Lịch sử sẽ luôn ghi nhớ công ơn của họ - những người phụ nữ vĩ đại. Cũng như bao quốc gia khác, xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta không thể nào thiếu đi hình bóng những người phụ nữ anh dũng, chịu thương, chịu khó, hi sinh phần cá nhân của mình để tạo nên một tương lai hào hùng cho cả dân tộc. Họ có thể là một chiến binh sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng vì lý tưởng quốc gia dân tộc, một chính trị gia luôn nghĩ cho bách tính, một học giả luôn đau đáu trăn trở về nỗi niềm chấn hưng văn hóa dân tộc, hoặc chỉ đơn giản là một người phụ nữ của gia đình, luôn cống hiến những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm cho những người mình yêu thương. Nhân ngày 20/10, hãy cùng nhau tưởng nhớ những người phụ nữ đã một tay dịch chuyển dòng chảy lịch sử Việt Nam!
Hai Bà Trưng - tranh của Ấm Chè
Hai Bà Trưng - tranh của Ấm Chè

HAI BÀ TRƯNG

Có thể nói, đứng đầu danh sách này không ai khác ngoài hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Họ là tấm gương điển hình nhất về hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, dũng cảm, bất khuất. Dù những thông tin về hai bà chỉ được ghi chép lại bởi người đời sau, khi mà định kiến hà khắc về phụ nữ của lễ giáo Nho học đã khắc sâu vào văn hóa nước ta, thế nhưng các sử gia thời phong kiến vẫn phải dành những lời ca ngợi hết mực cho hai người. Để trả nợ nước, báo thù nhà mà Trưng Nữ vương đã đứng lên cầm vũ khí, kéo quân ra trận, đánh đuổi quân đô hộ, giành lại độc lập cho phương Nam từ tay ách thống trị của ngoại nhân phương Bắc.
Chi chép sớm nhất về Hai Bà Trưng còn tồn tại đến ngày nay là trong những tác phẩm về đất Giao Chỉ của người Hán. Tới thời kỳ độc lập tự chủ, có thể kể tới một số sách chí dị của dân An Nam có viết về hai bà như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái… Sau này, các cuốn sử biên như Đại Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký, Đại Việt Sử ký Toàn thư… đã dựa theo các ghi chép kể trên để hoàn thiện câu chuyện về hai bà trong chính sử nước nhà.
Chi chép sớm nhất về Hai Bà Trưng còn tồn tại đến ngày nay là trong những tác phẩm về đất Giao Chỉ của người Hán. Tới thời kỳ độc lập tự chủ, có thể kể tới một số sách chí dị của dân An Nam có viết về hai bà như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái… Sau này, các cuốn sử biên như Đại Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký, Đại Việt Sử ký Toàn thư… đã dựa theo các ghi chép kể trên để hoàn thiện câu chuyện về hai bà trong chính sử nước nhà.
Theo đó, Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, nghĩa là hai bà vốn thuộc dòng dõi quý tộc bản địa. Thời kì này, chính quyền phương Bắc vẫn chưa thiết lập được bộ máy cai trị đủ mạnh, nên vẫn phải dựa vào tầng lớp Lạc tướng để có thể quản lý Giao Chỉ. Bởi vậy, có thể xem như những người cai trị thực sự của vùng đất này vẫn là người Việt, chỉ có điều quyền lực của họ bị chia nhỏ ra từng huyện, thành và chịu sự chi phối bởi thế lực phương Bắc. Việc Trưng Trắc được gả cho Thi, con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên chính là để kết thêm tình hữu nghị giữa thế lực thượng lưu của hai vùng này.
Bấy giờ, Thái thú cai trị quận Giao Chỉ là Tô Định đã thực hiện nhiều chính sách hà khắc, so với hai vị Thái thú tiền nhiệm là Tích Quang và Nhâm Diên thì quả là khác nhau một trời một vực. Dân chúng cũng bởi vậy mà trở nên bất bình, và nhu cầu về một sự phản kháng quy mô lớn được đặt ra một cách bức thiết, đè nặng lên vai giai cấp quý tộc bản địa. Trưng Trắc là một trong những người đi đầu của công cuộc phản kháng này khi đã kích động quý tộc hai huyện Mê Linh và Chu Diên phản đối các chính sách của Tô Định. Nhận thấy đây có thể là mối đe dọa tới quyền thống trị của mình, Tô Định lập tức thực hiện một số hình thức áp chế quyền lực của họ, trong đó có việc xử tử một số nhân vật nổi bật để thị uy.
Điều này đã làm Trưng Trắc phẫn nộ, vì chồng bà cũng là một trong số các nạn nhân của Tô Định. Năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa tại Hát Môn. Nghĩa quân đã nhanh chóng đánh bại được quân đô hộ của nhà Hán, làm chủ đất Mê Linh, rồi tiến về Cổ Loa và Lụy Châu. Cuộc khởi nghĩa của hai bà tạo được tiếng vang lớn, 65 thành trì khắp các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cũng đều theo đó dấy binh hưởng ứng. Tô Định hèn nhát bỏ thành, chạy trốn về Nam Hải. Quân Hán ở các quận huyện khác cũng gặp thất bại thảm hại. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 đến đây đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Trưng Trắc xưng Vương, trở thành vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Năm 42, trước sự uy hiếp tiềm tàng của thế lực mới trỗi dậy phía Nam, nhà Hán tăng cường chi viện, lệnh cho Phục Ba Tướng quân Mã Viện sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Trước một đối thủ quá sức đáng gờm như Mã Viện, nghĩa quân của Hai Bà Trưng, sau nhiều lần phản kháng ngoan cường, cuối cùng đã thất bại. Dù vậy, cuộc khởi nghĩa của hai bà cũng đã làm nên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân t ộc, quả đúng như sử gia Lê Văn Hưu từng ca ngợi:
“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà [...] việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay [...] Tiếc rằng nối sau [...] trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ biết cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”

BÀ TRIỆU

Nối tiếp tinh thần nữ cường ấy, dưới thời thuộc Ngô, ở vùng Cửu Chân đã có sự trỗi dậy của một người anh hùng khác, đó chính là Bà Triệu. Đến nay, dân gian vẫn còn truyền tụng một câu nói đầy khí phách được cho là của bà:
"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người."
Tuy dân gian vẫn thường gọi bà là Triệu Thị Trinh, nhưng trong các bộ chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Đại Việt Sử ký Tiền biên hay Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, tên thật của bà không được ghi lại mà chỉ được gọi là “Triệu Ẩu”, nghĩa đen là “bà Triệu”. Tương truyền, từ nhỏ, Bà Triệu sớm tỏ ra có chí khí hơn người. Khi cha bà hỏi về chí hướng mai sau, tuy còn ít tuổi, bà đã tỏ ý muốn được như Trưng Trắc, Trưng Nhị. Khi người ta giục bà lấy chồng, chớ nên mơ tưởng viển vông thì bà đã khẳng khái trả lời rằng mình sẽ không lấy chồng vì còn phải làm chuyện đại sự.
Lúc này, nước ta đang được đặt dưới sự đô hộ của Đông Ngô, một trong Tam quốc. Năm 227, sau khi Quan Thái thú nhà Hán là Sĩ Nhiếp mất, Ngô Quyền đã chớp thời cơ xua quân xâm lược Giao Chỉ, đồ sát đến hàng vạn người. Sau khi tiêu diệt tàn dư của chính quyền đô hộ nhà Hán trước đó, Đông Ngô đổi tên quận Giao Chỉ thành Giao Châu, thiết lập hệ thống quan lại đô hộ của mình, đứng đầu là quan Thứ sử.
Dưới sự cai trị vô cùng hà khắc của Đông Ngô, dân Giao Châu vô cùng bất mãn. Nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra trên khắp vùng Lĩnh Nam. Cũng trên tinh thần đó, năm 248, Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa và được đông đảo nhân dân khắp hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ hưởng ứng. Tuy là một người phụ nữ, thế nhưng bà lại vô cùng anh dũng, luôn luôn trực tiếp cầm quân xung trận. Hình ảnh bà được miêu tả là vô cùng hiên ngang khí phách: vú dài ba thước, vắt ra sau lưng, mặc áo ngắn màu vàng, cài trâm vàng, chân đi giày ngà nạm vàng mũi cong, thường ngồi trên đầu voi đánh nhau với quân thù. Nhờ sự chỉ huy tài tình của bà, nghĩa quân đánh thắng nhiều trận liên tiếp, chính quyền đô hộ của Đông Ngô phải rút chạy khỏi hai quận. Bọn quan lại thống trị từ Thứ sử Giao Châu trở xuống đến các huyện lệnh đều bị giết hoặc chạy trốn. Khắp vùng Lĩnh Nam được một phen chấn động.
Đến nước này, Đông Ngô đành phải cử cháu trai của đại tướng Lục Tốn là đại tướng Lục Dận đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân tuy đã chiến đấu anh dũng, kiên cường nhưng vì lực lượng quân sự còn yếu, cộng thêm việc chỉ huy của đối thủ là một kẻ quá đỗi cáo già nên sau cùng đã thất bại. Tương truyền, Bà Triệu đã tuẫn tiết một cách anh dũng, quyết không đầu hàng kẻ thù cho đến giây phút cuối cùng.
Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Hai Bà Trưng giành lại giang san, cởi ách nô muôn thuở không mờ trong tâm trí dân tộc Việt Nam.

DƯƠNG THÁI HẬU

Tuy không giống như hai trường hợp kể trên, thế nhưng những gì mà Dương Thái hậu cống hiến cho xứ An Nam cũng chẳng hề kém cạnh khi đã gián tiếp góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trước sự xâm lược lần thứ nhất của quân Tống vào năm 981.
Dương Thái hậu, tức Đại Thắng Minh Hoàng hậu Dương thị là là hoàng hậu của 2 vị hoàng đế đầu thời kì độc lập tự chủ là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Dân gian thường gọi bà là Dương Vân Nga, thế nhưng thực tế thì tên thật của bà không được ghi chép lại trong chính sử. Thậm chí, xuất thân của bà đến nay cũng vẫn còn là một ẩn số. Chỉ biết rằng trong suốt hai triều đại của hai vị hoàng đế kể trên, bà nắm giữ trong tay quyền lực chính trị không nhỏ.
Theo các bộ chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và hoàng tử Đinh Liễn bị hoạn quan Đỗ Thích sát hại, hoàng tử Đinh Toàn lên ngôi, tức Đinh Phế Đế. Tiểu hoàng đế khi ấy mới 6 tuổi, chưa đủ khả năng để đảm nhận trọng trách của một vị hoàng đế, nên Dương Thái hậu đã cùng với phó vương tự phong là Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn thực hiện nhiếp chính, bình loạn trong, diệt thù ngoài, giữ cho đất nước Đại Cồ Việt non trẻ được yên ổn.
Không phụ mong mỏi của mọi người, năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đại phá quân Tống, bảo vệ vẹn toàn bờ cõi Đại Cồ Việt. Về sau, Dương Thái hậu kết hôn với Lê Đại Hành để đảm bảo sự bền vững nội bộ triều đình, được phong làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Tương truyền, về sau dân chúng Hoa Lư lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng - Đại Hành và tượng Dương Thái hậu cùng ngồi, đến tận đầu thời Lê Sơ vẫn còn.
Sẽ có nhiều người chê trách Dương Thái hậu đã đạp đổ cơ đồ của họ Đinh, tước đi quyền làm vua của con trai mình. Thế nhưng, nếu muốn phán xét một cách công tâm, chúng ta cần phải nhìn lại lịch sử rối ren lúc bấy giờ, rõ ràng mẹ con Dương Thái hậu đã rơi vào hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, bị xâu xé bởi rất nhiều thế lực. Đinh Tiên Hoàng qua đời khi người kế vị còn quá trẻ. Lê Hoàn tuy mang danh nghĩa chỉ là nhiếp chính nhưng không phải không có ý dòm ngó ngôi vị. Bằng chứng là các thuộc hạ của Lê Hoàn, như Đại tướng quân Phạm Cự Lượng… từ lâu đã có ý tôn Lê Hoàn làm vua. Chính Lê Hoàn cũng tự xưng là “phó vương”, nghĩa là tự cho bản thân chỉ còn cách ngai vàng một bước nhỏ. Một thế lực khác là phe bảo hoàng thủ cựu như Đinh quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp… lại muốn muốn dấy binh về kinh sư triệt hạ phe chuyên quyền của Lê Hoàn. Phương Nam thì có sự uy hiếp từ Champa khi phò mã Ngô Nhật Khánh vì hận Đinh Tiên Hoàng nên đã dẫn đường cho cả ngàn chiến thuyền của Champa tiến đánh Hoa Lư. Trước tình thế đó, hành động của Dương Thái hậu thực sự là một nước đi có thể xem là không thể nào khác được, bởi chỉ có như thế thì bà, với cương vị của một vị thái hậu, mới có thể cùng lúc hóa giải tất cả những rắc rối đang vây lấy di sản của chồng bà.
Và chẳng phải lịch sử chứng minh hành động của bà là một quyết định sáng suốt đó sao? Một mặt, bà đã góp phần giữ cho bờ cõi Đại Cồ Việt được yên ổn, chuyển giao quyền lực đúng thời điểm lịch sử, chọn đúng người tài đứng ra giúp nước. Mặt khác, bà đã bảo toàn được mạng sống, danh vọng, địa vị cho bản thân và con trai thông qua việc nhường ngôi và cưới Lê Hoàn. Trước tình thế thù trong giặc ngoài này, nếu không đi hành động nhường ngôi đầy quyết đoán ấy, liệu mẹ con Dương Thái hậu và đất nước Đại Cồ Việt rồi sẽ về đâu?

LINH NHÂN THÁI HẬU

Linh Nhân Thái hậu hay Thái hậu Ỷ Lan là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử của vương triều họ Lý. Từ thiếu nữ nơi thôn dã, khi cơ hội đến, bằng sắc đẹp và tài năng của mình, bà dần vươn lên giành ngôi cao tột bậc, trở thành Thái hậu. Với tài năng nhiếp chính, bà đã góp phần đưa đất nước Đại Việt trở nên hưng thịnh trong thời kì được gọi là Bách niên Thịnh thế kéo dài giữa hai đời vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.
Thông tin về xuất thân của Ỷ Lan Thái hậu rất rải rác trong chính sử. Theo Đại Việt Sử lược, Thái hậu Ỷ Lan họ Lê. Theo Ngự chế Việt sử tổng vịnh, bà là người làng Thổ Lỗi. Không rõ tên thật cũng như năm sinh của bà. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép lại sự tích về cái tên Ý Lan của bà. Theo đó, đây là cái tên bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ giữa bà và vua Lý Thánh Tông. Tương truyền rằng khi ấy, đức vua đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn chưa có con trai nối nghiệp. Ngài thường đi cúng khấn cầu tự khắp các chùa gần xa nhưng cũng chưa thấy hiệu nghiệm. Một lần đi cầu tự ở Thổ Lỗi, xa giá vua đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, bèn gọi đưa vào cung làm Nguyên phi. Sau này người con gái ấy được vua yêu thích, ban cho tên gọi Ý Lan, nghĩa là người đẹp tựa bên gốc lan. Sau khi được nạp phi, Ỷ Lan nhanh chóng sinh cho nhà vua một người con trai là Thái tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông sau này.
Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Thái hậu Ỷ Lan đã hai lần nhiếp chính, góp phần không nhỏ cho sự hưng thịnh của triều đại của chồng và con trai bà.
Lần nhiếp chính thứ nhất của Ỷ Lan là vào năm 1069, chỉ một năm sau khi bà hạ sinh người con thứ Minh Nhân Vương. Lấy cớ đối phương không chịu tuân phục, Lý Thánh Tông đã thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trước khi xuất binh, vốn tin tưởng vào năng lực của Nguyên phi Ỷ Lan, nhà vua đã trao lại quyền chính sự cho bà. Với sự giúp sức của Thái sư Lý Đạo Thành, ở lần nhiếp chính này, Nguyên phi Ỷ Lan giúp sức nội trị, cảm hóa được lòng dân, trong cõi vững vàng, thượng tôn tinh thần Phật giáo, dân mến mộ gọi bà là Quan m. Khi chiến sự đương hồi bế tắc, nghe tin ấy, Lý Thánh Tông đã cảm khái than rằng:
"Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?"
Và nhờ có sự khích lệ tinh thần từ hậu phương ấy, nhà vua quyết định không lui binh nữa, tái chiến và giành được thắng lợi, bắt sống vua Champa là Chế Củ cùng hơn 5 vạn người. Năm sau 1070, Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để tạ tộii. Như vậy, giang sơn Đại Việt bước đầu mở rộng xuống phía Nam cũng một phần nhiều là nhờ có công lao của Nguyên phi Ỷ Lan.
1072 khì vua Lý Thánh Tông băng hà, thọ 50 tuổi, trị vì 18 năm. Do Lý Nhân Tông khi ấy mới chỉ 6 tuổi, một lần nữa Thái hậu Ỷ Lan tham gia vào chính trường. Nhưng lần này, hành động của bà bị đánh giá là có phần tàn nhẫn. Để có thể nhiếp chính hỗ trợ cho con trai, bà đã cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt bày mưu triệt hạ đích mẫu của vị vua nhỏ là Thương Dương Thái hậu, cát giảm quyền lực của Thái sư Lý Đạo Thành để có thể thâu tóm quyền lực, phục vụ cho mục đích của mình. Dù vậy, thời kì nhiếp chính lần thứ hai của Ỷ Lan Thái hậu vẫn được hậu thế đánh giá là một thời kì ổn định và vững mạnh của Đại Việt, góp phần làm nên tiền đề cho quãng thời gian thịnh trị của Lý Nhân Tông về sau.
Cũng bởi cảm ơn đức cao dày của Linh Nhân Thái hậu Ỷ Lan mà nhân dân đã tôn vinh bà như là "Quan Âm Bồ tát" tái hiện, hoặc đồng hóa với "cô Tấm" trong truyện cổ tích, hoặc với "Phật mẫu Man Nương". Đến nay, xung quanh khu vực Đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn rất nhiều đền thờ bà.

LINH TỪ QUỐC MẪU

Như chúng ta biết, cuộc chuyển giao triều đại giữa nhà Lý và nhà Trần vào thế kỉ giữa thế kỉ XIII là một cuộc chuyển giao quyền lực ít đổ máu nhất trong lịch sử Việt Nam giữa 2 triều đại lớn. Chúng ta cũng đều biết, việc này có thể xảy ra là nhờ sự gian hùng và sức ảnh hưởng đặc biệt của Thái sư Trần Thủ Độ. Thế nhưng, trong mọi thành công lớn nhỏ, thì đều luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Và Linh Từ Quốc mẫu chính là một nhân tố chủ chốt khác góp phần làm nên sự thành công của cuộc chuyển giao thời đại này.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Linh Từ Quốc mẫu hay còn gọi là Kiến Gia Hoàng hậu, Thuận Trinh Hoàng hậu hay Huệ hậu là vị hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, vị quân chủ cuối cùng của triều Lý. Bà cũng là mẹ ruột của Lý Chiêu Hoàng và Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu, cả hai đều là hoàng hậu của Thái Tông Trần Cảnh sau này, người mà về vai vế phải gọi bà bằng cô.
Năm 1209, xảy ra loạn Quách Bốc. Lý Huệ Tông khi ấy còn là Hoàng thái tử đã tới lánh nạn ở thôn Lưu Gia, Hải Ấp để nương nhờ cha của Linh Từ Quốc mẫu là Trần Lý. Cuộc hôn nhân của hai người đã diễn ra trong khoảng thời gian này. Bên cạnh tình cảm của Lý Huệ Tông dành cho bà, cuộc hôn nhân của 2 người còn là ý đồ của cả nhà vua và gia tộc họ Trần nhằm xây dựng mối liên kết quyền lực cho cả hai bên. Lý Huệ Tông cần một lực lượng quân sự đủ mạnh hỗ trợ mình trong cuộc chiến. Gia tộc họ Trần cần một mối quan hệ thân thích với hoàng tộc để có thể an toàn tiến sâu vào chính trường. Và như thế, trọng trách ấy của gia tộc đặt nặng lên vai của Linh Từ Quốc mẫu.
Năm 1216, sau khi loạn được dẹp yên, Huệ Tông lên ngôi. Linh Từ Quốc mẫu cũng từ đó mà liên tục thăng tiến từ nguyên phi, ngự nữ cho tới nguyên phi rồi cuối cùng là ngôi vị hoàng hậu. Họ hàng của bà cũng nhanh chóng nắm giữ các vị trí trọng yếu của triều đình. Trong thời gian này, tuy gặp không ít nguy hiểm tới tính mạng, nhưng Linh Từ Quốc mẫu vẫn tận trung với trọng trách mà gia tộc giao phó.
Với địa vị hoàng hậu nhà Lý của mình, Thuận Trinh Hoàng hậu đã có vai trò không nhỏ trong việc tạo điều kiện cho nhà Trần soán ngôi nhà Lý, thông qua việc kiềm hãm thế lực hậu cung của Đàm Thái hậu tác động tới nội chính. Thế nhưng hành động quan trọng nhất trong kế hoạch đưa nhà Trần chạm tới ngai vàng của bà chính là xúc tiến cho Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh. Dưới sự tác động của thế lực họ Trần, sau đó Lý Chiêu Hoàng đã phải nhường ngôi cho Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông sau này, đánh dấu mốc đầu tiên trong lịch sử gần 200 năm của triều đại nhà Trần.
Nhà Trần được thiết lập, Lý Huệ Tông tự sát, Thuận Trinh Hoàng hậu bị giáng xuống làm công chúa, nhưng Trần Thái Tông không nỡ gọi bà là công chúa nên đã ban cho bà danh là Linh Từ Quốc mẫu - đây chính là cái tên sẽ gắn liền với hình ảnh của bà trong mắt hậu thế.
Không còn trói buộc hôn nhân với người chồng quá cố, Linh Từ Quốc mẫu chính thức tái hôn với Trần Thủ Độ - một người anh họ của bà, lúc này đang giữ chức Thái sư, nắm trọn quyền hành. Về sau, trong sự kiện Chiêu Hoàng bị phế ngôi vị hoàng hậu để chị gái là Thuận Thiên lên thay, hai vợ chồng bà chính là chủ mưu. Tuy vậy, hai người cũng tham gia dàn xếp rất tích cực giúp anh em Trần Thái Tông hòa giải, gây dựng nền móng cho sự đoàn kết hoàng tộc giai đoạn sau này, góp phần tạo nên chiến thắng bảo toàn lãnh thổ trước ba lần xâm lược của quân đội hung bạo bậc nhất thời bấy giờ là giặc Mông-Nguyên.
Hành động của Linh Từ Quốc mẫu được hậu thế nhìn nhận là hi sinh toàn bộ mọi thứ vì lợi ích của họ Trần, đối với lịch sử họ Trần có một sự tích cực rất lớn. Nhờ có cuộc chuyển giao quyền lực không nhuốm màu binh đao này mà nhà Trần đã có cơ hội để nhanh chóng ổn định đất nước đang suy yếu nghiêm trọng, chuẩn bị sẵn sàng cho những biến cố cam go mà tương lai mang tới. Cũng bởi vậy mà sử thần Ngô Sĩ Liên đã đánh giá một cách rất trung lập về Linh Từ, dù phê phán bà đã góp phần vào sự lui bước khỏi vũ đài chính trị của nhà Lý nhưng cũng nhìn nhận công lao to lớn của bà trong việc giúp nhà Trần trong việc nội trị:
"Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần!"

LÝ CHIÊU HOÀNG

Nhắc đến Linh Từ Quốc mẫu thì chẳng thể nào mà không nhắc tới Lý Chiêu Hoàng, người con gái thứ hai của bà. Khó có một nữ nhân vật lịch sử nào có thể khiến người ta ám ảnh lâu đến thế. Khó có một nhân vật lịch sử nào có cuộc đời lại sóng gió đến vậy. Số phận nàng là cả một chuỗi những bi kịch do chính tay người mẹ đẻ dựng nên, biến nàng trở thành hình mẫu của đại đa số những người phụ nữ chốn cung cấm khi xưa: những con cờ chính trị đơn thuần để cho kẻ khác lợi dụng hòng phục vụ tham vọng của bản thân.
Lý Chiêu Hoàng còn được gọi là Chiêu Thánh Hoàng hậu, họ Lý, tên Phật Kim, sau đổi thành Thiên Hinh. Nàng là Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý, đồng thời cũng là Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. 
Năm 1224, Lý Phật Kim được được chính vua cha Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi. Khi ấy, nàng mới chỉ là một bé gái 7 tuổi. Nàng ngồi lên ngai báu, bản chất cũng chỉ là do sự sắp đặt của Thuận Trinh Hoàng hậu cùng với Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, người đang nắm quyền lực bậc nhất trong triều đồng thời cũng là chú họ bên ngoại của nàng.
Từ khi được thái tổ Lý Công Uẩn sáng lập năm 1009, trải qua quá trình hưng thịnh, đến đời của những vua như Cao Tông, Huệ Tông, nhà Lý đã suy yếu hẳn. Sinh ra trong giai đoạn nhà Lý suy yếu, cuộc đời Lý Chiêu Hoàng được định sẵn sẽ gặp phải những bước rẽ không thể đoán định.
Năm 1225, họ Trần do nắm quyền hành, lần lượt được ban chức tước quan trọng cho con em trong họ, đáng kể nhất là rất nhiều con cháu họ Trần được tuyển vào cung để sung vào các chức vụ hầu trong đại nội, gần gũi với Chiêu Hoàng, trong đó có Chính thủ Trần Cảnh là con trai thứ của quan Thái úy Trần Thừa. Khi đó, Trần Cảnh mới chỉ 8 tuổi, được đưa vào hầu gần Chiêu Hoàng, ban đầu chỉ là ở bên ngoài điện, sau đó phụ trách đưa nước rửa mặt cho Chiêu Hoàng nên vào hầu bên trong. Trần Cảnh cùng gần tuổi với Chiêu Hoàng, được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách xúi giục, thúc ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.
Năm 1226, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Cảnh, triều đại nhà Lý cai trị Đại Việt hơn 200 năm đã chính thức kết thúc.  Từ đó, nhà Trần được thành lập.
Không làm hoàng đế cũng chẳng sao, Chiêu Hoàng chấp nhận an phận làm hoàng hậu của chồng. Thế nhưng đến năm 1237, ngay cả khi đã trao cả giang sơn gấm vóc lẫn tình yêu đầu tiên của mình cho Trần Thái Tông, nàng vẫn bị phế ngôi một cách phũ phàng vì không sinh được con nối dõi. Đáng buồn thay, người đứng sau sự kiện này lại chính là mẹ nàng, Linh Từ Quốc mẫu cùng với người chồng mới của bà, Trần Thủ Độ. Còn quá đáng hơn nữa, người thay thế Chiêu Hoàng lại chính là chị gái ruột của nàng.
Sau năm 1258, Lý Chiêu Hoàng tái giá lấy Lê Phụ Trần ở tuổi 40. Người chồng thứ hai này của bà là một viên tướng có công cứu giúp Trần Thái Tông khỏi bị truy kích trong lần quân Nguyên vào cướp. Hai người sống với nhau hơn 20 năm và sinh được 1 trai là Thượng vị hầu Lê Tông và 1 gái là Ứng Thụy công chúa. Xem chừng đây là cũng là một chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho nửa sau cuộc đời của một người đã phải trải qua quá nhiều biến cố như nàng.
Năm 1278, Lý Chiêu Hoàng qua đời, chỉ ngay sau Trần Thái Tông khoảng 1 năm. Chính sử không chép nơi an táng và lễ nghi của nàng, và dù khi qua đời nàng vẫn chỉ mang danh hiệu Chiêu Thánh công chúa, nhưng hậu thế vẫn thường gọi nàng theo tôn hiệu nổi tiếng nhất là Lý Chiêu Hoàng.
Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng đầy phức tạp và bi kịch, khi trở thành một nhân vật chủ chốt trong cuộc biến chuyển triều đại đầy kịch tích giữa nhà Trần và nhà Lý. Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, nàng trở thành một người phụ nữ có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với nhiều danh vị thăng trầm khác nhau: vốn dĩ là công chúa, sau trở thành nữ hoàng đế, rồi lại trở thành hoàng hậu và bị giáng làm công chúa. Hậu thế khôn khỏi không cảm thông mỗi khi lật qua từng trang sử sách để hiểu hơn về cuộc đời nàng. Số phận đầy bi kịch của Lý Chiêu Hoàng cứ như thế đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa và cả điện ảnh mang giá trị nhân văn sâu sắc cho đến ngày hôm nay.

HIỂN TỪ THUẬN THIÊN HOÀNG HẬU

Lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỉ XIII-XIV gắn liền với công lao và sự phát triển rực rỡ của vương triều nhà Trần. Những chiến công lẫy lừng của ba lần bảo toàn bờ cõi trước quân xâm lược Nguyên-Mông, cùng với các cuộc chinh phạt quân Chiêm Thành ở phía Nam đã làm cho khoa học và nghệ thuật quân sự của triều Trần đạt được những thành tựu vượt bậc. Thế nhưng, đi cùng với những mốc son chói lọi ấy chính là những sự hi sinh của những người phụ nữ tài sắc, đã gạt đi những lợi ích cá nhân để chung tay xây dựng nên sự hưng thịnh của triều đại. Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu là một người như vậy.
Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu họ Lý, tên húy là là Oánh, sinh năm 1216. Bà là con gái cả của Lý Huệ Tông, là chị gái của Lý Chiêu Hoàng. Mẹ bà chính là Linh Từ Quốc mẫu. Ban đầu, bà mang tước Thuận Thiên công chúa, lấy anh trai của Trần Thái Tông là An Sinh vương Trần Liễu.
Lý Chiêu Hoàng vốn đã thiệt thòi, thế nhưng ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, Thuận Thiên công chúa đã phải chịu thiệt thòi hơn so với em gái rất nhiều. Thời điểm Linh Từ Quốc mẫu, khi ấy còn mang danh hiệu Thuận Trinh phu nhân mang thai nàng, thế lực họ Trần đang dần thâu tóm quyền bính nơi triều đình, dẫn đến việc giữa dòng họ nhà Trần và thế lực của Đàm Thái hậu đang tranh đấu gay gắt. Đàm Thái hậu vì con dâu họ Trần nên vẫn luôn đề phòng, thậm chí còn tìm nhiều cách để loại bỏ bà. Như vậy, ngay từ khi còn chưa ra đời, tính mạng của Thuận Thiên công chúa đã không ít lần bị đe dọa.
Sau này, khi nhà Trần được thành lập, Thuận Thiên công chúa được gả cho anh trai của Trần Thái Tông là Trần Liễu. Hai người đã có với nhau một người con là Trần Doãn. Cuộc hôn nhân của họ được xem là hạnh phúc.
Năm 1237, vì không có con mà Chiêu Thánh bị phế truất khỏi ngôi vị hoàng hậu. Thuận Thiên công chúa đột ngột bị lập làm hoàng hậu thay cho em gái trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bấy giờ Chiêu Thánh đã một lần sảy thai, mà Thuận Thiên đã có thai được 3 tháng. Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu thấy vậy đã nảy sinh một kế hoạch. Họ bàn kín với Thái Tông là nên mạo nhận lấy đứa bé lấy để làm chỗ dựa về sau. Trần Thái Tông dù rất yêu thương anh trai, nhưng trước áp lực từ việc có người nối dõi cũng đành nghe theo, nên cơ sự kể trên mới nảy sinh. Tức giận vì bị em trai cướp vợ, Trần Liễu hội quân ra sông Cái làm loạn nhưng thua trận, thuộc hạ đều bị Trần Thủ Độ ra lệnh giết chết tất cả.
Phải đột ngột chia tay với người chồng đầu gối tay ấp, lấy người chồng mới lại chính là em trai chàng ấy, hẳn Thuận Thiên Hoàng hậu đã có rất nhiều trăn trở. Dù vậy, bà vẫn làm trọn đạo hiếu phụng sự gia tộc, thực hiện tròn nghĩa vụ của mình với quốc gia dân tộc. Cùng với người chồng mới, Thuận Thiên Hoàng hậu lần lượt sinh hạ ba người con trai là Trần Quốc Khang, Hoàng thái tử Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông sau này và cuối cùng là Trần Quang Khải. Người con cả vốn là con của Trần Liễu, nhưng nhờ Thuận Thiên Hoàng hậu đã xuất sắc làm tròn bổn phận nên vẫn được Trần Thái Tông đối xử rất tốt như con đẻ của mình.
Dù mọi việc được diễn ra chu toàn đối với quốc gia đại sự, nhưng đồng thời cũng tạo nên những tổn thương sâu sắc đối với người trong cuộc. Sau hai đứa con chung duy nhất với Thái Tông, Thuận Thiên Hoàng hậu cũng không sinh thêm người con nào khác nữa. Bà mất năm 1248, trước cả Trần Thái Tông và Trần Liễu.

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng cuộc sống của những những nàng công chúa vô cùng tuyệt vời. Được sinh ra trong cung điện nguy nga, lộng lẫy. Từ khi lọt lòng đã được mặc gấm vóc lụa là, ăn sơn hào hải vị. Được tiếp xúc sách vở, được theo học những môn cầm, kì, thi họa… điều mà nữ giới thời bấy giờ đa phần không được, và dù có được thì cũng chẳng thể nào bằng với điều kiện của hoàng tộc. Bởi vậy, ai cũng ao ước, khát khao mình có số mệnh được làm công chúa, làm cành vàng lá ngọc. Thế nhưng, người thường không bao giờ hiểu được đi kèm với những quyền lợi ấy là vô số trách nhiệm cũng như bao nỗi khổ sở chốn cung đình.
Hòa thân là một chính sách đã tồn tại từ thời cổ đại ở khắp mọi nền văn minh lớn trên thế giới. Để củng cố vương triều, những nàng công chúa cành vàng lá ngọc được chọn sẽ bị đưa đến các xứ xa xôi, liên hôn với những người mà mình còn chẳng có lấy một chút quen biết để thắt chặt tình hữu hảo giữa hoàng tộc và các thế lực bản địa, củng cố cho sự ổn định của vương triều. Từ khi ấn định hôn ước, bản thân mỗi nàng công chúa lúc này đều là một quân cờ trên bàn cờ chính trị, phó mặc cho sự may rủi của mối hôn sự của mình.
Trong số những nàng công chúa được gả đi theo nghi thức hòa thân, không thể không nhắc đến Huyền Trân công chúa. Cuộc hôn nhân của nàng với Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý đã giúp nước Việt lấy được hàng ngàn dặm đất mà không cần phải can qua việc binh, từ đó làm bàn đạp cho sự nghiệp chinh phạt mở mang bờ cõi về sau của nhà Trần cũng như các triều đại kế tục.
Tháng 6 năm 1306, cuộc hòa hôn được tiến hành. Một năm sau, Chế Mân đột ngột băng hà. Trần Anh Tông khi đó nghe rằng theo tục Champa, vương hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn táng cùng quốc vương thì lo rằng Huyền Trân sẽ bị hại. Dù rằng Huyền Trân không phải vương hậu, thế nhưng sự lo xa này của nhà vua cho thấy nhà vua cũng thực lòng yêu thương công chúa chứ không hẳn xem cô chỉ như là một con cờ chính trị. Đây có lẽ là chút tình cảm ấm áp giữa cuộc chiến đầy khốc liệt nơi chính trường này. Bởi sự lo xa ấy mà Trần Anh Tông đã cử Hành khiển Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách đưa công chúa trở về. Đoàn viếng của Trần Khắc Chung sau đó đã thành công đưa được công chúa xuống thuyền rồi bỏ trốn sang Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm, đem lại không ít điều tiếng cho danh dự của cả Huyền Trân lẫn Trần Khắc Chung.
Câu chuyện về Huyền Trân công chúa được truyền tụng trong dân gian, không chỉ vì lý do chính trị mà còn về khía cạnh văn hóa thơ, ca nhạc cũng như nghệ thuật sân khấu. Điều này khiến Huyền Trân công chúa trở thành một trong những nàng công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.

AN TƯ CÔNG CHÚA

Cùng với Huyền Trân, An Tư công chúa là một trong hai vị công chúa hòa thân nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân chính trị mang tính tối quan trọng, đủ sức thay đổi tiến trình lịch sử đất nước.
An Tư công chúa là con gái của Trần Thái Tông, em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Không ai biết nàng sinh ra khi nào, hay mẹ nàng là ai. Theo Đại Việt sử ký Toàn thư, An Tư công chúa còn được gọi là Thánh Tông Quý muội, hay Quốc muội như An Nam chí lược chép. Thời xưa, “quý” thường mang nghĩa người nhỏ nhất trong nhà, thế nên có thể nàng là đứa con út trong gia đình Thái Tông.
Phận những đứa con sinh ra sau cùng, trừ phi lập nên đại nghiệp, còn nếu không cũng chỉ lặng lẽ vô danh theo dòng chảy lịch sử. Bởi vậy cho nên, cuộc đời của An Tư công chúa chỉ được ghi nhận qua sự kiện bà thành hôn với tướng nhà Nguyên là Thoát Hoan.
Năm 1285, quân Mông-Nguyên xâm lược An Nam lần thứ hai. Như đã được ghi lại trong các bộ chính sử, chiến sự buổi đầu diễn ra vô cùng bất lợi. Thế giặc hung mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn đã đánh bại các đạo quân trấn thủ biên giới của ta, ép quân chủ lực nhà Trần phải lui về Vạn Kiếp. Khi giặc đánh tới Gia Lâm và Vũ Ninh, vây hãm thành Thăng Long, quan quân cố cầm cự nhưng sau cùng đều bị vỡ trận. Thứ nhà Trần cần nhất lúc này là thời gian để củng cố lại lực lượng phòng thủ, di tản đầu não kháng chiến và tái tổ chức chiến đấu. Ban đầu, Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của Nguyên, nhưng không có kết quả. Bởi vậy, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến mỹ nhân kế, tức sai người dâng em gái của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa. Vì gia tộc, vì bách tính, công chúa An Tư tuy còn rất trẻ đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa trong cung đình, hy sinh thân gái để gánh vác vận mệnh của giang sơn. An Tư đã vào trận chiến chỉ có một mình, không một tấc sắt trong tay. Bà hiểu rõ đất nước đang lâm nguy, bản thân không có sự lựa chọn nào khác, công chúa chấp nhận gian khổ, tủi nhục khi theo lời anh trai phó tính mạng mình vào trong tay kẻ thù để đổi lấy sự bình yên cho đất nước.
Số phận của An Tư công chúa đến tận ngày nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Sau khi dâng công chúa cho Thoát Hoan, Thánh Tông Thái Thượng hoàng và Nhân Tông Hoàng đế lợi dụng lúc kẻ địch còn đang chủ quan đã theo thuyền nhỏ di tản tới vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương. Sau đó, đầu não quân đội nhà Trần đều thành công di tản vào Thanh Hóa, tạo tiền đề cho chiến thắng 
Lịch sử quả thật đã đối xử một cách bất công với An Tư công chúa. Khác với Huyền Trân, cuộc đời của nàng dù đầy sự hi sinh nhưng lại chỉ được lưu lại thành vài dòng trong sử sách. Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân. Hậu thế sau này cũng chẳng mấy ai là biết tới nàng. Họ có thể biết về Huyền Trân công chúa và cuộc hôn nhân đổi lấy hai châu Ô, Lý, nhưng khi được hỏi về người con gái đã góp phần vào chiến thắng của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần hai, thì đại đa số câu trả lời sẽ là không.

KHÂM TỪ BẢO THÁNH HOÀNG HẬU

Dù không trực tiếp dấn thân nơi sa trường, hay đứng nơi màn trước mưu đồ đại nghiệp, lịch sử dân tộc ta cũng không hề thiếu đi hình ảnh những người phụ nữ hiên ngang, dũng cảm ngay trong cuộc sống thời bình. Trong số những người như vậy, nổi bật hơn cả là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu.
Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu là vợ của Trần Nhân Tông, mẹ ruột của Trần Anh Tông. Bà được biết đến với tư cách là một hoàng hậu dũng cảm với sự tích che chắn voi, hổ cho phu quân của mình.
Đại Việt Sử ký Toàn thư còn chép rất rõ về xuất thân vô cùng hiển hách của Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu. Bà là con gái trưởng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với Thiên Thành Trưởng công chúa. Bà gọi Khâm Minh đại vương Trần Liễu là ông nội, lại gọi Thái Tổ hoàng đế Trần Thừa là cụ tổ. Xuất thân danh giá hoàng tộc nhà Trần, sinh ra đã có một nền tảng trên hàng vạn người như vậy, số phận dường như sắp đặt sẵn bà sẽ là mẫu nghi thiên hạ.
Năm 1274, hôn sự giữa Bảo Thánh Công chúa và Hoàng thái tử Trần Khâm diễn ra. Năm 1278, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Trần Khâm tức Trần Nhân Tông. Khi ấy, Công chúa Quyên Thanh được phong làm Hoàng hậu Bảo Thánh. Trong vai trò Hoàng hậu, bà được mọi người ca ngợi là nhu mì đức tốt, thông minh sáng suốt, nhân hậu với kẻ dưới. Hoàng đế Trần Nhân Tông rất sủng ái bà, lập con trai cả của hai người là Trần Thuyên làm Hoàng thái tử, tức Trần Anh Tông sau này.
Việc chắn voi, che hổ cho chồng của bà cũng lắm sự li kì.
Sử sách chép rằng Trần Nhân Tông cho làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, thường sai quân sĩ đánh nhau với hổ còn mình ngự trên lầu để xem. Mỗi lần như thế, vua đều dẫn hoàng hậu và phi tần đến xem cùng. Lầu thấp, song chuồng hổ và thềm cũng thấp, nên có lần nọ con hổ bỗng nhiên thoát được khỏi chuồng, trèo lên lầu. Người trên lầu đều sợ hãi tháo chạy. Chỉ có vua và hoàng hậu cùng vài thị nữ không kịp phản ứng là còn ở đó. Trong giờ phút nguy hiểm, hoàng hậu nghĩ rằng cứ thế này thì mình chắc chắn không khỏi bị hại, mới lấy chiếc chiếu che cho chồng. May thay, hổ lên lầu gầm rống rồi nhảy xuống, không vồ hại ai cả.
Một lần khác, Trần Nhân Tông lại tới điện Thiên An xem đấu voi ở Long Trì. Lần này, con voi lại bỗng nhiên xổng thoát, xông tới, định lao lên điện. Tả hữu lần này cũng như lần trước, đều sợ hãi tan chạy cả, chỉ có Bảo Thánh Hoàng hậu là vẫn đứng đó chắn đỡ cho chồng.
Có thể nói, Bảo Thánh Hoàng hậu tuy là phận nữ nhân nhưng vẫn mang trong mình dòng máu con nhà võ tướng, dũng cảm và rất kiên trinh. Thời phong kiến, tôn chỉ của đạo đức là “trung quân ái quốc”, bởi sự tồn tại của vua cũng đồng nghĩa với sự tồn tại của quốc gia. Thời phong kiến, một tôn chỉ khác dành riêng cho phụ nữ là “xuất giá tòng phu”, bởi người chồng là trụ cột của gia đình. Với hành động chắn hổ, che voi cho hoàng đế, Bảo Thánh Hoàng hậu đã tỏ rõ sự toàn vẹn của một người phụ nữ theo khuôn mẫu thời đại. Chẳng nề hà nguy hiểm trước mặt, bà vẫn vững vàng sát cánh bên cạnh chồng. Bàn về cuộc đời của Bảo Thánh Hoàng hậu, sử gia Ngô Sĩ Liên, một người vốn có cái nhìn khắt khe về đạo đức lễ giáo cũng đã phải hết lời ca ngợi cho sự dũng cảm của bà:
"Hổ hay vồ, voi hay quật, há chẳng đáng khiếp sợ sao. Thế mà Thái hậu đương lúc chúng lồng lộn xông xáo, tâm thần không dao động, bình tĩnh đối phó vì bà suy nghĩ chín chắn, lý lẽ đã sáng tỏ vậy. Kể người đàn bà dáng điệu mềm yếu mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư ngày xưa đứng chắn gấu [cho vua], có lẽ cũng không thẹn gì. Kẻ sĩ đại phu, há chẳng nghĩ làm thế nào đạt đến mức suy nghĩ chín chắn, lý lẽ sáng tỏ, để đối phó với mọi chuyển biến của sự cơ hay sao?"

BẢO TỪ THUẬN THÁNH THÁI THƯỢNG HOÀNG HẬU

Không cần phải là một chiến binh dũng cảm, cũng chẳng cần phải là một chiến lược gia để có thể được lưu danh sử sách như một người phụ nữ vĩ đại. Chỉ cần làm tròn trách nhiệm của một người con gái, một người vợ, người mẹ, một người bà cũng đã là quá đủ để Bảo Từ Thuận Thánh Thái thượng Hoàng hậu lưu lại tiếng thơm muôn đời trong sử sách.
Bảo Từ Thuận Thánh Thái Thượng Hoàng hậu là con gái thứ của Thái úy Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, mẹ bà là Bảo Ân Quốc mẫu. Bà gọi Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng ông nội, gọi Khâm Minh Đại vương Trần Liễu là cụ nội, xuất thân từ Hoàng tộc nhà Trần. Cả bà và chị gái đều được gả cho Hoàng thái tử Trần Thuyên.
Năm 1293, Hoàng đế Trần Anh Tông kế vị, lập người chị gái của bà là Hoàng thái tử phi Trần thị làm Văn Đức phu nhân, nhưng được ít lâu lại phế đi. Nhân đó, bà được sắc phong làm Thánh Tư phu nhân, thay thế cho người chị. Bà luôn tỏ rõ bản tính tình nhân từ, thương yêu mọi người nên được Trần Anh Tông vô cùng yêu mến. Năm 1309, bà được sắc phong làm Thuận Thánh Hoàng hậu.
Trần Anh Tông, từ bức "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ"
Trần Anh Tông, từ bức "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ"
Ngay cả khi chạm tới bảo tọa cao nhất chốn hậu cung, Thuận Thánh Hoàng hậu vẫn tiếp tục chứng tỏ cho mọi người thấy rằng mình hành xử như vậy là do nhân cách từ sâu bên trong bà chứ không phải chỉ là một lớp vỏ đạo mạo bên ngoài như nhiều kẻ khác.
Với những cung tần chốn hậu cung, bà đối xử vô cùng hậu với họ. Theo ghi chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, có một dạo nọ, Huy Tư quý phi đi theo hầu Anh Tông, chiếu theo luật thì chưa được đi kiệu. Thuận Thánh Hoàng hậu thấy vậy thì liền lấy kiệu của mình cho Huy Tư. Trần Anh Tông vốn là một người rất nghiêm khắc, đề cao tôn ti trật tự nên phải buông lời nhắc nhở rằng:
"Có yêu quý Huy Tư thì cho cái khác, chứ kiệu ngồi theo điển chế cũ, không thể cho được"
Hay như một trường hợp khác là nữ quan Vương thị, mẹ sinh Huệ Chân Công chúa, được Trần Anh Tông yêu quý mà có thai, Thuận Thánh Hoàng hậu biết chuyện cũng cho lấy phòng ngủ của mình làm nơi sinh đẻ. Tiếc rằng Vương thị bị bệnh hậu sản mà qua đời. Có cung nhân tâu riêng với Trần Anh Tông Vương thị là do bà hại chết, nhà vua vốn biết tính bà, nổi giận lấy roi đánh người cung nhân ấy, bà cũng bỏ qua không để lòng.
Ngoài đối xử tốt với những người thiếp khác của Trần Anh Tông, bà còn rất yêu thương các con của chồng. Tuy chúng đều không phải là do bà sinh ra, thế nhưng bà lại còn yêu thương chúng có phần hơn cả con đẻ. Huệ Chân công chúa là con thứ phi sinh, Anh Tông yêu quý, bà cũng yêu quý. Lúc đó, Thiên Chân công chúa là đứa con ruột duy nhất của bà, nhưng có thứ gì thì bà vẫn cho Huệ Chân trước rồi mới cho Thiên Chân sau. Khi Trần Anh Tông băng hà rồi, bà càng chăm nom Huệ Chân hơn trước.
Dù đối xử rất hậu với mọi người, thế nhưng Thuận Thánh Hoàng hậu cũng không vì tình riêng và dung túng cho người thân. Khi mẹ bà là Bảo Ân Quốc mẫu nhờ Trần Minh Tông xin cho cháu gái ruột của bà là Nguyên Huy được làm cung phi thì bà lập tức từ chối. Ấy không lấy ơn riêng mà cho lạm quyền như thế, người đương thời khen là đứng đầu mẫu đức.
Năm 1314, Trần Anh Tông nhường ngôi cho Trần Minh Tông, Thuận Thánh Hoàng hậu được tôn làm Bảo Từ Thuận Thánh Thái thượng Hoàng hậu. Bà là người đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam với danh xưng Thái hoàng Thái hậu này.
Năm 1320, sau khi Trần Anh Tông băng hà, Thuận Thánh Thái hậu theo rước linh cữu  ngài về Yên Sinh, chuyên tâm ăn chay niệm Phật cầu nguyện cho tiên đế. Tương truyền, mỗi ngày bà ăn một bữa chay, một bữa cháo, các việc khổ hạnh không việc gì là không làm, chỉ có không chịu thụ giới với nhà sư, nói rằng: 
"Từ khi tiên đế đi, ta không thể trông thấy mặt nhà sư, nói chuyện với nhà sư được, chỉ ăn chay ăn cháo khổ hạnh để báo đáp đức lớn như trời của tiên đế mà thôi, cần gì đến y bát?"
Năm 1322, bà tiếp tục được Trần Minh Tông truy tôn làm Bảo Từ Thuận Thánh Thái hậu. Dù vậy, khi này có lẽ bà đã chẳng còn vướng bận chuyện nhân thế nữa rồi.
Năm 1330, sau hơn 10 năm tịnh độ, Bảo Từ Thuận Thánh Thái hậu nhắm mắt xuôi tay trong thanh thản. 2 năm sau, bà được chôn ở Thái lăng, hợp táng cùng với chồng bà. Cuộc đời của bà có lẽ là một trong số những trường hợp hiếm hoi trải qua một cách lặng lẽ và yên bình giữa chốn cung đấu tàn khốc của thời phong kiến.

HIỂN TỪ TUYÊN THÁNH THÁI THƯỢNG HOÀNG HẬU

Thời Trần có lệ nhường ngôi sớm, nên hầu hết các Hoàng hậu đều lên Thái hậu. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường hợp là được thăng lên một danh hiệu khác là Thái thượng Hoàng hậu. Chúng ta đã biết đến Bảo Từ Thuận Thánh Thái thượng Hoàng hậu, người có một cái kết vô cùng viên mãn. Với nhân vật còn lại, tuy cũng mang danh hiệu Thái thượng Hoàng hậu giống như mẹ chồng mình, thế nhưng cuộc đời của Hiến Từ Tuyên Thánh Thái thượng Hoàng hậu lại bi kịch hơn rất nhiều.
Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu mang họ Trần, húy là Oanh, có xuất thân cao quý. Bà là con gái của Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn, được phong là Huy Thánh công chúa. Huệ Vũ vương là con trai thứ của Trần Nhân Tông, nên về vai vế thì bà phải gọi Trần Nhân Tông là ông nội, Trần Anh Tông là bác và Trần Minh Tông là anh họ. Bà cùng Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu là các Hoàng hậu có thân thế hiển hách bậc nhất trong các Hoàng hậu nhà Trần khi có họ hàng gần huyết thống với dòng chính thống hoàng đế nhất.
Cuộc đời bà đã từng hai lần lên xe hoa. Lần thứ nhất là vào năm 1309, bà được gả cho Uy Túc công Trần Văn Bích ngay sau cái chết của vợ ông là Thiên Trân Công chúa. Vì suy cho cùng chỉ là một sự thay thế nên cuộc hôn nhân này diễn ra không mấy suôn sẻ. Một thời gian sau thì cả hai đều đường ai nấy đi. Không rõ là do hai người chủ động ly hôn, hay do một sự sắp đặt phục vụ mưu đồ nào khác. Đến năm 1323, bà tái giá với Trần Minh Tông, được phong làm Lệ Thánh Hoàng hậu.
Những tưởng việc này sẽ là một sự bù đắp xứng đáng cho bà sau cuộc hôn nhân đổ vỡ đầu tiên, thế nhưng một khi đã ngồi lên bảo tọa mẫu nghi thiên hạ thì những mâu thuẫn nơi triều đình, những tranh đấu chốn hậu cung đã khiến cuộc sống của Lệ Thánh Hoàng hậu chẳng hề dễ dàng chút nào.
Bi kịch chốn hoàng cung khởi đầu với bà bằng cái chết của Huệ Vũ vương. Năm 1328, xảy ra vụ án cha bà là Huệ Vũ vương Quốc Chẩn bị kết tội mưu phản, bị buộc tự sát.  Đương khi đó, ngôi Thái tử đang được để trống. Suốt 5 năm kết hôn với Trần Minh Tông, dù Lệ Thánh Hoàng hậu cũng thể hiện bản thân mình là một bậc mẫu nghi thiên hạ hiền lương, thục đức, nhưng bà vẫn còn thiếu một thứ quan trọng: một đứa con nối dõi tông đường. Theo truyền thống các Hoàng đế nhà Trần đều phải là đứa con trưởng sinh ra bởi hoàng hậu, nhưng vì quá sốt ruột mà Trần Minh Tông đã nảy sinh ý định lập con của Anh Tư Phu nhân đang đắc sủng là Hoàng tử Trần Vượng làm Thái tử.
Ý định này của nhà vua bị phản đối quyết liệt bởi Huệ Vũ vương Quốc Chẩn, người vô cùng quyền lực và có tiếng nói trong triều đình nhà Trần thời điểm đó. Tuy ngoài mặt Minh Tông cũng tỏ ra từ bỏ ý định, nhưng trong lòng đã sớm đã ghét cha vợ vì hành động này.
Thuận nước đẩy thuyền, Anh Tư Nguyên phi liền bàn bạc kế sách với Cương Đông Văn Hiến hầu nhằm hạ bệ Lệ Thánh Hoàng hậu. Bà ta đút lót cho gia thần của Huệ Vũ vương để vu cáo cho Huệ Vũ có âm mưu làm phản. Vốn có hiềm khích từ trước, Trần Minh Tông liền ra lệnh bắt giam Huệ Vũ vương vào chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung là người Giáp Sơn, cùng quê với Anh Tư Phu nhân nên sớm có ý thông đồng, xúi giục Minh Tông bức tử Huệ Vũ vương.
Trong thời gian bị giam giữ, Huệ Vũ vương không được cho ăn uống gì. Lệ Thánh Hoàng hậu lúc đó khi vào thăm cha đã nghĩ ra cách lấy áo nhúng nước mặc vào người rồi vắt ra cho cha uống. Trong khi đó, Anh Tư Phu nhân muốn cho Huệ Vũ vương chết sớm để con mình được lập làm Thái tử nên sai người đưa nước tẩm độc cho Huệ Vũ vương. Cứ thế, Lệ Thánh Hoàng hậu chỉ biết bất lực chứng kiến cảnh cha mình bị người ta bức tử. Chính vì sự việc đau lòng này mà Lệ Thánh Hoàng hậu mãi ôm trong mình một nỗi u uất. Cũng trong năm đó, không còn ai dám phản đối, Trần Minh Tông chính thức lập Hoàng tử Trần Vượng làm Thái tử, tức Trần Hiến Tông sau này.
Năm 1329, Trần Hiến Tông lên ngôi, suy tôn Lệ Thánh Hoàng hậu làm Lệ Thánh Thái thượng Hoàng hậu. Đến năm 1341 thì Trần Hiến Tông qua đời, không có con cái. Lúc này, Lệ Thánh Thái thượng Hoàng hậu đã sinh ra Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, Thiên Ninh Công chúa Ngọc Tha và Hoàng tử Trần Hạo. Cả 3 người con của bà về sau đều có ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh nhà Trần.
Theo vai vế, Cung Túc vương Nguyên Dục dĩ nhiên sẽ trở thành người kế vị, nhưng Minh Tông không vừa ý nên đã chọn con út thay thế, tức Trần Dụ Tông. Ngay trong tháng 8 năm 1341, Thái tử Trần Hạo đăng cơ, tức Trần Dụ Tông. Lệ Thánh Thái thượng Hoàng hậu được tôn làm Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu.
Trong thời gian tại vị, Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu đã có nhiều đóng góp trong mảng chính sự. Dù rằng Trần Dụ Tông đã tự mình cai trị và không có ghi chép nào cho thấy nhà Trần có thông lệ cho Thái hậu can dự chính sự, thế nhưng Hiến Từ Hoàng Thái thượng Hoàng hậu vẫn có sức ảnh hưởng khá lớn trong triều. Bà đã rất cố gắng kiềm chế bản tính xa hoa, bộc trực của con trai mình. Một lần nọ có kẻ xàm tấu với Trần Dụ Tông rằng Thái úy Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác đã yểm bùa hại vua. Vốn nóng nảy, nhà vua suýt chút nữa là sát hại Nguyên Trác, nhưng may là Thái hậu kịp thời đã can ngăn. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục có lời nhận xét:
“Bà Huệ Từ có tính nhân từ. Cung Tĩnh vương Nguyên Trác là con vợ thứ. Có kẻ thêu dệt cho rằng Nguyên Trác yểm bùa và nguyền rủa Dụ Tông. Nguyên Trác suýt bị hãm hại. Nhờ có bà cố sức cứu giúp, nên mới được khỏi tội. Đương thời khen bà là người hiền đức.”
Năm 1357, Trần Minh Tông băng hà vì bạo bệnh. Trước đó, Thái thượng hoàng bị ong độc đốt, nên mới sinh ra bệnh. Để cầu cho chồng khỏi bệnh, Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu đã thực hiện rất nhiều lễ phóng sinh đến mức Trần Minh Tông phải can ngăn bà lại. Trước khi Thái thượng hoàng mất, bà cũng định xuất gia để tụng kinh niệm Phật tích công đức cho chồng dưới suối vàng. Thế nhưng nhìn ra được sự nhân hậu của bà sẽ giúp đỡ được cho việc trị vì của con cháu rất nhiều, Thái thượng hoàng đã hết lời khuyên bà từ bỏ ý định này.
Năm 1364, Trần Nguyên Dục cũng mất. Bản thân Nguyên Dục dù đã bị phụ hoàng tước đi quyền kế vị chỉ vì không hợp tính, nhưng cũng là một người biết an phận, bằng lòng với tước vị Cung Túc Vương đến hết cuộc đời. Điều này càng khiến Thái Hậu Hiến Từ thương yêu Nguyên Dục hơn. Nguyên Dục mất khi mới ngoài 30 tuổi để lại một đứa con nuôi là Nhật Lễ nên Hiến Từ đã chuyển hết tình thương yêu sang cho Nhật Lễ.
Năm 1369, Trần Dụ Tông băng hà vì bạo bệnh, không có con nối dõi. Một lần nữa Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu phải bất lực chứng kiến cảnh một người thân thích ruột thịt lìa xa cõi trần. Vì không có con nên nhà vua đã xuống chiếu đón con nuôi của anh trai về kế vị. Thời điểm lúc bấy giờ, Nhật Lễ vẫn bị kì thị vì chỉ là con của kép hát, lại không mang huyết thống họ Trần. Trong triều, nhiều quý tộc không muốn làm theo di chiếu, dự định lập người anh khác mẹ của Dụ Tông là Cung Định vương Trần Phủ lên thay. Nội bộ triều đình nhà Trần bắt đầu xuất hiện rạn nứt.
Dĩ nhiên, tình cảnh ấy luôn đòi hỏi một người có khả năng hàn gắn các bên. Và người đó không thể là ai khác ngoài người có tiếng nói cao nhất trong hoàng tộc nói riêng và triều đình nói chung: Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu. Bà đã đứng ra chủ trì đại cuộc và với tình thương của mình dành cho con cháu, bà quyết định làm theo di chiếu, đưa Nhật Lễ lên ngôi. Nhật Lễ với danh nghĩa được truyền ngôi cử hành đại lễ đăng cơ, tôn Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu làm Hiến Từ Tuyên Thánh Thái thượng Hoàng hậu.
Đáng tiếc thay, đó lại là sai lầm lớn nhất cuộc đời Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu. Dù rằng việc đưa Nhật Lễ lên ngôi tuy rằng xuất phát từ tình thương, nhưng lại là hành động thiếu tính toán vì đại cục của bà. Sai lầm này đã dẫn đến một quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đủ để làm suy yếu vĩnh viễn triều đại nhà Trần, dẫn đến kết cục mất nước về sau. Ngày 14 tháng 12 cùng năm, Hiến Từ Tuyên Thánh Thái thượng Hoàng hậu bị Nhật Lễ ra tay sát hại, ngay sau khi bà tỏ ra hối tiếc việc lập hắn lên ngôi khi trước. Sau khi bà qua đời ít lâu, nhà Trần chính thức đi vào con đường suy vong, nhường lại những trang sử Việt tiếp theo cho nhà Hồ và nhà Hậu Lê.
Nhìn lại cuộc đời của bà, ta có thể thấy rằng Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hậu là một ví dụ tiêu biểu cho hình mẫu người phụ nữ Việt giàu đức hi sinh, biết chịu thương chịu khó, hết lòng vì sự êm ấm của gia đình. Bà nổi tiếng về sự nhân ái và cách xử thế, thương yêu các con của Trần Minh Tông như con ruột, không phân biệt đối xử dù là con của vợ thứ hay cung phi sinh ra, và còn thân thiện với các cung tần trong cung, cũng như hay phát chẩn từ thiện. Nhiều lần bà bị vu oan hay hiềm khích, nhưng bà đều bỏ qua, không lợi dụng uy tín mình để truy cứu hay trả thù. Quả đúng như sử gia Ngô Sĩ Liên có lời cảm thán:
“Người xưa có nói có “Nữ trung Nghiêu Thuấn”, nay Thái hậu đáng được liệt vào hàng ấy.”

KẾT LUẬN

Tựu trung, có thể nói rằng trong dòng chảy lịch sử đầy vẻ vang và tự hào của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn đóng một vai trò trọng yếu. Ở thời đại nào, cũng có những người phụ nữ tài trí, bản lĩnh, kiên cường, luôn nêu cao tinh thần và phát huy truyền thống “anh hùng, bất khất, trung hậu, đảm đang”. Tìm hiểu những câu chuyện về họ cũng là cách chúng ta cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam và cùng nhau tiếp nối, phát huy truyền thống quý báu đó.
Dĩ nhiên vẫn còn nhiều người phụ nữ nổi tiếng nữa trong lịch sử, nhưng bài viết tới đây đã dài, có lẽ xin hẹn các bạn để ở một bài tiếp theo vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, Đại Việt Sử ký Toàn thư
2, Đại Việt Sử lược
3, Đại Việt Sử ký Tiền biên
4, Khâm định việt sử thông giám cương mục
5, Đại Việt Thông sử
Viết bài: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark