Đối với chính phủ Việt Nam, Liên Bang Xô Viết là người anh em thân thiết, là người đồng chí, người thầy hướng dẫn cách mạng Việt Nam đến đường vinh quang. Do đó không có gì lạ khi mỗi công dân Việt Nam đều thường xuyên được nhắc nhở đến sự vĩ đại của nhà nước Xô Viết, các nước anh em Đông Âu cộng sản qua báo chí, phim ảnh, qua 12 năm học phổ thông và hai khóa học chính trị ở đại học. Tuy nhiên có một cách khác để tìm hiểu và dễ nhớ hơn về nhà nước Xô Viết anh hùng và các nước Đông Âu cộng sản anh em là qua những mẩu truyện cười, phản ánh chân thực cuộc sống hằng ngày của người dân.

Sự độc đáo của những truyện cười này là thứ nhất chúng không phải là để gây cười. Chính xác hơn là không phải để cười to, bởi vì bạn có thể bị bắt vì cười to (hử?). Và thứ hai là nếu bạn để một người nào đó làm trong chính quyền nghe được, bạn có thể đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng:

Một vị quan tòa bước ra khỏi tòa án và cười chảy nước mắt, ông ta cười không thở được. Người bạn của ông thấy tò mò liền bước đến hỏi:

-Chuyện gì khiến ngài cười nhiều như thế?

Vị quan tòa:

-Tôi vừa nghe được câu truyện cười hài hước nhất từ trước đến giờ.

-Truyện gì thế? Ngài kể tôi nghe được không?

Ngài quan tòa cố gắng nhịn cười và nói:

-Không được, vì tôi vừa cho kẻ kể câu chuyện đấy 10 năm tù vì tội chống đối nhà nước rồi!

Tại sao một người lại có thể bị bắt vì kể truyện cười? Tại sao chính quyền biết anh ta kể truyện cười? Tại sao lại bị bỏ tù vì kể truyện cười? Liên Bang Xô Viết anh hùng và các nước Đông Âu XHCN là những quốc gia, hiện tượng kì lạ trong lịch sử và do đó truyện cười cũng được nhìn với những góc nhìn rất khác biệt. Năm nay kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười ở Nga (1917 - 2017), nhân dịp này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lịch sử của Liên Xô và các quốc gia cộng sản ở châu Âu thông qua các câu truyện cười này.

Lịch sử của nhà nước Xô Viết bắt đầu với cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 khi những nhà cách mạng Bolshevik lật đổ chính quyền Cộng hòa lâm thời để thành lập nên nhà nước Cộng Sản. Lãnh đạo cuộc Cách mạng vĩ đại này là đồng chí, người thầy, người cha của giai cấp công nhân, Vladimir I. Lenin (1870-1924). Do đó không lạ gì khi tất cả báo chí, báo đài của Nga đều ca ngợi công lao vĩ đại của ông. Ông xuất hiện khắp nơi, trong các bài thơ, bài văn ái quốc và mọi học sinh đều phải học về tiểu sử của người thầy Cách mạng, thuộc lòng về ông, quê quán, ngày tháng năm sinh:

Một nhóm học sinh thành thị được giáo viên dẫn ra ngoại ô chơi. Trên đường đi nhóm thấy một con thỏ đang ăn cỏ và vì chưa thấy thỏ bao giờ, các em học sinh hỏi cô giáo đây là con gì. Cô giáo liền nói rằng: “Các em hãy đoán xem. Đây là con vật xuất hiện trong khắp các câu chuyện cổ tích, các chuyện dân gian và bài hát của chúng ta. Nó rất dễ đoán. Các em hãy suy nghĩ xem.” Cả nhóm học sinh đăm chiêu suy nghĩ, rồi một em nhỏ bước đến vuốt ve con thỏ và nói: “Hóa ra đây là lãnh tụ Lenin đây sao.”

Một câu truyện khác cho thấy sự bình tĩnh của Lenin trước những khó khăn:

Một người nông dân gầy gò ốm yếu gặp Lenin và than phiền về sự đói khổ của mình:

-Chúng tôi đã hết lương thực, phải ăn cỏ như ngựa để sống. Sau này chúng tôi chắc kêu như ngựa quá!

Lenin từ tốn nói:

-Hãy bình tĩnh người nông dân, ở Moscow chúng tôi uống trà với mật ong mà có phát ra tiếng vo ve như mấy con ong đâu.

Khi nhà nước Cộng Sản mới được thành lập, chính quyền Xô Viết nói nhiều đến việc xây dựng nhà nước Cộng Sản, đả kích kịch liệt chế độ quân chủ của Sa hoàng và tiêu diệt tất cả những gì thuộc về chế độ Sa hoàng. Tuy vậy ít người hiểu được thế nào là Cộng Sản:

Bà lão nói với cháu gái:

-Cháu yêu của bà, cháu đã được học và đọc nhiều về chế độ cộng sản. Hãy giải thích cho bà biết cộng sản là gì đi.

Cháu gái:

-Thưa bà, khi xã hội cộng sản được xây dựng xong, sau khi chúng ta đã tiêu diệt được những kẻ thù chống phá cách mạng và bọn tư bản, các cửa hàng sẽ mọc lên khắp nơi, sẽ có đủ bơ, sữa và thịt cho chúng ta tha hồ mua sắm và không lo bị đói nữa.

Bà lão:

-A thật tuyệt vời, giống như chế độ Sa hoàng khi xưa vậy.

Nhà nước dùng mọi biện pháp để huy động tiền ủng hộ của người dân để xây chế độ mới:

Một đám đông đứng nghe đồng chí Cộng Sản tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng Sản:

-Chúng ta sẽ phá tan chế độ bóc lột tròng vào cổ chúng ta.

Cô gái ở dưới thì thầm với người bên cạnh:

-Họ nói đúng đấy, cách đây mấy hôm họ đã giật dây chuyền vàng của tư bản trên cổ tôi để sung công quỹ Cách Mạng.

Cuộc cách mạng vốn rất chông gai và khiến cuộc sống người Nga rất khó khăn:

Cảnh sát Moscow đi tuần tra thì thấy một người đang đi loanh quanh không rõ mục đích. Một anh lính thì thầm vào tai đồng đội: “Chắc là một tên gián điệp phương Tây đi chống phá cách mạng.” Thế là anh kia hét: “Ông lão kia, làm gì đấy, ông là ai!” Ông lão giật mình làm rớt tờ giấy. Người lính đến nhặt và đọc: “Giấy xét nghiệm nước tiểu. Đạm: không có, đường: không có, mỡ: không có.” Anh ta trả tờ giấy cho ông lão và nói: “Xin lỗi đã làm đồng chí vô sản sợ. Cách mạng muôn năm. Giai cấp vô sản muôn năm!”

Là người giai cấp vô sản họ đã học cách đấu tranh cho quyền lợi của mình:

Một người nông dân Nga bị bắt vì dám trộm hai bao khoai tây. Cảnh sát thẩm vấn anh ta hỏi:

-Tại sao anh lại ăn trộm hai bao khoai tây?

-Thưa ngài cảnh sát, tôi không ăn trộm hai bao khoai tây, tôi chỉ làm theo chỉ dẫn của đồng chí Lenin: giành lại những gì đã bị cướp đi.

Lãnh tụ Lenin mất năm 1924 trong niềm tiếc thương của toàn người dân Nga. Sau một giai đoạn chuyển đổi quyền lực dài, đồng chí Stalin lên thay thế Lenin vào năm 1928. Lãnh tụ Stalin vĩ đại chính là người bắt đầu quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa cho nước Nga. Ông quyết định bán gạo cho phương Tây để đổi lấy tiền xây nhà máy. Thế là các nông trại hợp tác xã được hình thành: người nông dân bị lấy hết đất mà không được bồi thường, và bị dồn vào một hợp tác xã làm việc trên các thửa ruộng của nhà nước. Gạo họ làm ra được nhà nước mua với giá rẻ như cho không:

Một quan chức ở Moscow than phiền rằng thành phố có quá nhiều chuột và hỏi một chuyên gia môi trường nên làm cách nào để xử lý. Ông ấy bảo rằng hãy biết Moscow thành một nông trại hợp tác xã, lũ chuột nếu không chạy đi vì kinh hãi thì cũng chết vì đói.

Sự chống đối của người dân với việc cướp đất và sự khắc khổ trong các hợp tác xã vì sự nghiệp các mạng quang vinh đã khiến Stalin thành lập lực lượng NKVD – cảnh sát ngầm của nhà nước Xô Viết, sau này là KGB. Lực lượng này nhằm mục đích tiêu diệt, nhổ cỏ tận gốc những kẻ đối lập chống phá Cách mạng. Họ không chỉ lùng sục để tiêu diệt kẻ thù mà họ còn phải suy đoán xem ai có khả năng tương lai thành kẻ thù của cách mạng. Trí tưởng tượng của họ là không có giới hạn:

Một con nai ở Ba Lan đang ăn cỏ thì thấy một con nai hốt hoảng chạy từ biên giới Nga qua. Con nai ở Ba Lan hỏi: “Cậu đang chạy trốn gì thế?” Con nai từ Nga nói: “Bọn NVKD coi tất cả loài voi là nguy hiểm đến sự nghiệp Cách mạng nên quyết định diệt hết lũ voi.” Nai Ba Lan: “Nhưng cậu đâu phải là voi!?!” Nai từ Nga: “Cậu đi mà nói với đám NVKD ấy.”

Sự bắt bớ của NVKD là không có giới hạn. Những người có tư tưởng tiến bộ, dân trí thức như giáo viên, nhân viên ngân hàng, bác sĩ, tướng lĩnh quân đội đều bị bắt cóc, tra tấn, bị bắt ký nhận những tội lỗi mình không phạm phải rồi bị xử bắn hoặc đưa vào trại Gulag lao động khổ sai. Theo ước tính trong cuộc Đại thanh trừng của Stalin bắt đầu từ năm 1937 đến năm 1941, khoảng 1 triệu rưỡi người bị bắt, 681 ngàn bị xử bắn. Một người có thể bị xử bắn vì tất cả tội danh người ta tưởng tượng ra, như ngồi lên tờ báo in hình Stalin và: 

Hai phạm nhân trong trại khổ sai nói chuyện với nhau: 

-Cậu bị làm sao mà họ xử cậu 10 năm tù?

-Tớ chẳng làm gì cả

-Cậu đừng có xạo, tội đó đi tù có 5 năm thôi!

Trong cuộc sống hàng xóm được khuyến khích theo dõi nhau để báo lên chính quyền hành vi đáng ngờ của nhà bên cạnh, máy nghe lén được đặt khắp nơi công cộng. Câu nói tường có tai có thể hiểu theo đúng nghĩa đen. Cả xã hội chìm trong không khí im lặng sợ hãi, không ai dám nói gì nhiều với nhau:

Bốn chú chó Mỹ, Mexico, Ba Lan và Nga gặp nhau.

Chú chó Mỹ than: Trước đây cứ đúng giờ là người hầu cho tớ ăn. Giờ thì tớ phải sủa người ta mới mang thịt đến.

Chó Mexico: Cậu có người hầu ư!

Chó Ba Lan: Cậu có thịt để ăn ư!

Chó Nga: Cậu được sủa ư!

Nhà văn Isaac Babel viết: “Ngày nay một người chỉ nói chuyện thoải mái với vợ anh ta vào buổi tối, với chăn trùm trên đầu.” Ông bị bắt vào năm 1940 vì tội chống phá cách mạng và bị xử bắn 1 năm sau đó:

Một người đàn ông đi dưới cái giá lạnh âm 20 độ ở Moscow và than thở:

-Thật sự lạnh quá, lạnh không chịu được.

Lập tức một viên cảnh sát đến trước mặt ông ta và nói:

-Anh bị bắt vì tội phỉ báng nhà nước.

-Nhưng…nhưng tôi đã nói gì? Tôi chỉ nói là lạnh không chịu được.

-Cái lạnh dù có xuống âm 30 độ vẫn chịu được, chỉ có cái nhà nước này là không thể chịu được thôi. Anh dám phỉ báng nhà nước. Anh bị bắt!

Chống đối Stalin, khiến Stalin phật lòng là chống đối nhà nước, và điều đó nghĩa là đi trại cải tạo hoặc là bị xử bắn. Vào năm 1937 Stalin ước tính dân số Liên bang là 180 triệu, tuy nhiên ủy ban dân số điều tra năm đó cho thấy cả nước chỉ có 162 triệu người. Thế là họ bị xử bắn và một ủy ban mới được thành lập. Ủy ban này phải điều tra lại và vào năm 1939, họ thống kê dân số toàn quốc (sau nhiều chỉnh sửa) là 171 triệu, gần sát với ước tính của Stalin và làm hài lòng lãnh tụ. Do nguyên nhân này mà những gì báo cáo ở Liên Bang Xô Viết luôn khác xa thực tế:

Stalin đi thăm một nông trại và hỏi về tình hình sản xuất ở đấy. Stalin hỏi:

-Tôi đọc báo cáo thấy nông trại của anh thu hoạch tốt lắm.

Người nông dân trả lời:

-Thưa đồng chí Stalin, nông trại của chúng tôi thu hoạch nhiều khoai tây đến nỗi chúng chất cao đến tận Chúa Trời.

Stalin: Này đồng chí, làm gì có Chúa trên đời! (Nhà nước Cộng Sản theo học thuyết Marx là nhà nước vô thần).

Người nông dân: Vâng, những quả khoai tây của chúng tôi cũng thế.

Tuy nhiên đừng ai dại gì mà đùa với Stalin như người nông dân ấy:

Nhà báo: Đồng chí Stalin, ngài có sở thích gì không?

Stalin: Có chứ đồng chí. Tôi sưu tầm truyện cười về tôi.

Nhà báo: Thế ngài sưu tầm được bao nhiêu rồi?

Stalin: Đủ cho ba nhà tù rồi.

Tên của Stalin cũng được đặt cho thành phố anh hùng Volgograd, tức Stalingrad, nơi đã có trận thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô chống phát xít Đức:

-Anh sinh ra ở đâu?

-Thưa ngài ở Volgograd.

-Anh đang sống ở đâu?

-Thưa ngài Stalingrad.

-Dự định tương lai của anh là gì?

-Thưa ngài được về lại Volgograd.

Sau năm 1945, Liên Xô kiểm soát Đông Âu, coi đó như là lá chắn đề phòng bất kỳ sự xâm lược của phương Tây đến từ tương lai. Và hiển nhiên là họ cũng đem mô hình nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa của mình sang các quốc gia ấy, và những quốc gia ấy đã học tập rất nhanh những tinh túy của nhà nước Liên Xô, và coi những danh nhân người Nga là danh nhân của quốc gia mình.

Năm 1949, để kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà thơ nổi tiếng Pushkin của Nga, Ba Lan Cộng Sản đã tổ chức cuộc thi điêu khắc tượng Pushkin. Có hàng trăm thí sinh gửi bài đến dự thi nhưng không có kiểu tượng nào làm hài lòng ban giám khảo. Thế rồi có một thí sinh gửi một kiểu tượng độc đáo nhất và lập tức chiến thắng cuộc thi. Đến ngày khánh thành tượng đài, người dân Ba Lan được chiêm ngưỡng bức tượng của Stalin đang vẫy chào những giai cấp công nhân, bên tay trái ông quyển sắc với tựa bên ngoài: “Tuyển tập thơ Pushkin”

Năm 1953, lãnh tụ vĩ đại Stalin mất (nhưng tất nhiên là ngài vẫn sống mãi trong sự nghiệp của người Nga như Lenin vậy). Nhà nước Xô Viết đã tổ chức quốc tang và trong đoàn người đi hành lễ tưởng niệm, một cụ ông gần 100 tuổi giơ cao một tấm bảng: “Cám ơn Đồng chí Stalin đã cho tôi tuổi thơ đẹp đẽ.” Những người của chính quyền chạy đến người đàn ông và quát: “Này sao ông lại viết vậy, ai chẳng biết lúc ông còn nhỏ Stalin đã sinh ra đâu.” Người đàn ông trả lời: “Vì thế nên tôi mới cám ơn đồng chí Stalin.”

Thay thế Stalin là Khruschev và Brehnev và hai người nãy đã chấm dứt thời kỳ khủng bố của Stalin. Cuộc sống của người dân Nga dần trở nên khá hơn. Khruschev quyết tâm cải tổ nền nông nghiệp Liên Xô vì mô hình hợp tác xã đã tàn phá nó ghê gớm, đến mức họ phải dựa rất nhiều vào nguồn cung lương thực ở Mỹ và phương Tây:

 -Này đồng chí, liệu sẽ có một cuộc cách mạng của giai cấp công nhân bùng nổ ở Mỹ?

-Có chứ, hoàn toàn có thể. Tuy nhiên nước Mỹ theo Cộng Sản rồi thì ai bán lúa mì cho chúng ta ăn đây?

Một cô gái đến báo cáo với chính quyền rằng cô ta nghi ngờ hàng xóm của mình làm gián điệp cho phương Tây:

-Làm sao cô biết được họ làm gián điệp?

-Vì tối nào họ cũng có thứ để ăn cả!

Những cải tổ của Khruschev, Brezhnev cộng với giá dầu tang cao đã giúp cải thiện rất nhiều đời sống của người dân Xô Viết. Họ dần tin rằng lý tưởng cộng sản rồi sẽ thành sự thật, các lãnh đạo cũng thế và họ ráo riết tuyên truyền cho sự thành công sắp đến của nhà nước Cộng Sản:

-Vợ anh đi học nấu ăn lâu chưa?

-Cô ấy học được ba năm rồi.

 -Tuyệt vậy, hẳn là cô ấy giờ nấu ăn ngon lắm!

-À không cô ấy chỉ mới học xong lý luận chính trị về tư tưởng Marx-Lenin.

Người dân luôn được nói về tương lai đẹp đẽ của nhà nước vô sản:

Hỏi: -Sự khác nhau giữa truyện cổ tích bên phương Tây và truyện cổ tích ở Liên Xô là gì?

Đáp: -Bên phương Tây, truyện cổ tích luôn bắt đầu là: “Ngày xửa ngày xưa,….” ở Liên Xô đó là: “Sau này chúng ta sẽ…”

Dưới thời Khruschev, quan hệ Xô-Mỹ trở nên nồng ấm hơn và người dân hai nước, dù bị hạn chế, vẫn được đi lại thăm nước lẫn nhau:

Một người đến chính quyền xin phép cho anh ta sang Mỹ thăm người chú bị bệnh. 

Nhân viên chính quyền hỏi: 

-Sao anh không kêu chú anh qua Liên Xô chữa bệnh? Ở đây anh ta sẽ được chăm sóc tốt hơn. 

Người kia đáp: 

-Chú tôi bị bệnh chứ không có ngu.

Tuy nhiên sự ganh đua vẫn tồn tại, như ganh đua trong việc phát triển công nghệ hàng không, vũ trụ:

-Tại sao Liên Xô không đưa người lên mặt trăng?

-Bởi vì họ sợ các phi hành gia không muốn trở về.

Mặc dù Khruschev đã đề ra chính sách chung sống hòa bình với các nước phương Tây và Mỹ nhưng ông vẫn luôn kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù:

Một hôm đồng chí Khruschev đọc diễn văn báo cáo đại hội Đảng trước hàng ngàn người thì một người thính giả bị cảnh sát bắt ngay trong hội trường. Một cuộc thẩm vấn được tiến hành sau đó và cho thấy người bị bắt là một gián điệp của phương Tây. Khruschev đã khen ngợi viên cảnh sát nhiệt liệt về chiến công đó và hỏi anh ta:

-Làm sao anh biết được hắn là gián điệp của phương Tây?

 -Thưa đồng chí, tôi đã nghe theo lời dặn của đồng chí, theo dõi mọi người suốt nhiều ngày báo cáo và xác định hắn qua câu nói: Kẻ thù của chúng ta không bao giờ ngủ!

Một gián điệp phương Tây, trông rất giống người Nga, nói sành sõi tiếng Nga và rành văn hóa Nga, giả làm công nhân Nga để đi thăm dò tình hình sản xuất ở nhà máy Liên Xô. Tuy nhiên mới ngày thứ 3 đi làm anh ta đã bị bắt. Lúc thẩm vấn anh ta hỏi:

-Làm sao các anh có thể phát hiện ra tôi nhanh như vậy?

-Bởi vì anh đi làm đúng giờ 3 ngày liền, chứng tỏ anh đeo đồng hồ phương Tây!

Kẻ thù không chỉ lăm le phá hoại cách mạng ở Liên Bang Xô Viết mà còn ở các nước Đông Âu, như cuộc nổi dậy của người dân Đông Đức và Hungary năm 1956 để phản đối chính sách kiềm kẹp, đàn áp công nhân của chính quyền (tất nhiên đó chỉ là những lời xảo trá được bơm lên bởi gián điệp phương Tây). Xe tăng đã phải được cử đến để dẹp loạn. Tưởng chừng mọi thứ đã yên thì năm 1968 ở Tiệp Khắc, cả chính phủ ở đây cũng đi theo xu hướng phản động, bị tác động bởi diễn biến hòa bình và muốn tách Tiệp Khắc ra khỏi vòng tay bảo vệ của Moscow. Một cuộc xâm lược để lập lại hòa bình đã được tiến hành bởi Moscow để kiểm soát Tiệp Khắc, và tất nhiên đây chỉ là một chiến dịch vì hòa bình:

Lãnh đạo của Liên Xô và Tiệp Khắp trao đổi với nhau. Lãnh đạo Tiệp Khắc hỏi:

-Ở Liên Xô có khoảng bao nhiêu kẻ chống phá nhà nước vậy đồng chí?

-Khoảng 8 triệu đấy. Còn ở Tiệp Khắc?

-À cũng khoảng từng đó thôi đồng chí! (Dân số Tiệp Khắc vào những năm 1960 là khoảng 8 triệu)

Năm 1985, Liên Xô có lãnh đạo mới là Tổng Bí Thư Gorbachev. Những chính sách cải tổ của ông là Perestroika (đổi mới về kinh tế) và Glasnost (đổi mới về chính trị) nhằm giúp thoát Liên Bang Xô Viết thoát khỏi khủng hoàng đã vô tình khiến tình hình trở nên tệ hơn và chính quyền này đã sụp đổ vào năm 1991, chấm dứt cho những ngày “đen tối giữa trưa hè” và những vấn đề, quy định khiến người ta vừa khóc vừa cười.

Để kết thúc cho bài viết này, mình share truyện cười cuối:

Karl Marx đã được các nhà khoa học Liên Xô làm sống dậy. Ông được chính quyền đưa đi xem các nhà máy, đời sống công nhân, các hợp tác xã, nghe báo cáo đại hội Đảng. Sau nhiều ngày đi xem đời sống của người dân Liên Xô, Marx đề nghị với chính quyền cho ông đọc một bài diễn văn trước công chúng để bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Bên chính quyền do dự vì họ sợ Marx nói những thứ không vừa ý họ và đề nghị Marx đọc diễn văn đã được viết sẵn. Marx suy nghĩ một lúc và nói rằng ông sẽ chỉ nói một câu thôi. Bên chính quyền đồng ý. Đến ngày đọc diễn văn, được phát thanh toàn quốc, Marx phát biểu:

-Hãy tha thứ cho tôi những người dân Liên Xô.