376.
Cơn chếnh choáng nhẹ nhàng của cơn sốt nhẹ, với cảm giác khó chịu dịu êm và xuyên thấu tỏa hơi lạnh trong xương cốt nhức mỏi của chúng ta và mang hơi ấm đến đôi mắt, dưới thái dương giật giật của chúng ta – Tôi yêu biết mấy cảm giác khó chịu đó như người nô lệ yêu kẻ đàn áp yêu dấu của hắn. Nó đặt tôi vào trạng thái bị động yêu yếu, run run mà trong lúc đó tôi thấy những hình ảnh thoáng qua, rẽ vào những ngóc ngách của ý tưởng và cảm thấy bản thân tan tác trước những rung động đột ngột không ngờ tới.
Suy nghĩ, rung cảm, và ham muốn hợp lại thành một mớ bùng nhùng. Niềm tin, cảm giác, những điều tưởng tượng và những thứ có thật cùng hòa trộn, như những gì trong nhiều ngăn kéo khác nhau lật nhào đổ xuống sàn nhà.
377.
Có một kiểu buồn vui mà ta cảm thấy trong thời gian dưỡng bệnh, đặc biệt là khi cơn bệnh trước đó tác động lên tâm trí. Có một mùa thu trong cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta, hay đúng hơn, một mùa xuân mới chớm mà ngoại trừ sự vắng bóng của lá rụng, trong không khí và trên bầu trời đều mang sắc thái của mùa thu.
Cơn rệu rã của ta thật dễ chịu, và sự dễ chịu chỉ đau một chút thôi. Chúng ta cảm thấy mình tách biệt khỏi cuộc sống một chút, dù vẫn nằm trong nó, giống như đang ở trên ban công của ngôi nhà cuộc sống. Chúng ta trầm ngâm mà thực ra không nghĩ gì; chúng ta rung động mà không thấy trong mình chút cảm xúc gì có thể nắm bắt. Lòng ta lắng lại, vì ta không cần nó.
Đó là khi những kí ức nhất định, những hi vọng nhất định và những ham muốn mơ hồ nhất định chậm chạm bò lên con dốc của ý thức, như những người khách bộ hành thấp thoáng khi nhìn từ đỉnh núi. Kí ức của những điều vô ích: những hi vọng không thành chẳng đáng bận tâm, những ham muốn chẳng dữ dội về bản chất hay về cách biểu đạt, chẳng vương vấn với tồn tại.
Khi những rung cảm này rơi đúng vào những ngày như thế, như hôm nay chẳng hạn, khi trời hơi nhiều mây mặc dù đang là mùa hạ, với cơn gió nhẹ khiến ta cảm thấy gần như lành lạnh vì thiếu đi hơi ấm – và chính tâm trạng đó khi chúng ta nghĩ về, cảm nhận, và sống trong những ấn tượng này dường như sâu sắc hơn. Chẳng phải những kí ức, hi vọng hay ham muốn trong ta trở nên rõ ràng hơn. Mà chúng ta cảm thấy chúng nhiều hơn, và chúng hợp lại, dồn lên con tim chúng ta chút sức nặng bất định, đầy phi lý.
Trong khoảnh khắc này tôi cảm thấy mình xa xăm một cách lạ kỳ. Tôi ở trên ban công của cuộc sống, đúng thế, nhưng không hoàn toàn nằm trong cuộc sống này. Tôi ở phía trên nó, nhìn xuống nó. Nó ngay trước tôi, trượt xuống giữa muôn vàn phong cảnh nhấp nhô hướng về phía ngọn khói từ những ngôi nhà màu trắng của những ngôi làng trong thung lũng. Nếu tôi nhắm mắt lại, tôi vẫn nhìn thấy, vì tôi không thực sự nhìn thấy gì. Nếu tôi mở mắt, tôi không nhìn thấy nữa, vì tôi vốn chẳng nhìn thấy gì ngay từ ban đầu. Tôi chẳng là gì ngoài một hoài niệm mơ hồ, không phải hoài niệm quá khứ hay tương lai mà là hoài niệm hiện tại – không ai biết, không hồi kết, không thể hiểu.
(Nguyễn Văn A chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh The Book of Disquiet của Richard Zenith)