Trên những chuyến tàu...
Có những câu chuyện chúng ta nên viết lại để không bao giờ quên....
Có những câu chuyện chúng ta nên viết lại để không bao giờ quên.
Trên những con tàu Bắc Nam chạy dọc đất nước, con tàu chở người xa xứ.
“Chào anh, anh đi vô đâu đó anh?”
Tối đó, tôi vội vã cất gọn một ít áo quần và máy tính vào trong vali rồi
bắt grab ra ga tàu. Lọc cọc tiếng vali kéo vang lên ở mọi nẻo, ánh sáng nhập nhòa và có phần ẩm ướt ở nơi ra đi, trở về của hàng triệu con người làm cảnh vật thêm phần thê lương. Con Tàu mang số hiệu SE** sẽ khởi hành trong vài phút nữa. Anh ấy có mái tóc đầu đinh để dài, hơi vuốt sang phía bên trái khuôn mặt. Tóc lởm chởm nhiều góc cạnh đâm ra như người ít gội rửa đầu hoặc những người thường xuyên vuốt tóc bằng keo. Vầng trán anh khá thấp còn đôi mắt thì cứ cụp xuống. Tôi cất gọn vali của tôi ở trên khoang hành lý và ngồi yên vị tại chỗ của mình. Anh ấy ngồi cạnh tôi nhưng tỏ ra hoàn toàn im lặng khiến tôi phải mở lời trước.
“Anh vào trong Nha Trang làm việc, anh làm thợ cơ khí cho công trình
trong đó.”
“Thợ cơ khí là làm gì anh nhỉ? Em chưa hiểu về công việc này lắm.”
“Thì cũng liên quan tới hàn, lắp đặt sắt thép thôi em.”
“Vậy anh ở trong đó luôn à?”
“Không, anh cứ ở vậy, khi nào có công trình thì họ gọi mình đi. Công trình ở đâu thì mình ở đó.”
Lúc chúng tôi nói chuyện thì đồng hồ đã điểm 20h, đoàn tàu lăn bánh bắt đầu đi ra khỏi trung tâm thành phố náo nhiệt. Màn đêm dần chiếm hữu bầu không khí đượm cam vì màu đèn đường và xe ô tô. Anh ấy mặc trên mình chiếc áo sơ mi kẻ rô, với tông màu xanh nhạt chủ đạo, bồi thêm vào vài ô đỏ. Cổ áo đã cũ và mòn, có phần nhăn nhúm lại. Quần jean màu xanh, xám ở phần đùi nhìn bề ngoài như đã được mang đi mang lại suốt cả 5-6 năm nay. Thân hình nhỏ thó so với cái ghế tựa lớn mặc dù cơ bản tôi cũng vậy chỉ được cái cao hơn anh. Đêm đó là một đêm nóng nực ở thành phố nhưng trong khoang cũng chỉ lảng vảng chưa tới 20 người và cái mát lạnh của điều hòa làm cho bóng tối vật vờ như có hình thù trong ánh đèn sáng xanh. Công việc tay chân nơi công trường để lại cho anh ấy làn da nâu đậm và ánh mắt hơi đờ đẫn. Anh nói chuyện chậm rãi với tôi, ít khi là người mở câu hỏi. Khi nói chuyện, anh ấy thường nhìn tới chiếc ghế đối diện và rất ít khi ngước mắt nhìn cao hơn nó trừ khi có người đi ngang qua chỗ chúng tôi.
“Anh quê ở đâu vậy anh?”
“Anh ở Cao Bằng, nhà anh cách thành phố chừng vài chục km”
“Cao Bằng mà vào tận Nha Trang làm xa dữ vậy anh, sao anh không làm ở Hà Nội?”
“Anh từng làm ở Hà Nội rồi, nhưng không hợp.”
“Em thấy người ở Cao Bằng anh qua Trung Quốc làm nhiều lắm. Em từng có dịp lên vùng Lạng Sơn, thấy khu đó họ chở người qua Trung Quốc đi tấp nập.”
“Ừm, anh từng qua Trung Quốc làm rồi mà, rồi về Việt Nam làm. Vì qua Trung Quốc làm nên anh không quen với cách làm việc ở Hà Nội đó. Biết là chỗ nào cũng không phải như vậy nhưng mình toàn gặp những người không hợp nên chịu thôi.”
Thời gian chúng tôi nói chuyện không nhiều. Người đi tàu đêm thường ít ai thức quá 9 hoặc 10h, họ thường chọn việc ngủ sớm để thời gian trôi nhanh hơn trên con tàu này. Tiếng ghế tựa sột soạt, Tiếng lập cập đều đặn từng nhịp của con tàu, Không khí lạnh sương sương trong khoang và ánh đén chợt lóe lên bên ngoài của sổ. Ngồi trước chúng tôi 1 dãy, phía bên kia khoang tàu, có một đôi yêu nhau đang đi du lịch ở nơi nào đó. Tôi biết được họ đang đi du lịch nhờ vì thái độ của họ khi lên tàu. Thật kỳ lạ, tôi cảm giác dù đó là chuyến đi ra thành phố lớn hay về quê những đợt nghỉ lễ thì những người tha hương đi tàu luôn mang một gói cảm xúc buồn day dứt khó tả. Gọi là gói cảm xúc vì nó là sự trộn lẫn của rất nhiều những xúc cảm và phức cảm khác nhau bên trong mỗi con người. Nó khác với suy nghĩ chúng ta mỗi dịp được đi du lịch tới một nơi nào đó, nó không hoàn toàn là sự hồi hộp, buồn bã, tươi vui hay chia ly. Lần đầu tiên tôi đi tàu ra thành phố lớn để học thì trong tôi phần lớn là sự phấn khích của đứa trẻ lần đầu được đi xa mà không hiểu rằng chuyến đi này khác xa những chuyến du lịch trước đó. Dần dà qua nhiều lần lên và xuống con tàu Nam Bắc, nhận thức tôi bắt đầu thay đổi với những chặng đường dài này. Những cảm xúc khi xưa vẫn còn đó, nhưng nó đã bị phai mờ để nhường chỗ cho hàng trăm cảm xúc hỗn tạp khác chen vào để xoa dịu sự lạc lối của tâm trí. Tại sao những chuyến tàu xập xình và có phần ẩm mốc lại mang đến cho tôi và chắc chắn cũng không ít người khác những món thập cẩm hổn lốn buồn vui như vậy? Liệu đó là sự tranh chấp giữa nỗi nhớ
quê hương và cái phú quý nơi thành phố lớn mang lại, nỗi lòng sợ rằng về quê làm cho ý chí trở lại thành phố hao hụt hay như những chuyến tàu chạy hoài chạy mãi trên đất nước, chúng ta cũng không biết nơi an cư của cuộc đời ta nằm ở đâu?
“Anh định làm trong đó đến khi nào anh?”
“Chắc khoảng 2-3 năm nữa, khi nào tích góp đủ vốn thì anh về quê mở cửa hàng bán gì đó. Mà nếu may mắn cưới được vợ trong đó thì anh ở lại luôn.”
“Ôi vậy anh phải chăm chỉ làm đẹp lên rồi còn đi làm quen nữa chứ!”
“Ừ, lâu lâu đi lần, anh cũng có gặp nhưng chưa hợp. Mà dân công trình thì em thấy đó, có được mấy hồi mà đi được đâu. Người ta cũng không thích dân vùng khác”
Trên những chuyến tàu đó, tiếng xình xích nhịp nhàng của con tàu là âm thanh dễ dàng đưa tôi vào giấc ngủ. Khi âm thanh đó dừng lại những lúc tàu vào ga hoặc nằm chờ tuyến tàu khác vượt qua trước thì tôi thường tỉnh dậy. Những khoảnh khắc chen ngang giữa giấc ngủ ngắn lại là những gì thường ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ về đoàn tàu. Đầu óc chúng ta vẫn chưa mụ mị với giấc ngủ nhưng cũng bất chợt giật mình khi môi trường xung quanh và tiếng động quen thuộc đột ngột biến mất, thay bằng tiếng khách đi tàu nói chuyện vội vàng, nhỏ nhẹ đang lên khoang. Dừng khoảng 15 phút thì nhân viên gác tàu rung chuông báo hiệu tàu sắp khởi hành. Tiếng chuông vang vọng dài đằng đẵng hơn 10 giây. Con tàu kéo một hồi còi vang rồi bắt đầu lại chu trình xình xịch của nó. Tất cả bao nhiêu sự kiện, hiện tượng diễn ra trong 15 phút ngắn ngủi, giữa đêm, ở nơi nào đó trên tuyến đường sắt Bắc Nam đều được tôi cảm nhận chỉ qua âm thanh. Rồi tất cả lại trôi tuột đi theo giấc mộng của chuyến tàu năm đó.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất