Dẫn nhập
Cách đây mấy tháng gì đó, tôi có bình luận vào bài này của bạn Nga Levi. Thì một người bạn của tôi có đọc được nó, và nhờ tôi ví dụ rõ hơn về cái phần: thế nào là khiến cho toàn bộ những kiến thức mà mình biết có thể trở thành một thể thống nhất, giống như mô tả về “hai cái tháp chuông” trong bình luận. Thì cuối năm tôi rảnh, tôi sẽ ví dụ bằng ba chủ đề có vẻ không liên quan nhưng lại móc nối vào nhau.
Đây là dẫn nhập giải thích thôi nên 666 từ sẽ bắt đầu đếm sau phần này nhé haha.
---
Hồi xưa tôi hay thắc mắc vì sao những kẻ thông thái rất hay đề cập đến sự ngắn ngủi và hủy diệt của vạn vật.
Milarepa (1052-1135), theo truyền thuyết, đã giết một lúc hơn 30 người để báo thù cho gia đình trước khi bỏ vào dãy Himalaya lạnh giá sống ẩn dật chỉ với một tấm vải quấn quanh và trở thành hành giả vĩ đại nhất của người Tây Tạng.
“Mọi mưu cầu trên thế gian này đều chỉ có một kết thúc không thể tránh khỏi và bắt buộc phải xảy ra, đó là sự đau khổ. Mọi thâu tóm kết thúc trong phân tán; mọi tạo dựng kết thúc trong hủy diệt; mọi gặp gỡ kết thúc trong chia ly; và mọi sự sinh ra kết thúc trong cái chết.”
Marcus Aurelius (121-180), chiến binh, nhà hiền triết, một trong Ngũ hiền đế của người La Mã, trong những năm tháng chinh chiến cuối đời cũng có những bộc bạch tương tự.
“Tất cả thành quách sẽ lần lượt sụp đổ… Từng người một đều sẽ phải chết… Đời người là ngắn ngủi và tầm thường…”
(Chẳng thế mà người ta hay nhại lại những câu nói này để đổi lấy chút tôn trọng, khâm phục từ người xung quanh.)
Rốt cuộc thì, sự ngắn ngủi và hủy diệt đối với những người này có ý nghĩa gì?
Trên Quora từng có một câu hỏi: “Tại sao con người ở tương lai vẫn chưa quay ngược thời gian về thăm chúng ta?”. Nếu tôi nhớ không lầm người đưa ra câu trả lời thú vị nhất chính là cựu CEO Reddit Yishan Wong, tôi nhớ đại khái như sau:
“Nếu bạn gói gọn toàn bộ lịch sử Trái đất thành 24 tiếng, thì phải chờ đến 23:59 con người mới bắt đầu xuất hiện! Và cái khoảng thời gian “thú vị”, nghĩa là 4000 năm gần nhất, thời điểm mà lịch sử bắt đầu được chép lại, thời điểm bạn cho là vĩ đại, chỉ là vài giây ngắn ngủi trước khi kết thúc ngày. Đó là còn chưa tính những khoảng thời gian khổng lồ theo sau đó (bỏ qua những thảm họa diệt vong) cho đến khi máy thời gian được phát minh. Khi người ở tương lai xoay cái vòng tua để chọn thời điểm ưa thích mà họ sẽ quay về, tại sao bạn lại cho rằng họ phải về đúng cái thời điểm chớp mắt này trong cả một dải thời gian vĩ đại? Hay cái tôi của bạn đang tự cho rằng thời đại của mình là quan trọng nhất?”
Những kẻ không còn phải lo lắng về cơm gạo, những kẻ khố rách nhưng đủ can đảm để xem nhẹ chúng, hoặc những cái đầu kinh tế thường xuyên phải hoạt động đa chiều, họ bắt đầu trải nghiệm vạn vật thú vị quá đúng không?
“Sự ngắn ngủi và hủy diệt” đến từ tầm nhìn về không gian - thời gian.
Nghe thú vị đấy, nhưng chưa hết đâu.
Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao ngày xưa không có hội sách giá rẻ như cho, không Internet, không ebook mà vẫn có những tư duy xuất chúng không?
Giữa biết một thông tin và để cho nó thấm đẫm “như tờ giấy ướt” vào tư duy là một khoảng cách lớn. Nó đổi bằng nhiều năm thực hành, suy nghĩ, lược bỏ, thực hành, suy nghĩ, lược bỏ…. Người xưa có thể biết ít “gạch đầu dòng”, nhưng mỗi “gạch đầu dòng” đó có thể sản sinh ra hàng chục cuốn sách cho thế hệ sau.
Tôi không chắc liệu Milarepa và Marcus có thực sự nhìn không gian - thời gian theo giả thuyết này không, nhưng tôi có thể ví dụ cho bạn thấy khi tư duy này “thấm đẫm như tờ giấy ướt” thì chuyện gì xảy ra: Hôn nhân có phải là mồ chôn của tình yêu?
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series Quà tặng cuộc sốnkg nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.