Một buổi tối, tôi khóc ướt gối khi nghe chồng kể về những năm đầu sinh viên của anh.
Gia đình nhà chồng tôi không mấy khá giả, chỉ có một chút lương hưu của bố chồng và công việc của mẹ chồng bán rau nuôi 2 con học đại học.
Chồng tôi kể hồi đó bố mẹ đều lớn tuổi, anh tự mày mò đi thi dưới Hà Nội và tìm nhà trọ, thuê ở một phòng trọ xa trường mà tận 7-8 phòng dùng chung 1 nhà vệ sinh. Những ngày đầu lơ ngơ mới đi học, anh và đứa bạn cùng phòng bê thùng đồ đi mấy cây số mà không dám gọi xe ôm sợ tốn tiền, lại không biết cách bắt xe buýt.
Chồng tôi còn kể về những ngày cuối tháng chỉ đủ tiền mua lạc về ăn đợi tới cuối tháng mới về xin tiền mẹ. Anh rất vô tư kể về kỷ niệm thời sinh viên nhiều khó khăn nhưng vui vẻ ấy, nhưng chẳng hiểu sao tôi ngồi nghe và chảy nước mắt.
Chồng tôi phá ra cười ôm tôi bảo anh đâu phải người khổ nhất, bạn anh có đứa còn mất mẹ từ nhỏ phải tự lo liệu cho mình và cả em trai nữa. Anh thấy mình vẫn sướng chán.
Một phần vì tôi có thời sinh viên khá êm đềm và được bố mẹ chu cấp đầy đủ nên tôi thấy những chuyện chồng kể là quá vất vả rồi. Tôi còn là đứa rất dễ xúc động nên mỗi lần nghe chuyện ai đó phải chịu khổ là tôi sẽ khóc.
Nhưng dù vì lý do gì, khi tôi rơi nước mắt, cả chồng tôi và tôi đều hiểu rõ tôi thương anh như thế nào. Tôi dùng từ thương chứ không phải từ yêu, vì với tôi thương bao hàm cả yêu nhưng lớn lao hơn yêu rất nhiều.
Giống như nhiều cô gái, tôi lớn lên với mong ước về một tình yêu đẹp trọn vẹn suốt đời, một người tôi yêu và một người yêu tôi tha thiết. Nhưng đến khi lấy chồng rồi, tôi mới nhận ra yêu là chưa đủ. Điều có thể gắn kết hai con người trong từng phút giây tới hết một đời phải to lớn hơn thế, và đó là thương.
Tôi không biết người khác định nghĩa "thương" như thế nào, nhưng với tôi, đó là khi mình không muốn người khác đau đớn dù chỉ một chút. Giống như câu chuyện bạn yêu một bông hoa, bạn muốn ngắt lấy nó; còn khi bạn thương một bông hoa, bạn để cho nó sống.
Tôi cũng tin vào thứ tình cảm thiêng liêng ấy và học cách trao nó đi mỗi ngày tới người xung quanh bao gồm cả chồng tôi, hay đúng hơn đặc biệt là chồng tôi. Đó cũng là lý do tôi khóc rất nhiềukhi nghe chuyện thời sinh viên chồng kể.
Hơn thế, thương còn là thứ có thể cho ta sức mạnh để hi sinh bản thân vì đối phương tới một mức độ nhất định. Khi ta thương ai đó, ta muốn những điều tốt đẹp nhất cho họ. Và nếu điều đó đôi lúc đồng nghĩa với việc ta cần bỏ qua cái tôi của mình và nhu cầu của mình, ta vẫn sẵn sàng chấp nhận.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Một trong những điều tôi lấy làm hạnh phúc sau khi kết hôn là tôi có thêm rất nhiều người để thương. Không chỉ chồng tôi, mà cả gia đình anh nữa. Có thể bạn nghĩ tôi đang nói xạo, nhưng sự thật là tôi rất thương người nhà của chồng mình
Mỗi lần vợ chồng tôi về quê, hình ảnh đầu tiên tôi luôn thấy là bố chồng 80 tuổi ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế ở đầu sân, ngóng đợi chúng tôi. Khi xe chúng tôi rẽ vào cổng, bố sẽ lật đật đứng dậy, đi chầm chậm ra sắp mâm cơm giúp mẹ chồng tôi đang nấu ăn trong bếp.
Mẹ chồng, người tôi hơi sợ lần đầu gặp vì sự ít nói của bà, thường tỉ mỉ nấu nhiều món ăn ngon cho chúng tôi. Món cá kho mẹ thường làm từ tối hôm trước, vùi trong tro bếp thật lâu cho nục xương đợi sáng hôm sau vợ chồng tôi về ăn.
Rồi mỗi khi chúng tôi chuẩn bị quay lại thành phố, mẹ lại lọc cọc đạp xe ra ruộng rồi vác về vài tải bưởi hoặc chục cân dưa chuột tươi vừa hái chất lên xe cho chúng tôi mang đi.
Cả hai đứa cháu con chị gái của chồng đang sống cùng bố mẹ chồng tôi cũng dễ thương đến lạ. Chúng sống với ông bà vì bố mẹ đi nước ngoài lao động, lúc nào cũng khao khát được ôm và được nựng. Ngay từ lần đầu về nhà chồng, tôi thích ôm 2 đứa nhỏ và mua cho chúng nhiều đồ chơi sách vở, hi vọng một phần khoả lập sự thiếu vắng cha mẹ của 2 đứa.
Hai thằng bé sợ cậu (tức chồng tôi) nhưng lại rất quấn tôi, lúc nào cũng luôn miệng hỏi bao giờ mợ về thế. Có hôm vợ chồng tôi về muộn, 10 giờ tối mới tới nhà mà vẫn thấy ông bà và 2 cháu đang ngồi chờ trước mâm cơm dù chúng tôi đã dặn mọi người ăn trước. Hoá ra 2 thằng bé nhất định không ăn mà phải đợi chúng tôi về bằng được.
Nếu bạn là tôi, bạn có thể không thương hai đứa nhỏ sao? Tới giờ tôi vẫn rơi nước mắt mỗi lần nhớ về buổi tối hôm ấy. Tôi nghĩ một phần là mình may mắn nên khi lấy chồng tôi nhận được nhiều yêu thương và đồng thời có nhiều người để yêu thương đến vậy.
Một phần khác, bản thân tôi cũng đã và đang học cách thấu cảm với người xung quanh, nên việc thương người khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, và dần dần tôi thấy tình yêu thương đó hiện hữu ở khắp nơi.
Khái niệm thương đối với tôi có phần trùng khớp với khái niệm từ bi mà tôi đọc trong sách về đạo Phật, nhưng có lẽ nó đơn giản và dễ làm hơn lòng từ bi. Dù vậy trái ngọt mà nó mang lại đã đủ lắm rồi, hi vọng bạn có thể cảm nhận được cảm giác ấy, thương thật nhiều và được thương thật nhiều.
Và suy cho cùng, thương người khác có thể vừa là bản năng vừa là điều chúng ta có thể trau dồi và luyện tập qua thời gian. Vì vậy sẽ không bao giờ là quá muộn để thử bắt đầu.