Khi những người mẹ "hoá thú"
Quá nhiều áp lực. Quá nhiều trói buộc. Họ không thở nổi.
Hôm nay nhân một sáng được nghỉ dạy, tôi đi xem suất chiếu 10h phim Gấu đó biến hình.
Bộ phim cute thực sự, đến mức tôi nhoi nhoi trên ghế chỉ muốn nựng mấy cái mặt quá là dễ thương của Gấu đỏ Meilin và Abby.
Nhưng ngoài sự dễ thương ra thì bộ phim này còn gợi tôi nhớ đến nhiều ký ức của chính tôi khi lớn lên với một người mẹ cực kỳ yêu thương con và kiểm soát con, đôi lúc lúc hơi quá mức.
Cảnhbà Ming - mẹ Meilin làm ầm lên và khiến Meilin bẽ mặt ở cửa hàng tạp hoá làm tôi nhớ lại cảm giác khi tôi học cấp hai.
Hồi đó bắt đầu rộ lên phong trào mặc áo đồng phục lớp. Lớp nào cũng bắt đầu thiết kế đồng phục riêng để mặc đi chơi và lớp tôi cũng vậy. Nhưng khi tôi về hỏi xin tiền mẹ thì mẹ nhất quyết không đồng ý, bảo đó là trò vớ vẩn.
Nhà tôi khi ấy kinh tế khá khó khăn và mẹ tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm hàng tháng để đủ tiền nuôi hai chị em tôi ăn học. Nhưng hồi đó tôi không nghĩ được nhiều, chỉ sợ các bạn có áo đồng phục mà mình không có nên tôi kỳ kèo xin bằng được. Cuối cùng mẹ cũng miễn cưỡng đồng ý cho tôi 80k mua đồng phục lớp.
Nhưng đến ngày nhận đồng phục, tôi điếng người vì chiếc áo đồng phục thực sự xấu tệ. Chúng tôi định trang trí hình một con lợn chibi trên áo nhưng người thiết kế đã hiểu sai ý và chọn hình một con lợn giống mấy con trên bao bì cám heo và in to đùng trên ngực áo. Khi lớp tôi liên lạc lại thì họ chối bay chối biến và không chịu hoàn tiền.
Tôi đành run rẩy mang cái áo về nhà. Khi mẹ tôi nhìn thấy cái áo, thực sự đó là lúc trời long đất lở. Mẹ tôi vằn mắt lên, cầm chiếc áo dí vào mặt tôi vàgào toáng lên "ÁO ĐỒNG PHỤC GÌ ĐÂY? ĐÂY MÀ ÁO ĐỒNG PHỤC À??? TAO BỎ TIỀN RA CHO MÀY MUA CÁI ĐỒ RẺ RÁCH NÀY À?? TRẢ LỜI ĐI!!!"
Tôi cố gắng giải thích cho mẹ rằng có sự nhầm lẫn ở cửa hàng may và họ không chịu sửa lại. Nhưng điều đó không đủ để làm mẹ tôi thoả mãn. Mẹ đùng đùng cầm chiếc áo và kéo tôi sang nhà lớp trưởng lớp tôi ở ngay trong xóm.
Mẹ tôi đập cửa và gọi con bé lớp trưởng ra. Tôi không thể quên được hình ảnh mẹ vừa cầm chiếc áo vừa gào thét trước cửa nhà bạn tôi "Lũ ranh con nứt mắt ra đòi đồng phục đồng phiếc! Rồi bị chúng nó lừa cho, đúng là ngu hơn chó!"
Tôi chết điếng người và xin mẹ đừng làm vậy, đi về đi. Nhưng mẹ tôi chưa hả cơn giận thì sẽ không bao giờ thôi. Mẹ tôi tiếp tục cầm áo la hét trước mặt gia đình bạn tôi và những người qua đường.
Còn đứa bạn tôi thì vừa nhìn mẹ tôi la hét vừa cười nhếch mép. Khi tôi nhìn thấy nụ cười và điệu bộ khinh bỉ của nó, tôi cảm thấy thế giới như ngừng quay và tôi chỉ muốn biến mất mãi mãi.
Tôi không biết mình trở về nhà như thế nào và tiếp tục sống mấy ngày tiếp theo ra sao. Nhưng ký ức đó mãi mãi in đậm trong đầu tôi, ngay cả hơn chục năm sau đến bây giờ tôi vẫn nhớ in như cảm giác hôm ấy. Một cảm giác ngột thở, nhục nhã và bất lực.
Lúc đó tôi đã rất ghét mẹ, tại sao mẹ phải làm lên chỉ vì một chuyện cỏn con như vậy. Chỉ vì một chiếc áo mà mẹ sẵn sàng làm bẽ mặt tôi trước bạn bè tôi. Mẹ không hề quan tâm đến cảm xúc của tôi lúc đó mà chỉ muốn xả cho hết cơn giận của mình. Lúc đó tôi đã ước rằng tôi không phải là con của mẹ, rằng tôi có một người mẹ khác.
Nhưng giờ nhìn lại, tôi hiểu cơn bộc phát hôm đó và rất nhiều cơn bộc phát tương tự của mẹ mà tôi từng chứng kiến trong suốt thời thơ ấu là một kiểu mental breakdown. Cái áo đó vốn không phải là lý do, nó chỉ là một giọt nước làm tràn ly thôi.
Năm đó mẹ tôi 40 tuổi và ở trong một giai đoạn cuộc đời rất khó khăn vì vừa gặp áp lực rất lớn phải lo toan kinh tế gia đình, vừa bị cấp trên đè nén ở cơ quan, lạicòn gặp trục trặc với bố tôi trong nhiều vấn đề khác.
Giờ tôi 27 tuổi và nhìn lại, tôi phần nào thông cảm được cho mẹ, rằng những cảm xúc bùng nổ và những lần mẹ hoá thú như vậy đều là do gặp áp lực quá lớn và không biết cách giải toả thế nào cho phù hợp. Mẹ tôi sinh ra trong gia đình nghèo khó, đi học đại học mới được ăn một bữa no và gặp nhiều trục trặc trong cả công việc và hôn nhân.
Cả đời mẹ tôi luôn phấn đấu vươn lên, mong muốn chứng tỏ bản thân để không bị người khác khinh thường. Lúc nào cũng như đang trong một cuộc chạy đua. Việc dừng lại nghỉ ngơi hay nhìn lại chính mình, nhìn lại tác động của mình lên con cái và người xung quanh có vẻ là quá xa xỉ với mẹ tôi khi đó.
Rất may là khi lớn lên chúng tôi hiểu và thông cảm cho mẹ hơn. Khi tôi thẳng thắn chia sẻ với mẹ về những tổn thương mẹ vô tình gây ra cho tôi và chị tôi hồi nhỏ, mẹ tôi đã lắng nghe và hiểu rằng có một số điều trong cách mẹ nuôi dạy chúng tôi là chưa đúng. Tôi nói với mẹ "Với con, mẹ là một người mẹ tuyệt vời 80%, nhưng còn 20% đâu đó là chưa tuyệt vời thôi. Nhưng con người là vậy, không có ai hoàn hảo cả - và con vẫn luôn biết ơn vì tất cả những gì mẹ làm cho con."
Tôi nghĩ đây là câu chuyện không của riêng một mình mẹ tôi và còn của rất nhiều người phụ nữ ngoài kia - những người đang phải căng mình gánh vác nhiều trách nhiệm cùng một lúc dưới một áp lực xã hội quá sức nặng nề - mong đợi người phụ nữ phải ba đảm đang, phải giỏi việc nước đảm việc nhà, phải thành công viên mãn mọi mặt trong cả công việc lẫn nuôi dạy con cái và chăm nom hai bên họ hàng nội ngoại.
Quá nhiều áp lực và quá nhiều trói buộc. Họ không thể thở nổi. Và khi họ không thể thở - họ sẽ rất dễ phát tiết và bùng nổ, sẽ hoá thú như hình ảnh người mẹ của Meilin hoá thành một con Gấu rực lửa khổng lồ càn quét tất cả mọi thứ trong tầm mắt.
Cá nhân tôi luôn mong một xã hội tương lai tốt đẹp sẽ là nơi những người phụ nữ như mẹ tôi - như chị tôi và tôi sắp trở thành sẽ có không cần lúc nào cũng phải căng mình trước áp lực trở nên hoàn hảo mọi lúc như vậy. Và đương nhiên tôi cũng hiểu, trước khi chờ đợi xã hội cởi trói cho mình, chúng tôi phải tự cởi trói cho mình trước đã. Nhưng điều đó không hề dễ dàng và cần phải bắt đầu từ ngay hôm nay.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất