Tôi thấy người bạn Kiểm toán đăng hình 2h sáng tại văn phòng (Phần 2 - Công việc mới)
Ngày đó, quá trình từ công ty kiểm toán ra ngoài doanh nghiệp, mình đã có khá nhiều trải nghiệm đáng nhớ, từ giai đoạn tìm việc - phỏng...
Ngày đó, quá trình từ công ty kiểm toán ra ngoài doanh nghiệp, mình đã có khá nhiều trải nghiệm đáng nhớ, từ giai đoạn tìm việc - phỏng vấn, đi làm đến khi suy nghĩ về làm những điều mình muốn.
Quá trình tìm việc
Lâu hơn mình từng nghĩ khá nhiều!! Mình mất tầm 3 - 4 tháng để tìm được công việc mới, sau nhiều lần bị từ chối từ vòng CV đến vòng phỏng vấn. Với mục tiêu hướng về mảng tài chính, mình đã ứng tuyển nhiều công ty và nhận ra một vài thực tế:
Sự cạnh tranh từ các chú ong ngành kiểm toán
Khi phỏng vấn mình cũng biết được đang có nhiều bạn cũng đang làm kiểm toán ứng tuyển vào vị trí đó như mình. Sẽ không thiếu người cạnh tranh có cùng background kiểm toán, ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, từ các cấp bậc nhân viên 1 - 2 năm kinh nghiệm đến các bạn trưởng nhóm 3 - 5 năm kinh nghiệm.
Về cơ bản, kinh nghiệm của chúng ta giống nhau, có thể khả năng viết CV của mỗi người khác nhau nhưng nhìn chung sẽ không quá khác biệt. Lúc đấy mình tự hỏi ngược lại: "Điều gì khiến mình khác biệt và nổi bật hơn giữa đám đông?".
Sự cạnh tranh từ ứng viên tiềm năng ngoài ngành kiểm toán
Sau này mình có hỗ trợ anh sếp mình phỏng vấn thêm vài vị trí về tài chính trong công ty. Lúc đấy mới biết sự đa dạng trong các ứng viên khi một vị trí công việc được đăng lên trang tuyển dụng:
- Thạc sỹ về ngành tài chính từ các trường danh tiếng trong và ngoài nước
- Thành tích học tập xuất sắc và tham gia tích cực các hoạt động
- Kinh nghiệm trong mảng tài chính/ đầu tư ở các công ty lớn kèm các chứng chỉ như CFA, ACCA,...
- Thế mạnh về phân tích Data, sử dụng các công cụ, ngôn ngữ truy vấn và có cả chứng chỉ chứng nhận trong mảng đó
...
Chợt nghĩ, khi mình chỉ có mỗi tấm bằng đại học và kinh nghiệm kiểm toán vài năm, liệu rằng có đủ để cạnh tranh trên thị trường hiện tại?
Văn hóa ở mỗi công ty sẽ khác nhau dẫn đến nhu cầu về nhân sự cũng khác
Ngày trước được đi nhiều công ty khách hàng nên được tiếp xúc với khá nhiều văn hóa và con người khác nhau. Nhưng điều mình nhận ra nhiều hơn khi phỏng vấn liên tiếp ở các công ty khác nhau đó là:
Văn hóa của công ty sẽ thể hiện được phần lớn khi phỏng vấn nếu chúng ta để ý sẽ thấy có sự khác biệt. Do đặc thù về ngành nghề kinh doanh, một số công ty sẽ cần những người có cá tính mạnh mẽ, nhanh nhẹn thì làm việc với các bên liên quan sẽ hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có một số công ty hay vị trí cần các bạn lành tính, cẩn thận để giảm thiểu sai sót hay năng động, hoạt bát để tạo nên sự đa dạng trong văn hóa công ty.
Sếp, người chúng ta sẽ báo cáo trực tiếp công việc, luôn có mặt trong các buổi phỏng vấn để đảm bảo sếp và ứng viên hợp ý, hợp tính thì mới đảm bảo công việc làm chung mới thuận lợi. Dù bạn rất mạnh ở một mảng nào đấy nhưng không hợp phong cách làm việc với người sếp thì xem như không có duyên với công việc, vì tuyển vào hai người khắc khẩu thì kết quả công việc làm sao mà hiệu quả.
Nhu cầu tại vị trí đó, mình cảm nhận thấy đa phần một vị trí sẽ có hai hướng tuyển dụng: tuyển vào để làm ngay dựa trên kinh nghiệm sẵn có và tuyển vào để xây dựng, phát triển mảng đó lên dần dần.
Từ hai hướng trên thì tiêu chí phân loại chọn ứng viên cũng khác hẳn:
- Đối với công ty tuyển vào để tận dụng kinh nghiệm sẵn có và làm ngay lập tức, đa phần các ứng viên phải có kinh nghiệm liên quan, hiểu và làm qua phần lớn các công việc.
- Đối với tuyển vào để xây dựng và phát triển, công ty sẽ ưu tiên những ứng viên có tiềm năng, tố chất và kiến thức cơ bản vững chắc, không quá đặt nặng việc kinh nghiệm quá khư liên quan mật thiết đến vị trí hiện tại.
Công việc mới - thử thách mới
Khoảng thời gian chuyển sang công việc mới, lần đầu mình cùng sếp ngồi review lại file kế hoạch mình đã chuẩn bị, câu nhận xét đầu tiên mình nhận được là:
"Chị vẫn chưa thấy được giá trị mà file của em mang lại!"
Đó là một lời nhận xét tổng quan thẳng thắng, thô nhưng thật, vì đứng trên phương diện người làm là mình, mình cũng biết sản phẩm của mình chỉ mang tính tham khảo, giải thích trên số liệu quá khứ. Điều mà chị sếp tôi cần sau cùng là:
- Tháng này thực tế và kế hoạch có sự chênh lệch, cần một quyết định nhanh chóng trên cơ sở hợp lí đề phản hồi kịp thời sự thay đổi
- Cập nhật cho tháng sau từ thay đổi tháng này để đảm bảo việc kinh doanh của công ty luôn đứng trên phương diện tận dụng tối đa cơ hội.
Nhưng với kinh nghiệm lúc trước của mình, mình tự nhận thấy cần phải cố gắng rất rất nhiều nên cũng không ngừng cày cuốc.
Trách nhiệm
Ở vị trí hiện tại, mình nhận thấy trách nhiệm rõ ràng và to lớn khi mỗi kết quả phân tích và đưa đề xuất của mình có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty. Các giấy tờ đã ký, đóng dấu, giấy trắng mực đen thì chả thể thay đổi được nữa.
Mình nhận ra trước giờ mình không thực sự kỹ lưỡng trong công việc, sai sót những ngày đầu đi làm khiến công ty mất gần trăm triệu doanh thu. Anh sếp mình an ủi, thôi đi làm ai chả có sai sót, tháng này lỗi thì các tháng sau mình cố gắng bù lại là được. Có lẽ đây là điều mà mình cực kỳ ít được trải nghiệm khi làm kiểm toán, nơi mà các công ty lớn đã có bề dày lịch sử trăm năm và mình chỉ là 1 bánh xe nhỏ trong cả hệ thống.
Phát triển bản thân
Liên tục học hỏi và tìm tòi những điều mới. Khi chính thức bước vào doanh nghiệp, mình thực sự thấy cần nghiêm túc trong việc tìm hiểu công ty, quy trình và sản phẩm. Đó là nền tảng cho công việc của chính mình. Không còn là tìm hiểu để tìm ra sự bất thường và rủi ro trong số liệu và hoạt động, mà là tìm hiểu để làm đúng, làm hiệu quả, xác định và đánh giá được các cơ hội trong tháng tới, năm tới.
Mối quan hệ công sở
Các mối quan hệ và ứng xử sẽ khác khá nhiều khi so với môi trường ở các công ty kiểm toán. Khá giống với các bài đăng về cần phải cẩn thận và tinh ý trong các mối quan hệ nơi công sở mà thường được chia sẻ trên các trang mạng. Tuy nhiên, mình cũng có tham khảo với một số người bạn làm ở nhiều công ty khác thì nhận ra mỗi nơi sẽ có một đặc điểm riêng mà chẳng nơi nào giống nơi nào.
Sẽ có những công ty tinh thần đồng nghiệp thống nhất, môi trường thân thiện, cởi mở, nhân viên cảm thấy xứng đáng để cống hiến. Bên cạnh đó cũng có nhưng nơi được review rằng môi trường khá "chính trị", làm việc phải nhìn mặt sếp, ai khéo ăn khéo nói sẽ sống dễ dàng trong công ty hơn.
Đó là những điều mà mình nghĩ khi đã sẵn sàng bước ra ngoài công ty kiểm toán sẽ phải chuẩn bị, sẵn lòng đối mặt vì khi ứng tuyển, phỏng vấn, chúng ta cũng chưa thể biết hết nội tình.
Áp lực và thời gian làm việc
Ra ngoài có áp lực không? Mình xin trả lời là có chứ! Mình vẫn cần tập trung cao độ để hoàn thành báo cáo, thỉnh thoảng về trễ vì các buổi họp, tăng ca vì các số liệu chưa xử lý xong.
Tuy nhiên, về trễ thì trễ 30 - 45 phút so với bình thường, các số liệu chưa xử lý xong cũng có thể để sang ngày hôm sau. Vì một điều tất yếu rằng công việc của mình cần sự phối hợp, tương tác của nhiều bên liên quan. Hết giờ làm việc hay cuối tuần thì đâu có ai làm việc, vậy thì mình làm với ai, công việc cũng đâu được giải quyết nếu các bên không phản hồi.
Thời gian đầu mình quen làm việc thứ 7, chủ nhật vẫn lên công ty như khoảng thời gian làm kiểm toán. Thế mà ngồi được 1, 2 tiếng thì thấy thực sự không còn việc nào có thể đẩy đi tiếp được nữa, đành về trong sự không quen thuộc đấy. Đúng thật là: "Ở đây chúng tôi không làm thế!"
Làm những điều mình muốn
Khi có thời gian rảnh sau giờ làm việc và cả thứ 7, chủ nhật cuối tuần rồi, lúc này vấn đề thực sự mới phát sinh. Mình ngồi xuống và suy nghĩ: thời gian rảnh này mình sẽ làm gì? Mình thích làm gì? Mình muốn những gì?...
Mình tin rằng đó là một trong những trải nghiệm ý nghĩa nhất của mình. Sau nhiều lần trải nghiệm nhiều hoạt động trong thời gian rảnh, cuối cùng mình quyết định sẽ chú trọng đến các hoạt động:
- Đọc sách, quá lâu rồi mình chưa đắm mình trong những trang sách, nơi mà giúp lòng mình tĩnh lặng và có những suy nghĩ thấu đáo
- Dành thời gian cùng gia đình, nấu ăn cùng ba mẹ, cafe, đi dạo cuối tuần, về quê nhiều hơn 1 lần trong năm
- Cố gắng hoàn thành một chứng chỉ nghề nghiệp
- Chơi lại các môn thể thao ngày xưa mình thích như cầu lông, bơi lội,...
- Học thêm một ngôn ngữ (ngoài tiếng Anh) và chơi nhạc
- Học cách gác lại công việc cuối tuần, làm những điều mình muốn, sống cuộc sống chất lượng. Bên cạnh đó vẫn thỉnh thoảng nghĩ về cách tối ưu trong công việc và đề ra các sáng kiến cho công ty chứ không hoàn toàn là bỏ bê hẳn.
Tổng kết
Nhìn chung, tìm được một công việc mới ưng ý ngoài những yếu tố mà mình có thể chuẩn bị kỹ lưỡng để phỏng vấn thành công, sẽ có rất nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát mà chỉ có thể gọi là có duyên với công ty thì sẽ vào làm được thôi.
Mình phải công nhận kinh nghiệm, kỹ năng và tư duy nhờ vào các năm kinh nghiệm làm kiểm toán giúp ích cho công việc mới của mình rất nhiều và được mọi người đánh giá cao. Tuy nhiên, tiếp tục nỗ lực tìm tòi, học hỏi thêm nữa ngoài những kinh nghiệm đó là điều không thể thiếu.
Nếu bạn hài lòng với công việc cuộc sống hiện tại thì đó là điều tuyệt vời. Nếu bạn đang muốn tích lũy kinh nghiệm và tìm một công việc có mức thu nhập nhảy cấp từ ngành kiểm toán thì những chia sẻ mang tính cá nhân của mình mong sẽ góp phần nào trên con đường tìm kiếm công việc tương lai của bạn.
Cám ơn mọi người đã đọc, chúc mọi người một cuối tuần vui vẻ!!
P/s: lúc mình chia sẻ ở phần 1 cũng không dự kiến sẽ có nhiều bạn cảm thấy đồng cảm và chờ phần 2 của mình. Đây thực sự là một động lực to lớn để mình mở laptop và ngồi "chill" cuối tuần như vầy. Rất cám ơn sự ủng hộ của mọi người đã đọc hết bài. Ngoài ra, bài mình để ở mục "Chuyện trò - tâm sự" ngay từ đầu vì chỉ mang tính chia sẻ cá nhân của mình, chứ không để trong mục "Quan điểm - tranh luận" hay "Truyền cảm hứng" của Spiderum vì sẽ thiếu các phần khách quan như trình bày về mặt tích cực và hạn chế của một vấn đề để đánh giá.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất