Để mà bắt đầu nói thì hồi nhỏ mình từng xem nhiều bộ phim truyền hình, trong đó nhân vật nữ chính thường luôn luôn là người đối đãi rất tốt với mọi người xung quanh, hầu như không có bất cứ sai phạm gì. Ngay cả khi bị người khác hãm hại, thì cô cũng sẽ nhiều lần bao dung, tha thứ. Do đó, các chàng trai rất yêu thích sự lương thiện này của cô gái. Mỗi khi cô gặp nguy hiểm gì, đều luôn sẽ xuất hiện kịp thời, dù ở bất cứ nơi đâu. Cuối phim, những nhân vật phản diện sẽ nhận ra lòng tốt của cô gái và hối hận. Chốt lại, chỉ cần bạn lương thiện, mọi người đều sẽ yêu thương bạn. 
Mình đã từng mong muốn trở thành như thế, mọi việc mình làm đều theo quy tắc của một người tốt và hạn chế tối đa việc sai phạm hay gây tổn thương cho người khác. Kết quả thì đúng là mình cũng nhận lại được một số điều tương tự như nhân vật chính. Từng có một đứa bạn luôn có ác cảm với mình, bỗng một hôm trong ngày sinh nhật nó không mời mình nhưng vẫn nhờ đứa  bạn khác chia bánh kem cho mình và bảo rằng mình là người thánh thiện. Khỏi phải nói thì mình cảm động suýt khóc. Cảm giác như cuối cùng nữ chính cũng đã nhận được thành quả ngọt ngào.
Cho đến một ngày, mình nhận ra bản thân mình không hề tốt đẹp như những gì diễn ra bên ngoài con người mình, cái cách mà mình thể hiện. Mình phát hiện rất nhiều thứ xấu xí ở bên trong. Đứa bạn khen ngợi thành tích đứa mình không thích mấy trước mặt mình, mình gật gù chấp nhận nhưng trong lòng lại phảng phất sự khó chịu. Mình nói lời an ủi một đứa bạn post story buồn trên Facebook, nhưng trong lòng nghĩ việc công khai nỗi buồn lên Fb là một cái gì đó thật ngớ ngẩn, không đáng lưu tâm. Mình tha thứ cho một số người, nhưng trong lòng tràn ngập sự đổ vỡ.  Chỉ cần một ánh nhìn, câu nói hoài nghi đến từ người khác, cũng khiến mình mất tự tin, nhạy cảm xem xét lại hành vi. Mình lục lại những việc làm trong quá khứ xem có điều gì mình làm không đúng hay gây hiểu lầm hay không. Mình không muốn bất kì ai nghĩ mình là một người không tốt, không đáng được tin tưởng. Chỉ khi đến một thời gian, nhiều chuyện dồn dập đến, mình phát hiện ra những điều này đang ám ảnh lên mình. Cái cách mà mình luôn cố gắng bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của bản thân và sợ hãi trước mọi nguy cơ bị xâm phạm đến. Dù trên thực tế, mình đúng là có nhiều tính xấu thật. Sau đó, cuối cùng mình đã tìm hiểu ra được vấn đề của mình.
Robert Glover, tác giả quyển No More Mr. Nice Guy có đề cập đến một loại Hội chứng người tốt ( Nice Guy Syndrome ). Mình có xem lướt qua một chút vì mình không chuyên về Tiếng anh mà lại không tìm thấy bản tiếng Việt. Trong đó, chủ yếu thì ông muốn nói đến việc những người đàn ông luôn cố gắng làm mọi điều tốt đẹp, hài lòng để thu hút phái nữ. Anh ta luôn cố gắng thể hiện mình là một người hoàn hảo về mọi mặt trong tính cách và đáp ứng mọi nhu cầu của cô gái để nhận lại tình cảm. 
Ngoài ra, còn có một cụm từ có vẻ phổ biến hơn là People Pleaser ( Người làm hài lòng mọi người ) dùng để chỉ tất cả những ai mắc phải vấn đề tương tự này chứ không riêng gì nam giới như ở trên. Nhưng vì nó dài quá và gây cản trở cho việc diễn đạt nên mình xin phép dùng cụm từ "Hội chứng người tốt" để chỉ cho vấn đề mà mình đang muốn nhắc đến ở trên. 

________BIỂU HIỆN HỘI CHỨNG NGƯỜI TỐT LÀ GÌ?

Ở trên mạng có rất nhiều nhưng mình muốn gom lại một chút. Những người mắc hội chứng này thường có một số những biểu hiện sau đây :

1. Không chú trọng cảm xúc và nhu cầu thật sự của bản thân.

 


"Cố tỏ ra là mình ổn nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng." - Karik.
Cảm giác như bản thân lúc nào cũng không thể quan trọng hơn người khác. Nếu mọi người cùng đưa ra ý kiến, họ sẽ nhún nhường ý kiến của đối phương và cảm thấy ý kiến của mình không đáng được để tâm mấy. Sẽ thật may mắn nếu ý kiến của họ được chấp nhận. Nếu không được, không sao cả vì họ có thể ( giả vờ ) vui vẻ chấp nhận ý kiến của mọi người. Họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người khác và rất khó để mà nói từ chối. Thậm chí đôi khi tử tế đến mức không cần thiết.  Tuy nhiên lại hiếm khi đưa ra yêu cầu của mình hay là đề nghị người khác giúp đỡ vì sợ phiền hà đến mọi người xung quanh. Họ thể hiện sự hòa đồng với tất cả mọi người ngay cả khi họ không thích hoặc cảm thấy không phù hợp với ai đó trong một nhóm. 
Mình nhớ trong bộ phim Bẫy tình yêu ( Cheese in the trap ) có một ví dụ cực điển hình luôn mà trên thực tế cũng có. Nữ chính học rất giỏi nên khi nhận bài thuyết trình nhóm về, những người cùng nhóm đều lấy lí do bận này bận nọ không thể làm nốt phần của họ được và năn nỉ sự giúp đỡ của nữ chính. Thế là cô này ôm đồm hết luôn và sang hôm sau bài thuyết trình bị xảy ra lỗi thì cô này đúng kiểu cạn lời cmnl vì tự làm tự chịu, biết trách ai bây giờ.
Bản thân mình cũng từng trải qua một chuyện. Đại loại là mình có tham gia 2 CLB tạm gọi là A và B. Cả hai bên đều tổ chức cắm trại trong tháng. Mình chỉ đủ tiền cho một bên và quyết định đi bên A. Nhưng mình luôn cảm thấy có lỗi với bên còn lại. Khi một đứa bạn hỏi tại sao mình không đi cắm trại bên này mà lại đi bên kia, mình cảm thấy như bản thân đang mắc lỗi vậy. Thế là cuối cùng mình vẫn cố gắng tìm cách ngót nghét tiền để đăng kí đi trại của cả hai. Kết quả đợt ấy mình đi thực sự không vui vẻ gì luôn. 

Đọc thêm:

2. Tỏ ra chấp nhận hầu hết những khuyết điểm, sai phạm của người khác và dễ tha thứ. 

Họ luôn có thể tìm ra sự đồng cảm, thấu hiểu để bỏ qua cho những rắc rối mà người khác mang lại. Ví dụ, tôi đợi một người đi họp trễ đã 30 phút. Khi đến nơi anh ta rối rít xin lỗi vì chẳng may ngủ quên. Ok, tôi bỏ qua. Nhưng mình nghĩ khoản này có thể nằm một phần ở lí do là họ cũng mong muốn được người khác dễ dàng tha thứ nếu họ mắc một cái lỗi tương tự. Ví dụ, hôm nay bạn đi họp muộn, tôi sẽ cố gắng thông cảm. Nhưng lần sau nếu tôi đi họp muộn, bạn cũng đừng nên chê trách tôi. Kiểu vậy.

3. Luôn cảm thấy giá trị của mình phụ thuộc vào cảm nhận của người khác. 

Cực kì sợ bị phán xét, bị nói xấu, bị giận. Làm gì cũng muốn cố gắng hoàn hảo và ít để lộ ra khuyết điểm bản thân. Kể cả nói đùa cũng phải suy nghĩ thận trọng. Mà trong thời đại công nghệ, mạng xã hội hiện nay, lượng tương tác trên các trang Facebook, Ins,... lại càng ảnh hưởng đến những người mắc hội chứng này. Không biết có hay không chứ có thời điểm ví dụ mình cùng chơi với hai người bạn, người này đi comment bài viết của người kia mà không comment bài của mình cũng làm mình bâng quơ suy nghĩ phải chăng mình không đủ tốt không ý. Giờ nghĩ lại thì thấy bản thân vớ vẩn thật.

4. Cố gắng hành động thật đúng với mọi chuẩn mực đạo đức.

Họ luôn luôn uốn mình theo những khuôn khổ đạo đức và giữ nó khư khư như việc không dám để xe lửa lệch ra khỏi đường ray. Giống việc mình nói ở trên đó.  Chúng ta quen với việc nhân vật chính trong phim, truyện luôn luôn hành xử đúng đắn và lương thiện với tất cả mọi người, hiếm khi nhìn thấy tì vết nào trong tính cách của họ. Họ lương thiện và hoàn toàn trong sáng luôn.
Trong phim, nữ phụ tát nữ chính một cái, nữ chính sẽ ôm mặt, khóc và hỏi "Tại sao vậy? Tôi đã làm gì sai?". Sau đó tuy buồn, thất vọng nhưng vẫn cam chịu và rồi bỏ qua. Nữ chính không kể lại với nam chính mà sẽ có một nhân vật phụ khác nữa nghe thấy, nhìn thấy và mách lại. Cuối cùng, nam chính và tất cả chúng ta - người xem phim đều cho rằng hành động cam chịu của nữ chính lương thiện như thế nào. 
Trên thực tế, bản chất cảm xúc của chúng ta không có như vậy nếu gặp tình huống như trên. Chúng ta có muôn vàn cảm xúc tiêu cực khác như bực tức, nổi giận thậm chí nổi điên lên. Nhưng mà thể hiện ra như vậy thì sẽ mất hình tượng tử tế của chúng ta. 
Có những cặp vợ chồng đã không còn cảm xúc hay mong muốn được tiếp tục chung sống với nhau. Nhưng họ vẫn tiếp tục. Có thể họ mong muốn con cái của mình có được một gia đình tốt (dù giả tạo) nên chấp nhận hi sinh hạnh phúc cá nhân. Nhưng len lỏi trong đó mình nghĩ vẫn là liên quan đến hình tượng của họ. Hình tượng của họ trước con cái và với mọi người xung quanh. Họ lo sợ mọi người đều cho rằng họ là người ích kỷ, không trách nhiệm. Một số định kiến xã hội đã áp đặt lên họ những hình ảnh tử tế cố định mà họ khó lòng thoát ra. 

Đọc thêm:
Tóm lại, tất cả những gì mà một người mắc Hội chứng người tốt mong muốn là sự yêu mến và hài lòng đến từ tất cả mọi người. Như vậy, có vấn đề gì sai khi tôi muốn làm người tốt và hi vọng nhận lại được điều tương tự?
Vấn đề nằm ở chỗ, khi bạn quá chú trọng vào hình ảnh người tốt của mình và nó không còn đồng nhất với những suy nghĩ hay cảm xúc thật của bạn nữa. Nó sẽ bắt đầu phản tác dụng.

____________TÁC HẠI CỦA HỘI CHỨNG NGƯỜI TỐT ?

1. Dễ bị stress và dẫn đến trầm cảm

Vì con người không thể hoàn hảo trong mọi thứ. Ai cũng có thể có cả mặt "chính diện" và "phản diện" bên trong. Nên càng cố gắng tỏ ra hoàn hảo lại càng mâu thuẫn với những cảm xúc thật của bản thân. Lâu ngày nếu không được bộc lộ trực tiếp ra thì dẫn đến trầm cảm thôi.

2. Tự ti

Làm việc gì cũng sợ sai, sợ phiền, sợ xung đột, sợ ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân, sợ người khác chú ý. Vì vậy sẽ ngày càng tự ti, luôn có cảm giác bản thân không đủ tốt.

3. Mất niềm tin của mọi người

Nếu bạn cứ đối đãi hoàn toàn tử tế với mọi người, mọi người dần dần sẽ mặc định bạn là người tốt. Ok, theo đó thì sao? Nếu bạn phạm phải sai sót gì, hoặc chỉ đơn giản là không tốt bằng trước kia nữa, nhiều người sẽ lập tức nhận định bạn là đứa đạo đức giả, là đáng thất vọng. Nghe hơi đáng buồn nhưng lại là sự thật thường thấy.

4. Mất đi lập trường 

Càng cố làm hài lòng những con người có tính cách và quan điểm hoàn toàn khác nhau họ sẽ càng không tin tưởng vào bạn nữa vì bạn đối với ai hay chuyện gì cũng phản ứng tán đồng như vậy. Lâu dần bạn sẽ hình thành sự yếu đuối, thiếu kiểm soát và thiếu quyết đoán trong mọi việc. Bạn cứ nghĩ theo ý người khác là tốt, nhưng công việc hay cuộc sống lại đòi hỏi những ý kiến trái chiều và sự tranh luận, mâu thuẫn để tìm ra ý kiến tốt nhất.

5. Không thể phát triển bản thân

Người khác nhờ bạn giúp đỡ, bạn đều đồng ý trong khi bạn không có nhiều thời gian hay kinh tế. Bạn bị mắc kẹt trong công việc của mình còn lặn ngụp thêm trong công việc của người khác, lấy đâu ra thời gian cho gia đình và những người, những việc thực sự quan trọng đối với bạn?
Hay bạn luôn theo quan điểm của người khác để cho qua chuyện thì con đường, quan điểm đúng đắn mà bạn lựa chọn đi theo sẽ là gì ?

_________NHƯ THẾ NÀO MỚI LÀ NGƯỜI TỐT THỰC SỰ?

Có lẽ nhiều bạn cũng giống như mình, đọc qua hàng loạt những điều trên tự dưng hoang mang không biết rằng bấy lâu nay mình đang làm người tốt hay chỉ cố gắng xây dựng hình ảnh của bản thân. Nó có gì khác nhau? Làm người tốt thì sẽ có hình ảnh tốt, tại sao lại phải lấn cấn?
Chung quy mình nghĩ có thể dựa vào hai điểm sau.

Thứ nhất, về mục đích.

Mục đích của người làm việc tốt vì yêu quý đối phương và thật lòng muốn giúp đỡ. Bạn không hi vọng nhận lại điều tương tự sau khi đã cho đi. Nếu có thể thì đó là một chuyện tốt. Nếu không thể, bạn cũng sẽ không quá bận tâm hay phiền não về điều đó.
Ngược lại, khi muốn xây dựng hình ảnh của mình. Mỗi lần bạn làm việc tốt đều nghĩ đến chuyện mọi người sẽ cảm kích như thế nào, sẽ nhìn nhận và khen ngợi mình ra sao, mình sẽ nhận lại được những cơ hội gì sau đó,... vân vân và mây mây. Bạn có lẽ sẽ luôn muốn thể hiện mình là người tốt ở nơi càng đông người càng tốt, ngược lại, càng ít người biết tật xấu của bạn càng nên.

Thứ hai, về cảm xúc. 

Khi bạn thực sự muốn làm một điều gì đó tốt, cảm xúc của bạn vô cùng thoải mái. Vì việc đó có thể nằm trong khả năng của bạn. Bạn đang thực sự tốt.
Trái lại, bạn làm việc tốt nhưng trong lòng không hề muốn làm điều đó và không vui vẻ. Bạn còn phải hi sinh những mong muốn quan trọng hay quan điểm của cá nhân chỉ để làm hài lòng người khác, nhưng họ lại không hiểu. Bạn phiền não vì sau khi vì người khác, bạn vẫn không nhận lại được điều gì khá khẩm hơn. Khi nào trong đầu bạn còn đặt ra câu hỏi "Tại sao tôi phải chấp nhận khổ sở về việc này thay cho người khác?" Khi đó mọi thứ đang thực sự không ổn.

_____________HỘI CHỨNG NGƯỜI TỐT & ĐẠO ĐỨC GIẢ

Hai cái này có giống nhau hay không ?
Cả hai đều là kiểu làm những việc để cố gắng tạo dựng nên hình ảnh tử tế của mình với mọi người. Có thể không đồng nhất với suy nghĩ thật. Nhưng mình tìm thấy một số điểm khác nhau để phân biệt như là :
Hội chứng người tốt : 
Những người này thường thuận theo tự nhiên. Nghĩa là cứ làm việc tốt mãi và hi vọng được nhận lại dù không biết mình sẽ nhận lại được gì. Họ trông chờ nhận lại lợi ích một cách khá thụ động. 
Về ý định của những việc họ làm chung quy vẫn muốn tốt cho người khác, nhưng quên mất việc để ý đến bản thân mình.
Người khác nhận được nhiều lợi ích hơn là bản thân họ.
Đạo đức giả :
Những người này cư xử có kế hoạch. Nghĩa là họ tỏ ra mình là người tốt để có được lòng tin, và họ nắm phần chắc rằng mình sẽ nhận lại được điều gì từ lòng tin của người khác. Nếu điều đó không mang lại điều gì có ích cho họ, họ chắc chắn sẽ không làm.
Ý định làm việc tốt của họ xuất phát từ mong muốn tốt cho bản thân chứ không xuất phát từ lợi ích của người khác. Thậm chí đôi khi còn gây ảnh hưởng tiêu cực hay lợi dụng đối phương.
Và đương nhiên, lợi ích mà họ nhận về được luôn nhiều hơn. 

__________LÀM THẾ NÀO ĐỂ THOÁT KHỎI ÁM ẢNH VỀ HÌNH ẢNH TỬ TẾ ?


Ờm. 
Mình cũng không biết rõ đâu.
Nhưng mà mình tìm xem ở các trang mạng thì nó có chỉ ra một vài thứ, tuy nhiên mình thấy có vẻ không dễ :3

1. Tập xây dựng lập trường cho bản thân

Tức là đưa ra ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình một cách vững vàng. Nhưng nếu làm không khéo, bạn sẽ trở thành người bảo thủ và không biết tôn trọng ý kiến của người khác.

2. Nói ra những điều mà bản thân thực sự muốn nói. 

Ví dụ như nếu đứa bạn nhờ vả trong lúc bạn đang có nhiều việc, hoặc là bạn không bận nhưng đã lâu rồi bạn không có kì nghỉ phép để xả stress cùng gia đình và bạn không muốn bị bất kì công việc nào ảnh hưởng đến tâm trạng. Hãy nói từ chối. 
Nhưng mà nó lại nói "Mày nghỉ phép tận mấy ngày, cũng chẳng có việc gì, vậy mà nhờ tí cũng không được trong khi bạn bè còn cả khối."  O.o
Vậy là chúng ta phải học thêm cách nói chuyện sao cho khéo léo. Từ chối hay lên tiếng chỉ ra lỗi sai của ai đó cũng cần sự tinh tế.

3.  Hiểu mình, hiểu người

Hiểu rằng mình cũng có khuyết điểm và những quan điểm riêng. Không thể lúc nào cũng khiến người khác hài lòng, không thể lúc nào cũng đúng, không thể không xảy ra mâu thuẫn với người khác.
Và hiểu rằng người kia cũng vậy.
Chậc, nếu vậy, muốn làm người tốt lại còn phải kiêm thêm người hiểu chuyện nữa.

______________________________________
Bài này mình không muốn nói nhiều về giải pháp vì theo tiêu đề ở trên mình chỉ muốn mở ra một sự nhìn lại. Nhìn lại rằng chúng ta đang làm người tốt hay đang bảo vệ hình ảnh của mình trước mọi người. Chân thật luôn tốt nhưng đúng là không dễ dàng gì. 
______________________________________
Bài viết có tham khảo từ các nguồn sau, đây là link cho mọi người :
Cảm ơn mọi người vì đã đọc bài viết của mình. Mình đoán là mình sẽ có thể mắc nhiều lỗi sai trong lập luận hay nội dung, hay chính tả gì gì đó và mình sẽ hi vọng nhận được phản hồi từ các bạn để sửa chữa. ( Nếu mình thấy cần thiết hahaha ) 
Hmm, gửi tặng các bạn một link nhạc đính kèm dưới đây :))