Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương

Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi 
Đây là 2 câu nổi tiếng nhất trong Bình Ngô Đại Cáo mà ai cũng thuộc, ít nhất là bản dịch. Đến hiện tại thì mình cũng không còn nhớ là học những gì, nhưng chắc chắn là cô giáo đã giảng rất kĩ đoạn trích trong SGK, có khi từng chữ một, từng câu một, hồi đó chắc mình cũng có đủ các loại sách tham khảo, học tốt, văn mẫu, cũng chắc không ít lần thi cử vào Bình Ngô Đại Cáo rồi nhưng hiển nhiên chưa từng ai cho mình biết mà hồi đó mình cũng không biết mà thắc mắc rốt cuộc nhà Triệu này là Triệu nào.
Nguyễn Trãi hay Lê Lợi chắc cũng không tưởng tượng ra được rằng hậu thế lại tranh cãi mà đưa ra bản phân tích chính thống nào cả. Vì thế nên người ta cứ mặc nhiên suy tưởng. Có người cho rằng Triệu này là Triệu Quang Phục. Nhưng thấy có vẻ không hợp lý, Triệu Quang Phục – Triệu Việt Vương – Dạ Trạch Vương chỉ có xưng vương thôi, Lý Bí xưng đế rồi mà còn chưa được nhắc tới, không có lý do nào nhà Triệu ngắn ngủi của Triệu Quang Phục đặt ngang hàng với nhà Hán được. Cũng có người nghĩ là bà Triệu, cái này thì bái phục.
Khi chọn 4 giai đoạn tiêu biểu của Việt Nam để sánh đôi với các triều đại Trung Quốc, Nguyễn Trãi không hề chọn bừa mà câu văn có tính đối xứng rất chỉnh. Đã có Đinh Lý Trần ngang hàng với Đường Tống Nguyên thì Triệu đối với Hán chỉ có thể là Triệu Đà – Triệu Vũ Đế của Nam Việt.
đền thờ Triệu Đà.jpg
Đền thờ Triệu Vũ Đế ở Đồng Xâm, Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình.
Quay lại lịch sử của Triệu Đà một chút để xác nhận việc nhà Triệu ngang hàng với nhà Hán. Triệu Đà xuất thân là quan quân nhà Tần, được sai đi đánh Âu Lạc. Tuy nhiên, sau khi nhà Tần loạn sau cái chết nhiều huyền thoại của Tần Thủy Hoàng, Triệu Đà nhân cơ hội đó chiếm lấy Lĩnh Nam, lập ra Nam Việt, không nội thuộc nhà Tần nữa. Sau khi Lưu Bang ở bên Trung Quốc lập ra nhà Hán có cử sứ thần là Lục Giả (rất thân cận với Lưu Bang) sang Nam Việt phong Triệu Đà là Nam Việt Vương và trao “phẫu phù” (vật được hoàng đế trao cho chư hầu vương). Tuy nhiên, đến khi Lữ Hậu chuyên chính, cấm bán các nông cụ bằng sắt cho Nam Việt, các loại gia súc thì chỉ bán con đực, không bán con cái, Triệu Đà đã đem quân đi đánh vùng Trường Sa. Cắt đứt quan hệ với nhà Hán suốt thời gian đó, Triệu Đà xưng đế tại Nam Việt, xưng là “chế” cùng với các nghi thức ngang hàng với nghi thức hoàng đế Trung Hoa. Sau này, Hán Văn Đế diệt được cái loạn Lữ Hậu lên ngôi lần thứ hai cử Lục Giả sang sứ Nam Việt với những lời văn vô cùng  khiêm tốn và lễ vật hậu hĩnh, Triệu Đà tự xưng “man di đại trưởng lão phu” nhận lễ chư hầu, đối ngoại chỉ xưng vương, nhưng đối nội vẫn tiếp tục xưng đế. Hành động này được coi là mở đầu cho phương thức ngoại giao mềm mỏng của Đại Việt sau này khi đối chọi với Trung Quốc, tất cả bắt nguồn từ Triệu Đà.
Nhưng cũng vì Việt Nam từ những năm 60 trở đi coi nhận định của các sử gia theo trường phái của cụ Đào Duy Anh làm chính thống nên đã hoàn toàn loại bỏ nhà Triệu ra khỏi chính sử Việt Nam, thời kì Bắc Thuộc được tính từ thời điểm An Dương Vương mất nước. Việc sửa lại lịch sử thật ra cũng không quá khó khăn, các nhận định của các sử gia sau này cũng không phải không có chút lý nào. Cái khó là phải đối xử  sao với vấn đề Triệu Đinh Lý Trần mà Bình Ngô Đại Cáo đề ra. Tất nhiên là bỏ nhà Triệu thì không có ảnh hưởng gì lắm nhưng không có ai đủ can đảm để loại bỏ Bình Ngô Đại Cáo cả.
Cái khó ló cái khôn, nhiều dịch giả giải quyết vấn đề này bằng cách sửa văn Nguyễn Trãi thành: “Từ Đinh Lê Lý Trần…”. Thật sự quá chối tai. Như đã đề cập ở trên, Triệu Quang Phục không được thì Lê Hoàn cũng không được, câu văn nó bị không chỉnh, Đinh không ngang với Hán mà Tiền Lê thì không ngang với Đường. Trong số những người sửa chắc nổi tiếng nhất là cụ Trần Trọng Kim nổi danh. Cũng hơi kì lạ vì trong Việt Nam Sử Lược thì Trần Trọng Kim vẫn thừa nhận tính chính thống của nhà Triệu. Cơ mà vì chuyện này mà cụ Kim cũng ăn gạch hơi nhiều, nhân tiện sau này Hồi Ký Trần Trọng Kim bị thu hồi vì nhiều lý do nhạy cảm khác nhau khiến danh tiếng của cụ cũng bị ảnh hưởng không ít.
Cũng nghe đồn chưa được tận mắt chứng thực, trong Bảo tàng Lịch sử, cạnh bản sao bia Vĩnh Lăng có ghi lại hai câu thơ trên nhưng để tránh vấn đề nhạy cảm nên để trống trong dấu ba chấm.
“Từ…. Đinh Lý Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán Đường Tống Nguyễn mỗi bên hùng cứ một phương”
Đến đây thì thật sự bó tay luôn. Danh vị của Nguyễn Trãi như thế nào thì thôi không bàn thêm. Việc có những quan điểm trái chiều nhau cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng thôi, nếu đã không hợp lý thì đừng dùng nữa là xong, kị nhất là sửa văn chương, mà ai cảm thấy có đủ tự tin đi sửa lại văn Nguyễn Trãi không biết.
Nói thêm về Nguyễn Trãi, chắc cũng không có ai nghi ngờ tinh thần dân tộc, căm hận kẻ thù của cụ cả. Đi theo Lê Lợi, ngoài trả thù nước với Nguyễn Trãi còn là nợ gia. Bố của Nguyễn Trãi là Nguyễn Ức Long hay Nguyễn Phi Khanh bị nhà Minh bắt sang Trung Quốc và nhiều lần dùng ông làm mồi nhử, nhưng tương truyền Nguyễn Phi Khanh có dặn Nguyễn Trãi rằng phải “rửa nhục cho nước, rửa thù cho cha”. Một anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa, với xuất thân như vậy, thay mặt cho Lê Lợi viết Bình Ngô Đại Cáo hào khí ngất trời mà hậu thế vẫn xem là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của dân tộc mà lại không biết thế nào là giặc đến nhà đô hộ, thế nào là quân chủ ư?
Lại nói thêm, Bộ Giáo dục soạn sách như vậy cũng kì cục. Một bên sử thì không thừa nhận nhà Triệu, bên văn lại ca ngợi ngầm công nhận. Thế rốt cuộc quan điểm là như thế nào? Đã qua lâu rồi cái thời xem các vấn đề như này là nhạy cảm, cũng đến lúc có những câu trả lời dứt khoát hơn rồi thì phải.
Nói lại, ý kiến cá nhân mình là thừa nhận nhưng ai có ý khiến khác cũng được, chả có vấn đề gì cả, có lý và hợp lý là được, đừng lập lờ.
Tạm qua cụ Nguyễn Trãi, đến lượt cụ Nguyễn Du. Có lần đi qua Phiên Ngung (thủ đô của Nam Việt), Nguyễn Du có viết “Triệu Vũ Đế cố cảnh – Thăm cảnh cũ của Triệu Vũ Đế”:
“Sở và Tần là hai nước cường bạo đã nối nhau diệt vong, ông cứ ung dung nhún nhường làm bá chủ phương Nam. Tự vui đùa thừa sức xưng Hoàng Đế, ưa thích yên lành lại có chịu khuất anh nhà nho ngu? Đài cao trăm thước bên ngoài Lĩnh Biểu đã đổ. Ngôi mọ cổ ngàn năm ở Phiên Ngung đã không còn. Thương thay các triệu đại cứ lần lượt thay đổi. Xem ra không bằng được một ông già Man Di.”
Như thế này đã là quá đủ cho thấy quan điểm chính trị của Nguyễn Du về Triệu Đà cũng như nhà Triệu. Ai cho là Nguyễn Du quá cởi mở thì cũng chịu. Nguyễn Du là người cực kì bảo thủ trong vấn đề chính thống. Xem bao nhiêu lần Tây Sơn và nhà Nguyễn mời về làm quan nhưng phải đến tận khi không còn lựa chọn nào khác để sinh sống, Nguyễn Du mới chấp nhận về làm quan cho Nguyễn Ánh. Đối với Nguyễn Du thì quân không thờ hai chủ, ông đã chỉ coi nhà Lê là chính thống gần như cả cuộc đời mình.
Tiếp đến là cụ Phan Bội Châu trong cuốn “Việt Nam Quốc sử khảo” có viết, “Nước ta, mọi việc từ thời giặc Thục trở về trước không thể nghiên cứu rõ. Còn kể từ thời Triệu Vũ Đế về sau…” Thế là đã quá đủ cho “giặc Thục” và “Triệu Vũ Đế” trong câu văn mở đầu bằng “nước ta”. Tất nhiên, đây không có nghĩa là cụ Phan Bội Châu ca ngợi Triệu Đà nhưng đã rõ ràng là thừa nhận tính chính thống của nhà Triệu. Mà cụ Phan Bội Châu có tinh thần dân tộc mạnh không thì ai cũng biết. Một lần nữa, không nhẽ một người như cụ Phan Bội Châu lại không biết thế nào là giặc đô hộ thế nào là quân vương?
Về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mình đã trình bày ở Triệu Đà Phần 1.
Sau cùng sẽ là danh sách các bộ sử Đại Việt công nhận tính chính thống của nhà Triệu (lấy trên wiki nhưng đây toàn là những nguồn có thể kiểm chứng được nên yên tâm về độ chính xác):
Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu đời TrầnAn Nam Chí Lược của Lê Tắc (Gã này tuy có phản lại nhà Trần đầu hàng quân Nguyên để sang Trung Quốc rồi mới viết An Nam Chí Lược, nhưng cũng không nên xem nhẹ sách sử của y)Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi thay lời Bình Định Vương Lê LợiĐại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên thời Hậu LêKhâm Định Việt Sử thông giám cương mục thời NguyễnViệt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim (hơi khó hiểu)Thơ sử “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bài lần 1 và lần 2 này, mình vẫn muốn lấy quan điểm của các vĩ nhân, anh hùng dân tộc làm vấn đề chính. Các bạn có thể không tin mình, nhưng những người như vậy  đã có lời thì cũng đáng để suy ngẫm.