Không ai trong chúng ta cảm thấy lạ lùng với những cụm từ như Forbes 30, Forbes 40 hay những cuộc thi dành cho những người trẻ tuổi nữa. Cả xã hội và các phương tiện truyền thông đều tung hô những con người trẻ tuổi và tài năng này. Họ xứng đáng có được sự trọng vọng của cả xã hội này, tôi phải công nhận.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những cái bóng lặng lẽ, họ chỉ biết tập trung vào công việc của họ, tập trung vào nỗ lực của họ, gạt những giọt mồ hôi chen nước mắt đi để bước một con đường mà không ai muốn dòm ngó.

Những cột mốc vô nghĩa

3 tuổi vào mẫu giáo
6 tuổi vào cấp 1
17 tuổi học xong cấp 3
23 tuổi tốt nghiệp Đại Học
25 tuổi nhảy việc lần đầu tiên
30 tuổi lập gia đình và có đứa con đầu tiên
33 tuổi có đứa con thứ hai
35 tuổi lên chức phó phòng. 40 tuổi là trưởng phòng
60 tuổi nghỉ hưu
Ở đâu đó giữa những cái cột mốc này sẽ có những thứ thú vị hơn, nhưng nhìn chung đối với tất cả mọi người thì nó vẫn đều đều như thế này, nó là những cột mốc được cả xã hội xác định, tôn thờ, tuân theo và chạy đua mải miết để cho kịp với tất cả. Ngoại trừ việc lập gia đình và có con ra, thì hầu như mỗi cột mốc kể trên nếu như có thể rút ngắn thì sẽ trở thành thần tượng của gia đình, tấm gương của xã hội, bộ mặt của làng xóm, hãnh diện của quốc gia.
Nhất định phải là dưới 30 tuổi (Nguồn ảnh: Forbes)
Nhất định phải là dưới 30 tuổi (Nguồn ảnh: Forbes)
Xã hội của chúng ta càng lúc càng phát triển theo hướng tất cả mọi thứ phải nhanh theo một công thức định sẵn, một cuộc đời được vạch trước, một quy tắc mà ai cũng ngầm hiểu mà chẳng ai đặt câu hỏi tại sao. Có một lần tôi ngồi uống cafe với một vài người bạn chơi nhạc cùng, đến chủ đề về mức độ "ổn định" trong cuộc sống thì một chị bảo rằng:
Đàn ông 30 tuổi mà không có nổi 500 triệu trong tài khoản thì chỉ đáng vứt đi.
Lúc ấy tất cả mọi người xung quanh đều gật gù như gà mổ thóc, có một số anh trai thì bắt đầu khoe khoang về số tích trữ trong tài khoản của mình còn vượt qua con số 500 triệu kia. Chỉ có tôi là ngồi nghĩ mãi về con số này. Nếu như với mức lương 15 triệu/tháng ở đất Sài Gòn, chỉ trả tiền trọ, xăng xe, ăn uống và tất tần tật các chi phí cố định hàng tháng thì số tiền tiết kiệm còn lại cũng chỉ còn ngót nghét 6-7 triệu. Cứ cho là không du lịch, không uống cafe giao lưu với bạn bè, không yêu đương hẹn hò, xe cộ không hư hỏng lần nào và trời phú cho một sức khỏe sánh ngang với Hercules, thì trong suốt thời gian từ lúc tốt nghiệp tới lúc 30 tuổi tôi chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 588 triệu trong tài khoản. Đã vượt qua cái "hạn mức" kể trên rồi đấy, nhưng nó có đáng hay không? Lúc ấy tôi chỉ nghĩ làm thế nào để tiết kiệm được số tiền kể trên, chứ chưa từng nghĩ đến tại sao lại phải có cái hạn mức ấy. Tất cả chỉ là bởi vì ai cũng gật gù mà không nói một câu nào phản biện cả.
Đến khi đón tuổi 30 của mình trong một tình huống bất đắc dĩ khi trời bão tuyết mịt mù, vừa li dị không lâu, tay thì nhét vội viên thuốc vào mồm, nách cặp nhiệt kế và phải ở tạm nhà của mấy đứa em vì sốt quá cao để lên xe về nhà thì tôi mới giật mình nghĩ đến cái câu nói kể trên từ 7-8 năm về trước.
Dù ta có muốn đua nhanh thế nào thì trời cũng sẽ vẫn có màu xanh như thế
Dù ta có muốn đua nhanh thế nào thì trời cũng sẽ vẫn có màu xanh như thế
Vào đúng ngày sinh nhật 30 tuổi của mình, tôi thả bộ dọc suốt thành phố Graz ở Áo, là nơi 5 năm trước tôi bắt đầu toàn bộ giấc mơ du học, bỏ lại đằng sau band nhạc của mình, bỏ lại đằng sau tấm bằng kiến trúc, bỏ lại gia đình, bỏ lại chú chó yêu thương, bỏ lại tất cả bạn bè thân thiết.
Vào năm 30 tuổi, tôi ở vào trạng thái vỡ vụn đến mức không thể vụn vỡ hơn.
Vào năm 30 tuổi, tôi ngồi bên vệ đường lúc giữa đêm, mặc từng bông tuyết rơi trên gò má, trong miệng còn đắng hơi cay của Whiskey, vẫy từng chiếc taxi vọt qua vô tình.
Vào năm 30 tuổi, tôi ngước mặt lên nhìn trời và cười như điên dại, cười vì tôi cảm thấy mình quá may mắn, vì tôi ngay từ lúc ban đầu đã chẳng tham gia vào cái cuộc đua ngu xuẩn kia. Nếu không, chẳng phải tôi là kẻ bị vứt đi hay sao?
Nếu tôi là kẻ bị vứt đi, tại sao có những người sẵn sàng mở rộng vòng tay để đón kẻ vụn vỡ này? Có những người sẵn sàng ngồi tàu cả tiếng đồng hồ chỉ để mang cho tôi bữa trưa? Có những người đợi từng ngày một để gọi điện thoại và nhìn thấy tôi? Có những người nhìn thẳng vào mắt tôi và nói "If you keep smiling like that, I will f***** k*ll you! If you have anything to talk, I will be there for you! Remember you are not alone!" Có những người khóc cho tôi? Có những người dù 10 năm trời không gặp vẫn chỉ xuất hiện đúng một lần trong ngày sinh nhật, đều đặn suốt 10 năm qua chỉ để chúc mừng sinh nhật của tôi?
Có lẽ chính bản thân họ cũng là những người đang kẹt trong cái cuộc đua chết tiệt này, và thay vì bỏ mặc một kẻ rã rời lại phía sau thì họ lựa chọn chậm lại một chút, gượng chút hơi chỉ để nâng tôi lên dăm ba phút. Có lẽ chính họ cũng sợ rằng lúc nào đó trên cái cuộc đua này, họ cũng sẽ như tôi. Có lẽ họ thấy thương hại. Dù là lý do nào đi chăng nữa, bàn tay đưa ra giữa lúc hoạn nạn vẫn là điều đáng trân trọng.

Có những người họ không đua

Trong lớp Đại Học của tôi tại Áo, có những người đã trên 40 tuổi, có con và làm hai công việc một lúc.
Có những người đã đi làm được nhiều năm và lại quyết định từ bỏ công việc và lộ trình thăng tiến để có thể quay lại đi học.
Có những con người gắng gượng nhiều năm với trầm cảm.
Có những người đã từng đi học Đại Học, bỏ Đại Học, rồi lại bắt đầu một lần nữa.
Nhìn vào những con người ấy, ai cũng đều rất bình tĩnh, rất trầm lặng giống như mặt hồ không một gợn sóng nào cả. Những người trẻ có thể cho rằng họ sống một cuộc sống rất chill, họ không có lo nghĩ giống như genZ, không sốt vó trước kì thi, không suy nghĩ về điểm số. Nhưng chỉ khi nhìn vào mắt họ, ta mới biết rằng họ đang mệt mỏi đến mức như thế nào.
Người 40 tuổi ấy phải cân bằng giữa 2 công việc, lo cho con cái, đi học đúng giờ và đến khi đêm xuống lại chong đèn học bài.
Người bỏ việc để đi học ấy đã phải chuyển từ căn hộ sang một căn phòng kí túc xá chật chội, phải chia tay người bạn gái cho rằng cậu ta không có tương lai, phải đếm từng đồng lẻ trong túi rồi ngậm ngùi từ chối cuộc hẹn ăn uống ở nhà hàng với bạn cùng trang lứa, phải cất bộ trang phục công sở đi để làm công việc quét dọn hàng đêm.
Người bị trầm cảm phải uống từng viên thuốc hàng ngày, phải tự vuốt ngực để có thể tồn tại thêm một ngày nữa, phải tự động viên để có thể vượt qua nỗi sợ hãi, để có thể đến lớp.
Người từng bỏ Đại Học phải tự dặn mình hằng ngày, rằng đây là cơ hội cuối cùng.
Cái cách mà họ ngồi trong lớp làm tôi ngay lập tức liên tưởng đến Thomas Shelby.
Cách ngồi mà nhiều người cho rằng kênh kiệu của Thomas Shelby trong Peaky Blinders
Cách ngồi mà nhiều người cho rằng kênh kiệu của Thomas Shelby trong Peaky Blinders
Cách ngồi của Tommy là của kẻ đã phải chịu sự dày vò của cuộc đời; là của kẻ trong tâm thế thả lỏng hết mức có thể vì họ đã quá mỏi mệt; là cách ám chỉ đối với cuộc đời: "Còn gì nữa không? Tới luôn một thể đi!"; là của kẻ tiết kiệm từng ngụm hơi thở và sức lực của mình để đón chờ những gì đang tới và sắp tới.
Đối với những người như vậy và cũng có lẽ là đối với tôi, thời gian đã dừng lại từ rất lâu rồi. Các bạn muốn nghĩ về những người này như thế nào thì cứ nghĩ thoải mái. Bởi lẽ họ cũng chẳng cần những lời có cánh từ xã hội nữa. Họ chỉ cần làm tốt công việc của mình rồi để bản thân bị cuốn trôi bởi trách nhiệm, bởi sự mệt mỏi vô biên, bởi sự cô đơn trong cuộc đua bất tận, bởi cơn lạnh buốt giữa mùa Giáng sinh. Nếu như những người thành công sớm có 5 phần khả năng và 5 phần nỗ lực, thì những người kể trên có tới 10 phần trên 10 là nỗ lực. Bởi vì chỉ có nỗ lực mới khiến họ rời khỏi giường chỉ sau 4 tiếng ngủ; chỉ có nỗ lực mới khiến họ lau những giọt nước mắt trên má rồi lại tiếp tục đi làm đi học; chỉ có nỗ lực mới khiến họ vực dậy từ hôn nhân đổ vỡ mà đến lớp hàng ngày, cố gắng hoàn thành mọi thứ trong tuần để cuối tuần có thời gian đến thăm con; chỉ có nỗ lực mới khiến họ hôn lên trán những đứa con thân yêu rồi ngồi vào bàn chong đèn học bài đến mờ sáng.

Trong cuộc đua, ai cũng là người mệt

Tôi vẫn hay nói chuyện với bạn bè của mình ở Việt Nam. Họ vẫn luôn than thở rằng cuộc đời quá sức mệt mỏi. Kẻ đang yêu đương thì chẳng còn hứng thú để kết hôn. Cặp vợ chồng thì chẳng còn sức lực để sinh con đẻ cái. Người đã một nách hai con thì chẳng còn tâm trí để du lịch. Kẻ đang miệt mài đèn sách thì chẳng còn hứng thú để yêu đương hẹn hò. Tất cả chỉ vì cho kịp cái cột mốc định sẵn.
Đã có một dạo người ta than vãn rằng tại sao người trẻ bây giờ càng lúc càng lười yêu, lười kết hôn, lười có con và cứ tiêu xài quá đà như thế. Về căn bản họ đã đốt cháy năng lượng của mình trong cuộc đua ấy, sau mỗi cột mốc là một cái đích đến khác, họ đang chạy đua với thời gian bằng từng ngụm hơi thở của mình, chỉ để thỏa mãn cái định nghĩa mà xã hội đặt lên cho tất cả chúng ta. Để rồi khi đêm xuống, họ không còn bất cứ một sự lựa chọn nào khác với đống tiền mình vừa kiếm được, họ đành phải mua cho mình một cái túi đắt tiền, một đôi giày hàng hiệu và cho rằng đấy là cách mà họ thưởng cho bản thân. Kể cả sự tận hưởng cũng phải nhanh như một cuộc đua, bởi vì cafe nào có thể đánh thức một tâm hồn mỏi mệt giữa bốn bức tường vào lúc 2 giờ sáng?
Cũng có một dạo ở Việt Nam rộ lên tư tưởng bỏ phố về quê giống như bài hát của Đen, để rồi được một thời gian họ lại bỏ quê để lết về với thành phố. Tôi không cười những con người này. Họ đã quá mệt mỏi, quá vụn vỡ, quá khổ đau và đầy những mất mát. Họ cố gắng tự cho bản thân mình một kì nghỉ nho nhỏ, rồi lại phải trở về với cuộc đua nghiệt ngã kia.
Ảnh bởi
Austris Augusts
trên
Unsplash
Cuộc đời vốn không có bất cứ một đường tắt nào cả. Nếu muốn nhanh hơn, ta phải đốt cháy chính bản thân. Nhưng nhiều lúc bước trên đường một mình, tôi tự nghĩ rằng:

Đây là cuộc đua, hay là cuộc đời?

Vienna, 25.12.2023