Thất nghiệp mùa dịch có đáng sợ?
Góc nhìn của một người thất nghiệp trong suốt một năm covid vừa qua. Một số gợi ý có thể có ích với những ai đang trong tình trạng tương tự.
Thất nghiệp mùa nào cũng có vẻ là một chuyện rất đáng quan tâm, nhưng thất nghiệp ngay lúc cả thành phố đang hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng từ đợt dịch Covid-19 mạnh mẽ nhất, sẽ là một cảm giác thế nào? Đây là trải nghiệm và bài học chân thật rút ra từ chính bản thân tôi.
Sau chuyến du học kéo dài 3 năm ở Nhật, tôi trở về nước và làm việc cho một công ty của Nhật trong suốt 3 năm tiếp theo đó. Công việc ở đây nói dễ cũng không hẳn là dễ mà khó thì cũng không hẳn là khó, nhưng nó đòi hỏi cường độ làm việc cao và phải quản lý thời gian chặt chẽ và cực kỳ nhạy cảm với sai sót. Mọi thứ ở công ty mới đều ổn, chỉ duy có mỗi chuyện là lượng công việc quá nhiều, và chúng tôi luôn phải tăng ca thường xuyên. Ở năm đầu tiên, lần tăng ca trễ nhất cũng chỉ đến 11h khuya, nhưng ở những năm sau đó, thì cường độ tăng ca ngày một tăng lên thường xuyên hơn và trễ hơn. Đỉnh điểm là ở thời điểm 2 năm cuối, chúng tôi chỉ có thể về nhà sau 8h hoặc 9h vào ngày trong tuần và có khi phải ở lại đến 2h sáng vào ngày thứ Sáu.
Sau nhiều lần tăng ca, cơ thể và tinh thần bắt đầu mệt mỏi. Tôi đã quyết định nghỉ việc. Tôi báo nghỉ việc trước hẳn 6 tháng để công ty có thể tuyển được người mới thay cho mình.
Tôi quyết định nghỉ việc mà trong đầu còn chưa có bất kỳ một kế hoạch nào cho khoảng thời gian tiếp theo. Tôi nghỉ việc với ý nghĩ đơn giản là mình cứ nghỉ ngơi một thời gian rồi tính tiếp, dù gì mình cũng đã gắng sức cày cuốc suốt 3 năm qua, không có thời gian cho bản thân rồi, và tôi cũng tự tin vào số tiền tiết kiệm mà mình dành dụm trong suốt quãng thời gian làm việc. Và như thế tôi nghỉ việc, rồi từ đó những điều đáng sợ bắt đầu.
Điều đáng sợ đầu tiên: Lãng phí thời gian.
Lúc tôi nghỉ việc là tháng 3 năm 2021, đợt dịch thứ hai bắt đầu tấn công thành phố và mọi thứ lúc này bắt đầu nghiêm trọng hơn. Thành phố rơi vào tình trạng lock-down. Mọi người phải ở yên trong nhà. Do đó quá trình tìm việc mới cũng khó khăn hơn nhiều. Nhưng những tháng đầu tôi vẫn không quá quan tâm đến điều này, dù gì tôi cũng chỉ mới thoát khỏi cuộc sống công sở mệt mỏi mới có vài tháng sau 3 năm ròng cày cuốc. Sau một thời gian sống "buông thả" cho đã cái nư, tôi dần tập tành một thói quen sống lành mạnh hơn. Cố gắng dậy sớm, tập thể dục, đọc sách, củng cố kiến thức. Và lúc này tôi mới bàn hoàn nhận ra là, dù cho có thời gian "vô tận" tôi cũng chưa bao giờ hoàn thành được các mục tiêu do bản thân đề ra. Tôi luôn ngủ đến trưa, luôn viện cớ bỏ qua các buổi tập thể dục, thậm chí còn lười đến mức bỏ qua cả bữa trưa chỉ để nằm không làm gì, đến tối thì thức khuya chơi game hoặc xem phim. Có lẽ thứ duy nhất mà tôi hoàn thành được trong khoảng thời gian này chỉ là đọc được 2 quyền sách. Vâng, khoảng 3-4 tháng ăn và ở không nhưng tôi chỉ đọc được có 2 quyển sách. Đây là lúc tôi nhận ra "tính ì" của bản thân quá lớn. Tôi cố gắng thoát ra nhưng vẫn không được. Và cứ thế tôi lãng phí biết bao nhiêu thời gian của bản thân.
Bài học rút ra: Nếu có lỡ nghỉ việc hoặc mất việc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa, hãy chuẩn bị cho mình một bảng kế hoạch sử dụng thời gian cho hợp lý. Hãy cố gắng theo sát thời gian biểu mình đặt ra, để không lãng phí thời gian "rảnh rỗi" hiếm hoi này. Thực hiện điều này rất khó, vì khi không còn sự ràng buộc của trách nhiệm, bản thân rất dễ buông thả, vì vậy phải có tính "commitment" (sự cam kết) rất cao mới có thể vượt qua được tính ì của bản thân.
Điều đáng sợ tiếp theo: sự thụt lùi, thoái chí.
Sau những ngày tháng lãng phí thời gian thì tôi bần thần nhận ra, điều đáng sợ tiếp theo đã đến rồi. Khi bắt đầu quá trình tìm việc mới, tôi mới thấy được các kỹ năng của mình đã quá tuột hậu và không theo kịp so với thị trường tuyển dụng hiện nay. Một phần do kỹ năng yêu cầu ở công việc cũ quá đặc thù nên nó chả thể áp dụng cho bất kỳ công ty nào khác trên thị trường. Nhưng phần lớn là do bản thân không có kế hoạch chuyển việc cụ thể nên việc thiếu hụt kỹ năng là tất yếu. Tôi đã lờ mờ nhận ra điều này sau 2 lần phỏng vấn thất bại trước đó, một lần ngay khi tôi còn đang làm ở công ty cũ và một lần ngay sau khi nghỉ công ty được một tháng. Tôi nhận ra kỹ năng tiếng Anh của mình đã giảm sút nhiều, sau nhiều năm không dùng đến, thậm chí đến tiếng Nhật cũng không đạt yêu cầu tốt. Các yêu cầu về kỹ năng chuyên ngành thì lại càng không có tự tin. Đây là lúc tôi bắt đầu suy nghĩ, những suy nghĩ tiêu cực. Tôi hoài nghi bản thân, hoài nghi về quyết định, về năng lực của mình. Cảm thấy bản thân thật tệ hại khi không thể tự tin tìm được một công việc mới. Sau nhiều lần nộp đơn không hồi đáp, tôi càng tự ti hơn về bản thân. Dù biết vậy nhưng tôi vẫn không có kế hoạch cải thiện. Tôi viện ra hàng tá lý do cho việc đó, như không có tiền, không có nguồn học, không có thầy giỏi, blah blah blah... Nhưng đến các kỹ năng tôi có thể tự mình cải thiện như tiếng Anh và tiếng Nhật thì tôi cũng không làm.
Và các bạn biết điều gì làm cho mọi thứ tồi tệ hơn không? Chính là các thói quen xấu. Những thứ tiếp tay cho bạn lúc này chính là mạng xã hội, game và những bộ phim hay. Nó sẽ chiếm hết thời gian của bạn, làm cho bạn như được giải thoát khỏi thực tại tồi tệ, nhưng cơn mê nào cũng phải dứt, khi bạn trở lại cuộc sống thực tại bạn lại thấy mọi thứ tồi tệ hơn vì mọi rắc rối vẫn ở đó và nó còn chất đống thêm. Rồi mọi thứ cứ như một vòng tuần hoàn bào mòn bạn theo thời gian. Cuối cùng là bạn còn chả dám tin vào chính bản thân mình. Mà một khi đã không còn tự tin thì làm sao bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng với vị trí mà họ đang tuyển, đúng không nào?
Bài học rút ra: Trong khi còn đang làm công việc của mình, hãy dành ra thời gian để tổng hợp lại những kỹ năng đã học được từ công việc, dành ra thời gian lướt các trang về tuyển dụng để nắm bắt được nhu cầu của thị trường hiện nay. Xem bản thân đã đáp ứng được bao nhiêu % và còn thiếu những kỹ năng nào có thể bổ sung để đạt được mức lương tốt hơn hoặc đơn giản là được thị trường săn đón hơn. Nếu trong thời gian làm việc "quá bận rộn" để làm điều này thì ít nhất, khi nhen nhóm ý định nghỉ việc, hãy làm điều này nhé, nó sẽ làm cho quãng thời gian thất nghiệp của bạn bớt đáng sợ hơn đấy. Và khi đã thất nghiệp, thì đây chắc chắn là thời điểm để bạn dùng 200% công lực cho việc trui rèn khả năng nhé, vì khi này bạn đã mất đi lợi thế cọ xát thực tế so với các bạn còn đang đi làm rồi. Nên nếu lúc này mà lười thì không phải là bạn chỉ đang đứng yên đâu mà là đang cắm đầu chạy lùi về sau so với phần còn lại của thế giới đấy.
Điều đáng sợ tưởng chừng nhỏ nhặt: sự mơ hồ.
Điều này có thể sẽ khác nhau ở mỗi người, nhưng nó đặc biệt đáng sợ đối với tôi. Tôi chọn nghỉ việc một phần là do mệt mỏi với công việc, cảm thấy không hạnh phúc khi mỗi ngày thức dậy làm việc. Nhưng quan trọng nhất là tôi cảm thấy mơ hồ về bản thân trong tương lai. Rồi tôi sẽ đi đâu về đâu nếu tiếp tục thế này. Tôi đã nghĩ rằng khi nghỉ việc, có thời gian thư thái tôi sẽ nhận ra con đường mình nên phải đi. Nhưng không, sau khi tìm việc tôi lại càng hoang mang hơn nữa, tôi thật sự hoài nghi, không biết bản thân thích điều gì ở công việc, tôi hoài nghi liệu bản thân sẽ hạnh phúc nếu đi làm chứ, hay rồi lại lặp lại vết xe đổ này. Sự mơ hồ kết hợp cùng với sự tự ti, thoái chí là một combo huỷ diệt cực mạnh đối với tâm hồn và ý chí của bạn. Cuối cùng tôi tìm đến sự tư vấn chuyên nghiệp để hiểu hơn về bản thân và xu hướng nghề nghiệp. Đến khi đã hiểu được bản thân phù hợp nơi đâu thì vẫn rất hoang mang nha, vì nó hoàn toàn khác với những thứ mình đã làm trước đây. Mà bản thân cũng đã ở độ tuổi không còn sớm để có thể bắt đầu lại từ đầu, thậm chí khi bạn sẵn sàng bắt đầu ở vị trí thấp nhất, cũng không nhiều công ty sẵn sàng nhận một người ở tuổi 30 vào vị trí thực tập. Mọi thứ xung quanh sẽ dần lại trở nên mơ hồ và làm bạn lạc lối thêm lần nữa.
Bài học rút ra: Nếu bạn thấy mơ hồ về bản thân, về sự nghiệp thì lời khuyên cho bạn là đừng nghỉ việc vào lúc này. Đó không phải là giải pháp đâu. Hãy tìm đến một sự tư vấn chuyên nghiệp trước. Sau đó hãy thử nghiệm công việc mới ngay trong chính công ty hiện tại của bạn, hãy tìm cách được tham gia vào các hoạt động ở bộ phận mong muốn trong chính công ty của mình, có thể đề xuất được chuyển công tác, hoặc xin được hỗ trợ các bộ phận bạn muốn thử. Bạn có thể sẽ biết được là bạn cần những kỹ năng gì khi làm công việc này hay ít nhất bạn sẽ cảm nhận được ít nhiều rằng bản thân có thật sự thích công việc đó hay không. Nếu có điều kiện, các bạn trẻ nên tìm hiểu và tham gia tư vấn hướng nghiệp từ sớm, thời gian còn trẻ trước 30 các bạn nên trải nghiệm nhiều thứ xem mình thật sự phù hợp ở đâu để phát triển. Sau 30 là lúc các bạn tập trung vào chuyên môn và phát triển thành một chuyên gia. Còn nếu bạn giống mình, nhận ra điều này sau khi đã bước qua tuổi 30, không sao cả, hãy cùng hít một hơi thật sau và cùng cố gắng nào. Mình sẽ kể về quá trình loay hoay tìm việc sau tuổi 30 ở một bài khác nhé.
Điều đáng sợ chực chờ nuốt chửng bạn: peer pressure.
Peer Pressure - Áp lực đồng trang lứa, là một loại áp lực xảy ra với bạn mọi lúc mọi nơi. Nhưng có lẽ nó sẽ đặc biệt nghiêm trọng khi bạn đang thất nghiệp, trong khi bạn bè của mình thì đang phát triển ào ào. Đặc biệt là thời đại hiện nay, khi mọi người sử dụng mạng xã hội rất nhiều, và đa số những gì bạn chia sẻ lên mạng đều sẽ là những thứ tốt đẹp nhất của bản thân mình. Thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, đang đói job nghếch mõm, nhưng lên mạng lại thấy đứa bạn đăng ảnh nhận giải thưởng the best player của công ty, hay ảnh thăng chức, hay một status khoe mới hoàn thành 1 job hay 1 project với đối tác lớn. Hoặc khi bạn đang nằm buồn vì hết tiền, phải tiết kiệm từng đồng, mở MXH lên thì thấy bạn mình check-in sang chảnh, du thuyền, bãi biển, resort, nhà hàng 5 sao. Rồi khi cuối năm nằm rầu rĩ thì lại thấy các bạn thi nhau check-in Year End Party của công ty, chia sẻ những khoảnh khắc "cháy hết mình" trong khi bản thân thì đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch nằm lướt facebook. Nhưng chí mạng hơn là khi bạn dùng các trang mạng xã hội phục vụ cho việc tìm công việc mới như LinkedIn, thì lại thấy những người bạn ngày xưa cùng vạch xuất phát mà giờ đã ông này bà kia, founder này, manager nọ, trong khi mình quanh đi quẩn lại chỉ vẫn là 1 executive quèn, mà giờ lại còn thất nghiệp! Nghe là thấy đáng sợ rồi đúng không? Cũng may tác giả là dạng người không quá sân si với thành công của người khác, nên thấy thì cũng trầm cảm 5' rồi thôi, tiếp tục cố gắng. Nhưng nói không bị ảnh hưởng là xạo cún, nó sẽ tác động đến ham muốn của bạn, làm bạn muốn công việc tiếp theo cũng phải thật hoành tráng, nhưng làm gì có chuyện đó khi năng lực của bạn có không đủ. Rồi, vậy là lại buồn, lại trầm cảm. Thật sự rất nguy hiểm á nha!
Bài học rút ra: Đây là loại áp lực không thể tránh khỏi ở thời đại hiện nay. Nên mình chỉ có thể cố gắng giảm thiểu sự tác động của nó lên tinh thần bằng cách, lỡ mà đang thất nghiệp thì bớt bớt lướt mạng xã hội lại, tập trung rèn luyện kỹ năng, tìm cơ hội việc làm mới. Lỡ lướt thấy bạn bè chia sẻ niềm vui thành công, hãy thật tâm thả cho họ 1 tim, 1 like và chúc mừng họ, vì để đạt được điều đó họ phải kiên trì và nỗ lực đến bây giờ, những kẻ bỏ cuộc giữa chừng như mình phải lấy đó làm động lực để cố gắng cho lần sau. Chứ nếu mà ghen ghét đố kị thì cuối cùng người khổ cũng chỉ là mình thôi. Nhắn tin chia sẻ với bạn biết đâu còn được bạn giới thiệu cho job mới ngon lành. Một câu cuối cùng cho vấn đề này đó là "Đừng lấy behind the scence của cuộc đời mình để so với trailer cuộc đời người khác".
Điều đáng sợ nhất: áp lực đồng tiền.
Đây có lẽ là điều mà ai cũng rất sợ khi thất nghiệp. Khi mà nguồn thu nhập chính và trong phần lớn trường hợp đây cũng là nguồn thu duy nhất của bạn bị mất đi thì bài toán kinh tế chính thức bước vào quá trình nan giải. Cũng may vì nó đáng sợ và cực kỳ phổ biến, nên nó là thứ duy nhất tôi chuẩn bị kĩ lưỡng nhất. Cũng rất may mắn là công việc và mức lương ở công ty cũ giúp tôi có thể làm được điều này. Mỗi tháng đi làm tôi đều tiết kiệm hơn 50% số tiền lương của mình, 2 vợ chồng chăm chỉ và nghiêm túc trong việc quản lý chi tiêu. Cứ như thế chúng tôi để dành được một khoản tiền khá lớn sau 3 năm. Chính vì điều này mà ban đầu tôi đã vô cùng tự tin khi nghỉ việc. Rằng tôi và vợ sẽ không sao nếu tôi không thể sớm tìm được việc làm mới, ít nhất là cũng đủ dùng trong 2 năm nếu biết quản lý. Nhưng tôi tính sao bằng trời tính. Dịch ập tới, vợ bị giảm lương, rồi sau đó ít lâu thì công ty vợ cũng đóng cửa, thế là cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp. Lúc đó thì cũng chưa sao, nhưng đến gần cuối năm 2021, thì vợ chồng tôi lại phải chi ra 1 khoản tiền lớn, thế là bay gần hết số tiền dành dụm. Vậy là sau hơn 1 năm thất nghiệp và loay hoay tìm việc mới, khoản tiền dành dụm cũng đã dùng gần hết. Đây chính là lúc tiền trở thành vấn đề, phải nhanh chóng tìm được công việc để bù vào lỗ hổng kinh tế, nếu không thì nó chính xác là điều đáng sợ nhất, khi mà tình hình kinh tế hiện nay đang không ổn định do chính trị thế giới đang có xung đột, mọi thứ bắt đầu tăng giá, xăng tăng chóng mặt, mọi người đi làm còn chết lên chết xuống huống chi là một đứa thất nghiệp như tôi.
Bài học rút ra: Dù công việc của bạn là gì, tình hình kinh tế của bạn ra sao, hãy cố gắng tiết kiệm cho bản thân một khoản tiền phòng thân. Chưa nói đến thất nghiệp, mà những sự việc khác xảy đến cần dùng tiền thì còn có mà xoay sở. Nếu được, hãy chuyển đổi số tiền đó thành vàng, vì đây là tài sản dự trữ tốt nhất hiện nay, đồng tiền có thể mất giá nhanh nhưng vàng thì không. Vàng không phải kênh đầu tư tốt, nhưng nó lại rất hiệu quả trong việc phòng thủ (đây chỉ là gợi ý, nên các bạn hãy tự tìm hiểu thêm để có cách dự trữ hiệu quả nhất nhé). Nếu được hãy cố gắng tìm thêm một nguồn thu nhập phòng hờ ngay khi còn đang đi làm, để có thể giúp các bạn sống sót qua chuỗi ngày thất nghiệp. Ngoài ra, người ta thường nói nên để dành được khoản tiền mà bạn có thể sống được ít nhất 6 tháng khi không có việc. Nhưng bạn thấy đấy, tôi để dành khoản tiền đủ dùng trong 2 năm nhưng vẫn suýt chết, vậy nên đừng tự tin quá vào số tiền để dành. Hãy tranh thủ tìm việc trước khi bạn nghỉ, và tốt nhất là nên có việc mới trước khi nghỉ việc bạn nhé. Trừ khi bạn muốn tận hưởng cảm giác YOLO giống tôi thì lời khuyên cho bạn là hãy để dành càng nhiều tiền càng tốt và chúc bạn nhiều may mắn.
Vậy thất nghiệp mùa dịch có đáng sợ hay không?
Câu trả lời là CÓ nha! Thất nghiệp mùa nào cũng đáng sợ và đặc biệt là mùa dịch, khi mọi thứ dần trở nên khó khăn và vô định hơn. Vậy nên các bạn cần phải thật sự thận trọng và nghiêm túc khi đưa ra quyết định nghỉ việc. Đừng nghỉ việc chỉ vì một vài giây phút bốc đồng, hay vì một vài lời rủ rê của đồng nghiệp. Tìm lại một công việc mới trong thời buổi cạnh tranh này cực kỳ khó khăn, đặc biệt đối với những người bình thường như tác giả. Sức khoẻ bình thường, nhan sắc bình thường, kỹ năng bình thường, cái gì cũng bình thường hết thì rất khó để cạnh tranh á nha.
Hãy chuẩn bị thật kỹ cho chuyện mình bị thất nghiệp ngay cả khi mọi thứ đang rất ổn, vì bạn không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo đâu. Và khi đã có quyết định nghỉ việc (không phải lý do khách quan) thì sự chuẩn bị tốt nhất chính là bạn đã được nhận vào công ty mới trước khi nghỉ công ty cũ. Chuyện này nghe có vẻ cơ bản nhưng đôi khi vì nhiều lý do sẽ bị xem thường. Giống tình trạng hiện tại của bản thân tác giả vậy, và giờ mình vẫn còn đang phải trả giá cho quyết định sai lầm đó. Vậy nên hãy cân nhắc thật kỹ nếu bạn có ý định rời bỏ công việc hiện tại nhé.
Trong đợt dịch hiện nay, rất nhiều người bị mất việc dù họ không hề muốn, nên nếu bạn vẫn còn đang có một công việc, vẫn được trả lương hàng tháng, hãy biết ơn nó. Có thể bạn phải chịu áp lực hằng ngày vì công việc, nhưng bạn hãy nghĩ rằng mọi thứ có thể còn áp lực hơn nếu bạn mất việc. Thay vào đó hãy tập trung suy nghĩ cách gia tăng năng suất làm việc của bản thân, tìm thêm một số phương pháp chữa lành tâm hồn, cần bằng stress. Nếu cảm thấy bản thân không hạnh phúc với công việc hiện tại, đừng quyết định vội vàng. Hãy tìm hiểu bản thân thích gì và tìm đến sự tư vấn chuyên nghiệp nếu thấy cần thiết. Hãy lên đọc các tin tuyển dụng cho vị trí tương đương mỗi ngày, có khi bạn sẽ bỏ luôn ý định chuyển việc đấy haha.
Cuối cùng chúc cho tất cả chúng ta một sức khoẻ tinh thần và thể chất mạnh mẽ, vượt qua thời điểm khó khăn này. Những ai đang có việc sẽ tiếp tục công việc và phát triển hơn nữa. Những ai chưa có việc dù vì bất cứ lý do gì cũng sẽ sớm tìm được công việc mới và sớm quay lại với cuộc sống bình thường nhé. Hãy tin vào một tương lai tươi sáng phía trước và cùng nhau cố gắng nhé.
Người Bình Thường.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất