Trừng phạt thân thể trong lớp học
Mỗi năm trên báo chí- truyền thông đều rộ lên một vài vụ việc bạo lực tại nhà trường Việt Nam, khiến dư luận xôn xao, dậy sóng. Với...
Mỗi năm trên báo chí- truyền thông đều rộ lên một vài vụ việc bạo lực tại nhà trường Việt Nam, khiến dư luận xôn xao, dậy sóng. Với từ khoá “giáo viên đánh học sinh”, trong 0.44s, Google cho 132 triệu kết quả. Việc trừng phạt thân thể trong lớp học dường như không phải chuyện hy hữu.
Vào đúng ngày đầu tới lớp của năm học 2020-2021, một cô giáo tại Hà Giang cũng vướng vào vụ lùm xùm tát một em học sinh lớp 4 do em này nói chuyện trong lớp, cô giáo nhắc nhiều lần không được. Cô giáo bị tạm đình chỉ công tác và phụ huynh của em bé thì lên mạng xã hội thể hiện sự bất bình. Vụ việc này nghe qua cũng chẳng khác mấy vụ bạo lực học đường lâu nay: học sinh mắc lỗi, cô giáo không giữ được bình tĩnh, phụ huynh bực tức đưa lên truyền thông, dư luận bàn tán xôn xao.
Tuy nhiên, với tôi, vụ việc lần này gây chú ý hơn vì qua một bài đăng trên mạng xã hội của một bạn đồng nghiệp, tôi có dịp được trực tiếp đọc những bình luận của cả những người bạn trong nghề của tôi lẫn những người xa lạ trên diễn đàn công cộng. Trái với phản ứng lên án giáo viên như những sự vụ trước đây, lần này, đa phần các ý kiến tôi đọc được lại bày tỏ thông cảm với cô giáo. Đa phần đều cho rằng cô bé lớp 4 là kiểu học sinh rất gây ức chế trong lớp học đối với giáo viên vì nhắc nhở nhiều lần không chịu nghe; cô giáo đánh là còn thương và hình phạt đình chỉ công tác với cô là hơi nặng. Một số còn bày tỏ nếu họ là cô giáo thì họ còn phạt nặng hơn, hoặc cái kiểu lì lợm như cô bé kia mà không có ai đánh cho tỉnh ra thì sẽ là mối nguy hại cho cộng đồng sau này.
Những phản ứng này khiến tôi thấy có lẽ chuyện bạo lực trong lớp học chưa bao giờ là một câu chuyện cũ và vẫn có thể khai thác thêm nhiều khía cạnh nữa giúp các bên liên quan hiểu hơn vấn đề. Và đó là lý do cho bài viết này.
Trừng phạt thân thể là gì?
Khi đọc các bình luận về vụ việc gần đây tại Hà Giang, tôi hiểu rằng mọi người có định nghĩa rất khác nhau về việc trừng phạt thân thể. Nhiều người cho rằng việc cô giáo tát một cái, véo tai một cái, tét vào mông một cái, vụt vào tay một cái là chuyện bình thường, đến bố mẹ ở nhà còn dạy con như vậy nên đó không phải là một chuyện gì to tát. Với những người này, chỉ khi cô giáo tát/đánh tới tấp như giáo viên Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai, giáo viên Nguyễn Thị Thu Trang tại Hải Phòng, hay giáo viên Nguyễn Thị Tâm ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) từng làm thì mới được coi là trừng phạt thân thể và đáng bị lên án. Họ cho rằng “một chút” đòn roi sẽ giúp thiết lập kỷ luật và sử dụng chính bản thân như những ví dụ lớn lên và ngoan ngoãn hơn nhờ kỷ luật đó.
Cách hiểu này hoàn toàn khác với định nghĩa của các quy định pháp luật trẻ em cũng như luật giáo dục hiện hành. Theo bình luận chung số 8 của Uỷ Ban Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em, trừng phạt thân thể được định nghĩa là bất cứ hình phạt nào trong đó vũ lực được sử dụng và có dụng ý gây tổn thương dù mức độ nhẹ/nặng thế nào. (Nguyên văn: “Corporal punishment is any punishment in which physical force is used and intended to cause some degree of pain or discomfort, however light.” (UNCRC, GC8, p.4)) Cách hiểu này cũng tương tự như trong luật giáo dục và quy định về đạo đức nhà giáo được ban hành tại Việt Nam.
Dễ thấy có sự khác biệt về cách cảm nhận và định nghĩa thế nào là trừng phạt thân thể. Theo suy đoán của tôi, một số người trên mạng xã hội đang có xu hướng phân biệt trừng phạt thân thể và lạm dụng thân thể, còn các văn bản quốc tế và pháp luật thì không có xu hướng phân biệt các mức độ nặng/nhẹ của các hình thức trừng phạt thân thể với trẻ em.
Vì sao trừng phạt thân thể phổ biến và được chấp nhận tại nước ta?
Không phải tự nhiên mà việc trừng phạt thân thể lại phổ biến đến vậy trong lớp học tại Việt Nam và cho tới tận bây giờ, dù đã bị pháp luật cấm vẫn được rất nhiều người ủng hộ, bao gồm cả những người bạn của tôi làm trong ngành giáo dục.
Tôi cho rằng văn hoá – lịch sử là một yếu tố quan trọng. Người thầy trong Nho Giáo với vị trí và uy quyền trong lớp học từ lâu đã trở nên quen thuộc trong tâm thức của người Việt. Xem các bộ phim, đọc các tài liệu về các thầy đồ xưa, dễ thấy hình ảnh những ông thầy đồ cầm chiếc roi phạt học trò. Ngay cả những thầy giáo chuẩn mực được tôn vinh trong lịch sử cũng được khắc họa với hình ảnh uy nghiêm như vậy. Văn hoá dân gian từ lâu đã phổ biến những câu như “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “nhất hay chữ, nhì dữ đòn”, hay “đánh không chết, hư mới chết”. Nhiều phụ huynh còn gửi gắm cho cô giáo “nếu cháu hư, cô cứ phạt nặng vào cho nhớ.” Đó là lý do rất nhiều người trong chúng ta lớn lên mà cảm thấy chuyện thầy cô trừng phạt thân thể một chút là chuyện bình thường, quen thuộc. Tôi vẫn nhớ ngày đi học cấp 1, lớp tôi có nhiều bạn không cắt móng tay sạch sẽ. Đầu giờ học, cô giáo đứng ở cửa lớp, ai tay bẩn sẽ bị quất thước kẻ vào tay. Thế mà thời ấy có ai kiện cô giáo lên báo đâu. Cả bố mẹ và thầy cô đều lớn lên trong không gian lớp học như vậy, nhìn khác đi chẳng phải chuyện dễ gì.
Thêm vào đó, với triết lý giáo dục không được truyền tải rõ ràng, nhiều người ở Việt Nam, bao gồm cả những người làm công tác giảng dạy vẫn thực sự mơ hồ về hình mẫu công dân mà họ muốn tạo ra cho xã hội tương lai. Tôi tin rằng, nhiều người vẫn sẽ muốn tạo ra “con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan”, tạo ra học sinh giỏi và biết vâng lời cha mẹ thầy cô, tạo ra những người răm rắp tuân thủ, thay vì tạo ra công dân tự do, sáng tạo, và có trách nhiệm. Vì mong đợi tạo ra những con người chức năng, bảo gì nghe nấy nên không ít thầy cô giáo muốn học sinh trong lớp phải nhất nhất nghe lời, phải làm theo ý muốn thầy cô. Hình ảnh các em bé ngồi khoanh tay trước ngực, khi giơ tay thì tay phải để vuông góc 90 độ trên bàn có lẽ chẳng còn xa lạ với chúng ta. Khi đứa trẻ không hành xử theo cách người lớn mong muốn, nó là đứa trẻ hư. Trẻ em được đối xử giống như sở hữu và được đặt dưới quyền lực của người lớn, thay vì trở thành một thực thể có tiếng nói dân chủ của riêng chúng.
Bình luận của tôi
Tôi có đồng tình với cách trừng phạt thân thể của cô giáo tại Hà Giang không? Câu trả lời là không. Trong bài viết này, tôi cũng không nêu lại những tác động của việc trừng phạt thân thể lên trẻ em nữa. Người đọc dễ dàng tìm được hàng ngàn bài báo và tài liệu về các tác hại đó, bao gồm cả báo cáo riêng của UNICEF về bạo lực trường học tại Việt Nam. Với những ai đã lớn lên bình thường dù đã trải qua đòn roi hà khắc của thầy cô và cha mẹ và tranh luận rằng phạt nhẹ một chút chẳng hề hấn gì, có lẽ các bạn cần đọc về trường hợp của em bé lớp 6 tại TP. Hồ Chí Minh qua đời sau khi bị cô giáo đánh mấy cái vào mông năm 2015. Nếu ngày bé tôi thiếu ăn và nhờ vậy tôi đã trở nên kiên cường hơn sau này, tôi không cho rằng tôi cũng mong con cháu mình cũng thiếu ăn để cố gắng bền bỉ như tôi; nếu bạn may mắn trở nên mạnh mẽ và kỷ luật hơn nhờ đòn roi, chưa chắc đó là điều những đứa trẻ khác cũng “may mắn” cảm nhận. Hơn nữa, theo báo cáo của Uỷ Ban Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em, các trường hợp được nghiên cứu đều có xu hướng sử dụng lực mạnh hơn so với dự định khi trừng phạt trẻ em trong cơn nóng giận. Vì vậy, tôi ủng hộ định nghĩa về trừng phạt thân thể của các nhà chính sách – không cần phân biệt mức độ nặng nhẹ trong trừng phạt thân thể trẻ em. Chưa kể, những gì cô giáo này làm vi phạm pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em và vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, hà cớ gì lại bênh vực?
Tuy nhiên, tôi xin được bày tỏ sự cảm thông một cách thận trọng với cô giáo và những người bảo vệ/ thông cảm với cô. Làm giáo viên thời nay quả thực chẳng phải là điều dễ gì. Khi xã hội Việt Nam chuyển mình nhanh như hiện nay, cha mẹ ngày càng bận và xã hội thiếu vắng đi hẳn không gian làng xã để giáo dục trẻ em, trách nhiệm giáo dục thế hệ nhỏ của đất nước dồn vào nhà trường và các thầy cô giáo. Người ta vẫn giữ tư tưởng từ xưa, cho rằng gửi gắm con cho thầy để dạy con là đủ, “trăm sự nhờ thầy/ cô”. Nhiều cha mẹ không nghĩ rằng sự hình thành con người của đứa trẻ có phần quan trọng của của nền tảng giáo dục gia đình. Khi con hư, con học chưa tốt, họ quay ra quy trách nhiệm cho thầy cô. Mà hình như vì thế mà thầy cô cũng tự áp cho mình cái việc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về đứa trẻ. Trong cuộc tranh luận về trường hợp ở Hà Giang, có một người bạn của tôi nêu ý kiến không ủng hộ trừng phạt thân thể nhưng cho rằng cần có một cô giáo giúp cô bé học sinh tỉnh ra, không có thì sau này nó sẽ lớn lên thành mối nguy cho xã hội. Suy nghĩ như vậy, theo tôi là chúng ta đã ngầm mặc định rằng nếu cô không dạy thì chẳng có ai dạy. Tại sao cô giáo phải quàng vào mình cái nhiệm vụ phải đích thân ra tay “dạy cho nên thân” những học trò của mình, mà không phải là phối hợp cùng gia đình? Nhưng có vẻ trong xã hội hiện tại khi giáo dục gia đình và xã hội quá kém, việc cô giáo quàng vào mình cái áp lực/ quyền lực kia lại chẳng phải là ngẫu nhiên.
Áp lực giảng dạy một lớp học quá đông, lên tới 60 em học sinh nhỏ tuổi trong một lớp, đồng lương ít ỏi cùng cạnh tranh, thi đua, và rất nhiều những áp lực từ các cấp dội xuống cũng phần nào lý giải cho những ức chế của giáo viên Việt Nam hiện nay. Tôi cho rằng nhiều người trong số họ đang quá mệt mỏi trong công việc của mình, mệt tới nỗi họ chẳng còn tâm trí nào để mà học hỏi, trau dồi thêm những cách tiếp cận mới hay để cởi mở với những hướng đi mới trong giáo dục.
Thêm nữa, việc đào tạo, hướng dẫn cho giáo viên về các hình thức kỷ luật phi bạo lực và lớp học dân chủ, không nước mắt thực sự còn yếu. Khi viết bài viết này, tôi đã tìm kiếm những tài liệu tham khảo của các cơ quan chức năng. Thông điệp họ truyền đi rất rõ ràng rằng giáo viên không được phép trừng phạt thân thể học sinh và khuyến khích sử dụng các hình thức quản lý lớp học mới, thân thiện và dân chủ hơn. Tuy nhiên, không có một tài liệu nào hướng dẫn cụ thể những ví dụ, cách làm thực tế cho giáo viên. Chừng nào người ta còn chưa tỏ tường về con đường mới thì người ta sẽ vẫn chọn đi còn đường cũ.
Kết
Gần đây, tôi có theo dõi một bài phát biểu của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, trong đó ông cũng khẳng định bất cứ cá nhân giáo viên nào xâm phạm thân thể học trò đều xứng đáng bị phạt thật nặng, buộc thôi việc. Ông cho rằng điều này có thể gây khó khăn cho cá nhân đó nhưng không nên vì một con sâu mà làm rầu nồi canh. Tôi cho rằng ở vị trí một người lãnh đạo cần bao quát bức tranh lớn, nói ra điều ấy là điều dễ hiểu. Tuy vậy, nếu nhìn sâu hơn, có lẽ chúng ta đều hiểu rằng đuổi việc một giáo viên xâm phạm thân thể trẻ em và viết ra những quy định pháp luật ngăn chặn điều ấy không thể đủ để tạo ra một môi trường học tập chất lượng hơn, chừng nào chúng ta đều chưa thông tỏ về hình ảnh con người tương lai, chừng nào giáo viên còn kẹt giữa quá nhiều áp lực từ trên xuống- từ dưới lên, và chừng nào việc giáo dục trẻ em còn là câu chuyện riêng cho nhà trường.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất