ra trước cái nắng trưa chỉ là một sự câm lặng vĩnh hằng, giống sự cam chịu hơn là một nỗi thanh thản. Nó không khoe ra những gì bên trong nó, hay nó chỉ không muốn cho tôi thấy, ấy là quyền của nó, tôi nghĩ, nhưng cái tôi yêu cầu từ phía nó, nó cũng không cho tôi, mặc dù tôi không phải là một thành phần ngoan đạo , nhưng tôi cũng tự cho phép mình có cái hạnh phúc được nhận một liều thuốc từ phía nó!. Ngôi Đền vẫn lặng thinh trước chất vấn của tôi, sự xanh xám của bức tưởng bủa vây lấy câu hỏi của tôi mà nuốt chửng, dùng ánh mắt chỉ một màu nhờn nhợt của nó mà giương về phía đối phương đang ngồi chịu trận giữa khoảng sân bé con. Ấy là tôi của một ngày trong quá khứ bắt đầu trương lên dưới cái nhìn của những vết ố.
Sau khi rời khỏi nơi ấy trở về nhà, vết thương trong lòng tôi không những không được chữa khỏi mà thậm chí còn đau buốt hơn. Tôi bỏ cơm tối nằm ủ trong chăn, cha mẹ nghĩ tôi chỉ bị hành hạ bởi cơn đau mà kì kinh đầu tiên mang lại nên cũng không hỏi gì nhiều.