Trào lưu sửa Nữ hoàng Anh thành Nữ vương Anh: Nhìn từ góc độ lí thuyết dịch thuật
Nhận định về phong trào đòi sửa phải dịch "Queen" là "Nữ vương" thay vì "Nữ hoàng" trong 4000 chữ. Kiến thức chuyên môn khô khan, nếu đau não thì không nên cố đọc làm gì.
“Nữ hoàng Anh” là cách dịch đã có từ lâu đối với ngữ nguồn “Queen of England”, nhưng hai năm gần đây, có lẽ bắt nguồn từ Wikipedia, mà các hội nhóm như QRVN và Vương thất Anh - The British Royal Family tuyên bố cách dịch “nữ hoàng” là sai, phải dịch là “nữ vương”, và toàn bộ hệ thống danh từ liên quan đến hoàng gia Anh phải sửa về hệ thống vương hết.
Bài viết này loại trừ một số nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan, còn được gọi là bò đỏ, cố ý dùng vương để hạ thấp nữ hoàng Anh bắt nguồn từ mối thù hận tưởng tượng, mà chỉ bàn về các nhóm người dùng vương bắt nguồn từ lí do dịch thuật. Vậy nên ở đây tôi sẽ chỉ bàn luận thuần tuý về dịch thuật, và đưa ra đánh giá về hai phương án dịch đang được nhắc tới.
Lí do những người sửa nữ hoàng thành nữ vương đưa ra có thể tóm gọn ở ảnh sau:
Xét từ góc độ lí thuyết dịch thuật, những người trong ảnh trên đang lấy cơ sở là bám vào mặt chữ để dịch. Đối với họ Emperor = Hoàng/Đế và King = Vương, nhưng cơ sở nào để họ khẳng định hai đẳng thức ấy? Dường như họ không có, họ chỉ đang mặc định hai đẳng thức đó đúng tuyệt đối, và dùng nó làm cơ sở cho mọi thứ sau đó.
1. Dịch thuật không đơn giản chỉ là biết ngoại ngữ
Dịch thuật về cốt lõi là tìm cái tương đương giữa ngữ nguồn và ngữ đích, khi áp dụng tương đương thì có các cấp độ thường gặp nhất là từ, cụm từ, và câu. Để dịch dẫu chỉ một từ, công việc sẽ như thế này: dịch giả tìm hiểu khái niệm của từ trong ngữ nguồn, đồng thời có sẵn khái niệm của rất nhiều từ trong ngữ đích, cuối cùng dịch giả chọn ra từ phù hợp nhất trong ngữ đích để sử dụng.
Dịch giả đi sau có thể sao chép thành tựu của dịch giả đi trước, với rủi ro phải chịu là có thể phương án dịch ấy sai. Nhưng nếu muốn đề xuất phương án dịch mới, dịch giả bắt buộc phải làm lại quá trình kể trên, không được phép bỏ qua.
Trong quá trình tìm cái tương đương ấy, rất nhiều nhà lí thuyết dịch thuật đã đề ra các lí thuyết riêng nhằm giúp công việc dịch có tính khoa học hơn và chính xác hơn. Điểm yếu của những người dịch nghiệp dư là họ không nắm được, thậm chí không biết tí gì, về lí thuyết dịch thuật. Họ đơn giản dịch theo từ điển đa ngữ mà không biết rằng chính lí thuyết dịch thuật là cái góp phần tạo nên những từ điển ấy.
Hãy lấy ví dụ thành ngữ “An apple a day keeps the doctor away”, ở đây tôi sẽ dẫn lí thuyết dịch của Eugene Nida: Tương đương hình thức (formal equivalence) và Tương đương chủ ý (dynamic equivalence).
Với tương đương hình thức, dịch giả sẽ dịch thành “Một quả táo mỗi ngày để không phải gặp bác sĩ” hoặc khéo léo hơn thì là “Táo tươi mỗi ngày, thày lang mất việc”. Đặc điểm của cách dịch này là giữ nguyên các hình ảnh, cấu trúc, phong vị trong ngữ nguồn (táo, bác sĩ, phong vị của thành ngữ tiếng Anh).
Với tương đương chủ ý, sẽ dịch thành “Cơm không rau như đau không thuốc”, bởi vì ở đây dịch giả không quan tâm đến hình thức nữa, mà chú trọng truyền tải hàm ý của câu nói là được. Ngữ nguồn dùng một thành ngữ hàm ý khuyên người ta nên ăn uống lành mạnh, ngữ đích chỉ cần truyền tải hàm ý ấy là được, không quan tâm hình thức (không có táo và bác sĩ, mà lại đưa vào cơm và thuốc).
Ở cấp độ từ, quả apple không phải là quả táo mà người Việt có từ lâu đời, quả apple chỉ bắt đầu vào Việt Nam cùng với người Pháp, và tên gọi táo chính là một cách dịch tương đương chủ ý của người Việt, nó hàm ý về một thứ quả ăn được và rất giống với quả táo. Cách dịch tương đương hình thức của quả apple là quả bôm (phiên âm từ tiếng Pháp pomme), vì quả bôm là từ mới nên nó không chứa hàm ý có sẵn nào ở người Việt cả, muốn biết bôm là quả gì buộc phải tìm hiểu từ đầu.
Nếu không xét văn cảnh, ở cả cấp độ từ, cụm từ, và câu, các phương án dịch tôi nêu trên đều đúng. Vấn đề sẽ khác hoàn toàn khi có văn cảnh. Ví dụ một người mẹ giơ quả táo thuyết phục đứa con ăn bằng câu “An apple a day keeps the doctor away” mà lại dịch thành “Cơm không rau như đau không thuốc” thì có thể coi là dịch sai, vì nó cắt đứt sự liên quan giữa sự việc (thuyết phục ăn táo) và câu nói (có nhắc đến táo). Nói tóm lại, văn cảnh là thứ rất quan trọng khi dịch.
Trở lại với nữ hoàng và nữ vương, vấn đề của nhóm người đòi thay đổi là họ bỏ qua tất cả lí thuyết dịch thuật như tôi vừa trình bày, họ đứng trên một nền tảng mập mờ để khẳng định rõ ràng về sai và đúng. Vậy trước tiên có thể khẳng định đánh giá của họ không đáng tin. Thế nhưng phương án dịch ấy có đúng (một cách ăn may) hay không? Toàn bộ phần còn lại của bài viết này sẽ trả lời.
2. Mức độ tương đương giữa Emperor – Hoàng/Đế và King – Vương
Phần này tôi sẽ làm chính xác công việc bắt buộc của một dịch giả mà đã nói ở phần 1, đó chính là tìm hiểu khái niệm, một cách đầy đủ và sâu xa.
a/ Mối quan hệ giữa hoàng đế và vương ở phương đông
Ở phương đông từ “hoàng đế” xuất hiện khoảng thế kỉ II trước Công nguyên, bấy giờ Tần Vương Doanh Chính vừa thu hết các nước nhỏ về một mối và muốn dùng một danh xưng khác với ba danh xưng có sẵn lúc ấy là vương, hoàng, và đế, nhằm thể hiện rằng mình cao quý hơn hết thảy các vị quân chủ lúc bấy giờ. Ông ta lấy cảm hứng từ truyền thuyết Tam Hoàng Ngũ Đế (Tam Hoàng là ba vị quân chủ thuộc dòng dõi thần tiên, Ngũ Đế là năm vị quân chủ nối tiếp Tam Hoàng có công khai hoá người dân), kết hợp giữa hoàng và đế, ông ta tạo ra danh hiệu hoàng đế, và tự xưng mình là Thuỷ Hoàng Đế. [1] Khi tước hiệu hoàng đế ra đời, tước vương trở nên thấp kém hơn và được dùng để các hoàng đế sắc phong cho những người dưới mình. Kể từ lúc này, đã có sự phân cấp rõ ràng giữa hoàng đế và vương.
Bởi vì ảnh hưởng của Trung Quốc rất mạnh mẽ nên danh hiệu hoàng đế trở thành một tiêu chuẩn chung cho một vị quân chủ vĩ đại. Lãnh đạo quốc gia nào được Trung Quốc ảnh hưởng cũng khao khát danh hiệu này: Nhật Bản có thiên hoàng; Triều Tiên đến thế kỉ XIX cũng có hoàng đế do bấy giờ nhà Thanh suy yếu, biết rằng trước đó vua Triều Tiên chỉ dám xưng vương; vua Việt Nam cũng xưng hoàng đế dẫu rằng chỉ dám xưng như vậy trong nước, cùng lúc đó vẫn chấp nhận sắc phong (tước vương) từ Trung Quốc, cũng như chấp nhận cống nạp cho họ. Ngay đến người Mông Cổ khi chinh phục và nhận ảnh hưởng từ Trung Quốc cũng mang danh hoàng đế dẫu truyền thống họ gọi người cai trị là khả hãn (Thành Cát Tư Hãn có tên gọi khác là Thành Cát Tư Hoàng đế – 成吉思皇帝). Thậm chí, Đa Nhĩ Cổn một nhân vật đời nhà Thanh, dẫu không hề làm vua cũng được phong danh hiệu hoàng đế (tất nhiên không phải khi còn sống), thuỵ hiệu của ông ta là Nghĩa Hoàng đế.
Vương trở thành một tước vị thứ cấp, các hoàng đế dùng để sắc phong cho các vị quân chủ của nước nhỏ nhằm thể hiện uy quyền vượt trội của mình với họ, mặt khác quân chủ của nước nhỏ tự nguyện xưng vương để tỏ thái độ kính sợ nước lớn. Trung Quốc có niềm tin về chân mệnh thiên tử, mỗi thời đại chỉ có một hoàng đế chính danh mà thôi, việc vua nhỏ công khai xưng đế trước vua lớn đang giữ danh hiệu hoàng đế là hành động ngang bằng với khiêu chiến.
Lấy ví dụ bằng một thực kiện, hành động của vua Đinh Tiên Hoàng: vừa xưng hoàng đế trong nước (Đại Thắng Minh Hoàng đế), vừa chịu cống nạp và nhận sắc phong (Giao Chỉ quận vương) từ Trung Quốc, nó vừa cho thấy các vị quân chủ phương đông khát khao danh hiệu hoàng đế đến mức muốn xưng cái danh ấy bằng được dẫu chỉ trong nước, vừa cho thấy hoàng đế chính danh có uy quyền vượt trội đến mức các hoàng đế không chính danh phải chịu nhún nhường như thế nào khi ở bên ngoài nước mình.
b/ Mối quan hệ giữa emperor và king ở phương tây
Cộng hoà La Mã vào thời của Augustus (63 TCN – 14) tuy bản chất là chế độ quân chủ nhưng giới cầm quyền muốn giữ lấy hình thức cộng hoà nên họ né tránh danh xưng king. [2] Thực tế là tâm lí dằn hắt danh xưng king trở thành văn hoá của giới thống trị đế chế này cho đến tận khi nó sụp đổ, những người lãnh đạo La Mã không hề xưng king dù trước hay sau Augustus.
Augustus bấy giờ đã được nhận rất nhiều danh xưng cao quý, nhưng danh xưng imperator là cái mà ông thích nhất và được chọn, để rồi về sau các lãnh đạo khác lên ngôi cũng sử dụng danh xưng này như một truyền thống. [3] Imperator trong tiếng Latin đơn giản chỉ là một vị chỉ huy quân sự cao cấp, sau này sang tiếng Anh nó trở thành emperor với nghĩa như chúng ta đang biết. Như vậy có thể nói, danh xưng imperator (mà chúng ta biết dưới dạng emperor) được sử dụng và lưu truyền do Augustus tránh danh xưng king, và do ý thích ngẫu nhiên của Augustus, nó không phải danh hiệu mới sáng chế để tạo sự khác biệt. Xuất thân của danh hiệu này không cao quý vượt trội hơn so với danh hiệu khác, và nó vốn được chọn cũng không phải để thị uy.
Sau này đến thời của Diocletian (245-312), đế chế La Mã, chia thành hai phần Đông và Tây, được áp dụng phương pháp cai trị tetrarchy, lúc này trong toàn bộ đế chế có đến bốn emperor (hai người cấp cao, hai người khác cấp thấp hơn) cùng cầm quyền một cách chính danh. Đây là điểm khác biệt lớn so với tư tưởng một hoàng đế duy nhất của Trung Quốc ở phương đông.
Trong lúc đó danh xưng king vẫn được các vị vua ở các vùng đất khác sử dụng để cai trị một cách độc lập, như king of Goth, king of Huns – đây cũng là những người góp phần gây ra sự sụp đổ của đế chế Tây La Mã vào thế kỉ V. Những người này tất nhiên biết rất rõ La Mã cùng danh xưng imperator, nhưng họ chưa bao giờ muốn và cần phải xưng imperator để thị uy cả. Về sau, thời Thánh chế La Mã, vương quốc Pháp có Louis XIV rất vĩ đại nhưng ông vẫn xưng là roi (vua trong tiếng Pháp) mà thôi, khi muốn nhấn mạnh ông sẽ dùng danh xưng Louis le Grand (Louis Vĩ đại), hay Le Roi Soleil (Vua Mặt trời) chứ cũng không tơ màng danh xưng emperor.
Tuy nhiên, trong thời kì của đế chế La Mã, đúng là có một số vùng đất lệ thuộc vào đế chế, vua của các vùng đất ấy được gọi là Roman client king, mối quan hệ hoàng đế – vương có một chút tương đồng với mối quan hệ emperor – client king. Nhưng nên nhớ phạm vi của nó rất hẹp và nó không mang sắc thái phân cấp như ở phương đông, nó chỉ đơn giản là các tên gọi khác nhau để gọi các dạng lãnh đạo khác nhau. Client king không khát khao được gọi là emperor trong đất nước nhỏ của họ.
Về sau này, thuật ngữ emperor ngày càng phát triển phức tạp hơn. Vào thời kì của Thánh chế La Mã để được trở thành emperor cần một giáo hoàng sắc phong, trong khi giáo hoàng là vị trí hoàn toàn vắng bóng ở phương đông. Các nước sau này như đế chế Áo dùng danh xưng emperor theo truyền thống và văn hoá, trong khi Pháp thời Napoleon dùng nó vì muốn thể hiện sự sở hữu nhiều thuộc địa của mình, còn Anh tuy có nhiều thuộc địa lại không dùng, có lẽ vì không thích.
Nhìn chung từ sau thời Thánh chế La Mã, emperor như một biểu tượng văn hoá cho các quốc gia hậu La Mã, với các quốc gia khác thì là danh xưng để phân biệt giữa vua có và không có nhiều thuộc địa. Nó chưa bao giờ trở thành bảo chứng của địa vị tối cao, và cao quý hơn king. Danh xưng king vẫn thể hiện sự độc lập và sự tối cao của một vị quân chủ.
c/ Nhận định chung
Tôi hiểu rằng phương án dịch emperor-king = hoàng đế-vương là cách dịch tương đương chủ ý, nhưng cũng chỉ là một số hàm ý nhỏ, loại trừ các hàm ý như: cần một giáo hoàng sắc phong, được chọn dùng vì ý thích, được bầu chọn thay vì cha truyền con nối (đây là những đặc điểm của emperor mà hoàng đế không có).
Những hàm ý ấy có lẽ chỉ tồn tại trong quá khứ, nay đã bị lãng quên. Hàm ý mà ngày nay còn lưu lại là: hoàng đế/emperor là danh xưng cao nhất với mọi quân chủ, và vương/king là danh xưng luôn luôn thua kém hoàng đế/emperor. Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê có thể xác nhận sự tồn tại của hàm ý này.
Hoàng đế: d. Vua của một nước lớn, thường được nhiều nước xung quanh thần phục.
Như vậy tức là khi dịch thành nữ vương Anh, người nghe có một ấn tượng rằng bà nữ vương này trong hiện tại hoặc quá khứ từng là một quân chủ xếp dưới một vị hoàng đế nào đó, và nói chung bà ấy và đất nước của bà ấy đã từng không ở vị trí cao nhất. Rõ ràng theo lịch sử mà chúng ta biết, đây là cách hiểu sai, và cho thấy sự thất bại của người dịch.
Ngay cả khi chúng ta đồn đoán về động cơ, rằng bà ấy chọn danh queen để giảm nhẹ so với danh empress, thì cũng sai. Vì với người châu Âu hai danh này không có sự phân cấp về sắc thái trong cảm nhận chủ quan, nó hàm chứa sự khác biệt về những cái khách quan, như là số lượng thuộc địa hay phân vùng văn hoá, mà thôi.
Trong trường hợp này dịch thành nữ hoàng Anh lại đúng, vì hàm ý truyền tải của nó đúng, dẫu không đầy đủ, nhưng việc truyền tải thiếu ý dễ chấp nhận hơn việc truyền tải sai ý. Vì thiếu thì có thể tìm hiểu thêm để bổ sung, nhưng sai thì phải sửa sai và đây là công việc khó vì định kiến rất khó sửa.
Nói về tương đương, thật ra có quá ít tương đương để dịch, nhưng đòi hỏi trong thực tiễn là dịch giả phải dịch ra, trong khi giữ nguyên ngữ là cách làm lười biếng không được đạo đức nghề nghiệp ủng hộ, còn sáng tạo từ mới thì quá khó (bản thân tôi không đề xuất được từ mới nào hay), vậy nên các dịch giả xưa đã chọn cách dịch có ít tương đương như vậy là thông cảm được, dẫu nó khiến dư luận hình thành định kiến và lười tìm hiểu nghĩa ở ngữ nguồn.
Chúng ta không thể đảo ngược được vết bánh xe đã lăn này của lịch sử, nhưng chúng ta có thể lựa chọn phương án ít tồi tệ hơn trong hai phương án đều tồi tệ.
Lại nói về bối cảnh, trong bối cảnh xã hội hiện đại và phạm vi không gian toàn thế giới thì phương án dịch vương không phù hợp, nhưng với một bối cảnh hẹp hơn thì có thể nó lại phù hợp. Chẳng hạn trong một tài liệu lịch sử bó hẹp về mối quan hệ giữa đế chế La Mã và các quốc gia phiên thuộc của nó, emperor thành hoàng đế và king thành vương là phù hợp, dẫu rằng vẫn có nhiều king khác thời bấy giờ không lệ thuộc La Mã, nhưng người dịch được quyền không xét đến vì nó không nằm trong bối cảnh của văn bản.
Điều này có thể áp dụng phổ quát trong công việc dịch thuật. Chẳng hạn trong một câu chuyện chỉ nhắc thoáng qua tên của một giống chó mà nhân vật nuôi, thì dù có là husky, shiba, pitbull, labrador, rottweiler, hay chihuahua, thì người dịch hoàn toàn chỉ cần dịch thành “chó” là đủ, vẫn phù hợp và không hề sai. Nhưng nếu câu chuyện kể về một nhân vật nuôi tất cả giống chó trên và chúng đồng thời xuất hiện trong bối cảnh, lúc ấy người dịch bắt buộc phải dịch từng tên giống chó bằng những từ khác nhau.
Tương tự, witch, wizard, sorcerer, mage, warlock, necromancer, shaman, druid, đều có thể được dịch thành pháp sư nếu văn bản chỉ đề cập đến một trong số đó, nhưng khi tất cả cùng xuất hiện thì dịch giả mới cần tìm nhiều từ tương ứng để dịch: pháp sư, phù thuỷ, thầy đồng, huyễn giả, thuật sĩ, v.v. Việc đòi hỏi dịch tương ứng 1-1 vốn dĩ là không tưởng do sự khác biệt và thậm chí sự thiếu hụt thuật ngữ của ngữ đích. Đây là vấn đề cố hữu của công việc dịch thuật, nó xảy ra với mọi ngôn ngữ. Cũng vì thế mà tiếng Pháp có ngạn ngữ rằng “Traduire, c’est détruire” (Dịch là diệt).
Nói vậy cũng có nghĩa là văn cảnh rất quan trọng để dịch và đánh giá bản dịch. Mọi phán xét về cách dịch thuật ngữ trong một hệ thống mà không đề cập đến văn cảnh là một biểu hiện của việc học chưa tới.
3. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng… Tàu
Phần cuối cùng, tôi bàn về luận điểm cuối của phong trào đòi sửa cách dịch, đó là họ cho rằng đã dịch thành vương quốc thì người đứng đầu phải là vương hậu cho khớp với hệ thống vương và hoàng. Và hệ thống này cần được tuân thủ bởi vì người Trung Quốc sáng tạo ra chúng.
Nói cách khác:
Người Việt dùng tiếng Việt cần phải nhìn mặt người Tàu dùng tiếng Tàu, qua đó mới đủ tư cách nói rằng thế nào là tiếng Việt chuẩn (!?).
Hiện tượng này tiếp tục xuất phát từ điểm yếu cố hữu của những người nghiệp dư, đó là thiếu các kiến thức lí luận ở nền tảng. Nhiều người trình độ triết học, ngôn ngữ học và lí luận ngôn ngữ quá yếu, trong khi lại được trang bị tốt các thứ tiếng khác. Vậy là họ có xu hướng coi ngoại ngữ họ biết là khuôn vàng thước ngọc cho những từ mượn trong tiếng mẹ đẻ, và từ mượn thì phải tuân theo tổ tiên của nó ở ngoại ngữ, thế mới là phải đạo.
Nếu được trang bị kiến thức ngôn ngữ học, họ sẽ biết cách lí luận rằng từ mượn mang mục đích phục vụ cho người bản xứ, và do đó nó phải có quyền hoà vào môi trường ngôn ngữ bản xứ, từ khía cạnh ngữ âm cho đến ngữ nghĩa, cho đến cả cách ghép từ theo quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ bản xứ. Trong suốt quá trình này, người bản xứ có toàn quyền với nó mà không cần nhìn mặt người nước ngoài để dùng. Nếu từ mượn không có cái quyền đó thì nó mất đi mục đích mà nó sinh ra. Và lúc đó người ta không phải đang mượn từ mà đơn giản là đang học ngoại ngữ.
Các chiến binh “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Tàu” có thể nói rằng: Nếu thế thì khi dùng từ đó với người Tàu họ không hiểu được. Trả lời: Dĩ nhiên người Tàu phải không hiểu từ Hán-Việt rồi, vì từ Hán-Viêt là tiếng Việt chứ không phải tiếng Tàu. Sẽ hết sức bình thường nếu người Tàu không hiểu tiếng Việt. Hẳn nhiên, từ mượn tiếng Việt dùng để người Việt hiểu với nhau, không cần thiết phải cho người nước ngoài hiểu.
Hành động bắt ép từ mượn phải vận động theo nguyên tắc từ gốc ở ngoại ngữ là hành động của những người học chưa tới. Thường người học tiếng Trung thì muốn mọi từ Hán-Việt phải theo nguyên tắc tiếng Trung, người học tiếng Pháp muốn tương tự với tiếng Pháp, và người học tiếng Anh cũng thế. Nhưng họ nào biết các từ mượn tiếng Việt vẫn đã và đang vận động một cách riêng biệt trong tiếng Việt, và rất có thể bản thân họ dùng cách vận động Việt hoá ấy mà không biết.
Chẳng hạn những người không biết tiếng Pháp sẽ không biết điều này: Cơ thủ (trong môn bi-a) là một từ ghép đặc biệt do người Việt tạo ra và chỉ người Việt dùng, trong đó “cơ” là phiên âm từ queue (gậy chơi bi-a) của Pháp, còn “thủ” là từ Hán-Việt. Nhưng tiếng Pháp và tiếng Trung không có nguyên tắc nào để tạo ra từ “cơ thủ” cả, chỉ có tiếng Việt mới thế thôi. Tương tự với tiếng Anh là “ghêm thủ”. Những từ này được người Việt đón nhận một cách tự nhiên, chứng tỏ đây là cách vận động của tiếng Việt, và không có lí do gì phải nhìn mặt các thứ tiếng khác để cư xử.
Công bằng mà nói, biết được nguồn gốc từ mượn là một ưu thế để tìm hiểu nghĩa từ đó khi mà nó còn quá mới mẻ với ngôn ngữ bản xứ và chưa được định hình nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, các chiến binh “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Tàu” thì luôn ôm tham vọng sửa nghĩa của những từ đã quá quen với toàn dân và được quá nhiều người dùng rồi.
Đây đơn giản chỉ là một biểu hiện của việc học chưa tới.
Tham khảo:
[1] “Nguồn Gốc Ra Đời và ý Nghĩa Của Danh Xưng Hoàng đế.” Trí Thức VN, 11 May 2022, trithucvn.org/van-hoa/nguon-goc-ra-doi-va-y-nghia-cua-danh-xung-hoang-de-la-gi.html. Accessed 15 Sept. 2022. [2] Galinsky, Karl (2005). The Cambridge companion to the Age of Augustus. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-80796-8. Retrieved 2011-08-03. [3] Fishwick, Duncan (2004). The Imperial Cult in the Latin West III, Part 3. Brill. p. 250. ISBN9789047412762.
Các bài viết về kiến thức nền tảng trong dịch thuật.
Bài này được viết nhân sự kiện nữ hoàng Anh qua đời, chúc bà nhận về hồng ân vĩnh hằng từ Thiên Chúa trên Nước Trời, và xin chia buồn với những ai yêu mến bà.
TORNAD
15/09/2022
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất