Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:



Đó một ngày đẹp trời, các triết gia tự cổ chí kim quy tụ lại một quán cà phê nhỏ, có thể là ở Tranquil chẳng hạn. Mọi chuyện đều diễn ra thật yên bình, cho đến khi một xung đột nhỏ khiến cho tất cả bắt đầu giận dữ với nhau.

Trong cơn thịnh nộ lan tràn ấy, tôi, một thằng nhóc 21 tuổi, tung cú đấm đầu tiên về phía Socrates. Mình thích thì mình đấm thôi, hy vọng mọi người sẽ thích nó.

Socrates rít lên: “Ngươi có thể gọi đó là một cú đấm á? Một cú đấm không được đánh giá là một cú đấm không đáng đấm. Ngươi đấm quá ...”

Socrates không kịp tung cú đấm nào. Tiếng của ông chìm vào sự hỗn loạn lúc tất cả bắt đầu lao vào đấm đá túi bụi.

Tôi nghe tiếng Plato gào lên ở đâu đó “Một xã hội tốt là một xã hội mà người đấm giỏi sẽ trở thành một võ sĩ đấm bốc.”

Aristotle ủng hộ: “Hãy cho chúng biết ý niệm của cú đấm không đến từ cõi vĩnh hằng, mà đến từ chính bàn tay của thầy. Nếu chưa từng được nếm cú đấm, chúng sẽ không biết cú đấm của thầy ra sao.”

Dĩ nhiên, Plato tin vào điều ngược lại. Ông quay lại và đấm Aristotle một cái.

Jesus Christ đứng giữa đám đông hỗn độn và nói rằng: “Nếu người ta đã đấm các người vào má phải, các ngươi hãy để người ta đấm các ngươi vào má trái nữa”. Sau đó, ngài phải ăn một tá đấm dù ở trong vòng bảo vệ của các triết gia thời kì Trung Cổ.

Augustine chật vật kéo Plato và Jesus lại với nhau. Trong lúc loay hoay làm điều đó với bộ quần áo thùng thình, đầu óc ông dường như để ở chỗ khác: “Chúa đã lựa chọn những ai bị đấm, và lựa chọn những ai không. Ngài đứng ở trên cao, ngắm nhìn và phán xét từng người một.”

Một triết gia Trung Cổ khác, Thomas Aquinas, trong trận hỗn chiến lại cố gắng giành lấy Jesus từ Augustine về phe Aristotle. Kì diệu là hai quý ông này không đấm nhau.

Những triết gia đến từ thời kì Phục Hưng dè bỉu thời kì Trung Cổ như một đống u mê và hỗn độn. Họ nhất loạt cho rằng những triết gia Hy Lạp cổ đại không nên đứng ở phía Jesus hay bị Kito hóa. Socrates, Plato và Aristotle lại trở thành tâm điểm của trận chiến.

Khoa học và nhà thờ.

Giordano Bruno tin rằng vũ trụ là vô tận. Ông cũng xui xẻo ăn vô số quả đấm từ phe Jesus, và theo như lịch sử thì ông đã bị đấm cháy xém tại chợ hoa ở Rome năm 1600.

Copernicus nói rằng, trái đất quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo tròn, và mặt trời là trung tâm của vũ trụ. Ông ngay lập tức ăn đòn phe Jesus, tất nhiên là các học giả hiện đại cũng dành tặng cho ông kha khá đấm. Gallileo dù cùng phe cũng cho ông một cú.

Lại nói về Gallileo, hắn là một tên thông minh. Hắn phát hiện ra, thậm chí Aristotle cũng nên bị ăn đòn. Aristotle từng cho rằng, một cú đấm nặng sẽ rơi nhanh hơn một cú đấm nhẹ. Gào lên thí nghiệm ở trên đỉnh tháp nghiêng Pisa, hắn thoi một quả thần sầu vào Aristotle.

Phe nhà thờ sững sờ trước cú đó. Aristotle cũng không đấm trả và nhận sai. Tinh thần của phe khoa học Phục Hưng bỗng dưng lấn át.

Phe nhà thờ bắt đầu bị chia rẽ. Martin Luther tuyên bố rằng không cần bè phái hay nhà thờ. “Chỉ cần Chúa thôi, trận chiến này hoàn toàn vô nghĩa, và lũ sa ngã các ngươi đều sẽ xuống địa ngục”.

Nhưng, đó cũng là lúc phe Phục Hưng chịu sự tan rã. Những học giả thời kì Baroque bắt đầu làm chủ trận chiến, dù mọi thứ vẫn hỗn loạn như trước

Descartes nói: “Bị đau bởi những cú đấm chỉ là ảo giác thôi các ngài. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận chúng thông qua sự phản chiếu từ các giác quan, và cả trận chiến này có thể chỉ là một giấc mơ. Duy chỉ có một thứ là có thực, đó chính là tư duy của mỗi chúng ta. Tôi tư duy, tôi tồn tại”

Tôi hô lên “Tôi đấm, tôi tồn tại” và đấm cho Descartes một cái.Anh Descartes này từng nói rằng, vì tư duy của anh ta có thực, mà trong tư duy của anh này có Chúa, suy ra Chúa có thực.Điều kì lạ rằng, phe khoa học cũng tin vào Chúa, nhưng là Chúa phi Ki tô, một đấng toàn năng, là ngọn nguồn của tất cả mọi thứ bao gồm cuộc chiến này.

Lão Spinoza nói: “Mọi thứ xung quanh, trận chiến này và những cú đấm, đều là biểu hiện của Chúa Trời hay thiên nhiên. Bởi vì tất cả đều là một, là Chúa trời, là thiên nhiên.”

Spinoza có lý khi nói về Chúa. Nếu Chúa có tạo ra cái gì đó, ông ta sẽ phải cắt một phần mình ra, bởi vì trước ông ta không có gì cả. Tuy nhiên, sau khi rã rời vì ăn đòn suốt trận ẩu đả, tôi vẫn lết đến chỗ Spinoza và cho lão già một quả vì tôi ghét việc lão cho rằng con người không có ý chí tự do, bởi mọi thứ chỉ là một và được định đoạt. Cứ coi như đó là một cú đã được xác định trước nhé, Spinoza.

Hume cũng giống tôi, đấm cho Descartes và Spinoza mỗi người một cái và nói “Chúa, thiên đường hay mấy cái của nợ các cậu nghĩ ra chỉ là một đống ấn tượng phức mà thôi. Các cậu chắp ghép nên chúng từ những ấn tượng rời rạc khác đến từ kinh nghiệm trong quá khứ. Như cú vừa rồi tôi tặng các cậu, nó là một ấn tượng phức đến từ cảm giác đau, ánh sáng, không khí trong phòng, trạng thái của các cậu. Những cái gì không được tạo ra từ kinh nghiệm các cậu cứ vứt hết đi”

Kant bỗng xuất hiện từ đám người đang vật lộn và đấm sưng vù một bên mắt Hume.“Giờ thì trải nghiệm thế giới bằng một mắt đỏ lòm có khác không? Cần cả lý tính và cảm giác để biết được về thế giới nhé”.

Tôi hùa theo: “Chủ nghĩa kinh nghiệm sẽ nói gì về luật nhân quả lêu lêu. Không cần trải nghiệm tất cả cũng có thể biết được bất cứ thứ nào cũng là kết quả của một cái gì đó nhé.”

Nhưng Kant cũng chẳng đứng vững được lâu. Jeremy Bentham nhảy bổ vào Kant và đấm ông túi bụi.

“Miễn là số người bị đấm ít hơn số người đấm, thì chúng ta nên tiếp tục cuộc chiến”

“Không có chuyện đó đâu”, Kant vặc lại, “Chỉ khi nào người đó đấm mà không nghĩ về bản thân mình, đó mới là động cơ đúng đắn để đấm.”

Tôi đang cố gắng giảng hòa hai triết gia yêu thích của mình thì Hegel xuất hiện và đấm tôi văng ra.

“Cái gì tồn tại là cái hợp lý! Trận ẩu đả này cũng thế”, Hegel nói.

Marx đứng sau Hegel nói với tôi rằng

“Mọi người nên bị đấm bằng nhau. Đấm tôi đi”

Tôi bực mình và đấm Marx một cú, một cú thần sầu mà tôi sẽ còn kể về nó nhiều năm về sau.

Mọi thứ sau đó tối om.

Tôi tỉnh dậy với chi chít vết bầm tím và xương cốt rã rời. Nietzsche ngồi bên cạnh tôi đầy thương tích.

“ Tôi có bỏ lỡ gì không?...”

“Không chàng trai à. Ta đã chứng kiến cậu, chấp nhận đau đớn, chiến đấu vì những thứ mình tin tưởng và đơn độc không lệ thuộc vào số đông. Đó chính là con đường của một Ubermensch, một siêu nhân dẫn dắt loài người.”

“Thật vậy sao... Cám ơn nhé...Mà này, rốt cuộc tất cả những chuyện này, đúng sai ra sao?”

“Chuyện đúng sai là vô nghĩa, chàng trai ạ. Chúa thì chết rồi. Câu trả lời phải do cậu tìm thấy, cuộc đời là do cậu quyết định, như những diễn viên bị lôi lên sân khấu và chưa học lời thoại ấy”

“Nghe giống Sartre thế”

“Ừ, ông ấy đang khỏa thân nằm gần quầy tính tiền kia kìa.”