Ừ thì nhân dịp một ngày thứ Hai mà deadline chưa dí và sếp đang lo sửa báo giá thay vì sửa bài của mình, thì mình rảnh rỗi và muốn hí hoáy một tí về vấn đề mà (mình cho là) một bộ phận lớn thành viên cái động bàn tơ này có quan tâm.
Nhân thể một bài viết của một bạn trẻ nọ vào tháng trước, bình luận về hiện tượng ông "Thích Minh Tuệ" và ghi trong tiêu đề là "dưới góc nhìn triết học", nhưng khi mình và (rất có thể) vài bạn nữa vào đọc thì chẳng thấy tác giả đứng dưới góc nhìn triết học ở chỗ nào, làm mình nảy sinh hoài nghi phải chăng nhiều bạn trẻ chưa thật sự hiểu thế nào là "triết học". Thế nên trong phạm vi bài viết khá ngắn này, mình muốn giúp những ai còn hoang mang, mơ hồ về khái niệm này biết cách để nhìn mọi thứ trong cuộc sống dưới góc nhìn triết học.
Mình sẽ không sa đà vào việc đi tìm định nghĩa chính xác của khái niệm triết học, vì việc đó tốn rất nhiều thời gian, dễ làm nảy sinh mâu thuẫn, và nhiều khi chẳng có giá trị thực tiễn trong mục tiêu của bài viết này. Thế nên tốt nhất là đi thẳng vào nghĩa gốc của từ "triết học" trong tiếng Anh, là "philosophy", thì đây là kết quả mà ChatGPT trả về:
The word "philosophy" comes from the Greek word "philosophia" (φιλοσοφία), which means "love of wisdom." This term is a compound of two Greek words: "philo" (φίλο), meaning "loving" or "fond of," and "sophia" (σοφία), meaning "wisdom" or "knowledge."
Đại khái thì như bạn có thể thấy, nghĩa gốc của "triết học" là "niềm yêu mến sự thông thái". Tức là nếu bạn muốn dấn thân vào triết học, bạn phải có một tinh thần tìm kiếm sự thông thái đơn thuần vì yêu thích, tức là biết, hiểu và trăn trở về một vấn đề không ngoài mục đích gì khác hơn là để... tiếp tục biết, hiểu và trăn trở về nó hoặc các vấn đề khác xuất phát từ nó. Triết học là nhằm thỏa mãn cái nhu cầu được tìm hiểu, được suy luận, được "ố, à" với chính những thứ mình tìm hiểu và suy luận được, chứ không nhằm mục đích giải quyết bất cứ nhu cầu nào khác.
Ngay cả việc những triết gia đem suy luận của mình ra để trao đổi, bàn bạc, thậm chí là đánh giá và chỉ trích lẫn nhau, thì cũng là để phục vụ cho việc mở rộng những vấn đề triết học của chính mình và từ đó có thể chìm đắm sâu hơn vào chúng, nếu như họ thực sự là các triết gia chân chính.
Thế nên trong phần cuối của cái bài viết mà mình nhắc đến trên kia, tác giả sau khi trình bày một loạt những luận điểm mang tính... xã hội học, luật pháp và các thể chế tôn giáo, thì kết luận là không có câu trả lời "thỏa đáng" cho hiện tượng ông "Thích Minh Tuệ". Nếu thực sự là một người theo đuổi triết học, tác giả phải nhận ra rằng triết học chưa bao giờ là để đi tìm sự thỏa đáng, mà chính xác hơn triết học sẽ đặt ra câu hỏi "thế nào là thỏa đáng"?
Triết học khác với những môn khoa học (cả tự nhiên và xã hội), vì dù được xưng tụng là "khoa học của mọi khoa học", là xuất phát điểm của khoa học, thì triết học khác với những đứa con của mình về bản chất, đó là bản thân nó không phải là công cụ giải quyết các vấn đề thực tế. Mẹ tôi đẻ ra tôi, nhưng mẹ tôi không thể là tôi, trừ khi tôi là nhân vật chính của phim "Predestination".
Dông dài thế đủ rồi, giờ mình sẽ đưa ra một vài góc nhìn mang tính "triết học" về những vấn đề thường ngày. Nếu bạn cũng có đôi lần suy nghĩ về chúng theo hướng mình trình bày, thì nó chính là triết học đấy.
Về luân lý, thủ dâm có sai trái hay không?
Dưới góc nhìn đạo đức xã hội và nhất là liên quan đến tôn giáo, thì hẳn là nhiều người sẽ nhăn mặt và cho là "Có, thủ dâm là sai trái!" Nhưng dưới góc nhìn triết học thì chưa chắc. Về cơ bản, ham muốn tình dục cũng chỉ đơn thuần là một nhu cầu sinh lý của cơ thể, giống với nhu cầu ăn và nhu cầu ngủ. Giờ nếu mình bảo bạn có thể thỏa mãn cơn đói bằng cách xoa bụng hoặc thỏa mãn cơn buồn ngủ bằng cách dụi mắt, thì bạn có cho là nó sai về mặt luân lý không? Thử suy nghĩ về điều đó nhé.
Tại sao chúng ta lại ghê tởm nước tiểu nhưng chỉ hơi khó chịu với mồ hôi?
Xét về bản chất, cả nước tiểu và mồ hôi đều là chất thải dạng lỏng sinh ra trong quá trình bài tiết, một bên thì ra ngoài qua đường bàng quang và niệu đạo, một bên thì ra ngoài qua tuyến mồ hôi và các lỗ chân lông. Ừ thì mùi của chúng có hơi khác nhau một tẹo, dù mồ hôi thì cũng chẳng thơm tho gì cho lắm (cái tên đã nói lên rồi), nhưng nếu bạn lên một chuyến xe bus với một tấm áo ướt mồ hôi thì cùng lắm hành khách cũng chỉ nhăn mặt, đổi lại mà là một chiếc quần ướt đẫm nước tiểu thì bạn sẽ có khả năng rất cao bị mời xuống xe. Không chỉ người ngoài, nếu bạn tiểu trong quần thì bạn cũng sẽ tự ghê tởm chính mình và tìm cách tắm giặt ngay chứ chẳng đời nào lại bước lên xe bus cả. Tại sao vậy?
Nếu những người đốt vàng mã thực sự tin rằng thứ họ đốt có một điểm đến cụ thể và người thân đã khuất của họ có thể nhận, chẳng phải họ nên mua vàng mã tích lũy cho chính mình càng nhiều càng tốt ngay từ bây giờ để mai này con cháu đốt dần hay sao?
Hằng hà sa số các tranh luận, bàn cãi về việc có hay không sự tồn tại sau cái chết, và việc mường tượng ra về cái thế giới bên kia ắt hẳn đã xoa dịu tâm trí của không ít con người trước nỗi sợ hãi về cái chết của chính mình. Thế nhưng câu hỏi trên đã cho thấy rằng cái niềm tin vào thế giới bên kia đó, dù đã ăn rễ sâu vào trong văn hóa, tín ngưỡng của dân gian hàng bao nhiêu trăm năm nay, thì cũng có thể trở nên mong manh và lỏng lẻo đến thế nào. Việc tuyên truyền để người dân không đốt vàng mã nữa cũng vô dụng như việc tuyên truyền không hút thuốc với người nghiện thuốc lá, nhưng thay vì vậy các hãng sản xuất vàng mã sao không thử quảng cáo sản phẩm theo concept của cái câu hỏi trên kia đi? Nhiều khi chính những ông bà đang đốt hăng nhất lại quay ra chửi cho ấy chứ.
Hôm nay đến đây thôi, cám ơn vì đã đọc. Chúc các bạn có một tuần lễ vui vẻ và minh triết.