Tranh vẽ Thánh Jerome, một dịch giả sống ở thời cổ đại, của Caravaggio

Trong quá trình dịch, hẳn người dịch nào cũng từng một lần gặp vấn đề hóc búa cả về mặt lí luận lẫn cảm tính – đó là có nên dịch tên riêng hay không: không dịch thì mâu thuẫn nếu xét theo lí trí, mà dịch thì nhiều khi cái tên trông hơi xấu nếu xét theo cảm tính.
Nhưng với trào lưu hiện hành trong giới dịch, theo kinh nghiệm tôi có được, thì hầu hết mọi người thiên về lựa chọn không dịch, mặc cho những mâu thuẫn vẫn lù lù ở đấy chưa ai giải quyết. Ảnh sau là một khảo sát nhỏ do tôi mở trong nhóm Biên phiên dịch trên Facebook, kết quả cho đến giờ là 377 người không ủng hộ dịch, 71 người ủng hộ dịch và 19 người chọn ý kiến khác.

Dịch ở đây bao gồm cả dịch nghĩa và phiên âm. Đại thể các lí do cho lựa chọn không dịch được chia làm ba nhóm như sau:
    1. Giữ nguyên tên (nếu viết bằng bộ chữ Latin) để thể hiện lòng tôn trọng văn hoá nước ngoài, và mong họ cũng làm tương tự với chúng ta.
    2. Để truyền tải ấn tượng về tính khó nhớ và khó đọc, ngay cả với người đọc nguyên tác, của một số cái tên, chẳng hạn Schleiermacher, nếu phiên âm ra tiếng Việt thì dễ nhớ và dễ đọc hơn nhiều: Sơ-lai-ơ-ma-khơ, nhưng thế thành ra lại làm mất đi ngụ ý của tác giả. Mặt khác phiên âm không thể giúp người đọc phát âm chuẩn mà chỉ lơ lớ thôi, trong khi với người đọc thạo tiếng Đức đáng lẽ họ đã phát âm chuẩn được nếu được nhìn tên gốc.
    3. Vì cho rằng tên riêng không có nghĩa nên không cần và không nên dịch.
Bản thân tôi tán thành với hai lí do đầu, duy có lí do thứ ba thì không, nhưng trớ trêu thay đó lại là lí do quan trọng nhất. Dưới vị trí cả người đọc và người dịch, tôi ủng hộ dịch tên riêng cũng vì chính lí do thứ ba. Mọi vấn đề cũng từ đây mà ra, giả như không xét đến lí do thứ ba thì mọi chuyện đã dễ dàng đi nhiều.

Tên có nghĩa hay không ở đây ý nói đến một khái niệm có thể định nghĩa hay không. Xét theo mặt nghĩa trong khi dịch, các danh từ được tôi chia làm ba nhóm:

    1. Danh từ chung: chúng có nhiều định nghĩa từ đủ ngành học nhằm chỉ đến một loại sự vật nhất định. Tỉ dụ danh từ chó, với sinh vật học nó có một định nghĩa với nội hàm và ngoại diên nhất định để sau này nói đến chó người nghe chỉ tham chiếu đến một loại sự vật nhất định, chứ không nhầm sang loại sự vật khác.

    2. Danh từ riêng: chúng không cần thiết phải được định nghĩa, vì mục đích của chúng là để phân biệt một sự vật duy nhất với những cái khác. Khi nói con chó Han, Han là danh từ riêng và không có định nghĩa gì cả. Nhưng chính vì không được định nghĩa nên danh từ riêng rất dễ bị nhầm với sự vật khác, khi nói con chó Han, tôi không phân biệt được con Han nhà tôi nuôi hay con Han nhà hàng xóm.
Trong một số trường hợp người ta sẽ gán nghĩa cho danh từ riêng, ví dụ tôi đặt tên chó nhà mình là Han Đen vì nó lông đen, của hàng xóm là Han Vàng vì nó lông vàng. Lúc này cái tên có tính ngữ dụng bởi khi nhìn vào bối cảnh hai con chó đen, vàng đứng cạnh nhau, một người xa lạ cũng phân biệt được chúng nhờ cái tên. Bởi hai lí do (1) tên có nghĩa, dù có thể chỉ một phần tên có nghĩa, và (2) cái nghĩa đó có liên kết với bối cảnh đang nói đến.
Nếu dịch ra tiếng Anh mà phá bỏ mối liên kết giữa cái tên và bối cảnh đi, thì là một sai lầm tuyệt đối. Han Den và Han Vang người Anh sẽ chẳng có chút tham chiếu nào đến màu sắc cả, thế mà bối cảnh vẫn cho thấy người xa lạ dễ dàng phân biệt được chúng thì rõ là quái đản. Phương án dịch sẽ là Black Han Yellow Han, nửa tây nửa ta vậy đấy, nhưng thế mới đúng.
Như vậy, danh từ riêng vẫn có thể có nghĩa nếu tác giả muốn.

    3. Danh từ mờ nghĩa: chúng là danh từ riêng có nghĩa nhưng theo thời gian và bối cảnh mà khiến cái nghĩa không còn cần phải biết đến.
Ví dụ cho trường hợp này có nhiều hơn mọi người tưởng, chắc ít ai biết các địa danh và họ của người châu Âu hầu hết là danh từ mờ nghĩa. Xa xưa người ta chỉ gọi nhau bằng tên là đủ vì cộng đồng sinh sống ít người nên ít trùng tên, dân số tăng dẫn đến trùng tên ngày càng nhiều, họ bắt đầu gọi nhau bằng biệt danh theo cấu trúc Tên + Biệt danh. Mà các biệt danh hầu hết là từ có nghĩa cả, như Carpenter nghĩa là thợ mộc, Baker là thợ làm bánh, dùng lâu ngày thành một cái họ, rồi cha truyền con nối nên nhiều đời sau cái họ vẫn mang nghĩa cũ nhưng người thì không còn làm nghề cũ nữa, dẫn đến ý nghĩa không còn liên kết với bối cảnh. Ngoài ra chính tả thay đổi nên nhiều từ có cách viết khác với hiện nay.
Với địa danh cũng tương tự vậy, hồ Low Freight gốc từ tiếng Pháp L'eau Froide nghĩa là nước lạnh. Hay thành phố Cut and Shoot (Chém và bắn) ở bang Texas có nguồn gốc từ cuộc mâu thuẫn suýt dẫn đến bạo lực của người dân ở đó thời kì đầu, tất nhiên bây giờ không còn mâu thuẫn nữa nhưng ý nghĩa cái tên vẫn thế.
Tôi đều gọi là mờ nghĩa.
Ban nhạc The Carpenters

Như vậy về nghĩa chúng ta đã biết bất kì tên riêng nào cũng đều có thể có nghĩa, vấn đề bây giờ chỉ tuỳ thuộc ở bối cảnh. Giả dụ khi viết về ban nhạc gia đình The Carpenters mà dịch thành Thợ Mộc thì không nên, bởi hai anh em nhà họ làm nghề ca hát chứ chẳng liên quan đến mộc. Nhưng với văn cảnh có liên quan đến ý nghĩa cái tên thì khác.
Lấy ví dụ vở kịch The Importance of being Earnest của Oscar Wilde, riêng cái nhan đề đã có hai nghĩa. Một là tầm quan trọng của việc tỏ ra nghiêm túc, hai là tầm quan trọng của việc giả làm cái anh mang tên Earnest. Vậy cái tên Earnest đã rơi đúng vào cả hai vấn đề là vừa có nghĩa mà cái nghĩa lại vừa liên kết đến bối cảnh.
Nếu không dịch thì người đọc không biết tiếng Anh sẽ không thể liên kết giữa Earnest (danh từ riêng) và nghiêm túc (tính từ), trong khi chủ ý của Wilde rõ ràng muốn biểu hiện cả hai ấn tượng đó cùng lúc đến người đọc. Không dịch ở đây vừa là kéo lùi một cách vụng về cái hay của tác phẩm, vừa khiến người đọc khó hiểu khi gặp những tình tiết sau đó.
Ảnh quảng cáo vở kịch The Importance of being Earnest năm 2018

Có nhiều ý kiến đưa ra rằng chỉ cần giữ nguyên tên rồi chú thích là được. Thế nhưng mục đích của chú thích là gì? Đó là gieo vào đầu người đọc một ấn tượng mà dịch giả không sao làm được ở ngay trên văn bản. Diễn giải ra thì là: Bởi vì tôi không thể chơi chữ bằng cách dùng 1 từ để biểu hiện 2 nghĩa như nguyên tác, nên tôi đành phải biểu hiện 1 nghĩa trên văn bản, và 1 nghĩa dưới chú thích, với mong muốn là sau này người đọc nhìn thấy 1 từ thì hãy tham chiếu đến cả 2 nghĩa cho tôi. Chú thích cho các trường hợp chơi chữ chỉ có thể là thế chứ không gì khác.
Nhưng nếu mục đích đã là gieo vào đầu người đọc 2 nghĩa một lúc, trong khi chỉ cần dịch ra là được, thì tại sao không dịch? Gạt bỏ hết các câu trả lời có thể xử lí bằng lí trí thì còn lại một câu trả lời bằng cảm tính, ấy là tên dịch ra trông... xấu. Nhưng xấu hay đẹp là chủ quan, năm người mười ý, dịch giả không thể chiều lòng tất cả, mà mặt khác, quan trọng hơn cả, dịch giả không phải là nhân viên giải trí phục vụ ý chí các thượng đế thời hiện đại.
Trong lĩnh vực dịch văn chương, dưới vị trí người dịch văn chương, tôi quan niệm dịch giả buộc phải dịch trong đơn độc với tính nhất quán trong nguyên tắc của mình. Chỉ có hai điều tác động lên dịch phẩm là ý chí dịch giả và ý chí tác giả mà thôi. Công việc của dịch giả tái tạo nguyên tác bằng ngôn ngữ khác với tinh thần bám sát nguyên tác nhất có thể. Suy cho cùng mục đích của dịch phẩm là bộc lộ các ấn tượng của nguyên tác bằng ngôn ngữ khác, ngoài ra không còn gì khác.

Nói thêm về chua, ngoài vấn đề nêu trên, còn có hai vấn đề khác:
Thứ nhất, đâu là ranh giới giữa trường hợp cần chua và không cần chua với tên riêng? Như thường gặp là xét theo ý nghĩa, nhưng như trên đã chỉ ra tên riêng cũng có nghĩa. Còn nếu như đặt nguyên tắc theo cảm tính rằng cùng là từ có nghĩa cả nhưng dịch giả thích dịch thì dịch, còn không thích thì để nguyên và chú thích, điều đó sẽ dẫn đến thảm hoạ là có thứ văn nửa tây nửa ta nhưng vẫn được nguyên tắc chấp nhận. Như sau đây là một bài viết thực tế tôi lấy trên mạng.

Còn nếu là bản dịch thì chỉ cần giữ nguyên như thế và chua thêm như ảnh dưới đây là đủ, ví dụ do tôi giả định.

Nhưng thảm hoạ của nguyên tắc cảm tính này không chỉ là vấn đề “nhìn xốn mắt”, việc chua tuỳ tiện dễ dẫn dịch giả đến sự lười biếng, bởi khi gặp từ khó, việc tìm đúng từ là rất đau đầu, thậm chí còn phải tìm hiểu để tạo từ mới sao cho đúng ngữ pháp và không tuỳ tiện. Nhưng các dịch giả sẽ không cần nhọc công như vậy nữa khi chỉ cần giữ nguyên và giải nghĩa ở dưới.
Giả sử người đầu tiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt đã không dùng từ Mùa Chay mà giờ đây đã quen thuộc với giáo dân, thì chắc mãi mãi họ chỉ dùng Lent theo tiếng Anh, cũng như rất nhiều thuật ngữ trong Công giáo khác không bao giờ có tên tiếng Việt.

Thứ hai là dưới cả vị trí người đọc lẫn người dịch, mạch đọc là điều tôi rất chú trọng, mạch đọc như là dòng chảy cảm xúc khi ta trải nghiệm nghệ phẩm, khi được cuốn vào dòng chảy ta nhập tâm hơn, dễ cảm thụ hơn, các liên kết ẩn nổi rõ hơn. Nhưng tất cả đều bị ngắt quãng chỉ vì một cái chua kéo ta ra khỏi câu chuyện và văn phong của tác giả, để đọc những kiến thức bên lề bằng văn phong của người khác.
Nhưng tôi được biết rất nhiều người đọc văn chương lại thích có càng nhiều chua càng tốt. Có thể họ nghĩ sẽ gom góp được nhiều kiến thức hơn bằng cách đó, hoặc thấy yên tâm hơn vì nó thể hiện dịch giả chịu dày công tra cứu chăng? Nhưng tôi khẳng định với thời buổi có mạng toàn cầu hiện nay thì kiến thức ở chú thích không đáng là bao cả, bởi chú thích thường chỉ vài câu ngắn gọn trong khi không thứ kiến thức nào nên bị truyền bá dưới hình thức quá ngắn như vậy cả. Rút ngắn về vài câu thì hoặc kiến thức sẽ bị bóp méo hoặc sẽ chỉ đưa ra những thứ hời hợt có biết cũng không giải quyết được gì.
Minh hoạ nước nhập thành (bàn cờ xếp hơi sai haha). Ảnh: Videoblocks

Một quyển sách được tôi coi là điển hình của thảm hoạ chú thích, đó là Bí ẩn quân hậu đen, có những chú thích thừa thãi như thế này: “Cô đặt những tấm ảnh chụp tia X xuống bàn, dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn nặng nề bằng đồng có chữ ký của nhà điêu khắc Tây Ban Nha Benlliure[*] rồi ngồi xuống trước chiếc máy chữ của mình.” (Chua: Mariano Benlliure (1862-1947): nhà điêu khắc nổi tiếng Tây Ban Nha.) Và hết. Tôi đã phải buột miệng văng tục “Chua thế này thì chua làm mẹ gì tổ tốn giấy in, tốn thời gian đọc!”
Hay một chú thích khác: “Và nước nhập thành[*] mãi tới thời Trung cổ mới xuất hiện.” (Chua: Nước đi đặc biệt trong cờ vua, trong đó kỳ thủ có thể đồng thời di chuyển quân vua và một trong hai quân tháp của mình với điều kiện chúng đều đang ở vị trí ban đầu của mình trên bàn cờ.) Đây là ví dụ của tham vọng nhét quá nhiều thứ xuống chú thích nhưng kết quả là chỉ đưa ra được một nửa kiến thức, mà một nửa kiến thức không còn là kiến thức đúng đắn nữa – nước nhập thành không đòi hỏi điều kiện đơn giản thế. Thà rằng đừng dẫn luật cờ vua vào còn hơn là dẫn mà thiếu, nó khiến những người chưa rành cờ vua nghĩ nhập thành chỉ có một điều kiện ấy.
Còn nếu nghĩ chú thích mới thể hiện dịch giả có công tra cứu thì là suy nghĩ ấu trĩ. Tra cứu là đặc thù ngành nghề này, ai làm dịch giả mà không tra cứu mới là có vấn đề. Và dấu vết của tra cứu thể hiện tinh tế ngay trên phương án dịch ở trong chính văn bản chứ chẳng cần phô trương dưới chú thích. Ngay phương án dịch nước nhập thành cho từ castling đã thể hiện người dịch cần tra cứu rồi chứ không bê nguyên si từ từ điển, bởi lẽ đơn giản là từ điển không có từ này.
Mặt khác, tôi quan niệm đọc văn chương là một hình thức trò chuyện với tác giả, nơi ta nghe để hiểu tác giả nói gì và tâm đắc với những gì họ nói, chứ không phải nơi ta tìm đến nhờ tác giả dạy khôn cho ta, bởi mục đích của văn chương chẳng bao giờ dạy dỗ cái gì, nó chỉ kể một câu chuyện để khơi gợi cảm xúc trong ta thôi. Người dịch do đó cũng không cần dạy độc giả điều gì qua chú thích cả.

Tựu trung khi gặp trường hợp tên riêng có nghĩa và cái nghĩa có liên kết với văn cảnh thì lựa chọn tối ưu là dịch tên ra. Lựa chọn không dịch sẽ dẫn đến khiếm khuyết còn lựa chọn chua thêm sẽ dẫn đến thừa thãi và bất tiện. Một lẽ tất nhiên là không có phương pháp dịch nào có thể truyền tải trọn vẹn 100% nguyên tác cả, nhưng giữa hai lựa chọn “tồi tệ” và “đỡ tồi tệ hơn” dịch giả luôn có quyền được chọn.

NGUYỄN TUẤN LINH
1/6/2019



Bài được đăng lần đầu trên Ipick