Dạo này dư luận nói khá nhiều tới trường chuyên và các cuộc thi học sinh giỏi. Không ít người trong (và ngoài) ngành giáo dục mong muốn xóa bỏ. Một số khác thì đưa ra quan điểm bảo vệ chúng. Cá nhân tôi thì chẳng nghiêng về phía nào cả. Trong bài viết này, tôi sẽ không phân tích cái hay dở của trường chuyên và các kỳ thi học sinh giỏi. Mà tôi muốn chỉ ra lý do chúng sẽ tiếp tục tồn tại, bất kể dư luận có phản đối hay không.

TRƯỜNG CHUYÊN VÀ THI HỌC SINH GIỎI CHỈ LÀ BỀ NỔI

Vì thế, tập trung chỉ trích hoặc tẩy chay chúng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Gốc rễ đằng sau là tâm lý ganh đua và háo danh của người Việt. Đó mới là thứ đáng quan tâm.
Hãy tự hỏi bản thân, với tư cách là một phụ huynh, bạn có muốn con được học một ngôi trường tốt với cơ sở vật chất hiện đại và trình độ giáo viên cao hay không? Xem người Hà Nội kìa. Họ chen lấn đi nộp hồ sơ vào TIỂU HỌC cho con đến mức xô đổ cả cổng trường. Xin nhắc lại là TIỂU HỌC.
Với tâm lý đó của phụ huynh, xóa bỏ trường chuyên sẽ chẳng tạo nên bất cứ sự thay đổi nào. Trường "THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam" dù bỏ chữ "chuyên" khỏi tên mình thì nó vẫn là ngôi trường hiện đại nhất, với chất lượng giáo viên tốt nhất, mặt bằng học sinh giỏi nhất Hà Nội. Và người ta vẫn sẽ đánh nhau vỡ đầu để cố chen vào đấy.
Bạn có thể yêu cầu nhà quản lý xóa bỏ trường chuyên. Nhưng bạn có thể yêu cầu thiên hạ ngừng tranh đua vào trường tốt hay không? Và liệu chính bản thân bạn có đứng ngoài cuộc tranh đua ấy không?
Mới hôm qua thôi, một quản lý tại nơi tôi làm phản ánh rằng phụ huynh yêu cầu nhà trường tăng cường dạy tiếng Anh cho trẻ. Họ kỳ vọng một em bé 2 tuổi phải nói được tiếng Anh khi mà bản thân họ không hề đồng hành cùng con và phó mặc hết cho nhà trường. Đó là một kỳ vọng cao đến mức phi lý. Với tâm lý mong muốn biến những đứa trẻ bình thường thành thiên tài (hoặc quái vật chưa biết chừng), trường chuyên ắt phải tồn tại, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Có cầu ắt có cung.
Các cuộc thi học sinh giỏi cũng vậy. Những người muốn xóa bỏ chúng quên mất một thực tại là người Việt rất háo danh. Bạn có thể không thích điều đó, nhưng bạn vẫn phải thừa nhận rằng nó tồn tại. Các cuộc thi không chỉ phục vụ nhu cầu tuyển chọn người tài của ngành giáo dục, mà còn phục vụ nhu cầu tranh đua thành tích của xã hội. Cho nên chúng luôn tồn tại và người ta sẽ ngày càng đẻ ra nhiều cuộc thi hơn.
Mới đây thôi, các dòng họ trên cả nước làm lễ thanh minh. Hàng triệu ông bố bà mẹ hồ hởi khoe thành tích học tập của con trước dòng họ. Những người không có cơ hội được khoe thì ngồi dưới bĩu môi ghen tỵ. Rồi trên mạng xã hội, ngàn vạn chiếc giấy khen được đăng lên mỗi năm. Ngàn vạn video được phụ huynh quay và cắt ghép cẩn thận trước khi lên sóng, mong đợi người ta comment rằng "ôi con bạn giỏi quá".
Với nhu cầu phô trương đó của xã hội, những cuộc thi học sinh giỏi sẽ không ít đi, mà ngày nhiều hơn. Có thi cấp quốc gia rồi thì vẽ thêm cấp vùng miền, thi sáng tạo robot, thi nghiên cứu khoa học... Và tôi không ngạc nhiên nếu chúng biến tướng theo thời gian, khi mà nhiều người sẵn sàng bỏ vài trăm triệu mua giải cho con (điều đã và đang xảy ra với một số cuộc thi).
Cũng dưới góc nhìn này, thi học sinh giỏi và thi văn nghệ, sắc đẹp, thể thao chẳng khác gì nhau. Ở đó, người ta đều tranh đấu cho những danh hiệu, để thỏa mãn tâm lý ganh đua và háo danh của bản thân. Cho nên, nếu bỏ thi học sinh giỏi thì có lẽ cũng nên cân nhắc bỏ tất cả những cuộc thi khác.
Nếu loại bỏ các kỳ thi, có lẽ cuộc thi trong hình nên đứng đầu danh sách.
Nếu loại bỏ các kỳ thi, có lẽ cuộc thi trong hình nên đứng đầu danh sách.

CẢI CÁCH GIÁO DỤC KHÔNG CHỈ LÀ NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

Trong một bài viết cũ trên facebook, tôi đã phân tích rằng một mình Bộ Giáo Dục không đủ sức thay đổi nền giáo dục nước nhà. Việc này đòi hỏi sự chung tay của tất cả các cấp lãnh đạo, cùng với toàn xã hội. Thật lòng, tôi không thấy một cơ hội nào để điều đó xảy ra.
Kịch bản duy nhất mà tôi có thể hình dung để thay đổi ngành giáo dục là có một ông bộ trưởng cực kỳ tâm huyết, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì xã hội. Ông ta cương quyết làm những việc đúng đắn, ngay cả khi phải gây thù oán với không ít kẻ quyền lực. Ông ta cũng không ngần ngại gây thù oán với đám đông. Vì đám đông thì chẳng bao giờ khôn ngoan, cho dù là đám đông ở xứ văn minh như Âu Mỹ, huống hồ đám đông ở xứ "đông Lào" này. Ông ta sẽ phải có một thượng phương bảo kiếm, một sự chống lưng cực lớn ở phía sau để tránh khỏi mọi cuộc đấu tố, mọi nỗ lực hạ bệ từ "thù trong giặc ngoài". Ông ta phải đủ bản lĩnh để chấp nhận bị thiên hạ chế diễu, chửi rủa. Đồng thời sức hút từ con người ông ta đủ lớn để quy tụ những trí thức giàu tâm huyết về đồng hành cùng mình.
Để dễ hình dung nhất thì các bạn có thể nhìn vào Stalin, một người với bàn tay sắt đã ra tay thanh trừng hàng chục nghìn người một cách tàn bạo để làm trong sạch Đảng cộng sản Liên Xô. Ông ta bị cả thế giới căm ghét nguyền rủa. Nhưng nếu không có sự tàn bạo ấy, sẽ không có một Liên Xô siêu cường trong lịch sử. Và xin lưu ý rằng Stalin chỉ có thể chấn hưng Liên Xô khi ông ấy làm lãnh đạo cao nhất với quyền lực tuyệt đối, chứ không phải làm bộ trưởng giáo dục.
Người đàn ông này đã có công trấn hưng Liên Xô nhờ sự tàn bạo của ông ta.
Người đàn ông này đã có công trấn hưng Liên Xô nhờ sự tàn bạo của ông ta.

ĐÚC KẾT LẠI

Thay vì nhìn vào những thứ bề nổi, chúng ta cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề. Thay vì than thở và chỉ trích, chúng ta nên tự nâng cao tầm nhận thức bản thân, để thực hiện tốt bổn phận của mình đối với gia đình và xã hội. Vì xin nhớ cho rằng, nhiệm vụ giáo dục thế hệ tương lai không chỉ nằm trong tay nhà trường, mà còn nằm trong tay gia đình và xã hội. Thay vì chờ đợi sự biến chuyển của ngành giáo dục (mà nhiều khả năng sẽ không xảy ra), mỗi chúng ta hãy làm tốt việc giáo dục con cái mình (với tư cách là phụ huynh trong gia đình) và làm tốt việc giáo dục con cái người khác (với tư cách là thành viên trong xã hội)
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!