Trái phiếu được biết đến là hình thức đầu tư an toàn, hiệu quả và ổn định. Liệu có thật sự là như vậy? Hãy cùng tác giả tìm hiểu về trái phiếu và các quy định pháp luật về trái phiếu qua bài viết dưới đây.
Theo Khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Hiểu đơn giản thì Trái phiếu là "Giấy nhận nợ" do một tổ chức đủ điều kiện phát hành cho nhà đầu tư. Khi đó Nhà đầu tư sẽ giữ vai trò như một chủ nợ của tổ chức đó và có các quyền, lợi ích của chủ nợ như đòi nợ, hưởng lợi nhuận theo lãi suất cố định (coupon), chuyển nhượng lại quyền đòi nợ đó sang cho chủ thể khác,....
Phân loại theo tổ chức phát hành thì trái phiếu sẽ gồm 3 loại cơ bản sau:
- Trái phiếu Chính phủ: là công cụ nợ do Chính phủ bảo lãnh và phát hành.
- Trái phiếu chính quyền địa phương: là công cụ nợ do Ủy ban nhân dân tỉnh/tp trực thuộc trung ương phát hành để huy động vốn cho dự án, công trình của địa phương.
- Trái phiếu doanh nghiệp: là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành
Bên cạnh đó, còn một số loại trái phiếu đặc thù khác như:
- Trái phiếu xanh: là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
- Trái phiếu chuyển đổi: là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu có bảo đảm: là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
- Trái phiếu kèm chứng quyền: là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp. Như ở bài viết kỳ số 1, tác giả đã giới thiệu đến độc giả về các hình thực huy động vốn tại Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong đó là phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Đây là một trong các phương thức do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tài chính ưu tiên áp dụng với ưu điểm là huy động nguồn tiền mặt nhanh chóng.

Nhà đầu tư cần cân nhắc những điều sau khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Một là, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Hai là khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này (Điều 16 Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước).
Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư...
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).
Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Cảnh giác với các "Hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức trung gian
Trước khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.
Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết "Hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.
Một số đối tượng doanh nghiệp đã và đang lợi dụng phương thức phát hành trái phiếu này để thực hiện các hành vi chiếm dụng vốn trái pháp luật, thông qua các mô hình dự án ảo, phông bạt, từ đó gây dựng niềm tin với cộng đồng, mời chào nhà đầu tư mua trái phiếu với cam kết lãi suất khủng, thanh khoản cao,.. Về sau, những doanh nghiệp này lại sử dụng vốn vào nhiều mục đích khác, kể cả những mục đích trái pháp luật, để dẫn đến mất khả năng thanh toán, không thể chi trả cho nhà đầu tư. Do vậy, để thị trường vốn minh bạch, trong sạch thì cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về chứng khoán để hạn chế các hành vi lách luật, đồng thời cần nghiêm trị những hành vi vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu.
Lời kết:
Trái phiếu là một phương tiện để doanh nghiệp có thể huy động được nguồn tiền lưu động một cách nhanh chóng nhất từ cộng đồng nhà đầu tư; Đối với nhà đầu tư, trái phiếu là một hình thức đầu tư chính thống, được pháp luật quy định và bảo hộ. Để giảm thiểu tối đa các rủi ro đến từ loại hình huy động vốn bằng trái phiếu, bản thân nhà đầu tư và doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm chắc được các quy định pháp luật và tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư trước khi bắt đầu đầu tư vào loại hình này.
- HouseOfLaw-