Kinh nghiệm cho tôi biết rằng, vào ngày 1 tháng 4 hàng năm, có hai nhân vật vẫn không ngừng trở lại: một là Trịnh Công Sơn, hai là Trương Quốc Vinh.
Về Trịnh Công Sơn, tôi đã suy nghĩ nhiều. Đến bây giờ, tôi tin Trịnh Công Sơn nói đúng về chiến tranh Việt Nam, cụ thể hơn là về nỗi đau của chiến tranh, cũng như Bảo Ninh đã làm trong Thân phận của tình yêu
Nhưng mấu chốt là thời điểm nào? Bảo Ninh nói về nỗi buồn chiến tranh sau khi văn nghệ đã được “cởi trói”, sau cả những phê phán thẳng thắn của Dương Thu Hương và Lưu Quang Vũ. Tức là phải sau khi chiến tranh kết thúc, sau khi cái cảm giác yên hùng sung sướng đã lắng xuống, người ta mới có một cái hindsight kiểu như vậy, người ta mới thật sự già mà nhìn lại cái tuổi trẻ cách mạng của mình mà thừa nhận “lịch sử làm bằng thanh niên tính và lầm lẫn”. Điều này cũng tương tự như “văn học sẹo” phê phán Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông dưới thời Đặng Tiểu Bình thôi. Nhưng cả hai trường hợp “cởi trói văn nghệ” và “văn học sẹo” đều rất nhanh sau đó “im thin thít và lặn mất tăm”. Những gì diễn ra sau đó với cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh đã cho thấy điều đó. Còn Trịnh Công Sơn nói về nỗi đau chiến tranh khi nào? Khi cả hai phía của sông Bến Hải đều ra sức kêu gọi tiêu diệt nhau, “giải phóng” nhau. Nhân tiện, tôi đã kiểm tra kỹ rồi nhé, ngày 30 tháng 4 trong văn bản pháp luật gọi là “ngày chiến thắng” chứ không phải “ngày giải phóng miền Nam”. Gọi nó là “ngày thống nhất” hay “ngày hòa bình” theo tôi là tối ưu.
Nói cách khác, nếu Trịnh Công Sơn đã đúng vào thời điểm đó của cuộc chiến (khoảng năm 1968), thì cách nghĩ của ông không mâu thuẫn với hành động ông mừng vui chào đón quân đội Bắc Việt với bản Nối vòng tay lớn 7 năm sau đó. Tuy nhiên, nó lại mâu thuẫn với tôn chỉ và hành động của quân đội Bắc Việt. Trịnh Công Sơn trong lời tựa tập nhạc Kinh Việt Nam đã viết “một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương (...) Đến lúc chúng ta phải dừng tay và nhìn lại”. Nhưng nếu người lính Bắc Việt dừng lại, mà không đi trót con đường máu xương, thì làm gì có ngày hòa bình cho Trịnh Công Sơn ca Nối vòng tay lớn? Tức là mâu thuẫn mà Trịnh Công Sơn tạo ra là mâu thuẫn giữa chiến phản chiến, giữa một hành động có tính cách cấp thiết nhằm giải quyết một vấn đề cấp thiết, với một điều đúng đắn có tính cách lâu dài.
Thực ra, ngay cả khi Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị như lời chứng của Trịnh Cung, thì ông vẫn là một người làm chính trị, vì theo một cái định nghĩa tôi mới đọc chiều nay trên trang Diacritik, thì một nhà văn lớn là một sự theo đuổi chính trị bằng những phương tiện khác, «Le grand écrivain est la poursuite de la politique par d’autres moyens». Trịnh Công Sơn có một lý tưởng chính trị tương đối cụ thể: Bỏ đi phe quốc gia cũng như phe cộng sản, tất cả hãy quên hận thù, lại gần với nhau, sum họp một nhà, dựng một Việt Nam thống nhất, không có phân chia Bắc Nam, không có phân biệt trong nước với hải ngoại. Và ông theo đuổi cái lý tưởng chính trị đó bằng một phương tiện khác: nhạc phản chiến.
Nhưng thực ra, thưa ông Sơn, cái chính thể mà ông nói đó đã từng có rồi, nó được biết đến với tên gọi Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam. Nhưng sau đó thế nào thì chắc tôi chẳng cần nói thêm.
Sự chia cắt Bắc Nam năm 1954 chẳng một người Việt nào muốn, dù là những người ra đi hay những người ở lại. Nhưng những người đã chọn đi, có lẽ cũng là vì họ có một lý tưởng chính trị của riêng mình. Thậm chí không hề homogeneous, mà rất đa dạng. Đó là lý do tại sao Hồ Hữu Tường bị Ngô Đình Diệm tuyên án tử hình (nhưng nhờ Albert Camus và các trí thức khác viết thư can thiệp nên chỉ bị ngồi tù), hay Nguyễn Tường Tam tự sát để phản đối chế độ.
Sự tự do trong nhận thức chính trị ở Nam Việt đã cho phép người ta hiểu rằng có nhiều hơn một con đường. Và đó là lý do vì sao các hội nhóm đối lập với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn được tồn tại ở một chừng mực nhất định. Và các nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức như Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Chu Tử, vân vân được trình bày những con đường triết học khác, những thế giới quan khác, phong phú, đa dạng chứ không chỉ có một. Nhờ đó, Trịnh Công Sơn mới được đọc những người như Nietzsche, Sartre hay là Heidegger, thay vì chỉ biết mỗi ông Marx, ông Lenin. Cũng nhờ sự giàu có của văn chương thơ ca miền Nam, mà Trịnh Công Sơn mới có chất liệu để viết lời nhạc như vậy. Phạm Đình Chương đã nhắc đến hội trùng dương của ba con sông, sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, từ trước năm 1954, và đến năm 1969 bài Lại gần với nhau của Trịnh Công Sơn mới xuất hiện, có một reference đến bài hát đó của Phạm Đình Chương. Dương Nghiễm Mậu xuất bản Gia tài người mẹ năm 1963, và đến năm 1965, Trịnh Công Sơn mới viết Gia tài của mẹ. Cũng như cái cách dùng từ “nắng thủy tinh” là của Thanh Tâm Tuyền trong bài thơ Phục sinh, in trong tập Tôi không còn cô độc năm 1956 và phải đến năm 1962, Trịnh Công Sơn mới lấy đó làm tựa bài hát của mình. Cũng nhờ sự tự do trong văn nghệ ở miền Nam, mà nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn cũng như những bản tình ca như Ướt mi, Diễm xưa, vốn sẽ bị cho là ủy mị nếu ra đời ở phía bên kia, mới được cho phép trình diễn và thu âm, để Trịnh Công Sơn gây dựng được một tên tuổi như vậy trong thập niên 70. 
Về sau Trần Đức Thảo phải ngỡ ngàng vì Trịnh Công Sơn dám viết được như vậy về cuộc chiến. Nhưng mà phải thôi, là vì ở miền Bắc ông đâu có thấy ai viết tự do như vậy. Đã từng có những người kêu đòi sự tự do cho sáng tác văn nghệ, về sau họ được biết đến với tên gọi chung là các nhân vật Nhân Văn Giai Phẩm. Chuyện này thì không cần phải nói nhiều thêm ai cũng biết cái kết thế nào. Nói cho đúng thì, bây giờ hậu thế nhìn lại vụ Nhân Văn Giai Phẩm mới thấy bất bình cho những người lúc đó. Nhưng xét trên bình diện giá trị văn chương thì không có mấy người trong Nhân Văn Giai Phẩm là đáng kể với người đời sau. Chưa kể, biết nửa vời là một cái tai hại. Chẳng hạn, ai cũng lăm le chực chờ “xiên” ông Nguyễn Tuân (như Phạm Thị Hoài), bảo rằng Nguyễn Tuân không đứng về phía các nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm. Cái đấy là biết một mà không có biết mười. (Xin lỗi nếu người nào mà tôi ám chỉ tới có bị tức giận, nhưng tôi xin mượn câu của Nguyễn Huy Thiệp mà nói: “Tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”). Họ không biết rằng chính xác không chỉ có tờ Nhân Văn, hay tờ Giai Phẩm, mà còn có tờ Văn, trong đó có Nguyên Hồng và Nguyễn Tuân. Tờ Văn đã công khai bút chiến với tờ Học TậpNhân Dân. Nguyễn Tuân cũng góp vào những bài như “Quanh việc phê bình tờ báo Văn” hay “Phê bình nhất định là khó”. Sau này Nguyên Hồng suốt ngày mang xấp báo Văn đi thanh minh thanh ngang, còn Nguyễn Tuân thì bị Trường Chinh “mời uống trà” cùng với Văn Cao, rồi sau đó ông được “đi thực tế” ở Điện Biên cho gần gũi với nhân dân lao động hơn, tránh quay trở lại con đường tiểu tư sản.
Thực ra, tôi cũng từng rất bất mãn khi đọc về Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng đến khi tôi nghe chính Trương Tửu nói về việc này, những lời mà tôi cảm thấy thấm vô cùng, và tôi ước giá như trong đời tôi được học ông thì hay biết mấy. Ông nói như sau:
Cái gì xảy ra thì nó đã phải xảy ra. Nó qua rồi. Cũng như thầy trò chúng ta xuống thăm một cái mỏ, lên thì mặt ai cũng nhọ, than nó bay vào nhưng không xấu hổ. Chỉ có khi nào lên khỏi mỏ rồi mà chưa rửa mặt thì mới xấu hổ. Anh em cảm động lắm. Nên bây giờ mình đối với thanh niên phải hiểu họ, không nên quá đáng. Hồi ấy cái thế nó như vậy, nó phải như vậy. Không phải xấu.

Các anh ấy cứ bảo tôi kể chuyện. Tôi hỏi các anh đọc Tây du ký chưa. Ở đó có đoạn lấy được Kinh rồi, con rùa làm ướt hết. Thầy trò Đường Tăng lội xuống nhặt lên bóc từng tờ…bóc đến tờ cuối cùng thì rách mất. Đường Tăng cứ khóc bảo: Thôi, tiếng nói cuối cùng của Phật chúng ta không nghe được rồi. Đến lúc Tôn Ngộ Không nó vỗ vai nó bảo sư phụ xem có cái gì trên đời là hoàn hảo đâu, Đường Tăng mới thôi khóc đấy. Con người là người đều đáng quý cả, kể cả kẻ xấu, kẻ cắp, tội lỗi cũng nên tha thứ. Có điều nếu trời sinh nó thanh ra con rắn độc thì kệ nó, phải tránh đi, không chơi. Vì nó có thể mổ mình mà. Thái độ tôi như thế.
Những lời này của Trương Tửu làm tôi nhớ đến cái đoạn Nguyễn Tuân viết trong Thời và thơ Tú Xương, cái đoạn mà tôi đoán chắc rằng, lúc viết những dòng đó, có khi trong đầu ông cũng nghĩ về những Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Hoàng Tích Chu hay Khái Hưng:
Những thế hệ sau này thật là không thể nào hình dung được đầy đủ cái thảm kịch gọi đò đêm sông vắng, cái thảm kịch đợi nước gọi đò (hiểu theo cả nghĩa đen kinh tế lạc hậu, hiểu theo cả nghĩa bóng chính trị của những người yêu nước trước đây nói bóng gió về thời cục bằng hình ảnh thơ). Nhưng tôi tin rằng những thế hệ đó được nâng cao vật chất và tinh thần, được học nhiều hiểu rộng gấp mấy mươi chúng ta bây giờ, họ có một quan niệm rộng rãi hơn về xử sự xử thế của những con người sống trước họ, họ ái ngại nhiều hơn là lên án những người trước đây chỉ mới yêu nước trong phạm vi yêu tiếng nói dân tộc mà chưa chuyển được sang những hành động trực diện. Cái học lực của họ sẽ tạo cho họ nhiều độ lượng nhân ái hơn, tình cảm phong phú và thuần khiết hơn, và họ có thể còn cảm thông thâm thúy và quán triệt sâu sắc hơn nữa với hiện tại gần đây của lớp chúng ta. Thực ra cái lớp chúng ta đây cũng là một lớp người chưa thoát đò ngang, cũng là vừa sang xong một vài chuyến, có những chuyến thuận chèo trót lọt, bến đông rộn lên như hội mùa, nhưng cũng có chuyến gian nan tay lái không dẻo thì cũng dễ đắm con đò có lúc đã chiềng hẳn đi.
Trở lại Trịnh Công Sơn, điều lợn cợn trong lòng tôi chính là tôi không hiểu vì sao người ta vừa có thể thích Trịnh Công Sơn lại vừa có thể vắt sẵn bên mép những câu chửi ba que hay ba sọc. Đó là lý do mà tôi đã nói rằng sự tôn sùng Trịnh Công Sơn ngày nay là kết quả của một lịch sử trí trá, nói cho nhẹ nhàng hơn là một ký ức đã được giám tuyển. Trịnh Công Sơn vẫn trở lại hàng năm thực ra đã cho thấy một điều rằng, thế hệ của Bảo Ninh đã đúng, và đã chiến thắng, cũng như thế hệ của Văn Cao, Trần Dần đã đúng, hay như thế hệ của Dương Nghiễm Mậu cũng đúng luôn. Tuy vậy, toàn bộ những gì người ta say sưa, người ta chìm đắm về tiểu sử Trịnh Công Sơn lại nằm ở mấy câu chuyện tình, thế thì hóa ra đó là một sự trở lại không đầy đủ, khộng bình thường, nhằm tạo ra một sự an toàn. Chính đây là lúc, tôi lại thấy “thầy” tôi nói đúng:
chiêu hồi của văn hóa có mục đích: tránh và phòng chống các rung chuyển. Vứt bỏ mọi mầm mống của dịch chuyển vào hư vô ngay từ trước khi nó kịp lấp ló hiện ra, đó là một cách thức rất hữu hiệu. Để làm như là chẳng có gì xê dịch được những cái đã có. Và chính những người cấp tiến nhất lại đặc biệt nuôi dưỡng cái ý đó. 
Trịnh Công Sơn được chiêu hồi từ thời ông Võ Văn Kiệt, và tiếp nói mãi về sau. Tôi đoán, không quá một trăm người trong số những người nói nhiều nhất về Trịnh Công Sơn, tuyên bố mình là fan chân chính của Trịnh Công Sơn, thực sự biết hoài nghi cái tiểu sử được kể về Trịnh Công Sơn. Còn chuyện tư cách Trịnh Công Sơn tầm thường thì tôi không thay đổi quan điểm, và tôi cũng thừa nhận luôn là tư cách tôi cũng tầm thường, cũng như nhiều người khác. Ai là người có tư cách không tầm thường? Tôi sẽ cho hai ví dụ: một là Trần Dần, hai là Dương Thu Hương.

Giờ nói về Trương Quốc Vinh. Trương Quốc Vinh vẫn còn relevant, theo tôi hình dung, có 3 lý do nổi bật:
Một là vì “cuộc cách mạng” về sexuality và gender ở Việt Nam, vốn bắt đầu từ khoảng 2008 nhờ những tổ chức như Táo Xanh, ICS hay iSee, đến nay vẫn chưa đến hồi kết. Vì nếu nó thực sự đã thành tựu rồi, thì người ta sẽ chẳng ai còn buồn nói về chuyện gay hay les gì nữa đâu. Một “bình thường mới” sẽ bắt đầu, ở đó chẳng ai ngạc nhiên với bất cứ biểu hiện giới nào. Bây giờ hãy còn đang trong giai đoạn “có sao đâu, bình thường mà”? Ý tôi là, khi nghe một người come out chẳng hạn, người ta sẽ nói “có sao đâu, bình thường mà”. Nhưng phải đến một cái lúc mà chuyện come out hay không come out không quan trọng luôn, và thậm chí nghe xong người ta vẫn tròn mắt chờ nghe tiếp cho đến khi có thông tin gì đó quan trọng (vì cái chi tiết bạn là gay có cái gì để bàn đâu). Đấy, đại khái là thế. Nói cho đúng ra, tôi nghĩ là cái cuộc cách mạng này hãy mới còn đang ở thời kỳ đầu, dù đã qua 13 năm rồi, thế nên người ta mới còn sồn sồn về mối tình của anh Trương Quốc Vinh hay những vai diễn mang tính cách gender fluid của anh. Bởi vì Trương Quốc Vinh đã tỏ ra mình là một người rất cấp tiến về phương diện tính dục từ thập niên 90 rồi.
Hai là vì Trương Quốc Vinh để lại một hình ảnh luôn phảng phất vẻ u buồn (nhất là khi anh chết vì trầm cảm) và xộc xệch, bừa bộn, rất là Thom Yorke. Trong một xã hội lúc nào cũng tôn vinh sự tích cực, sự tiến bộ, và nhất là đã đẻ ra rất nhiều tâm trí giàu ảo tưởng trong các công ty đa cấp, sự u buồn và luộm thuộm luôn tạo ra một cảm giác “trên trung bình”. Chẳng hạn như anh bạn ngồi cuối lớp ít phát biểu và hướng nội, nhưng luôn sẵn sàng viết nên một underdog story. Một cái kiểu như L trong Death Note. Hay kiểu sức mạnh omega male sẽ phế truất alpha male trong mấy content self-help thảm hại của pickup artists. Nói chung là đó là một ý tưởng đầy màu sắc cách mạng, phá bỏ thông lệ và trở thành thông lệ mới. Tuổi trẻ thì thích những thứ như vậy.
Ba là vì sự thu hút của văn hóa Hồng Kông. Giờ đây, sau 26 năm, nước Mỹ đã xâm nhập vào đời sống của chúng ta rất sâu. Nhưng đáng nói là tất cả những gì thuần Việt giờ đây rất rời rạc, chắp vá. Phải chăng vì khi sự tiếp nhận và chuyển hóa văn hóa Pháp của chúng ta chưa đạt được sự trưởng thành đã phải bước ngay vào cuộc chiến vì sự hối thúc của thế cục toàn cầu? Chính vì thế mà những quốc gia tiếp nhận phương Tây mà vẫn giữ được nét cổ điển rất riêng như Nhật Bản luôn gây thu hút. Hồng Kông, cũng tương tự như vậy, đã gặp nước Anh từ sau thời chiến tranh Nha Phiến. Và sự hòa trộn giữa văn hóa phương Tây với văn hóa bản địa đã tạo ra những điều hết sức riêng biệt cho Hồng Kông. CantoPop là một ví dụ. Nhạc Việt đã có một thời chịu ảnh hưởng mạnh bởi CantoPop, và phim Châu Tinh Trì là một ký ức của rất nhiều người Việt 8x, 9x đời đầu. Bây giờ, tức khoảng gần 20 năm sau, niềm yêu thích với Hồng Kông trở lại cùng với những bộ ảnh theo kiểu Hồng Kông của Vương Gia Vệ, hay là những quán nhậu như Bên Hông Chợ Lớn. “Những Hồng Kông” như vậy ở Việt Nam lúc bấy giờ không phải là ấn tượng về một vùng hải cảng Đông Tây hòa nhập, mà còn mang trong nó hoài niệm về một dĩ vãng của âm nhạc thời Làn Sóng Xanh. Người ta thích Hồng Kông vì đó biết đâu đã từng có thể là “days of future past” của Việt Nam? Chính ở đó, một Trương Quốc Vinh đẹp và cấp tiến luôn có chỗ trong lòng người bây giờ.
Tôi vừa lướt qua một bài viết trên facebook của Lê Hồng Lâm về Trương Quốc Vinh, một bài viết không có giá trị gì. Thực ra, tôi tự hỏi đã từng có ai đọc cuốn Wong Kar-wai’s Happy Together (2003) của Jeremy Tambling chưa. Phê bình thì phải ở cái tầm như thế. Cuốn sách này đưa ra một cách đọc phim Happy Together rất đắt giá. Ai cũng biết rằng Happy Together ra rạp khoảng hơn 1 tháng trước sự kiện Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, nhưng có ai đã từng nghĩ rằng chuyện tình của Hà Bảo Vinh và Lê Diệu Huy là một allegory về chính trị Hồng Kông? Vì sao một bộ phim Hồng Kông mà không có bối cảnh ở Hồng Kông mà lại ở Bueno Aires và Đài Loan? Và Happy Together nghĩa là gì? Rốt cuộc thì hai người không thể cùng nhau đi đến thác Iguazu, nhưng chẳng phải như Vương Gia Vệ nói, hạnh phúc là khi người đó chấp nhận được quá khứ của chính mình? Liệu Hồng Kông có thể quên được quá khứ của mình để thực sự hạnh phúc?
Và tôi thực sự đã không hiểu tại sao Vương Gia Vệ lại đặt tên cho bộ phim ấy là Happy Together, cho đến khi tôi bắt gặp một câu thoại trong series phim Billions:
Imagine me and you. I do. Happy together. Most folks think that's a love song, but if you listen closely, you'll hear it's about a relationship that never actually happened. The key to unlocking it is that word, "imagine.”
(Taylor Mason, Billions)
01.04.21