Trẻ con và người lớn
Người lớn nghĩ rằng trẻ con quên. Nhưng thật ra trẻ con không muốn thể hiện rằng chúng còn nhớ thôi.
Khi đó tôi khoảng lớp 4, buổi chiều tôi đi học về, cất tiếng gọi Milu, Mikha như bình thường, chẳng thấy hình ảnh chúng nó chạy ra đón tôi như bình thường. Tôi hơi hoảng hốt, tìm khắp nhà, nỗi bất an trong lòng càng dâng trào. Tôi vừa tìm vừa khóc vì tôi mang máng đã biết điều gì xảy ra.
Bố tôi biết tôi tìm gì khẽ bảo: " Nhà mình nhiều chó nên bố mang hai con đấy cho cô rồi. Lúc nào muốn thì đi thăm."
Tôi òa lên, khóc nức nở, khóc nấc lên. Tôi cứ khóc như thế cả tiếng đồng hồ, từ gào khóc đến nỉ non rồi lại gào khóc. Như bị phiền chán với tiếng khóc của tôi, bố tôi nạt: " Nín đi! Có nín đi không?"
Tôi không gào lên nữa mà chỉ biết nấc lên từng hồi và rơi nước mắt. Lòng tôi đau lắm, nỗi đau lan tràn. Từng kí ức về chúng ùa về trong tôi. Tôi chẳng bao giờ gặp chúng được nữa. Vì tôi biết, chẳng có việc cho nào ở đây cả, chẳng có. Bố bán chúng rồi!
Lúc đó tôi ghét bản thân mình, ghét sự nhạy cảm của tôi.
Người lớn nói dối thật tệ. Sao tôi lại không phát hiện ra được cơ chứ.
Người lớn nghĩ rằng trẻ con quên. Nhưng thật ra trẻ con không muốn thể hiện rằng chúng còn nhớ thôi.
Trí nhớ của tôi không tốt, kí ức của tôi về những ngày sau đó của tôi rất mơ hồ. Tôi chẳng nhớ mình đã tiếp tục sống những ngày sau đó như thế nào.
Tôi chỉ biết lúc tôi học lớp 9, Ruếch - chú chó mà gia đình tôi nuôi từ khi tôi học mẫu giáo mất, tôi không gào khóc trước mắt mọi người nữa.
Đại học năm nhất. Nu mất vì cảm. Tôi không rơi nước mắt trước mặt mọi người.
Đại học năm ba. Trở về nhà không thấy Natasa. Tôi cũng không hỏi mọi người lý do.
Ra trường, về nhà thấy bố bán một chú chó mà tôi không đặt tên. Tôi chẳng ngăn cản.
Tôi thành người lớn. Tôi không còn là trẻ con.
Nhiều nỗi đau tôi chẳng buồn cảm nhận nó tồn tại hay không nữa.
Nó chết rồi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất