Ngày tôi hai mươi tuổi, cái tôi của bản thân tôi lớn như mặt trời giữa giờ Ngọ vậy, chỉ tự cho mình là đúng và mình sinh ra trên đời là để ban phát ánh sáng tri thức, khắc chế những cái suy nghĩ (tôi cho là thiển cận) của mọi người :)) Có lẽ đó là vấn đề mà bất kỳ người trẻ nào cũng gặp phải trên con đường hoàn thiện chính mình, nhưng nhìn lại thì cái tôi của tôi không giống như mặt trời, nó chỉ là con nhím cứ háo hức lao vào giãi bày với người khác và vô tình làm họ tổn thương. Và những người tôi làm tổn thương nhiều nhất có lẽ là gia đình tôi.
Bố mẹ tôi là những người sinh ra vào cuối của thế hệ Baby Boomer, thời kỳ mà Việt Nam đang chập chững bước qua thời bao cấp và những giá trị xã hội đang lộn tùng phèo sau chiến tranh, người dân vừa phải kiếm cái bỏ vào mồm, vừa phải cố gắng ổn định lại trật tự gia đình – xã hội bằng những phong tục tập quán cũ (đa phần ảnh hưởng từ Nho giáo). Dù có xem trăm bộ phim tài liệu, đọc chục quyển sách lịch sử và ngồi nghe họ kể hàng tá lần bên bàn ăn cơm, tôi cũng không thể tưởng tượng nổi họ đã sống và trưởng thành thế nào để đi qua thời kỳ đó, và tôi hiểu những mặt tính cách của họ bây giờ đều đến từ những trải nghiệm cũ mà thế hệ tôi chắc chắn không bao giờ được trải nghiệm. Có lẽ nếu tôi sống một cuộc đời như họ, chắc gì tôi đã không có những suy nghĩ giống họ?
Quay lại đầu bài, cái thằng tôi của những năm đó vô cùng bất mãn với những khuôn phép và giáo điều hai đấng sinh thành đổ lên đầu mình, mà cái đáng ghét nhất là các cụ lại cho tôi một thứ vũ khí lợi hại để chống trả lại, đó là tri thức – tôi có cả một thư viện hàng trăm quyển sách Đông Tây Kim Cổ của gia đình đã được sưu tầm từ thời ông nội tôi. Tôi đọc đâu đó được dăm chục quyển, hấp thụ (chọn lọc theo cái bản ngã nửa mùa của tôi) và diễn giải những kiến thức đó thành một “quan điểm sống” mà tôi tin là phù hợp với thời đại mới nhất. Và tất nhiên là như mọi nhà “tư tưởng” nào đó, tôi phải mang cái phát minh của mình đi cọ xát với người đời. Bạn bè tôi thì vẫn ham chơi và đọc sách giáo khoa là chính, và cuối cùng, những người phải chịu đựng tôi chỉ còn có bố mẹ tôi mà thôi!
Không cần nói chi tiết lắm, sự xung đột cứ liên tục dâng cao rồi lại thoái lui như sóng biển vỗ vào bờ ngày này qua ngày khác, tôi chẳng nhớ được kéo dài bao lâu nữa. Tôi chỉ nhớ cái cảm xúc của mình khi đó, tôi tức giận vì tôi không hiểu nổi. Tại sao bố mẹ mình, những người cùng trang lứa của họ lại có những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, gia trưởng, phong kiến như vậy. Tất nhiên là về phía bố mẹ tôi thì chẳng màng giận tôi, họ đã từng đối mặt với những thứ khủng khiếp hơn một thằng con ngỗ nghịch trong đời họ :D
 Và họ chỉ kiên nhẫn đợi để tương lai dạy tôi mà thôi!
Cũng chẳng cần đến một thập kỷ sau đó, tôi đã hiểu ra một điều rằng: mỗi thế hệ đều có những môi sinh, xã hội và những yếu tố tác động khác nhau, tôi và các bạn tôi có thể kiêu mạn như vậy vì chúng tôi sống trong một thế giới hòa bình và êm ấm dưới sự bảo trợ của thế hệ trước. Và khi đến lượt chúng tôi bước ra vũ đài cuộc đời để tranh chính – phụ thì mới hiểu mình đã ấu trĩ thế nào. Thế hệ sau, những gen Z cũng lại đi con đường của chúng tôi ngày xưa và bây giờ tôi đã nhìn lũ trẻ ấy với con mắt bao dung hơn nhiều rồi. Giữa các thế hệ luôn tồn tại khoảng cách, nhưng từ thế hệ tôi đến thế hệ trẻ ngày nay, cái chúng tôi có thể làm tốt hơn bậc cha chú có lẽ là sự linh hoạt. Chúng tôi có đủ công cụ và cơ hội để hấp thụ kiến thực bốn phương nhưng cũng sẽ phải học cách kết nối và trung hòa những định kiến cũ và xu hướng mới, tôn trọng người cũng là tôn trọng mình. Thể hiện quan điểm cá nhân là quyền cơ bản của mỗi con người, cớ gì chúng tôi được mà bố mẹ chúng tôi lại không? Và trên phương diện gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ là để kéo gần lại chứ đâu phải để đào sâu thêm?
Minh Hiếu
19/09/2023