Trưởng thành là trách nhiệm?
Thỉnh thoảng ngồi đếm cái tuổi 27 lại tự vấn rằng mình đã trưởng thành hay chưa? đã trở thành người lớn chưa? Ngó vào bản thân rồi...
Thỉnh thoảng ngồi đếm cái tuổi 27 lại tự vấn rằng mình đã trưởng thành hay chưa? đã trở thành người lớn chưa? Ngó vào bản thân rồi lại ngó sang xung quanh thấy mình cần định nghĩa lại cái từ Trưởng Thành theo quan điểm của mình lại cho nó rõ ràng mới có thể trả lời thỏa đáng được.
Trưởng thành, theo quan niệm của phương Tây thì tạm gọi đó là thời điểm mà một người có thể suy nghĩ độc lập, tự đưa ra ý kiến và tự có quyền quyết định cuộc sống theo ý của mình. Theo phương Đông thì chắc chắn họ nhà cụ Tử (Khổng Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử…) cũng định nghĩa ở đâu đó rồi nhưng mình chưa nghiên cứu nên thôi đành đưa ra thiển ý cá nhân vậy.
Cá nhân mình nghĩ Trưởng Thành đi kèm với Trách nhiệm, một người được coi là trưởng thành khi người ấy tự nhận thức được trách nhiệm của mình. Trách nhiệm trước hết đó là trách nhiệm với cuộc sống của mình, đó là thời điểm người đó nhận thức ra sự độc lâp, quyền độc lập trong suy nghĩ của mình, quyền được chủ động sống theo cách mình muốn. Đây chính là trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cá nhân này đòi hỏi người này phải không ngừng quan sát và ý thức để đảm bảo mỗi một suy nghĩ của mình có nét cá nhân rõ rệt không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ áp đặt từ quá khứ và từ bên ngoài.
Bởi vì mỗi cá nhân sống trong một xã hội có văn hóa khác nhau, phương Tây đề cao tính độc lập, tính cá nhân đơn nhất, phương Đông đề cao tính quan hệ và yếu tố quan hệ ràng buộc nhiều nhất đó chính là gia đình và người thân. Do đó sự trưởng thành cũng phải được xét trong trách nhiệm với gia đình, người thân. Chừng nào một người chỉ sống cho mình mà chưa ý thức được trách nhiệm đối với gia đình, anh chị em, họ hàng thì người đó chưa phải là người trưởng thành. Một cách khác, một người trưởng thành khi biết “lo lắng” và ý thức được mình phải có một trách nhiệm nhất định với người thân của mình trong việc đảm bảo cho họ có một cuộc sống tốt hơn. Trách nhiệm này có thể nhiều ít, cuộc sống có thể tốt hơn về mặt tình cảm hay vật chất nhưng những “lo lắng” này nhất định phải có.
Như một đứa con trong gia đình, trong quá khứ bố mẹ, ông bà luôn ở vị trí cao hơn nên đứa con cảm thấy được che chở. Một người con trưởng thành thì đặt vị trí của mình ngang bằng thậm chí cao hơn vị trí của ông bà cha mẹ và cảm thấy ý thức cần phải che chở cho bố mẹ hay ông bà mình.
Trong những dòng họ có truyền thống hay ở làng quê, một người trưởng thành còn mang trong mình trách nhiệm lớn lao với cả dòng họ. “Một người làm quan cả họ được nhờ” là vậy.
Trong mối quan hệ với bạn bè ở giai đoạn này cũng khác, mối quan hệ bạn bè của người trưởng thành cũng khác nhiều so với thời điểm trước đó. Không còn mang nặng cảm tính, bạn bè không còn thay đổi thường xuyên như trước nữa. Người trưởng thành sẽ phải lựa chọn trong số những mối quan hệ từ thủơ ấu thơ của mình đến hiện tại và xếp vào những vị trí có mức độ quan trọng khác nhau và bắt đầu có ý thức về trách nhiệm và sự quan tâm của mình cho những người bạn. Các mối quan hệ được xác định là hướng tới lâu dài, sự quan tâm không chỉ ở mức quan tâm cá nhân mà còn hướng tới gia đình và cuộc sống đằng sau mỗi người. Mỗi một mối liên kết giữa người trưởng thành với một người bạn, một người thân,…càng bền chặt thì cũng như một rễ của một cây đa cắm xuống đất, rễ càng nhiều càng lớn và cắm càng sâu thì cây càng thấy vững chãi, mối liên hệ càng bền chặt thì liên kết giữa người ấy với cuộc sống này càng bền chặt, người ấy càng thấy mình vững vàng hơn.
Với một góc nhìn lớn hơn thì sự trưởng thành còn phải xem xét trong trách nhiệm của một cá nhân đối với cộng đồng, đối với đất nước. Sự trưởng thành của một con người trí thức văn minh và yêu dân tộc đó là khi ý thức rõ ràng được trách nhiệm của cá nhân mình đối với xã hội. Việc đầu tiên cần nhận ra là không được làm tổn hại tới người khác, không làm gì phương hại tới xã hội. Sau đến là trách nhiệm trong việc ra quyết định xã hội (bầu cử, xây dựng, góp ý) và giúp đỡ người khác. Sau nữa là sứ mệnh góp sức mình vào giải quyết một trong các vấn đề của xã hội. Xa hơn nữa đó là việc xây dựng hình ảnh dân tộc và góp phần giải quyết vấn đề của thế giới, của loài người khi ý thức được vai trò của mình như là một thành viên của ngôi nhà chung thế giới.
Xa hơn nữa, thì sự trưởng thành cần phải xét trong trách nhiệm của một cá nhân đối với tự nhiên, với người mẹ Trái Đất vĩ đại. Đó là khi ý thức ra rằng việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các dạng sống khác cũng là một trách nhiệm quan trọng phải làm.
Như vậy trưởng thành cũng có nhiều khía cạnh và Ở mỗi khía cạnh, người trưởng thành lại nhận ra được trách nhiệm của mình. “Trưởng thành là trách nhiệm” và không có trách nhiệm thì chưa thể trưởng thành.
/chuyen-tro-tam-su
- Hot nhất
- Mới nhất