Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:


Cách đây ít lâu, mình có xem một bộ phim Nhật tên là "Confession of murder" - lời thú tội của kẻ sát nhân. Đó là một câu chuyện dài, trong đó có một đoạn thế này: Có một kẻ giết người hàng loạt liên tục giết 5-6 mạng người, cảnh sát không bắt được. Hơn 20 năm sau, khi thời gian truy cứu trách nhiệm pháp lý, kẻ này bất ngờ xuất hiện trước công chúng và xuất bản một quyển hồi ký kể lại quá trình giết người của hắn. Hành động này tất nhiên gây nên nhiều căm phẫn, nhưng thật không ngờ hắn cũng có không ít fan hâm mộ. "Anh ấy ngầu đó chứ", "lạnh lùng quá", hay “anh ấy thật đáng thương”... và quyển sách đó bán được hàng trăm ngàn bản, kẻ giết người còn nhận được nhiều lời mời phỏng vấn, xuất hiện trên truyền thông...
Đó chỉ là một câu chuyện hư cấu trên phim, nhưng diễn biến của nó lại khiến mình bất ngờ nhận ra nhiều điểm tương đồng của cộng đồng mạng ngoài đời thực. Nếu chuyện đó xảy ra ngoài đời, chắc hẳn tình huống tương tự cũng xảy ra?!
Mạng xã hội là một công cụ truyền thông và tương tác tốt, nó giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với những thông tin, hình ảnh, nội dung mà họ quan tâm. Trên Facebook, điều hay, người giỏi không thiếu, nhưng nếu so sánh sự quan tâm mà họ nhận được với những điều tiêu cực thì thật đáng buồn.
Tính năng tương tác và chia sẻ nhanh chóng của mạng xã hội là như một thanh dao sắc, dễ giúp người mà cũng dễ hại người. Rất nhiều hình thức câu like, câu view, dù kiếm được tiền hay chỉ để thỏa mãn “đam mê” nổi tiếng: từ việc bịa đặt ra những tin tức giả, đăng những bức ảnh đáng thương kèm theo một câu “hãy thả tim, thả like để cầu nguyện nếu bạn có trái tim” cho đến phong trào “Việt Nam nói là làm” – mấy ngàn like tôi sẽ nhảy sông, tự thiêu…
Lại có những người suốt ngày đăng các video “chuyên chửi”, họ chửi người này người nọ, việc nọ việc kia, đôi khi cũng có lý, nhưng dùng những từ ngữ hết sức thô tục mà những người yêu thích họ cho đó là “tự nhiên”, “chân thật”. Những video như vậy nhận được hàng trăm ngàn lượt xem, hàng ngàn chia sẻ.
Có “ca sĩ” hát siêu dở nhưng vẫn tự tin, có những người thể hiện mình siêu xấu, có người cố ý phát ngôn, làm mọi thứ hành động ngược đời để thu hút sự chú ý của cộng đồng, và vài người trong số họ đã thành công.
Thậm chí khi không được lợi ích gì, chỉ để thỏa mãn sự “nổi tiếng” nhất thời, cũng có nhiều người “bất chấp”. Điển hình là vụ việc nhóm thanh niên cầm hung khí chặn xe “xin tiền” và phát trực tiếp (livestream) trên facebook gần đây. Những người trẻ sinh năm 2000, 2002 “vô tư” thể hiện “chào 50 người đang xem nhé”, “ồ, 200 người xem rồi này, anh em chia sẻ video nha”... Họ thật sự thành công, nổi tiếng, trong một ngày, và phải đối mặt với pháp luật ngay hôm sau.
Từ thực tế này, mình thấy rằng mối quan hệ giữa người làm truyền thông và khán giả, độc giả tạo thành một vòng lẩn quẩn đáng buồn: vì có cung nên có cầu, cung có trước hay cầu có trước? Những người làm những nội dung nhảm nhí, độc hại kia nếu họ đăng lên mà không ai quan tâm, không ai chia sẻ thì họ có làm không? Đa phần sẽ không làm nữa. Thậm chí là ngược lại: một số người thấy người khác làm chuyện nhảm nhí, xấu xí, dở… lại được nổi tiếng cũng bắt chước làm theo khiến internet càng lúc càng nhiều rác, và lại thu hút thêm càng nhiều người xem khác…
Về phía những người đã nổi tiếng, và đang muốn nổi tiếng bằng những hình ảnh xấu, những ngôn từ thô tục, phản cảm kia, họ được gì ngoài view và share, và một ít tiền từ việc đó. Qua thời gian, họ sẽ trở thành ai? Giá trị mà họ tích lũy được là gì?
Còn về phía người xem, xin cân nhắc xem liệu những gì ta đọc, ta nghe, ta like, ta share hàng ngày có ảnh hưởng gì đến giá trị con người ta không. Liệu rằng “giải trí” như vậy có đơn thuần là giải trí? Qua từng ngày, từng tháng, từng năm theo dõi những điều tiêu cực đó, thứ đọng lại trong ta sẽ là gì? Đó có phải là điều ta mong muốn tìm kiếm trong cuộc sống này hay không?


Một số người đổ lỗi cho truyền thông, hay cho chức năng livestream của facebook, mình không đồng tình với điều đó. Những chức năng đó chỉ là những công cụ, như con dao vậy, nó rất cần để cắt rau, cắt thịt và sẽ rất hại nếu cắt vào tay. Công cụ không có lỗi, lỗi là ở người dùng. Hãy cẩn thận và học cách dùng công cụ đúng cách và thông minh nhất.
Trong thực trạng câu view bất chấp như ngày nay, việc trang bị cho mình những kiến thức vững vàng là màng lọc thông minh nhất. Nếu nói hệ miễn dịch là món quà quý nhất mà thượng đế ban cho mỗi người thì kiến thức chính là hệ miễn dịch quý giá tương đương khi ta tham gia mạng xã hội.

Sau những nụ cười khô khan đó, những phút giây sôi máu chửi nhau kia sẽ là gì? Liệu những thứ tiêu cực đó có theo ta vào trong tiềm thức và xui khiến, điều khiển ta khi mất phương hướng không? Chúng khiến ta tin yêu cuộc sống này hơn hay khiến ta mất niềm tin, nghi ngờ mọi thứ?
Đôi khi ta không thể tìm thấy những điều đáng chờ mong trong cuộc sống chính là vì quá bận theo dõi những điều không mong muốn mà thôi.