Không đam mê thì có sao?

Chẳng sao cả. Và dưới đây tôi sẽ giải thích lý do tại sao.
Trước khi vào bài, để tránh rắc rối về mặt khái niệm, tôi xin giới hạn định nghĩa của từ đam mê thành khái niệm mà các bạn trẻ vẫn hiểu, đó là: “niềm yêu thích đặc biệt với một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể trong cuộc sống”.
Nội từ đam mê đã mang lại cho chúng ta cảm giác rằng chúng ta phải cảm thấy rất thích, thích đến điên cuồng một việc gì đó. Thậm chí, trong từ điển Tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, đam mê được định nghĩa là “Ham thích thái quá, thường là cái không lành mạnh, đến mức như không còn biết việc gì khác nữa”. Vậy đam mê có hẳn là tốt không?
Tạm thời chưa bàn đến điều này.
Đam mê có phải một điều tốt?
Đam mê có phải một điều tốt?

Khi đi tìm đam mê, ta đang tìm một cảm giác

Truyền thông và giới Self-help hiện nay đã cho các bạn trẻ cái ấn tượng rằng những người thành công là những người có đam mê, là những người “khi thức dậy phải cảm thấy mình có mục đích sống”. Còn không có đam mê thì … u mê. Điều này vô hình trung khiến tất cả các bạn trẻ cứ cố gắng đi tìm cho mình một cảm giác đến mức lãng mạn hóa về một ngành nghề nào đó. Nếu không có cảm giác này thì đây chưa phải là “thiên chức” của mình. Chắc đây là lý do sinh ra hiện tượng giới trẻ nhảy việc còn nhiều hơn số lần tôi chơi nhảy dây trong đời.
Mà các bạn biết rồi đấy, đã là cảm giác của con người thì rất chủ quan và thất thường. Có thể hôm nay các bạn thấy hào hứng với nó, theo ngôn ngữ self-help gọi là “cảm thấy tim đập loạn nhịp, phấn khích tột đột vì nó”, và đâu đó tầm một tuần sau các bạn thắc mắc không biết nhịp tim của mình đi đâu rồi.
Tệ hơn nữa là các bạn thường nhầm lẫn “đam mê” với “sự ngưỡng mộ”.
“Lớn lên em muốn làm ca sĩ”
“Sau này tôi sẽ làm người diễn thuyết trước công chúng”
Thế liệu bạn hát mà ở dưới không có khán giả, bạn đi diễn thuyết không có ai nghe thì bạn còn làm nữa không? Nhiều khi, chúng ta tưởng mình yêu thích một công việc nào đó, hóa ra ta chỉ cảm thấy ngưỡng mộ cái cảm giác được tung hô, được nổi tiếng mà nó mang lại thôi.
Rõ ràng, đi tìm đam mê, như cách hiểu của nhiều bạn trẻ hiện nay, là đi tìm một cảm giác. Mà đã là một cảm giác thì tìm lâu sẽ dễ sinh ra ảo giác.
Tác giả nổi tiếng Robert Greene cũng đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên kênh the Diary of a CEO rằng ông không thích từ “passion” (đam mê) bởi để thành công trong bất kỳ thứ gì, thời gian đầu sẽ có rất nhiều sự nhàm chán, chứ không phải cảm giác “yêu từ cái nhìn đầu tiên” như đa số vẫn nghĩ. Ví dụ như khi luyện tập Piano, thời gian một năm đầu chúng ta sẽ phải luyện đi luyện lại vài hợp âm nhàm chán, đến sau một năm ta mới dần thuần thục các phím cơ bản và từ đó thì mọi thứ mới bắt đầu trở nên thú vị. Vậy nên để làm chủ bất kì kỹ năng nào thì ta cần có kỷ luật và sự kiên trì để vượt qua quãng thời gian đầu, chứ không chỉ mỗi “đam mê”.
Để thành công thì ta còn cần rất nhiều sự kỷ luật
Để thành công thì ta còn cần rất nhiều sự kỷ luật

Hơn nữa, nếu cứ gắn cho đời mình hai chữ “đam mê”, ta sẽ dễ quy cái đam mê đó về chính nhân dạng của mình.

Khi tìm được một thứ gì đó để gọi là đam mê, ta sẽ có xu hướng lúc nào cũng gắn nó với chính nhân dạng của ta. Khi nói về bản thân, ta thường sẽ giới thiệu tên tuổi, và ngay lập tức đến nghề nghiệp và đam mê. Để rồi chẳng may nếu xảy ra sự cố khiến ta không theo đuổi được đam mê của mình, ví dụ như một vận động viên gặp chấn thương, thì ta sẽ lập tức rơi vào khủng hoảng. Bởi lúc đó ta không chỉ mất đi một đam mê, ta mất cả chính nhân dạng của mình. Đó là lý do nhiều người về hưu thường rơi vào trạng thái vô định, thậm chí là trầm cảm. Tôi thì nghĩ bản thân chúng ta rộng hơn đam mê; ta còn là tổ hợp của những điều nhỏ nhặt khác mà ta quan tâm, của mối quan hệ ta có với những người xung quanh. Không có lý gì ta phải trói chặt mình vào hai chữ đam mê cả.

Vậy không đi tìm đam mê thì ta đi tìm cái gì?

Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhấn mạnh một quan điểm của mình: Trong cuộc sống này, chúng ta chẳng đi tìm cái gì… cũng chẳng sao. Sẽ ra sao nếu toàn bộ sự tồn tại của ta chẳng có mục đích gì cả, và rằng nội việc được sống trên đời đã là một phước lành?
Một đứa trẻ không có thứ gọi là mục đích sống, không hỏi những câu hỏi như “tôi là ai”, “tôi đi về đâu”, nhưng nó có hạnh phúc hơn chúng ta không? Tôi sẽ để câu này cho bạn tự trả lời.
Phải làm rõ rằng tôi không cổ xúy việc sống không có đam mê, không có mục đích, nhưng nếu không có thì cũng chẳng sao. Tôi thấy rất may mắn vì có cơ hội để theo đuổi những điều mình yêu thích, nhưng có những người nội việc sinh tồn đã là một gánh nặng, thì đam mê và lẽ sống là một điều xa xỉ. Tôi tin rằng miễn là bạn sống không ảnh hưởng tới người khác, làm tròn bổn phận với những người xung quanh, thì sự hiện diện trên Trái Đất này của bạn đã trọn vẹn rồi. Đứa nào nói những câu như giá trị sống của bạn được định đoạt bởi những gì bạn trao cho xã hội, thì cho tôi hỏi ai đo cái giá trị đấy? Chúa chăng?
Nội sự tồn tại của bạn đã là một phước lành
Nội sự tồn tại của bạn đã là một phước lành
Tuy nhiên, sau tất cả những lời dong dài trên, tôi cần phải nhấn mạnh rằng tôi vẫn ủng hộ cho một cuộc sống có đích đến. Bởi thời gian có hạn, nên nếu ta sống không tỉnh thức, không biết mình đi đến đâu; thì tựa như con tàu ra khơi mà không có hoa tiêu, kết cục của nó ắt sẽ là lạc đường ở giữa đại dương mênh mông.
Chỉ là cái đích đến của bạn không nhất thiết phải là cái đích đến được cổ vũ bởi truyền thông. Sống vui vẻ với gia đình, nuôi dưỡng một người con, mỗi ngày học một điều mới cũng có thể là mục tiêu mà đúng không?
Mỗi ngày được cười, được khóc, được thấy ánh nắng mặt trời hắt trên đôi mắt, và cười ngây ngất mỗi khi thấy một người cũng là một mục tiêu. Tại sao mục tiêu cứ phải là một điểm đến cụ thể, mà không phải là hành trình ta đi?
Để kết lại, theo tôi, đam mê không phải là thứ bắt buộc trong cuộc sống, mà nó là một lựa chọn. Chẳng có đam mê về lĩnh vực nào trong cuộc sống thì cũng không giảm giá trị làm người của bạn. Hơn nữa, đam mê không nhất thiết phải hướng về một lĩnh vực cụ thể. Nếu bắt buộc phải chọn ra một đam mê, thì tôi nghĩ đam mê của mình là sự sống. Tôi đam mê việc được thức dậy mỗi ngày, tôi đam mê những kết nối sâu sắc giữa người với người, và tôi đam mê quá trình khám phá sự vĩ đại của tạo hóa, để rồi nhận ra bản thân nhỏ bé đến nhường nào.