Tại sao con người thích những câu chuyện?
Đôi điều về các câu chuyện khi viết

Bài viết này chủ yếu nói về các câu chuyện, cụ thể ở đây là các câu chuyện để bán hàng. Khi bạn viết, bạn có thể viết dưới dạng liệt kê, nhưng đôi khi cũng có thể truyền tải nội dung dưới dạng một câu chuyện kể về bản thân, về trải nghiệm và những bài học.
Mình sẽ chỉ nói về kể chuyện dưới hình thức viết, không lan sang vấn đề giao tiếp trực diện bằng lời nói, nên có thể sẽ không phù hợp với những bạn đang tìm kiếm một vài tips giúp cải thiện việc kể chuyện để phục vụ trong quá trình trao đổi, giao tiếp. Tuy nhiên, với những cây bút thì mình tin là bài viết này có giá trị. Bắt đầu thôi!
Gần đây, mình có nhận một dự án viết content quảng cáo cho một bộ sách nghệ thuật. Trước mắt, họ cần một mẫu để đăng fanpage chạy ads, và với kiến thức đã học hỏi về quảng cáo bấy lâu, mình bắt tay ngay vào viết. Mình tuân theo quy tắc bất di bất dịch "bỏ qua cái tôi của bản thân, tập trung lợi ích của người dùng" và nặn ra khoảng 3 - 4 mẫu gì đó. Tuy nhiên, sau khi nhận feedback thì lúc này, họ yêu cầu một mẫu theo một câu chuyện.
Ý tưởng chưa tới, mình viết một hồi, được vài đoạn rồi lại xóa. Cứ viết, xóa rồi lại viết, ngồi 2 tiếng mà vẫn chẳng đâu vào đâu. Sau cùng thì mình cũng viết ra được một bản thảo gọi là tử tế, và bắt đầu chỉnh sửa.
Trong quá trình chỉnh sửa, mình thêm thắt, uốn nắn từng câu từng chữ sao cho chuẩn chỉnh nhất, và sẵn sàng gạch vài đoạn rất dài vì thấy nó hơi thừa thãi. Sau cùng, mình thay đổi luôn cốt truyện, khiến câu chuyện đơn giản và đi thẳng vào vấn đề hơn.
Thành quả là từ một bài viết 1200 chữ, sau khi chỉnh chỉ còn là một mẫu quảng cáo 400 từ. Ngắn gọn, súc tích, trúng trọng tâm và lợi ích khách hàng vẫn luôn để lên đầu. Mình cũng lược đi các đoạn mang quan điểm cá nhân, hơi lê thê dù khá là tiếc.
Như vậy, mình vừa kể xong cho các bạn một câu chuyện. Câu chuyện này, như những câu chuyện điển hình khác, bao gồm 4 phần cốt yếu: Nhân vật (ở đây là mình), vấn đề (sửa lại mẫu quảng cáo như kể một câu chuyện), diễn biến (quá trình mình giải quyết) và kết quả hoặc bài học (mà bây giờ mình sẽ chia sẻ đây).
Sẽ có những cuốn sách hay nguồn khác nói với bạn 5 yếu tố, 6 hay 10 yếu tố cốt yếu mà câu chuyện điển hình cần có, nhưng mình sẽ chỉ tóm gọn nó lại trong 4 điều. Thiếu dù chỉ 1 trong 4 điều trên, bài viết của bạn chưa phải câu chuyện hoàn chỉnh.
Quay về vấn đề bài học, mình có nghiệm ra vài điều sau:
1. Ý tưởng thường không gõ cửa nhà bạn, ta phải tự đi kiếm lấy nó. Bằng cách nào? Viết, đó là lối đi dễ dàng nhất. Mình đã viết tới 2 - 3 trang rồi lại xóa đi vì trong lúc viết, mình đã nảy ra một ý tưởng hay ho hơn. Và mình viết lại từ đầu. Đừng tiếc con chữ, đừng tiếc thời gian. Đó suy cho cùng cũng chỉ là một khâu khởi động cho tư duy bạn thêm rộng mở và ngòi bút thêm sắc bén.
2. Mọi người đều thích những câu chuyện. Chúng ta vẫn luôn thích những giảng viên trẻ kể chuyện cuộc đời họ hơn là những giáo sư, tiến sĩ thao thao bất tuyệt về những lý thuyết hàn lâm. Khi viết, câu "Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện" có thể là một ý hay, khi nó khiến người đọc tò mò và bắt đầu tập trung vào những gì bạn sắp truyền tải. Tuy vậy, việc thu hút sự chú ý và duy trì sự chú ý đó là hai vấn đề tách biệt, vì vậy bạn cần nhiều hơn thế.
3. Cảm xúc cá nhân vốn là điều nên tránh trong quảng cáo, bán hàng. Không ai quan tâm tới cảm nhận của bạn cả, người đọc và người mua chỉ quan tâm tới bản thân họ. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu văn bản đó nói về họ và chỉ họ mà thôi.
Những bài học trên có thể chỉ nên áp dụng riêng với hình thức viết quảng cáo. Bán hàng bằng câu chuyện cũng có nhiều cái hay, tuy vậy đừng để câu chuyện dài dòng và quá phức tạp.
Trường hợp ngược lại là một bài học khác. Cũng khoảng 1 tháng trước, mình có viết một bài review cho cuốn sách tiểu sử. Thông thường, mình sẽ viết theo đề cập tới một vài điểm nổi bật, điểm sáng trong sách và úp mở để người đọc tò mò. Tuy vậy, mình được phản hồi khá tệ, cần sửa lại toàn bộ bài viết vì sai định hướng. Bên kia cần bài viết review theo hướng tóm tắt sách, vì vậy các quan điểm cá nhân, cảm xúc đều phải lược bỏ tối đa.
Tất nhiên mình đã sửa lại theo ý họ. Cũng từ đây mình phát hiện ra một điều: có những loại sách cần được kể dưới dạng câu chuyện. Vì sách tiểu sử nói về cuộc đời nhân vật chính cùng các mốc sự kiến diễn ra tuần tự, vì vậy bài review mình đã viết nó như một câu chuyện. Một câu chuyện về cuộc đời nhân vật chính tóm gọn trong vòng 2000 từ.
Cũng có những loại sách không thể kể theo câu chuyện, ví dụ như sách kỹ năng, sách về các bài học... Vậy nên, nếu cuốn sách đó nói về một câu chuyện, hãy viết về nó dưới dạng một câu chuyện.
Bài học này đem chúng ta tới một ý tưởng mới. Nếu bạn đang viết về một sản phẩm hay thương hiệu nào đó, hãy cố gắng tìm hiểu xem có thứ gì nổi bật, độc đáo mà bạn có thể biến nó thành một câu chuyện hay không. Như đã nói, mọi người đều thích những câu chuyện. Nó có tình huống, cao trào và kết thúc. Hãy cố gắng biến ý tưởng thành những câu chuyện hoàn chỉnh. Mình đã chỉ cho các bạn cách tìm kiếm ý tưởng rồi, nếu quên thì lướt lên trên đọc lại nhé!
Chúc các bạn - những người kể chuyện tài ba trong tương lai sẽ luôn thành công và gặp nhiều may mắn!

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất