"Trà xanh" và một tôi xấu xí
"Chúc mày năm mới sóng gió triền miên không yên một ngày"
Gần đây kênh youtube của Spiderum đăng một video về lịch sử của trà. Không có gì đáng nói nếu bạn edit video không dùng hình ảnh diễn viên Triệu Lộ Tư để minh hoạ đi kèm câu hỏi: trà xanh hay "trà xanh"?
Nếu là một antifan Triệu Lộ Tư, tôi sẽ sung sướng đi like share cho kênh ngay lập tức; nhưng là một người có hiểu biết, có tri thức, tôi unlike video và báo cáo Youtube rằng video này có tính chất nhục mạ người khác, cần gỡ xuống. Đáng tiếc, một bài đăng nội dung có chất lượng lại bị một hình ảnh minh hoạ và cách PR thiếu chuyên nghiệp phá hỏng.
Có thể tôi hơi nhạy cảm, nhưng xin nói tôi không phải fan của Triệu Lộ Tư. Tôi mới xem được 2 phim của diễn viên này. Một phim thời đầu khi cô bé mới tham gia diễn xuất, tôi bỏ xem sau nửa tập vì phim quá dở, bối cảnh giả tạo, kịch bản nhảm nhí và diễn viên không có gì thu hút. Một phim khác tôi xem gần đây là Trường Ca Hành, thấy cô đóng vai phụ nhưng diễn khá có chiều sâu, thần thái, ấn tượng tốt hơn lần đầu nhiều. Ngoài xem phim, tôi ít theo dõi thị phi người nổi tiếng, nhưng cũng biết sơ sơ rằng Triệu Lộ Tư có 1 lượng antifan cực đông đảo, luôn sẵn sàng tìm mọi diễn đàn từ mạng xã hội tới báo chí tới livestream của chính cô để chửi rủa, lăng mạ, hạ nhục bằng những từ như "đồ trà xanh", "đồ cọ hậu", "đồ thảo mai không biết xấu hổ", vv...
Chuyện "trà xanh" không phải mỗi Trung Quốc có, Việt Nam cũng có. Nếu phải hỏi một "trà xanh" điển hình đã và đang nhận nhiều gạch đá của "giang cư mận" Việt thì không thể không nhắc đến Hải Tú. Hôm nay tôi thử vào page của Hải Tú và đọc những bình luận dưới hình ảnh và bài đăng, được một lát là phải đóng lại. Tôi không chịu nổi. Quá toxic, quá cay độc, quá tởm lợm.
"Con này là con cặc rồi chớ đâu phải con người nữa".
"Con đĩ mát cha cái lol xanh lè tái nhợt"
"Con phò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ bay ra cướp chồng"
"Chúc mày năm mới sóng gió triền miên không yên một ngày"
Tôi không theo dõi kỹ câu chuyện đằng sau, tôi không biết Tú là người như thế nào. Tôi chỉ biết rằng những người viết ra những dòng bình luận này là những con rắn độc đang trong cơn cuồng nộ cố gắng phun nọc độc từ bên trong để bóp chết kẻ thù trong mắt chúng. Thật đáng sợ!
Tôi không biết Lộ Tư hay Hải Tú đã làm những gì, tất cả những điều được cho là "tội lỗi" của họ có thật không vì tôi không phải họ, cũng không phải người chứng kiến trong cuộc. Nhưng nhìn những làn sóng hận thù dội lên họ mỗi ngày trong những bài đó, tôi thấy thương cảm cho họ.
Tôi biết có người sẽ lao vào chửi tôi sao lại đi thương loại trà xanh cướp bồ cướp chồng người khác. Xin thưa vì tôi không thấy có bằng chứng rõ ràng có công an đóng dấu có thẩm phán phán quyết là chị này đã cướp người yêu của chị kia. Mà từ "cướp" là do ai đặt ra? Sơn Tùng hay các diễn viên nam là đồ vật à mà dễ cướp thế? Tôi không thù ghét đàn ông nhưng xin dừng lại ngay cái luận điểm rằng đàn ông quý báu lắm nên phụ nữ phải tranh giành phải cướp giật từ nhau vậy, làm ơn!
Thực ra, tâm lý của đám đông này cũng không lạ. Tôi có tham gia thiết kế môn học Trí tuệ cảm xúc cho trường tôi, trong đó có một mục tiêu là xây dựng khả năng thấu cảm ở sinh viên - tiếng Anh là empathy. Nghiên cứu cho thấy một trong những trở ngại lớn nhất để có empathy là khi bạn coi một đối tượng là không đáng được thấu cảm vì họ có tội hay vì họ phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề của chính mình. Ví dụ, một cô gái bị HIV-AIDS sẽ được thấu cảm nếu cô vô tình mắc bệnh khi đi hiến máu. Nhưng cùng cô gái ấy sẽ không được ai thấu cảm nếu cô mắc HIV-AIDS do cô nghiện ma tuý.
Hải Tú hay các cô gái bị gọi là "trà xanh" là kẻ có tội trong mắt nhiều người, nên họ không được tha thứ, không được thấu cảm, phải bị trừng phạt. Họ càng bị trừng phạt bao nhiêu thì những người ghét họ càng hả hê bấy nhiêu. Tôi cũng không lạ gì sự hả hê "độc địa" ấy, một phần vì tôi đã đọc về nó trong cuốn sách Thiện Ác Smartphone của chú Đặng Hoàng Giang, người đã giải thích rất cặn kẽ sâu sắc về xu hướng này, các bạn nên tìm đọc. Tôi cũng không lạ vì chính bản thân tôi từng ở trong đám đông cuồng nộ ấy.
Hồi học cấp 2, tôi nhận ra các bạn nữ trong lớp mình đều đang có một thần tượng K-pop nào đó, thế là tôi cũng phải tìm cho mình một thần tượng - là nhóm Super Junior (SuJu) rất nổi thời bấy giờ. Tôi vui vì mình có cảm giác thuộc về, rằng tôi là thành viên của 1 fandom đông đảo, tôi có cái để hóng hớt chờ đợi mỗi ngày, để bàn tán với bạn bè về những bài hát, hình ảnh, thông tin mới nhất của idol chung.
Nhưng đi kèm với đó, tôi còn được lôi kéo tham gia vào một hội khác hùng hậu không kém, hội Anti SNSD - một nhóm nhạc nữ cùng công ty với SuJu. Giống như các bạn nữ khác, tôi giận điên người mỗi khi các thành viên SNSD có tương tác hay được ghép cặp với oppa của tôi. Sao chúng nó dám? Chúng tôi sẽ chửi chúng nó ra gì, sẽ lập group anti sẽ photoshop bôi xấu hình ảnh chúng nó cho thiên hạ thấy chúng nó xấu xa đến mức nào. Như các bạn tôi cũng hăng hái đu anti-fandom này một thời gian để chửi cho sướng miệng. Nhưng một thời gian sau, tôi dần mất hứng thú, tới cấp 3 khi bận học và ôn thi thì tôi dừng mê idol, anti idol hẳn.
Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình của thời cuối cấp 2 đó thật sự thảm hại. Một đứa cô độc nhút nhát sợ bị bỏ lại, sợ bị coi là quê mùa, không có bạn chơi nếu không cùng thích một người - không cùng ghét một người với họ. Bạn tôi thích ai tôi thích người đó, bạn tôi chửi ai tôi chửi người đó. Những người bạn mà sau này hết học cùng là tôi chẳng còn liên lạc và chẳng ảnh hưởng gì đến đời nhau.
Rồi nhìn lại những idol mình điên cuồng theo đuổi năm xưa của mình, tôi thấy một cảm giác nhàn nhạt chẳng có gì đặc biệt. Rồi nhìn sang những idol tôi từng anti lên xuống, tôi thấy họ cũng bình thường, thậm chí gần đây khi theo dõi những hoạt động của họ khi không còn nổi tiếng như trước tôi thấy họ là những cô gái thực sự đáng mến.
Đen Vâu nói không sai "Tụi nó thích hạ thấp người khác để che đậy cảm giác thua kém." Tôi từng ở trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Tôi ghét bản thân mình, nên tôi thù ghét những ai xinh đẹp, giỏi giang hơn tôi. Vì họ là những đối tượng đã và đang bị người khác ghét, tôi hùa theo và nhục mạ họ. Tôi kết bạn với những người giống tôi khi ấy, cùng nhau viết ra và nói ra những lời cay nghiệt độc địa. Tôi thấy thế giới xung quanh mình toàn những thứ đáng ghét, một thế giới đen tối. Tôi cũng là một phần trong thế giới ấy, nên tôi càng có cớ ghét chính mình.
Nhưng có khi đó không phải là một vòng luẩn quẩn, mà là một vòng xoáy đi xuống, như 1 câu nói nổi tiếng "it's not a vicious circle, but a downward spiral."
Dù là vicious circle hay downward spiral đi nữa, thật may cho tôi là tôi đã bước ra ngoài được. Tôi hiểu rằng một người cay nghiệt với người khác sẽ không để đối xử tốt với bản thân và ngược lại. Tôi thay đổi, tôi học cách chấp nhận những khiếm khuyết của chính mình trước, tôi học cách ôm lấy con người thật của mình một cách trìu mến. Điều đó không hề dễ, nhưng khi tôi làm được, tôi bất ngờ nhận ra mình cũng bắt đầu nhìn người khác với ánh mắt bao dung hơn. Tôi không thấy những điều đáng ghét ở người khác nữa, thay vào đó tôi chỉ thấy những điều khiến họ rất đáng thương, rất con người, rất... giống tôi. Vì vậy, tôi không ghét họ, tôi cảm thương cho họ và muốn khích lệ họ.
Khi nghĩ về những cô gái như Lộ Tư và Hải Tú đang phải chịu sự xỉ nhục vì những nguyên nhân không rõ thật giả, tôi muốn gửi đến họ những cái ôm an ủi "Cô gái, em đã chịu khổ cực rồi. Đừng tin những lời họ nói. Họ cũng không biết họ đang nói gì làm gì đâu. Có thể đó là lời họ tự nói với chính mình nhưng phải vứt vào em để họ tự thấy nhẹ nhõm. Hãy bỏ ngoài ai những lời đó và kiên cường sống cho mình nhé. Nếu em sống tốt và sống thật, cuộc đời sẽ không đối xử tệ với em đâu. Chúc cho em những điều tốt đẹp nhất."
Còn với những người giống tôi ngày xưa, đang đi phun nọc độc khắp nơi, tôi mong bạn tìm được bình an cho chính mình và rời bỏ những thị phi xấu xí kia - những thứ chỉ làm bạn thêm phần đáng thương hại. Bạn tốt đẹp hơn như thế, tôi chắc chắn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất