Trưởng thành với tôi không phải là cột mốc, mà đó là một quá trình liên tục và không có điểm dừng. Nhưng khi chúng ta sống trong một cộng đồng, thì cái gì cũng nên có một sự rõ ràng nhất định để dễ dàng hơn cho việc quản lý.
Và khi đó thì trưởng thành cũng sẽ có tuổi
Dù không có văn bản cụ thể, nhưng 18 vẫn luôn là cột mốc được xem là tuổi trưởng thành được công nhận trên thế giới.
Ở các nước phương Tây, 18 tuổi là độ tuổi phải bắt đầu sống tự lập. Tự lập theo đúng nghĩa đen là không ở nhà của bố mẹ nữa, mà phải bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới của mình. Không ít trường hợp cả gia đình một năm liên hệ với nhau một lần vào dịp giáng sinh, và biệt tăm cho đến khi gặp nhau tại đám tang của một người trong gia đình. Một người đủ tuổi trưởng thành mà vẫn phụ thuộc vào bố mẹ sẽ gặp rất nhiều áp lực từ phía cộng đồng và cả gia đình.
Ở Việt Nam (tôi sẽ dùng Việt Nam làm đại diện cho các nước ở phương Đông có truyền thống gia đình) thì mọi việc có vẻ dễ chịu hơn với cột mốc 18 trưởng thành. Văn hóa gia đình đa thế hệ là một nét đặc trưng của người Việt mình, không ít gia đình có đến tận 3-4 thế hệ trong cùng một nhà. Nếu xét trên một hoàn cảnh gia đình có đủ điều kiện cho con cái học đến hết đại học, thì người Việt Nam chúng ta chỉ bị áp lực khi bắt đầu đi làm kiếm tiền. Đương nhiên chúng ta vẫn phải nhận những áp lực về bệnh thành tích lúc đi học, vì chúng ta nói đến tuổi trưởng thành nên tôi sẽ không nói quá sâu về vấn đề đó.
<i>Sự khác biệt của văn hóa phương Tây và phương Ta</i>
Sự khác biệt của văn hóa phương Tây và phương Ta
Cả hai nền văn hóa đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Ở phương Tây việc bạn phải ra khỏi nhà sớm sẽ giúp bạn trui rèn được tính tự lập rất sớm, điều mà rất nhiều người Việt Nam phải tốn nhiều thời gian hơn. Do vậy mà sợi dây liên kết giữa các thành viên gia đình có vẻ sẽ không bền chặt bằng chúng ta. Ngược lại thì mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình Việt Nam sẽ khăng khít hơn, nhưng chúng ta sẽ cần nhiều thời gian hơn cho việc tự chịu trách nhiệm với bản thân.
Trưởng thành là một quá trình mà khi tôi nhìn lại, tôi không biết là mình đã trưởng thành từ khi nào.
Mỗi lần tôi có cơ hội nhìn lại bản thân, tôi luôn so sánh xem mình bây giờ và ở quá khứ đã thay đổi như thế nào. Và may quá, tôi đã luôn thay đổi một cách tích cực. Tất nhiên đó là suy nghĩ cá nhân của mình và để biết nó có tích cực thật không thì tôi phải kiểm chứng lại với mọi người xung quanh tôi. Nhưng ít nhất là tôi đã cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Tôi là một đứa trẻ khá thụ động từ khi còn bé, và lối suy nghĩ đó nó bám rễ vào tôi cho đến khi tôi bắt đầu đi làm. Tôi nghĩ tôi cũng là một trường hợp điển hình cho trẻ em thụ động trong suy nghĩ. Khi phải đến tận sau đại học tôi mới phát giác ra là mình cần phải làm gì cho cuộc đời của mình.
Nhưng điều đó cũng không quá tệ, tôi có một tuổi thơ hoàn toàn vui vẻ. Tôi được chơi đùa với những đứa nhóc trong xóm, cũng có đánh nhau, cũng có bán đồng nát, rồi tụ tập đá bánh, chơi game, đấu vật, và hàng tá trò chơi khác trong tuổi thơ đầy dữ dội ấy,... Đó là một tuổi thơ mà không phải cũng có thể trải qua được. Tôi nhận biết điều đó, và luôn nhặt nhạnh từng mảnh ghép của tuổi thơ bỏ vào trong gương báu ký ức, để đó.
<i>Những ký ức tuổi thơ mà chúng ta luôn cất giữ</i>
Những ký ức tuổi thơ mà chúng ta luôn cất giữ
Rồi bỗng một ngày khi nhìn trước gương tôi thấy bản thân mình sao khác quá. Đâu còn một cậu bé gầy tong gầy teo chạy lon ton giữa trưa nắng gắt để chơi năm mười, hay là một cậu học sinh cúp học để đi chơi game cùng hội bạn,.. Tôi bây giờ đã là một chàng trai đủ da đủ thịt, kiếm được thu nhập và tự tin hơn với bản thân mình.
Nhưng đôi lúc, chiếc gương đó vẫn tự động bật nắp như có ai thò tay vào mở nó ra vậy. Những lúc đó cảm xúc của tôi rất lạ, tựa như nhìn lại một cuộn phim mà mình vừa mới đóng hôm qua. Cũng có nhiều thứ muốn thay đổi, nhưng cuộn phim đó đạo diễn không cho phép tôi bấm máy lại.
Một trong những bài hát có thể làm cuốn phim đó tự chạy: https://www.youtube.com/watch?v=hF12jIJkPZA
Tuy nhiên, không phải khi chúng ta lớn rồi thì tất cả tuổi thơ sẽ theo dòng suối mà tuột mất khỏi tay ta
Tôi rất nhớ những ngày tôi đi net. Net có thể coi là địa điểm yêu thích nhất của tôi thời đi học. Nghe có vẻ không đúng lắm khi thời đi học đáng lẽ ra nơi tôi nên yêu thích là thư viện hoặc lớp học, nhưng thật sự tôi rất thích net.
Net là nơi chúng tôi tập trung với nhau sau những buổi học, hoặc là cuối tuần. Tôi rất nhớ như in những ngày mà chúng tôi cùng ngồi với nhau đánh *Dota. Một nhóm gồm năm người, mỗi người sẽ giữ một vị trí. Nhưng rồi thời gian trôi qua, số lượng chúng tôi ít dần. Có những đứa bạn tôi mà có lẽ tôi sẽ không thể nào trò chuyện thêm một lần nào nữa.
Và khi tôi nhận ra rằng tôi đã xa những ngày tháng đó ra sao, thì tôi biết, tôi đã trưởng thành như thế nào.
Dota Allstarts - một custom map của Warcraft III, là bộ môn thể thao điện tử rất được yêu thích từ thế hệ 8x lẫn 9x. Sau này đã được Valve mua quyền sở hữu và tạo nên trò chơi Dota 2 vẫn đang và sẽ không bao giờ hết nóng.
<i>Ký ức đi net khi xưa giờ chỉ còn trong kỷ niệm</i>
Ký ức đi net khi xưa giờ chỉ còn trong kỷ niệm
Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với những đứa bạn chơi chung từ tận cấp hai. Những đứa mà khi đó, chúng tôi chỉ cùng nhau chơi game, đá banh, đấu vật,... Thì bây giờ chúng tôi nói về những thứ lớn lao hơn, như cuộc đời, sự nghiệp. Nhưng đó không phải là tất cả những gì chúng tôi nói với nhau. Có những buổi đánh bida, rap, đánh cờ,... Những buổi cà phê dài hàng giờ để chúng tôi ngồi với nhau, kể nhau nghe những áp lực cuộc sống, những vấp ngã đầu đời. Tuy nghe nghiêm trọng vậy thôi nhưng mặt đứa nào cũng vui như trẩy hội. Vì cuộc sống đã áp lực rồi, những giây phút ngắn ngủi đó tôi nghĩ chúng tôi cần thoải mái và rũ bỏ hết mọi lo âu của mình.
Nhưng trưởng thành đáng sợ như chúng ta nghĩ
Khi còn bé, ai cũng muốn mình được lớn thật nhanh, trưởng thành như anh chị mình. Để có thể tự quyết định mọi việc của bản thân. Muốn được mau chóng đi học, đi làm xa nhà, và không bị ai quản thúc. Ôi, suy nghĩ của những tấm chiếu mới.
Và rồi, khi bắt đầu phải chịu áp lực từ cuộc sống, khi thấy bố mẹ ngày một lớn tuổi đi. Chúng ta lại muốn bé lại, vẫn muốn ngày ngày ăn mâm cơm mẹ nấu, muốn ngày ngày được yêu thương, không lo nghĩ. Bắt đầu hối tiếc vì những gì đã xảy ra, mong muốn có được một vé về tuổi thơ và không cần quay lại.
<i>Trưởng thành là một quá trình, không phải là cột mốc.
Bạn đã luôn trưởng thành hơn hôm qua rồi.</i>
Trưởng thành là một quá trình, không phải là cột mốc. Bạn đã luôn trưởng thành hơn hôm qua rồi.
Nhưng bạn ơi, tuổi trưởng thành không đáng sợ vậy đâu.
Hãy lục lại trong ký ức xem ước mơ của bạn từng là gì? Cái ước mơ mà bạn phải giành với anh/chị mình gỡ lịch mỗi ngày để mong mình lớn mau mau để thực hiện. Chẳng phải bây giờ chính là lúc để bạn thực hiện những điều mà bạn ấp ủ hay sao?
Hoặc khi lớn lên bạn không còn muốn theo đuổi những ước mơ lúc nhỏ cũng được. Vậy bây giờ bạn muốn trở thành người như thế nào? Và bạn muốn điều đó đến như thế nào.
Có thể bạn sẽ nói là bạn chưa sẵn sàng. Vậy thì hãy thành thật với bản thân là khi nào bạn thật sự sẵn sàng? Và trước khi bạn sẵn sàng thì bạn sẽ chuẩn bị những gì?
Nếu bạn có thể xác định được bản thân mình muốn sống như thế nào, thì tuổi trưởng thành của bạn sẽ không còn đáng sợ nữa. Mà rõ ràng đó là một cuộc phiêu lưu đầy thú vị phía trước bạn. Nhưng việc để chúng ta tìm ra được bản thân mình muốn sống như thế nào cũng là một hành trình dài.
Cách nhanh nhất để bạn có thể tìm ra được điều đó, là hãy cứ trải nghiệm đi và đừng sợ mắc sai lầm. Ngoài kia là một thế giới rộng lớn, sẽ luôn có một thứ để bạn tìm hiểu. Hãy cứ trải nghiệm, cho tới khi bạn tìm được cuộc sống mà bạn thật sự muốn sống.
Và đương nhiên là việc đó sẽ không hề dễ dàng như việc tôi viết một bài blog như thế này đâu nhé. Đó sẽ là cả một quá trình bạn tìm hiểu, tiếp thu và đúc kết ra kết quả.
Trưởng thành không có nghĩa là bạn sẽ trở thành một người hoàn toàn khác, nên đừng lo lắng quá nhé. Trưởng thành không có nghĩ là bạn không được làm gì ngu ngốc, nên hãy cứ thoải mái với bản thân mình một chút cũng không sao. Trưởng thành cũng không có nghĩa là bạn không được mắc sai lầm, nên cứ mắc sai lầm và rút ra kinh nghiệm từ nó. Và khi nào bạn còn tồn tại, là khi đó bạn vẫn còn trưởng thành.
Trưởng thành không đáng sợ lắm đâu, bạn nhỉ!