Hôm qua thấy Spiderum tranh luận khá sôi nổi về để tài xoay quanh trường chuyên, lớp chọn và những tác dụng của nó đối với học sinh, tôi lại nhớ thời đi học của mình, sau đây kể lại một chút, cũng nói qua quan điểm cá nhân đối với trường chuyên.
Hồi cấp một, cấp hai tôi học cũng gọi là giỏi, thuộc top 5 trong lớp top của trường top của tỉnh. Ấy là sau này tôi mới biết chứ lúc đó tôi không quan tâm. Bằng chứng cho việc vô tâm đối với học hành của tôi là lúc gần thi, hay sau khi thi tốt nghiệp cấp 2 gì đó, bạn bè tôi hỏi “mày có đăng ký thi trường Chuyên không?” tôi mới ngớ ra, ủa vậy hóa ra còn phải thi nữa à. Xong tôi mới hỏi bọn nó đăng ký ở đâu, rồi đi theo nộp hồ sơ dự thi. Lúc đó cấp 2 học môn nào cũng giỏi, nên chả biết thi môn nào.
Rồi cũng mơ hồ đi thi, mơ hồ đậu, mơ hồ vào học...
Lớp tui năm 12
Hồi cấp một, cấp hai học trường bình thường thấy mình ngon lắm, nhưng vào đây thì toàn đứa giỏi mà lại siêng.. thôi tôi cũng không kể chuyện mơ hồ học dốt trong trường chuyên của mình làm gì nữa. Tôi muốn nói chủ yếu là vài suy nghĩ về những mặt tốt của trường chuyên.
1. Trường chuyên là môi trường cần thiết cho những học sinh ham học, có năng khiếu, có mong muốn học nhiều hơn so với chương trình bình thường. Hồi đó trường tôi dạy theo giáo trình của trường Lê Hồng Phong Tp.HCM. Sách giáo khoa bình thường chủ yếu là về nhà tự học, tự làm bài tập. Học qua sách “nâng cao” rồi nhìn lại sách bình thường thấy nhẹ nhàng ghê lắm, đó giống như một dạng giới hạn, khi vượt qua sẽ thấy thử thách trước đó không còn là thử thách. Những đứa học sinh có khiếu và ham học như đám bạn tôi, nếu cho chúng nó học trường thường thì chắc chúng vẫn tìm tòi học hỏi thêm, hoặc sinh tâm tự mãn, hoặc phí tâm trí vào việc khác. Trường Chuyên tập hợp bọn giỏi lại, cho bọn nó thấy một thế giới rộng lớn hơn, mở rộng giới hạn của chúng, thỏa mãn thú vui học tập của chúng.
Học sinh giỏi và học sinh bình thường khác nhau chỗ nào? Tôi nghĩ là ngoài khả năng tập trung bẩm sinh khi học, sự khác nhau chủ yếu chính là ở chỗ bọn giỏi chúng thật sự thích học. Tôi cũng có một ít thiên phú trong học tập, thuộc bài khá nhanh, tập trung cũng tốt, tôi dùng lợi thế này để có thành tích cao ở cấp một, cấp hai dù chẳng học bao nhiêu. Cấp ba thì tất nhiên không được nữa, vì học cùng bọn có thiên phú bằng hoặc cao hơn, mà chúng lại còn ham học. Một học sinh bình thường sẽ tập trung tốt nhất khi họ xem phim, đá bóng hoặc chơi games, còn học sinh giỏi thì khi học cũng có sự tập trung như vậy. Đó là điểm khác biệt.
Trường cấp 3 của tôi từ khi thành lập chưa từng có học sinh rớt tốt nghiệp THPT, tỉ lệ đậu đại học, cao đẳng cũng khá cao, thêm nữa là bọn nó toàn thi BK, Y dược, KHTN, KHXHNV các thứ... Các trường thường cũng có người đậu, nhưng tỉ lệ đó có khi còn ít hơn tỉ lệ rớt đại học ở trường tôi.
Đó là một điểm tốt của trường chuyên: gom bọn thích học, hoặc quái vật, vào cùng một chỗ. Điều này tốt cho cả học sinh giỏi và học sinh bình thường.
2. Thầy cô của trường chuyên là những người có chuyên môn cao nhất, thái độ giảng dạy tốt nhất. Điều này thì không có gì phải phân tích thêm. Tất nhiên các trường khác thầy cô cũng có người giỏi hoặc hơn, nhưng điều quan trọng ở đây chính là tỉ lệ. Đây là một ưu tiên cần thiết và hợp lí cho học sinh trường chuyên. Ngoài ra, đối với các môn phụ, các thầy cô cũng rất vui vẻ, thoải mái “tạo điều kiện” cho học sinh không áp lực. Thời tôi đi học thì phải nói đúng là không có áp lực gì luôn. Đó cũng là điểm tốt.

3. Vui chơi giải trí. Trường tôi thời đó tổ chức vui chơi còn nhiều hơn các trường thường khác: Cắm trại, làm báo tường, giải bóng đá, “Cây mùa xuân” (Tất niên). Hồi thời 2000-2003 thì mấy trường khác tổ chức được một phong trào đã hiếm hoi.


Trường chuyên cũng không khắt khe trong nội qui trường học như các nơi khác. Đi trễ vẫn được vào lớp, quần áo tóc tai chỉ cần không quá lố thì chả ai quan tâm. Thi đua giữa các lớp như một trò đùa, lớp nào hạng bét có khi còn được vỗ tay nhiều nhất.
Cơ sở vật chất và trang bị cũng thuộc loại tốt nhất: mỗi học sinh ngồi một ghế, một bàn hai đứa, một lớp xấp xỉ hai mươi. Thời 2000-2003 đã có tiết tin học, dạy word, excel, lập trình pascal..

Tóm lại: trường chuyên rất tốt, rất cần thiết.

Thế thì vấn đề là gì? Vấn đề không phải là có cần phải có trường chuyên hay không. Vấn đề chính là ai là người nên vào trường chuyên.
Trường chuyên rất tốt, rất thoải mái, nhưng không phải vào đó để vui chơi. Tôi không hối tiếc vì đã học trường Chuyên, nhưng nếu ngày đó tôi học trường thường thì có thể thành tích tốt hơn chút ít. Người chưa đủ giỏi học cùng bọn giỏi rất áp lực, nhiều lúc có cảm giác mình có cố gắng cũng không hơn được tụi nó đâu, có chơi cũng không ảnh hưởng gì. Thấy bọn nó học ngày học đêm mới biết thế nào là ham học. Học như thế không ham thì không học nổi đâu. Không ham thì học trường thường thích hơn, vừa sức hơn, có nhiều người-giống-mình hơn. Có một điều tôi dám chắc: rằng những người giỏi ở trường thường chắc chắn giỏi hơn người dở ở trường chuyên.
Những người giỏi cần trường chuyên, người bình thường cần trường thường, hai dạng này không có gì để nói, vấn đề nằm ở  những người lưng lửng. Chọn trường chuyên là một môi trường tốt, một nơi có áp lực, có động lực để cố gắng nhiều hơn, hay chọn trường thường để tự tin, vui vẻ và học tốt nhất có thể, lựa chọn này thật không dễ. Và đa số những người cảm thấy mình có khả năng vào trường chuyên hầu như đều chọn dự tuyển.
Mỗi một lần chọn lựa đều có ảnh hưởng nhất định đến tương lai, nhưng đúng là chỉ có thể dự tính mà không bao giờ biết trước được điều gì cả. Một người học trường chuyên, rồi thi đại học rớt ba lần bốn lượt. Người khác học trường thường, thi vào cao đẳng, rồi học lên đại học, rồi học master, rồi đi du học, đến khi ra trường làm sếp thì ông trường chuyên mới tốt nghiệp đến xin việc làm... cảnh này cũng không ít.
Học tập cũng có nhiều cách, nhiều môn, không phải người nào cũng thích hợp với việc học ở trường. Học phổ thông xong thi đại học cũng được, cao đẳng hay nghề cũng được, ra làm vận động viên, làm kinh doanh, hoặc lấy chồng nuôi con... mỗi một con đường đều có sướng vui, buồn khổ, thành công, thất bại trong đó cả. Điều quan trọng nhất là con đường nào thật sự hợp với mình, chứ không phải con đường nào có nhiều người đi nhất, con đường nào được hoan nghênh nhất. Mình sẽ không bao giờ thoải mái khi ở nơi không thuộc về mình. Mà nếu như vậy thì mọi kết quả, thành tích, mọi thứ khác rốt cuộc để làm gì, để cho ai xem?
Dù học trường chuyên hay trường thường, tôi mong bạn hãy vui với sự lựa chọn đó, và cũng nhớ đó chỉ là một bước trên đường đời, đừng quá buồn hay tự hào vì nó, mà cứ vui vẻ dẫm lên nó mà bước tiếp thôi.