Dịch là công việc chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Theo nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson thì nói đến dịch là bao gồm cả ba thể loại: Dịch nội ngữ (giải nghĩa một kí hiệu ngôn ngữ bằng chính kí hiệu ngôn ngữ ấy), Dịch liên ngữ (giải nghĩa kí hiệu ngôn ngữ này bằng kí hiệu ngôn ngữ khác), và Dịch liên kí hiệu (giải nghĩa kí hiệu ngôn ngữ bằng kí hiệu phi ngôn ngữ); tuy nhiên đối tượng bài viết này chỉ nói về thể loại dịch liên ngữ. Trong dịch liên ngữ, văn bản được dịch gọi là văn bản nguồn (VBN) viết bằng ngôn ngữ nguồn (NNN), và văn bản dịch thành gọi là văn bản đích (VBĐ) viết bằng ngôn ngữ đích (NNĐ).
Trong dịch thuật lại chia ra gồm dịch nói (phiên dịch) và dịch viết (biên dịch), bài viết này chỉ nói về dịch viết. Các tài liệu viết được chia thành hai nhánh lớn là giả tưởngphi giả tưởng, đối tượng của bài viết này là thể loại giả tưởng, cụ thể hơn là văn chương. Dầu vậy, định nghĩa văn chương là một chủ đề khác và rất dài nên ở đây khi nói về văn chương ta hãy hiểu là nói chung về thể loại giả tưởng.
Dịch sátdịch thoát thực chất chỉ là cách gọi nôm na cho hai trường phái dịch đối nghịch nhau, chúng không phải là thuật ngữ trong bất kì hệ thống lí thuyết dịch thuật nào. Khi dùng cụm từ dịch sát và dịch thoát là tôi muốn nói đến hai trường phải dịch luôn xuất hiện và tồn tại song song với nhau nhưng lại mâu thuẫn không thể dung hoà, tựa như anh em song sinh Atrée và Thyeste trong thần thoại Hi Lạp. Dịch sát đại diện cho các phương pháp dịch từ đối từ (word-by-word), tương đương hình thức (formal equivalence), và ngoại hoá (foreignization); còn dịch thoát đại diện cho ý đối ý (sense-by-sense), tương đương chủ ý (dynamic equivalence), và nội hoá (domestication). Thảy sẽ được trình bày dưới đây.


I. TỪ ĐỐI TỪ hay Ý ĐỐI Ý



Các nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử lí thuyết dịch thuật phải kể đến Marcus Tullius Cicero và Thánh Jerome với công việc dịch Kinh Thánh từ tiếng Hi Lạp sang La-tinh của họ.
Cicero, một dịch giả sống từ thời trước công nguyên, chủ trương phương pháp dịch ý đối ý, ông cho rằng không cần phải dịch sát từng từ một, mà chỉ cần truyền tải được phong cách và nội dung tác phẩm là đủ rồi. Đối với ông bản dịch như một tác phẩm viết lại, tài năng của người dịch nằm ở việc diễn lại ý tưởng của VBN có tốt hay không, đồng thời làm giàu cho NNĐ. Nhiều học giả cho rằng lí luận của ông là điểm xuất phát cho lí thuyết dịch phương Tây.
Còn Thánh Jerome, một người sinh sau đẻ muộn hàng trăm năm, thì ngược lại, ông chủ trương dịch từ đối từ, không những thế còn giữ nguyên cả cấu trúc câu, với lí luận rằng Kinh Thánh là điều thiêng liêng đến mức chúng ta phải trung thành tối đa, nếu dịch thoát rất có thể sẽ làm rơi rụng hoặc hiểu sai lời nói của Chúa, đặc biệt là với văn bản không ai hiểu hoàn toàn được như Kinh Thánh. Bản dịch Kinh Thánh của ông được Giáo hội La Mã coi là bản dịch chính thức. Ông được coi là ông tổ ngành dịch, từ năm 1953 người ta lấy ngày mất của ông, 30/9, làm ngày kỉ niệm Quốc tế Dịch thuật.

Trên đây là quan điểm của hai người họ về dịch Kinh Thánh, còn với tác phẩm bình thường thì cả hai người, kể cả Thánh Jerome, vẫn dịch ý đối ý, phương pháp này phổ biến ở La Mã thời đó hơn. Tuy nhiên ta phải biết rằng đế quốc La Mã bấy giờ dùng cả hai thứ tiếng Hi Lạp và La-tinh, ai cũng đọc được VBN rồi, dịch không phải để giúp mọi người đọc mà cốt để mọi người so sánh và thưởng thức con chữ mà thôi. Lúc bấy giờ các tác phẩm tiếng La-tinh rất lép vế trước kho sách đồ sộ Hi Lạp nên công việc dịch để làm giàu cho tiếng La-tinh là vậy.
Nhìn chung dịch thuật thời đó là công việc chơi đùa với con chữ của các dịch giả và độc giả đều đã thông thạo cả hai thứ tiếng, rất khác với bây giờ, đặc biệt với cộng đồng đọc sách ở Việt Nam.


II. TƯƠNG ĐƯƠNG HÌNH THỨC hay TƯƠNG ĐƯƠNG CHỦ Ý



Kể từ thời của Cicero và Thánh Jerome cho mãi đến nửa đầu thế kỉ 20 nhân loại không tìm ra lí thuyết dịch nào hoàn toàn mới mẻ. Tuy thế trong quãng thời gian đằng đẵng ấy vẫn có những nhà tư tưởng đưa ra những ý tưởng có khác biệt đôi chút: Etienne Dolet, John Denham, John Dryden… cho rằng dịch giả không chỉ đơn giản là giỏi hai thứ tiếng, mà còn cần phải am hiểu văn hoá của NNN, nhạy cảm với tác phẩm, và đồng điệu hồn văn với tác giả nữa.
Alexander Fraser Tytler với đại luận Essay on the principles of translation (Luận về các nguyên tắc dịch thuật) đã đề ra ba nguyên tắc: 1/ Dịch phẩm nên sao chép trọn vẹn ý tưởng của nguyên tác. 2/ Văn phong nên giống với nguyên tác. 3/ Dịch phẩm phải có tất cả tính trôi chảy của nguyên tác. Ông cho rằng dịch giả nên có tài năng càng tương đương với tác giả càng tốt, không những thế dịch giả nên có cách tư duy tương đồng với tác giả nữa.
Eugene Nida (1914-2011)
Eugene Nida, nhà ngôn ngữ học người Mĩ của đầu thế kỉ 20 và là người sáng lập ngành dịch thuật học hiện đại, đã đề ra hai phương pháp là tương đương hình thức (TĐHT) và tương đương chủ ý (TĐCY):
Tương đương hình thức (formal equivalence) là cách dịch bám sát VBN về cả hình thức lẫn nội dung. Hình thức ở đây là văn phong và cấu trúc câu: câu dài dịch thành dài, trúc trắc thành trúc trắc, thơ thành thơ, tục ngữ thành tục ngữ. Nội dung ở đây là ý tưởng, chủ đề, tinh thần tác phẩm.
Tương đương chủ ý (dynamic equivalence) hoặc tương đương chức năng (functional equivalence) là cách dịch hướng về ý định của tác giả và sao cho thoả mãn được chức năng của các kí hiệu ngôn ngữ mà tác giả dùng, trong khi không cần phải bám sát hình thức của văn bản.
Cần nói thêm về TĐHT, có những đặc thù ngôn ngữ mà không thể bám sát được ở cấp độ từ, ví dụ một cụm danh từ tiếng Anh thì (các) tính từ đứng trước và danh từ sau cùng, còn tiếng Việt thì ngược lại (tính từ bổ nghĩa cho danh từ ở cụm danh từ trong tiếng Việt được gọi là định ngữ); vậy từ good book [good: hay, book: sách] thì một người dịch theo phương pháp TĐHT vẫn phải dịch là sách hay thay vì hay sách.

Nhưng cả TĐHT và TĐCY đều có những vấn đề của riêng chúng. Lấy ví dụ một thành ngữ quen thuộc với người nói tiếng Anh: An apple a day keeps the doctor away (từ đối từ: một quả táo mỗi ngày để tránh xa bác sĩ). Ý câu trên muốn nói táo là loại thức ăn có thể ăn hàng ngày và rất tốt cho sức khoẻ.
Dịch giả theo TĐHT sẽ dịch thành ăn táo hàng ngày để khỏi cần bác sĩ, hay khéo hơn thì sẽ là táo tươi mỗi ngày, thày lang mất việc để bám sát cả vần, cả tính đăng đối và tính ngắn gọn của câu thành ngữ. Còn dịch giả theo TĐCY sẽ dịch bằng một câu thành ngữ tương đương của Việt Nam: cơm không rau như đau không thuốc. Ta thấy mục đích là một lời khuyên về lối sống dưới dạng thành ngữ đều đã được cả hai dịch giả đáp ứng bằng những cách khác nhau.
Tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản như thế. Với thành ngữ gốc ta cần chú ý đến yếu tố táo ăn hàng ngày. Sự thật hiển nhiên là loại quả này rất phổ biến với những người nói tiếng Anh, nhưng với người Việt Nam thì không, táo với người Việt để ăn chơi, thức ăn hàng ngày của họ là cơm tẻ và rau xanh, bắt người Việt suy nghĩ rằng quả táo đối với họ phải phổ biến như người Anh thì là một sai lầm. Nếu xét theo góc độ này, dịch giả theo TĐHT đã đưa ra phương án dịch không tốt.
Nhưng nếu tác phẩm đậm màu văn hoá phương Tây, tác giả và dịch giả muốn người đọc hoà mình vào nền văn hoá ấy, thì thật sai lầm khi chọn phương án cơm không rau như đau không thuốc. Nó sai tông và lạc loài. Mặt khác còn phải xét đến văn cảnh, nếu đó là câu nói để một người mẹ khuyên đứa con chăm ăn táo thì chắc chắn phương án dịch ra phải giữ được chữ táo yếu tố thành ngữ, đó là tối thiểu. Với người dịch giỏi hơn sẽ yêu cầu cả vần điệu giống như câu gốc.

Một ví dụ khác khó hơn lấy từ tác phẩm Bức hoạ Dorian Gray của Oscar Wilde: thành ngữ thrown bonnet right over the mills (ném mũ bô-nê lên cối xay). Nếu tra từ điển thông thường (như trang Thefreedictionary) thì chỉ nói được nghĩa bóng câu này muốn chỉ một hành động dại dột; trong tiếng Việt có câu gần tương đương là hết khôn dồn đến dại. Tuy nhiên phương án này tuyệt đối không dùng được vì văn cảnh sau đó người nói đã lấy nghĩa đen của từ mũ bô-nê và cối xay gió để chơi chữ: "đống mũ bô-nê của bọn chị mãi chẳng đội vừa đầu, còn các cối xay thì mãi bận rộn lấy gió."
Mặt khác, thành ngữ trên còn ẩn giấu yếu tố văn hoá phương tây. Wilde đã dịch câu đó từ tiếng Pháp jeter son bonnet par-dessus les moulins (tung mũ đội lên cối xay), ý chỉ người phụ nữ có hành động trái với thói thường, bất chấp miệng đời. Bắt nguồn từ thế kỉ mười chín, phụ nữ bấy giờ luôn luôn đội mũ hoặc trùm khăn để giấu mái tóc, chỉ trừ lúc trong phòng riêng. Có câu phụ nữ đầu trần (femme en cheveux) ý chỉ phụ nữ tồi tệ. Hành động tung mũ lên cối xay được coi như biểu tượng cho hành động phá bỏ lề thói, không sá thân mình của người phụ nữ. Như vậy nếu xét sâu xa, câu ấy không chỉ nói về hành động dại dột đối với xã hội, mà còn nói lên lòng can đảm của phụ nữ, do đó thành ngữ này chỉ được dùng cho phụ nữ thôi. Mũ bô-nê cũng là vật dụng chỉ của phụ nữ và thường được nhắc đến trong tác phẩm Bức hoạ Dorian Gray.
Mũ bô-nê của phụ nữ Anh thời Victoria
Rốt cuộc ta thấy TĐHT hay TĐCY đều có ưu nhược điểm, và việc theo phương pháp nào còn tuỳ vào văn cảnh chứ không hoàn toàn nằm ở tự do lựa chọn của dịch giả. Còn nếu trong trường hợp dịch giả được tự do lựa chọn thì còn phải suy tính đến tác giả và độc giả của mình: để yên tác giả và bắt độc giả phải đến gần tác giả để hiểu, hay là để yên độc giả và biến văn phong của tác giả cho phù hợp với độc giả?
Đây là chủ đề chính của phần III, phương pháp ngoại hoá nội hoá của Schleiermacher.


III. NGOẠI HOÁ hay NỘI HOÁ



Friedrich Schleiermacher là nhà thần học người Đức, ngày 24 tháng Sáu năm 1813 lần đầu tiên ông công bố tiểu luận Über die verschiedenen Methoden des Übersezens (Bàn về các phương pháp dịch thuật khác biệt). Bài luận được ông phát biểu trong cuộc gặp gỡ ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia tại Berlin và đã gây nên tiếng vang.
Các ý tưởng trong bài luận của Schleiermacher được kế thừa từ triết gia Đức Johann Gottfried Herder (1744-1803). Herder lí luận rằng chính ngôn ngữ định hình tư tưởng của con người chứ không phải ngược lại. Và bởi vì tư duy con người bị ràng buộc từ đặc thù ngôn ngữ mà họ sử dụng nên tư duy tác giả và dịch giả không thể nào giống nhau, do đó dịch là công việc rất khó khi mà dịch giả phải tìm hiểu cả tư duy và động lực nào khiến tác giả viết ra tác phẩm. Hay nói cách khác dịch giả như là tri kỉ của tác giả. Ngoài ra Herder còn cho rằng nhịp điệu của câu văn ảnh hưởng đến cả thông điệp nó muốn truyền tải. Hình thức gắn liền với thông điệp, lí luận này dường như rất giống với trường phái phê bình văn học Hình thức luận (formalism) của thế kỉ 20.

Hai phương pháp dịch được nhắc đến trong tiểu luận của Schleiermacher là:
Ngoại hoá (foreignization): Để yên tác giả hết mức có thể và đưa độc giả đến gần tác giả. Phương pháp này mang phong vị ngoại lai đến VBĐ và xuất hiện những câu trúc câu lạ lẫm với NNĐ, do đó có thể sẽ khiến độc giả thấy lạ lẫm và khó đọc so với văn chương trong nước.
Nội hoá (domestication): Để yên độc giả hết mức có thể và đưa tác giả đến gần độc giả. Phương pháp này khiến cho tác giả tuy là người nước ngoài nhưng lại viết văn như người cùng nước với độc giả, tất cả yếu tố văn hoá và văn phong được đồng hoá với văn hoá của NNĐ nên độc giả sẽ thấy gần gũi và dễ đọc.
Schleiermacher ủng hộ phương pháp ngoại hoá vì cho rằng văn bản là phương tiện truyền đạt những suy tư của tác giả, càng để yên nó bao nhiêu thì thông điệp càng ít bị tổn hại. Đồng thời ông cho rằng không có cách nào dung hoà hai phương pháp trên, mọi cố gắng chỉ được kết quả không như ý. Nhìn chung, cả hai người Schleiermacher và Herder đều ủng hộ phương pháp dịch đầu tiên: ngoại hoá, tức là mang phong vị ngoại lai đến VBĐ. Cho đến nay vẫn còn nhiều bàn luận về chúng, thế kỉ 21 có nhà lí luận dịch thuật Lawrence Venuti, Venuti cho rằng ngoại hoá như là lựa chọn đạo đức của các dịch giả.
Cho đến nay thì số lượng học giả ủng hộ phương pháp ngoại hoá nhiều hơn. Có nhiều lí do cho hiện tượng này: Bây giờ là thời đại các nền văn hoá dễ giao lưu hơn bao giờ hết, do đó việc cần tự giữ gìn và giữ gìn văn hoá cho nhau là quan trọng hàng đầu, không một nền văn hoá nào muốn mình bị đồng hoá cả. Về phía các tác giả thì lại càng không, nghệ phẩm cũng là linh hồn đối với họ, một bức tranh bị người khác kí lên đối với hoạ sĩ là sự xúc phạm tàn nhẫn, một văn phẩm bị bóp méo một chữ thôi cũng là cấm kị đối với văn sĩ. Về phía dịch giả, như đã nói dịch giả nên là tri kỉ của tác giả, có tri kỉ nào lại muốn làm phật lòng bạn mình?

Lấy ví dụ tác gia Cormac McCarthy (1933-nay), ông sở hữu văn phong được ảnh hưởng từ James Joyce. McCarthy yêu sự tối giản và rõ ràng, dấu câu đối với ông chỉ làm phân tâm một cách không cần thiết. Như ông đã từng chia sẻ “Tôi chỉ chấp nhận chấm câu, viết hoa, và thi thoảng phẩy, thế là hết.” Quả vậy, trong tất cả các tác phẩm của ông không có dấu chấm phẩy, không có dấu ngoặc kép (dù vẫn có lời thoại như bình thường), thỉnh thoảng lắm mới có dấu hai chấm và dấu phẩy. Không thể phủ nhận cách viết này gây ra đôi chút khó đọc, nhưng một dịch giả của McCarthy hẳn phải hiểu và đồng cảm với triết lí của ông, nếu chiều lòng độc giả mà sửa văn phong của ông thì có phải là hại nhau không?
Hay Oscar Wilde (1854-1900) thì ngược lại, ông dùng rất nhiều phẩy, chấm phẩy nhưng lại rất ít chấm, có nghĩa là câu văn của ông dài lê thê. Như đa số các tác gia thế kỉ 19, Wilde viết câu văn dài, các ý gối đầu lên nhau, ý trước liên tưởng đến ý sau. Dấu phẩy đặt nhiều để tạo nhịp cho câu, chưa kể đến văn phong riêng của Wilde rất nhiều tính thơ, nó gần như thể loại prose poetry (văn vần). Đọc Wilde dễ làm người ta mệt mỏi vì rườm rà. Nhưng quan điểm nghệ thuật của ông là nghệ sĩ sáng tác mà không cần phải chiều lòng bất kì ai, như ông chia sẻ trong tiểu luận The Soul of Man under Socialism (1891).
“Một nghệ phẩm là kết tinh độc nhất từ một khí chất độc nhất. Vẻ đẹp của nó bắt nguồn từ thực tế rằng tác giả là chính bản thân mình. Chẳng có bất kì can hệ gì đến những ham muốn của kẻ khác. Quả vậy, thời khắc mà nghệ sĩ chú ý đến ham muốn của kẻ khác, và cố gắng đáp ứng họ, y không còn là nghệ sĩ nữa, mà trở thành một thợ thủ công đần độn hoặc nực cười, một con buôn thật thà hoặc xảo trá. Y không được coi là nghệ sĩ nữa.” – Oscar Wilde
Nếu một dịch giả của Wilde một khi đã hiểu tư tưởng trên mà vẫn sửa văn phong của ông để cốt sao cho nhiều người đọc, như thế thật quá bằng “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!”

Nói tóm lại, các tranh luận về dịch sát hay dịch thoát vẫn đã, đang và sẽ kéo dài trong lịch sử nhân loại bởi vì mỗi trường phái nếu đào sâu đến cùng thì đều đúng đắn theo cách riêng của nó. Tuy nhiên đúng sai không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng ở chỗ trường phái nào có triển vọng đào sâu hơn, hợp với thời đại hơn, hợp với giới tác giả, dịch giả hoặc độc giả hơn thì sẽ được nhiều ủng hộ hơn.
Còn với dịch giả, hai lựa chọn tập trung vào tác giả hoặc vào độc giả chưa bao giờ dung hoà được. Được cái này sẽ mất cái kia. Nếu như văn cảnh cho phép thì đây hoàn toàn là lựa chọn tự do tri thức của dịch giả, hãy dùng tri thức của mình để đưa ra lựa chọn khôn ngoan nhất.

NGUYỄN TUẤN LINH 
15/2/2019



Tham khảo:
Dịch thuật và tự do. Hồ Đắc Túc, NXB Hồng Đức, 2012.
Nhập môn nghiên cứu dịch thuật: Lý thuyết và ứng dụng. Jeremy Munday, Trịnh Lữ dịch, NXB Tri Thức, 2009.
Bức hoạ Dorian Gray. Oscar Wilde, Nguyễn Tuấn Linh dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2018.
Über die verschiedenen Methoden des Übersezens. Friedrich Schleiermacher, 1813.
Essay on the principles of translation. Alexander Fraser Tytler, 1791.
The Soul of Man Under Socialism. Oscar Wilde, 1891.
Và các trang mạng về danh nhân và lịch sử dịch thuật mà người viết không nhớ hết.



Bài được đăng đầu tiên tại Ipick