Ấu thơ trong bạn là gì? Với tôi, là những chiều vội vã về nhà thật nhanh sau khi tan trường.
Vào những năm hai ngàn lẻ ba, hai ngàn lẻ tư, tụi trẻ con thường háo hức với những tập phim pokemon được trình chiếu lúc năm giờ chiều trên sóng truyền hình quốc gia và tôi cũng không ngoại lệ. Ai mà chả mê cho được, tụi pokemon dễ thương quá chừng mà. Hành trình thu thập những con thú ngộ nghĩnh với những năng lực riêng của cậu bé Ash đầy những tình tiết thú vị và vui nhộn khiến đám con nít cứ dán chặt mắt vào màn hình.
Vào thời đó, những món chơi của đám con nít không được phong phú, đa dạng như bây giờ, đơn giản chỉ là những trò dân gian, những viên bi, tấm hình… Lúc hoạt hình pokemon khởi chiếu, người ta đoán biết được nhu cầu của đám trẻ nít nên in hình mấy con thú này ra bán, đám trẻ nít cứ thế mà mê tít thò lò. Đứa nào cũng mua một tấm bự, trong đó có mấy chục tấm hình rồi cặm cụi ngồi cắt cho thật cẩn thận.
Pokemon card
Thời đó, chỉ mấy đứa nhà giàu mới có tiền mua hình xịn, in bìa cứng hẳn hoi, có tráng lớp màng lấp la lấp lánh, đứa nào chả thèm, nhưng không có tiền thì chỉ có đứng nhìn rồi xin cầm cho đỡ ghiền một tí. Trên tấm hình, người ta còn ghi rõ mấy thông tin của con thú như tên gọi nè, cấp độ sao nè, tên chiêu thức, sức mạnh cụ thể… nhưng tất thảy đều bằng tiếng anh, thứ mà bọn chúng tôi thời đó có đọc cũng chả hiểu gì. Có mỗi mấy thông tin về cấp sao với mấy con số thì lũ trẻ chúng tôi đọc được và tự quy ước với nhau đó là sức tấn công và phòng thủ của mỗi loại.
Lúc đầu, tụi trẻ bọn tôi cũng chỉ dùng hình để sưu tập và chơi mấy trò quen thuộc như “dích hình”, “tạt hình” chứ cũng chả biết gì hơn. Cho đến một ngày đẹp trời, thằng S điên nặng (tại ông già nó tên Điện nên tụi tôi kêu nó là điên nặng luôn) bày ra cái trò dùng thẻ bài để chơi trò phiêu lưu như anh Ash cho nó ngầu thì chúng tôi mới được tiếp xúc một thế giới tưởng tượng đầy thú vị và huyền ảo kiểu con nít. Vì là thằng bày trò nên S kiêm luôn nhiệm vụ dẫn dắt câu chuyện, tức là nó sẽ đóng vai mấy con pokemon ngoài thiên nhiên, đóng vai giáo sư để hướng dẫn ban đầu cho người mới hoặc giữ hộ mấy con pokemon không dùng tới, đóng vai mấy chủ hội quán giữ mớ huy hiệu, và đặc biệt là đóng luôn vai của cái pokedex với nhiều thông tin… viết tới đây thì tôi mới chợt nghĩ lại, thằng này hay, cái gì cũng biết.
Có ý tưởng, có host, tụi nít chúng tôi kéo bè kéo lũ qua nhà thằng K để bắt đầu phiêu lưu, nhà thằng này không rộng lắm đâu, nhưng được cái má nó bán chợ, ông già nó thì phụ má nó nên hai ổng bả đi suốt, thành ra đám con nít dễ quậy, dễ la, dễ hét mà không bị ai khó chịu. Nói sơ về thằng K, thằng này thì nhà nó cũng thuộc loại khá giả thời đó (giờ vẫn vậy), lại là con trai một, cháu đít to của cả một dòng họ nên ôi thôi, được cưng chiều hết biết, nó cũng là thằng duy nhất được mua cho đám hình xịn, vậy nên kéo sang nhà nó chơi là chuẩn bài.
Khi bắt đầu, trò chơi chỉ xoay quanh việc úp cái hình xuống rồi mở lên để coi con nào có số lớn hơn và sao nhiều hơn thì ăn cái hình con kia. Sau đó, tụi trẻ con phát hiện ra rằng, thằng nào có tấm bài xịn, số to nhất thì ăn hết thảy, nên phải ngồi lại bàn với nhau coi chơi sao cho hay. Để con pokemon xịn lúc nào cũng ăn con cùi hơn thì làm gì có vụ lật kèo như anh Ash trong phim được, làm sao Pikachu trở thành anh hùng được. Đó, bàn luận vậy xong là tụi nít quyết định sẽ không chơi theo mấy con số trên hình nữa, mà chơi theo hiểu biết của tụi nó, bao gồm đặc tính của con pokemon và các chiêu thức mà tụi nhỏ đã được coi trên ti-vi. Tôi còn nhớ như in, hôm trước vừa xem trên ti-vi xong, hôm sau tôi đã xách cái hình con ếch kỳ diệu (bulbasaur) đi đánh nhau với con rồng điên (gyarados), học anh Ash, tôi cho em ếch kỳ diệu bắn cái hạt mầm gây ngủ vào con rồng khiến nó ngủ mê rồi bắt nó ngon ơ. Lúc đó, tụi nít xóm tôi hào hứng dữ lắm, ngày nào cũng canh me qua nhà thằng K để chơi hình, bữa nào mà nó đi đâu cả ngày là buồn so.
Nhưng rồi cũng như một quy luật tất yếu, khi ai đó nắm quá nhiều quyền lực trong tay, mọi thứ sẽ dần thay đổi. Thằng S bắt đầu biến chất, cũng y xì bài hôm trước là bắn hạt gây mê để bắt con rồng điên, tôi bị nó từ chối bắt vì lý do tụi rồng nay đã khôn hơn nhiều rồi, mời anh dùng cách khác để bắt. Tôi cũng để ý, tự nhiên thằng K dùng cách y chang để bắt lại thành công, tôi đi hỏi lại thằng S thì nó bảo là tại thằng K chưa bắt được con này, còn mày thì bắt được rồi, chơi không chơi thì chơi. Vì ham vui nên tôi không truy cứu nữa. Có điều, càng ngày càng nhiều yêu sách được đặt ra cho đám thường dân (trừ thằng K), ví như pokemon của thằng K mà gửi ở chỗ thằng S thì lên cấp nhanh hơn nhiều so với đám tụi tôi, ví như hình xịn thì chiến đấu dễ hơn tụi hình cùi vì hình xịn mạnh mẽ hơn chăng… rất nhiều phi lý và cái kết là cãi nhau ỏm tỏi rồi không ai chơi nữa, có thằng S với thằng K và em họ thằng K chơi với nhau, nhưng hình như chơi có ba đứa thì hơi chán nên tụi nó cũng nghỉ luôn. Lúc nghỉ chơi được mấy tháng rồi, tôi mới được biết, thì ra thằng S được thằng K cho nhiều quà bánh mà tụi tôi chả cho nó cái gì nên mới thế.
Sau giai đoạn đó, chỗ tôi được phổ cập máy tính, tụi trẻ bị mấy cái trò chơi điện tử thu hút nhiều hơn là mấy trò chơi tự biên tự diễn, từ dạo đó, cũng ít thấy con nít chơi hình hay chơi bi, mấy trò như năm mười, đuổi bắt cũng bị thay thế bởi võ lâm truyền kỳ hay audition.
Nhân dịp có mấy đứa bạn hỏi trò chơi nào gây ấn tượng cho mày nhất, tôi lại lục tìm ký ức của bản thân rồi nhớ lại những ngày thơ ấu ấy. Có lẽ những kỷ niệm luôn là những thứ mà người ta tìm kiếm, ngóng vọng để rồi bất giác nhận ra rằng, dù có chạm được chính xác thì những cảm xúc đã qua sẽ mãi chả thể nào tìm lại được. Những kỷ niệm, đơn giản là cứ nằm ở đó để lâu lâu hồi tưởng, ta lại cảm thấy cuộc đời mình không quá tẻ nhạt mà có hy vọng để bước tiếp về phía bình yên.