Đó là một bí mật của giới luyện võ. Phàm là một võ sư, tập luyện càng lâu thì cơ thể càng bền bỉ, dẻo dai. Dù tuổi tác có cao nhưng ngoại trừ việc sức mạnh của cơ bắp giảm sút thì các chức năng hô hấp, tuần hoàn, sinh lý lại duy trì lâu dài hơn hẳn một người bình thường. Đến độ tuổi tứ tuần (tập võ được trên bốn mươi năm không nghỉ), có thể tự điều hoà được việc tuần hoàn, hô hấp. Nhịp thở, nhịp tim, huyết áp có thể tùy ý mà đạt được. Đến lục tuần, sinh lý, bài tiết và thần kinh cũng sẽ làm chủ được. Võ sư trở lại sự tráng kiện của tuổi trẻ, đầu óc dù không còn minh mẫn như lúc trẻ nhưng một khi dồn sự tập trung thì mọi suy nghĩ đều thông suốt. Người ta gọi đó là nội công. Tức là công lực ẩn giấu trong cơ thể. Chuyển nội công tới bộ phận nào, bộ phận đó lập tức hoạt động trơn tru, hiệu quả. Còn không, cơ thể cũng chỉ như một cái xác phàm như bao người bình thường khác. Nội công được tích lũy dần qua năm tháng. Mỗi khi tập được một chiêu thức, ngộ ra được một chân đạo thì nội công lại được bồi đắp thêm một phần. Không ai luyện võ mà không có tích tụ nội công.
Ấy vậy mà nhiều người dù đã luyện võ lâu năm nhưng nội công rất ít. Hầu như không có.  Những người đó dù tinh thông các chiêu thức, ngộ được võ đạo nhưng khi thực chiến chỉ như những kẻ nghiệp dư. Quyền không đủ lực, cước không đạt tốc. Bộ pháp rối loạn, phản xạ chẳng như những gì đã từng tập luyện. Cao nhân cho rằng họ không đủ tĩnh khí, tĩnh ý nên học được cũng chỉ như cái máy ghi nhớ. Về già thì tua lại những gì mình biết cho đám đệ tử. Liệu có đúng như vậy? Tôi không cho là vậy. Tôi cảm nhận, thật sự ở họ cũng có sự bồi tụ nội công. Nhưng nội công được tạo ra cứ thất thoát đi. Cơ thể như một cái thùng không đáy, cứ rót vào lại chảy ra, không bao giờ đầy được.
Chuyện kể rằng, xưa có bà Hoa Thanh là con gái của một võ sư nổi tiếng. Từ bé đã sống trong lò võ, ngày ngày luyện quyền múa kiếm. Bà có tư chất thông minh lạ thường với võ thuật. Chiêu thức chỉ nhìn một lần là học được ngay. Ai cũng nghĩ là kỳ tài võ học. Ấy vậy mà, cứ ra võ đài là bà lại thất bại ê chề. Nhiều lần cùng cha đi bắt cướp cũng bị trọng thương. Nhiều phen bị đánh cho thừa sống thiếu chết bởi những người chưa từng kinh qua võ đường. Cha bà cũng chỉ còn biết lắc đầu: "Nữ nhi bất tu vi". Chán nản, bà bỏ lên núi ẩn cư, không màng thế sự. Tới năm đã ngoài lục tuần, trong một lần đi hái thuốc, bà không may bị sẩy chân rơi xuống vách đá. Hạ thân bị va đập mạnh. Lúc tỉnh dậy thấy giữa hai chân là một vũng máu đỏ, toàn thân đau nhức. Sau bà về nhà tĩnh dưỡng. Đến đêm ngày thứ ba, âm đạo bà rơi ra một viên đá đen, thô ráp, bé bằng ngón tay. Bà đem rửa sạch, cất đi. Một lần, bà cho đó cũng là da thịt mẹ cha ban cho nên cho hòn đá lên miệng mà nhấm thử. Chỉ lát sau, thấy công lực tăng vùn vụt, cơ thể cường cốt, hoạt gân, có thể phá đá, chặt cây dễ như trở bàn tay. Bà mới nhận ra, nội công mình luyện võ bao năm tích tụ trong viên đá đó.
Câu chuyện này khi lưu truyền ra ngoài, các cao nhân đạo sỹ cũng nhảy vào nghiên cứu cho rõ thực hư. Sau này họ gọi viên đá đó là Công Tích và luận giải rằng: Trong cơ thể con người có một số vùng khí tụ, nội công khi vướng vào đó thì không thể thoát ra được, lâu dần kết thành Công Tích. Tích càng lâu thì càng mạnh. Người càng có nội công thâm hậu, luyện võ càng lâu thì Công Tích càng lớn. Họ cũng cho rằng trong cơ thể nam nhân vốn chỉ có khoang bụng là có thể dồn tụ Công Tích. Hơn nữa Công Tích thu được không lớn và nhanh chóng rã ra khi lấy ra ngoài. Ngược lại, âm đạo nữ nhân vừa mềm, vừa mát, phù hợp cho thu khí dưỡng đan, rất dễ thu được Công Tích. Phải nhấn mạnh, không phải nữ nhân nào cũng có thể tạo được Công Tích. Trong nghìn người may ra có một. Hơn thế, nữ nhân đó phải hằng ngày tập luyện võ công, trau dồi võ đạo, may ra mới có thành quả. Thêm nữa, nội công do Công Tích mang lại chỉ khiến nội công người ăn tăng lên tức thời trong một khoảng thời gian ngắn rồi nhanh chóng giảm xuống sau đó, không phải thứ có thể dùng lâu dài.
Không lâu sau đó, trên giang hồ xuất hiện một môn phái gọi là Thiên Kim Lực được rất nhiều người theo học. Đệ tử nhập môn phải bỏ ra ngàn vàng, sau một thời gian ngắn, võ công đã đạt cảnh giới cao nhân xuất thế, chạm tới ngưỡng đắc đạo thành tiên. Người lập ra Thiên Kim Lực là Hoành Bồ, một đạo nhân của âm dương giáo phái. Vốn là người có tiền của, Hoành Bồ kết hợp với Bạch Y Bá Luyện, người khám phá cách tạo ra Công Tích, đã bí mật đi khắp thế gian chọn những bé gái thích hợp đem về. Hoành Bồ liền phân chia chúng ra thành hai nhóm: những đứa có vẻ ngoài ưa nhìn, xinh đẹp thì cho đi học cầm, kỳ, thi, hoạ, gọi là Danh Nữ, được nhận Hoành Bồ là nghĩa phụ, Bá Luyện làm bá phụ. Những đứa còn lại thì cho đi học võ, nhận Hoành Bồ là sư phụ, Bá Luyện là sư bá, gọi là Kỳ Nữ. Kỳ Nữ được Hoành Bồ đem lên núi Vân, bế quan tập luyện, không cho giao du với bên ngoài. Còn Danh Nữ được nuôi dạy tại phủ của Hoành Bồ. Hằng tháng, Hoành Bồ tổ chức tiệc tùng, mời cao thủ các môn phái tới để giao lưu. Đêm đến, Hoành Bồ sai các Danh Nữ đến hầu hạ những người đó. Sau khi xong việc, họ nhanh chóng rời đi rồi được Bá Luyện cho uống một loại thuốc gọi là Cố Tinh, chặn công lực thất thoát. Các Danh nữ sau đó cũng được đưa đi bế quan, chăm sóc nhiều ngày.
Chỉ trong nửa năm, Hoành Bồ đã có thu hoạch. Hơn một nửa số Danh Nữ đã xuất hiện Công Tích. Hoành Bồ lấy làm vui sướng càng mở rộng việc đi tuyển thêm Danh Nữ. Mỗi năm một lần, nhằm ngày rằm tháng tám, Hoành Bồ bắt các Danh Nữ trần truồng nằm giữa sân, dùng gậy gỗ đánh vào bụng dưới để thu hoạch Công Tích. Do chỉ có thể tích tụ Công Tích một lần, những Danh Nữ sau khi bị thu hoạch gần như không có giá trị lợi dụng. Phần lớn họ bị Bá Luyện ép uống thuốc độc mà chết. Một số khác xinh đẹp hơn hay có tài cầm ca được Hoành Bồ giữ lại để hưởng lạc. Công Tích thu được, được Bá Luyện điều chế thành Kim Đơn và Bạc Thủy đem ra phân phát cho các học trò. Từ đó, học viên theo học Thiên Kim Lực chỉ ba năm là thành cao thủ, nếu chịu bỏ thêm ngân lượng còn nhanh hơn. Mỗi lứa đệ tử xuất sơn là khuấy đảo võ lâm. Người theo học Thiên Kim Lực ngày càng đông. Có kẻ còn bỏ cả danh môn chính phái đang học để theo. Từ đó mà võ học suy vi.
Nhưng rồi đến một ngày, khi một Danh Nữ trốn ra được mà thuật lại. Giới võ lâm giang hồ mới kinh hoàng nhận ra cách dạy dỗ và truyền bá võ công tà môn phản đạo của Thiên Kim Lực. Các môn phái nổi giận, họ gom nhặt đệ tử các phương quyết diệt Thiên Kim Lực tận gốc. Với Kim Đơn và Bạc Thủy trong tay, lại có số lượng đồ đệ đông đảo, Thiên Kim Lực dễ dàng đả bại bách môn. Thừa thế, Hoành Bồ kêu gọi đệ tử lên đường diệt môn, quyết đưa Thiên Kim Lực trở thành duy môn độc phái. Một trận gió tanh mưa máu nhuốm đỏ giang hồ. Sau cùng, trong cơn tuyệt vọng, chấp trưởng các môn phái phải kêu gọi những cao nhân, ẩn sỹ xuất sơn cứu nạn võ lâm. Và như từ trên trời rơi xuống, tầng tầng lớp lớp các cao thủ xuất hiện. Thiên Kim Lực bị đẩy lùi. Trong trận đánh cuối cùng, mười ba đại cao thủ tấn công vào Thiên Kim Điện. Bá Luyện bị giết chết. Hoành Bồ cùng một đám đệ tử rút chạy lên núi Vân cố thủ. Tại đây, hắn đồ sát tất cả Kỳ Nữ, bới xác tìm Công Tích. Hoành Bồ nuốt liền mười mấy viên Công Tích rồi quay ra ứng chiến với mười ba vị cao thủ và đánh bại họ. Nhưng rồi vì thương tích quá nặng, cộng thêm việc nội công bất ngờ phát lên quá mạnh đã phá hết lục phủ ngũ tạng, hắn chết ngay trên đỉnh núi Vân.
Vì quy mô của trận chiến mà suốt nhiều năm sau, không ai dám lên núi Vân. Đứng ở chân núi đã ngửi thấy mùi máu tanh xác thối. Trên đỉnh núi ám khí bay lên nghi ngút. Dân quanh vùng kể lại rằng đêm đêm còn nghe tiếng khóc ai oán từ trên núi vọng xuống. Có người cho rằng đó là oan hồn của những cô trinh nữ đã bị Hoành Bồ giết hại để lấy Công Tích.
Sau này, chỉ có ba câu chuyện đồn đại được nhắc tới nhiều nhất xung quanh câu chuyện trên. Một là, trong ngày Hoành Bồ đại chiến, nhiều người nhìn thấy một bóng người chạy xuống núi. Họ đồn rằng đó là Hoành Tam, con trai của Hoành Bồ. Người con đã gom tất cả Công Tích chạy đi. Ước chừng trăm viên. Họ gọi đó là sự tích Bách Công Tích. Tới nay, vẫn không hề thấy tung tích của ai tên Hoành Tam hay một viên Công Tích nào cả. Thứ hai là câu chuyện cho rằng năm xưa Bá Luyện đã cho một kẻ thế thân chết thay cho mình. Còn hắn thì bỏ trốn, mai danh ẩn tích nhưng vẫn ngày đêm luyện đơn, hãm hại giang hồ. Thứ ba là kể về một đệ tử của Thiên Kim Lực tên là Trương Thái. Người này năm xưa có công chỉ điểm cho mười ba đại cao thủ lên núi Vân nên được tha mạng. Trương Thái sau này lập ra môn phái Vô Chung, là một môn phái rất có tiếng tăm. Người đời nghi ngờ Trương Thái ngựa quen đường cũ, chuyên luyện Công Tích để đưa môn phái phát triển. Bởi đời đời trưởng môn Vô Chung phái đều không truyền cho con trai, chỉ truyền cho con rể, vợ cả lại không thể sinh con, phải cưới vợ lẽ để duy trì nòi giống dù vợ cả mới chính là nghĩa nữ của trưởng môn đời trước. Họ cho rằng, Trương Thái nhận nghĩa nữ để luyện Công Tích. Kẻ nào muốn ông truyền cho chức trưởng môn phải lấy nghĩa nữ của ông. Rồi kẻ này nối tiếp người kia, lần lượt đóng vai con rể - cha vợ của nhau. Trưởng môn Vô Chung Phái ít khi ra mặt nhưng một khi phải ra tay thì kình lực vô song. Hơn thế, Vô Chung Phái có quy định không bao giờ có quá một đệ tử xuất sơn. Kẻ nào muốn xuống núi phải giũ bỏ thân phận đệ tử Vô Chung phái, phàm việc tranh chấp không bao giờ dùng võ công để giải quyết. Chỉ khi vị đệ tử chính tông kia trở về, người khác mới được khoác áo bản môn ra ngoài.
Mỗi lần giang hồ có tỷ võ luận kiếm lại có biết bao kẻ đi tung tin muốn bán Công Tích cho những người tham gia. Song gần như đều là những kẻ lừa lọc, lúc vặn hỏi thì lặn không tăm tích. Tới nay, giang hồ vẫn ghê rợn về Công Tích và những câu chuyện thêu dệt về nó.