Chặng đường đã trải qua và con đường dài phía trước...
Mỗi một giai đoạn của cuộc sống là mỗi lúc chúng ta phải cố gắng để có một tương lai tốt đẹp hơn.
So với nhiều bạn bè khác mình có một tuổi thơ vui vẻ, không phải lo nghĩ nhiều. Từ nhỏ thì chuyện học là do mình chủ động, không phải chịu sức ép học tập từ gia đình.
Cấp 2 ở vùng quê nghèo chỉ đầy nắng và gió, mình có những người bạn tuyệt vời, dù khó khăn nhưng ai cũng đầy sức sống. Mình học một buổi/ngày, thời gian còn lại mình đăng ký học thêm môn Vật Lí. Tại sao lại là Lý mà không phải Toán, Hoá, Anh? Tại vì mình thích nghe về những nhà khoa học như Einstein, Noben... Chắc có lẽ vì như thế nên mình học tốt môn Lý còn các môn còn lại mình học cũng vừa đủ. Cuối cấp 2 mình vào đội học sinh giỏi môn Lý của trường, do thấy vui vui nên đi thi, rồi thì cũng đạt giải cấp thành phố còn cấp tỉnh thì thiếu mất 0.5 điểm, tiếc ơi là tiếc.
Hết cấp 2 mình rời vùng quê nghèo để vào TPHCM học cấp 3. Mình đậu trường công nhưng vẫn chọn trường tư nổi tiếng để theo học, lúc đó nhà mình vừa đủ trang trải cuộc sống, may mắn là có bác mình tài trợ việc học. Cấp 3 như một chân trời mới với nhiều sự ganh đua khốc liệt. Trường mình lấy danh sách từ trên xuống dưới theo điểm số để sắp xếp lớp và chọn ai được giữ lại trường. Trầy trật mãi mình giành được vị trí ở lớp đầu của khối. Học bán trú nên sáng mình đạp xe đạp đến trường, trưa ngủ lại, chiều lại đạp xe về nhà bác, nhà cách trường 3km. Trường mình cứ sau một năm thì dựa vào kết quả thi học kỳ để sắp xếp lại lớp, nếu như ai không chịu học sẽ bị tụt xuống lớp dưới. May mắn là vẫn nằm ở lớp đầu suốt 3 năm cấp 3. Nói thì vậy nhưng quả thật khó khăn với học sinh như mình, mình bị mất gốc tiếng Anh từ năm cấp 2, lên cấp 3 chỉ toàn 3, 4 điểm trong khi mọi người chỉ 9 và 10. Mình bị phạt đứng trước lớp suốt, cố gắng trầy trật một thời gian thì giữ loanh quanh ở mức 8. Riêng môn Văn thì vừa đủ điểm chống khống chế môn. Nhớ lại thì lúc này, bạn bè ai cũng có mục tiêu riêng, đứa thì Y Dược, đứa thì Ngoại thương, mình thì chưa biết lựa chọn gì. Năm lớp 12, để đậu đại học mỗi người phải ở nội trú, học 13 tiếng mỗi ngày tất cả các ngày trong tuần và được nghỉ tối thứ 7 về nhà, bạn bè mình thậm chí tối thứ 7 còn đi học thêm môn Sinh cho mục tiêu đậu đại học Y. Sau một năm mất ngủ như zombie thì kết quả cũng được đền đáp. Mình thi 2 khối đều 27 điểm, thủ khoa một trường và top 10 một trường top khác, tính ra đủ điểm vào học Y Dược HCM năm đó. Ba mẹ mình vui lắm, nhưng mình không được lựa chọn trường nên không quan tâm về kết quả, chỉ biết đậu là đủ rồi.
Lên Đại học, môi trường huấn luyện đặc thù trong trường tuy nặng nề nhưng không là gì so với những năm cấp 3. Tuy vậy mình lại học không được tốt lắm. Trong trường mình được phân làm lớp phó học tập, nghe thì oai nhưng nhiệm vụ của mình là phải tìm hiểu quá trình học tập của lớp, báo cáo lại cho thầy quản lý. Mình nghe đủ mọi loại phàn nàn, chửi bới của cả bạn bè lẫn giáo viên. Mặc kệ mọi thứ, mình vẫn ra trường được, thế là vui rồi. May mắn là trong trường đại học mình được tham gia câu lạc bộ yêu thích, câu lạc bộ lập trình máy tính. So với phải học những môn học khoa học xã hội của trường thì mình thích học ở câu lạc bộ hơn. Ở đó mình quên đi những căng thẳng hằng ngày, đắm chìm vào ngôn ngữ máy tính và thuật toán. Nhưng niềm vui nào rồi cũng sẽ qua.
Ra trường đi làm vài năm, dù rằng đã quen với những lời chửi bới khi còn đi học trong trường, công việc đặc biệt phải tiếp xúc với những mặt tối nhất của xã hội khiến mình ngày càng trở nên tiêu cực. Có những thay đổi mà lúc đó không nhận ra được, mình hay chửi bới, cáu gắt với người thân dù trong thâm tâm mình rất hối hận, chả biết tại sao lại như vậy. Mỗi ngày mình bị đau ê ẩm khắp cơ thể, đau bụng, đau ngực, tê tay chân. Lúc đó nghĩ rằng do mình ít vận động nên mình lao vào tập luyện thể dục. Khi giảm được cân và có cơ bắp mình tự hào lắm, đi khoe với mọi người. Sau đó mình chuyển việc, công việc mới đúng đam mê và tương lai sẽ phát triển hơn nhưng cũng là lúc nhiều thay đổi lớn hơn xảy đến. Mình đau nhức nhiều hơn, thở khó khăn hơn, mình hay than phiền là chắc do phòng làm việc thiếu oxy. Đi làm về mình kiệt sức, lăn ra ngủ xong mới dậy ăn cơm, tắm rửa rồi ngồi vào bàn để học tiếp. Một thời gian thì mình không còn hứng thú gì nữa, ăn uống chỉ vừa đủ no, chơi game cũng không thấy vui. Có lần anh đồng nghiệp nhờ mình điểm danh giúp trong một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do đến muộn, không hiểu sao mình ký luôn chữ ký của mình dù là mình có một kế hoạch khác, lúc đó không biết giải thích như thế nào nữa. Mình không thể tập trung nổi, tuyệt vọng, không muốn nói chuyện với mọi người. Lúc tâm sự với ai chỉ muốn được lắng nghe nhưng mà làm sao để giải thích nỗi đau này bây giờ, nỗi đau không nói được thành lời.
Tệ nhất là khi tự nghĩ "Hay là mình kết thúc mọi thứ nhỉ, tại sao mình lại như vậy? Người như mình chỉ làm vướng chân mọi người".
Một thời gian sau khi dùng thuốc, mình có đỡ hơn nhưng không nhiều. Bản thân hầu như ngắt liên lạc với mọi người, tìm cách thay đổi từng chút một, cố gắng ngủ được lúc nào hay lúc ấy.
Tập thể dục giúp tiết endorphin, một hocmon tự nhiên giúp giảm đau nên mình chuyển qua tập tạ. Mệt nên dễ ngủ hơn, tuy sáng sớm 4h sáng vẫn tỉnh giấc trong căng thẳng và khó chịu nhưng đỡ hơn trước nhiều
Để tư duy tốt hơn mình đăng ký các khoá học online và đọc sách. Cũng là cách tập thể dục cho bộ não.
Tip: mình nghe nhạc sóng não (Delta) và thấy dễ ngủ hơn.
Lúc cảm xúc quá bất ổn thì mình lên spiderum và bắt đầu viết, viết ra những suy nghĩ của bản thân khiến mình đỡ hơn rất nhiều. Viết ra giúp tâm trạng mình ổn định hơn.
Công việc ở chỗ làm còn khá nhiều, mình đã giải quyết được một phần rồi nhưng lúc nào cũng sợ bị đuổi việc. Nhờ được anh em đồng nghiệp giúp đỡ và do dịch nên cũng đỡ áp lực, deadline mỗi tuần. Lúc đi làm lại mình cũng chưa biết sẽ thế nào. Không rõ là mình đã đủ cố gắng chưa....
Mình đặt sách của bác TS. Đặng Hoàng Giang và một cuốn nữa, những câu truyện trong cuốn sách khiến mình cảm thấy thấu cảm, có những cuộc đời còn tuyệt vọng hơn mình, đôi khi họ không có điều kiện để chữa trị. Cuốn sách tuy nặng nề nhưng đáng để đọc một lần. Để biết rằng, trầm cảm lấy đi sức sống và tương lai như thế nào.
Khi xuống tận cùng của tuyệt vọng thứ mình còn là hi vọng. Có lẽ như chiếc hộp Pandora vậy, "Hope" là thứ còn lại giúp cho mọi người tiếp tục sống dù cho bất hạnh ngập tràn thế gian.
Kênh Youtube hướng dẫn về cách ngủ và chăm sóc sức khoẻ từ giáo sư Đại học Y Stanford
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất