Thập kỷ vừa qua chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các tiến bộ của công nghệ đã và đang được áp dụng vào mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là công việc. Theo một thống kê từ Statista, tốc độ Internet trung bình ở Mỹ đã tăng khoảng 5 lần trong giai đoạn 2007-2017. Đi kèm với đó là sự phát triển không ngừng của các thiết bị điện tử và sự xuất hiện của các công cụ hỗ trợ làm việc Online ngày càng hiệu quả. Kết quả của sự phát triển này được thể hiện qua việc số lượng người làm việc từ xa đã tăng 159% trong giai đoạn 2005-2017, theo như thống kê của Global Workplace Analytics (chỉ tính những người dành hơn một nửa tổng thời gian làm việc từ xa, thống kê không bao gồm những lao động tự do).
Từ khoảng tháng 3/2020, với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, xu hướng làm việc từ xa càng được các công ty khuyến khích. Các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu như Amazon, Google, Facebook, và Twitter đã yêu cầu phần lớn nhân viên của họ làm việc từ xa do lo ngại dịch bệnh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các start-up cũng không nằm ngoài xu hướng này, trong đó nhiều công ty ở Hà Nội đã cho phép nhân viên khối văn phòng làm việc tại nhà, chỉ yêu cầu các công nhân trực tiếp sản xuất phải đến nhà máy.
"Văn phòng tại nhà" của tôi

Những người ủng hộ làm việc từ xa cho rằng thời gian làm việc của họ trở nên linh hoạt hơn, và họ thấy năng suất làm việc được gia tăng do cảm thấy thoải mái hơn khi ở nhà. Theo giám đốc một công ty tư nhân ở Cầu Giấy, Hà Nội: “...làm việc ở nhà cũng là cách giảm tối đa các chi phí xăng xe, thuê địa điểm…” Ngoài ra, theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền bắc của Navigos Search, lợi ích của chọn giải pháp trong việc cho nhân viên làm việc từ xa là vẫn đảm bảo được các hoạt động kinh doanh trong mùa Covid-19.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến phản đối làm việc từ xa. Nhiều người cho rằng việc “nhập nhằng” giữa công việc và cuộc sống riêng tư khiến họ mất sự cân bằng vốn có. Theo một nghiên cứu của C.A Grant và các cộng sự công bố vào năm 2013, sự căng thẳng từ công việc trong làm việc từ xa gia tăng do khả năng tiếp cận với công nghệ 24/7 dẫn đến nhiều giờ làm việc liên tục mà không nghỉ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại làm việc từ xa cũng làm giảm sự tương tác giữa các nhân viên, khiến họ mất tập trung và thiếu kỷ luật, dẫn đến giảm năng suất công việc. Không chỉ vậy, dù giảm khả năng lây nhiễm “virus sinh học”, làm việc từ xa sẽ làm tăng khả năng lây lan “virus tin học” nếu các nhân viên không có ý thức bảo mật thông tin. Theo ông Alex Willis, phó chủ tịch Blackberry: “Việc cho phép nhân viên truy cập vào các hệ thống dữ liệu công việc quan trọng từ những thiết bị và mạng mà bạn không ủy thác hay quản lý dẫn đến nguy cơ gia tăng theo cấp số mũ.”
Còn bạn, công ty của bạn có đang áp dụng hình thức làm việc từ xa? Bạn đã, đang và sẽ thực hiện những biện pháp gì để cải thiện hiệu suất công việc khi làm việc từ xa?
Xem thêm các chuyên mục 9toTalk khác tại:
Nguồn tham khảo: