Ảnh nền: Khi tư duy hiện đại là một cái phích cắm
Ảnh nền: Khi tư duy hiện đại là một cái phích cắm

I. Giới Thiệu

"Chuyển đổi số" được tin là hành động đặt mốc cho cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 5.0 trong một thập kỉ tới [1]. Kể từ thời kì 2.0 vào những năm 1870, sự góp mặt của "điện" đã thúc đẩy nhân loại trong việc nghiên cứu, sáng chế, và khởi tạo khoa học, dẫn đến cuộc Cách Mạng Kỹ Thuật Số 3.0, nhằm cho ra đời những bộ máy nhân tạo đa kích cỡ (máy tính, laptop, điện thoại) ở qui mô toàn cầu. Chất xúc tác này đã giúp cho hỗn hợp gồm con người và kỹ thuật số "kết tủa" thành một mạng lưới đa quốc gia (Net), hay nói cách khác, sự ra đời của thiết bị trao đổi thông tin hiện đại đã kết nối mọi cá thể trên hành tinh tỉ dân, từ những tổ chức tư nhân, doanh nghiệp, hộ dân, cho đến chính phủ (Inter). Đây cũng là định nghĩa đằng sau khái niệm "Internet". Sự chuyển mình đến 3.0 đã tạo nên cầu nối "vô hình" giữa giao tiếp vĩ mô, truy cập thông tin đa phương diện, và phát triển kinh tế vượt bậc. Lấy đó làm nền móng, Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0, kể từ năm 2011, đã cho ra đời Internet Vạn Vật (IoT), Dữ Liệu Lớn (Big Data), Chuỗi Khối Mã Hoá (Blockchain),... và vô số những giải thuật thủ công tự động như Học Máy (Machine Learning), Học Sâu (Deep Learning), và Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) [2]. Tất cả đã hình thành nên một môi trường, nơi mà sự tương tác giữa con người và máy móc luôn đi song song nhằm tối ưu hoá hoàn toàn qui trình sản xuất và phân tích trong doanh nghiệp. Ta thấy được tầm quan trọng của công nghiệp hoá trong nền kinh tế số (digital economy) [3].
Ảnh 1: Những cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lớn kể từ 1780-2020 [<a href="https://blog.proactioninternational.com/en/industry-5.0-the-next-industrial-revolution-is-people-centric">4</a>]
Ảnh 1: Những cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lớn kể từ 1780-2020 [4]
Tuy nhiên, "Liệu điều này có đang làm con người trở nên lệ thuộc?" là đề tài nghiên cứu (research topic) được đặt ra, nhắm vào đa đối tượng, đặc biệt là Generation Z (GenZ)-những cá nhân ra đời vào khoảng 1997-2013 và là nhân chứng sống của Cách Mạng Tự Động Hoá và Số Hoá [5]. Sớm được trải nghiệm cũng như thích nghi với hàng chục thiết bị di động thông minh như iPhone, Samsung Tab, hay Smartwatch, và hàng trăm ứng dụng "mạng xã hội" như Facebook, Youtube, hay Instagram, GenZ, có thể thấy, là nhóm đối tượng được "ưu ái" nhất xuyên suốt thời kì 3.0-4.0, với những hành trang điện tử đồ sộ và phức tạp [6]. Hiển nhiên, máy móc được sinh ra là để phục vụ con người, và việc GenZ tận dụng triệt để chúng không có gì là sai. Nhưng, cùng sự tiến bộ vượt bậc của AI, ranh giới giữa việc "đồng hành" (copilot) và "bị chi phối" (dominated) dần trở nên mong manh. ChatGPT đã chỉ ra rằng GenZ thường có xu hướng tìm "lối tắt" để đối phó với vấn đề, hơn là thực sự hiểu bản chất [7]. Việc này đã phản ánh phần nào những tính cách nổi bật của GenZ: thực dụng và tự thân [8]. Bài báo này đưa ra đa góc nhìn xã hội, nhằm làm rõ sức ảnh hưởng của thời kì 4.0 lên con người bằng thống kê dữ liệu căn bản tại Việt Nam, qua đó xác định rằng liệu các tác nhân công nghệ trong kỉ nguyên số hoá có định đoạt "mạng" của thế hệ hiện tại hay không.

II. Phân Tích

1. Độ bao phủ số tại Việt Nam

Ảnh 2: Lượng người dùng smartphone trong tương lai [<a href="https://www.statista.com/forecasts/1145936/smartphone-users-in-vietnam">8</a>]
Ảnh 2: Lượng người dùng smartphone trong tương lai [8]
Ảnh 3: Lượng sử dụng Internet trong tương lai [<a href="https://www.statista.com/forecasts/1137902/internet-penetration-forecast-in-vietnam">9</a>]
Ảnh 3: Lượng sử dụng Internet trong tương lai [9]
Tính đến 2028, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh trên quốc gia được ước tính gia tăng hơn 10% so với năm 2023 và không có dấu hiệu "hạ hoả", đạt mốc trên 74 triệu người dùng. Dự báo này cho thấy mối quan hệ tương quan đồng biến giữa sự tăng trưởng GDP [9] và lượng người truy cập di động thông minh tại Việt Nam qua hàng năm.
Điều này đồng nghĩa với việc mạng lưới truy cập Internet được mở rộng song song nhằm đáp ứng đa phần các nhu cầu "số" trong tương lai. Kèm theo sự bùng nổ gần đây của AI và ứng dụng thực nghiệm, sự phổ cập Internet có thể đạt ngưỡng 99%, sớm vượt ngưỡng dự đoán của Statista 2024.
Ảnh 4: Số hộ dân có khả năng truy cập vào Internet [<a href="https://www.statista.com/forecasts/1144861/internet-households-in-vietnam">10</a>]
Ảnh 4: Số hộ dân có khả năng truy cập vào Internet [10]
Ngoài ra, Việt Nam đã vượt mốc 21 triệu hộ dân có khả năng truy cập vào Internet từ sau 2023. Giả định rằng một hộ gia đình có 3 thành viên, ta có xấp xỉ 63 triệu dân có quyền truy cập mạng, thấp nhất chiếm hơn 64% tổng dân số Việt Nam hiện tại [11], tương quan đồng biến với độ lan toả của WiFi.
Tổng thể, sự phát triển và lan rộng của việc sử dụng thiết bị điện tử và WiFi để đảm bảo quyền tự do truy cập Internet phạm vi rộng tại đa quốc gia được xem là "long mạch" của thời kì chuyển đổi số.

2. Trọng tâm của xã hội đang đặt ở đâu?

Ảnh 5: Thời gian trung bình người Việt truy cập Internet trong một ngày [<a href="https://www.statista.com/statistics/804073/daily-time-spent-using-online-media-by-activity-vietnam/">12</a>]
Ảnh 5: Thời gian trung bình người Việt truy cập Internet trong một ngày [12]
Trung bình, một người Việt ngủ từ 6.5-7 giờ đồng hồ/ngày/24h và dành 17 tiếng còn lại hoạt động [13]. Trừ đi 2 giờ 30 phút giải trí (Ảnh 5) và 2 giờ đồng hồ cho 3 bữa ăn/ngày (2 bữa ăn ngoài và 1 bữa tự nấu), ta còn 12,5 tiếng. Hơn hết, việc truy cập Internet giải trí có thể chiếm trên 6 tiếng/ngày, rút ngắn thời gian tổng thể lại còn 8,5 tiếng. Trừ đi 8 tiếng làm việc công sở/ngày [14], người Việt còn xấp xỉ 30 phút cho bản thân được "trống" khỏi sự hiện diện của điện tử. Phần lớn thời gian đều được đầu tư vào sử dụng Internet, dù là để xem phim, đọc báo, chơi game, hay nghe nhạc, tất cả đều yêu cầu "mạng". Chúng ta sẽ đào sâu vào quỹ thời gian trên để xác định chúng được chi tiêu như nào:
Ảnh 6: Lối sống của GenZ dựa vào các kênh khác nhau [<a href="https://www.statista.com/statistics/1366821/vietnam-healthy-lifestyle-search-channels-gen-z/">15</a>]
Ảnh 6: Lối sống của GenZ dựa vào các kênh khác nhau [15]
Ở GenZ, việc định hướng lối sống lành mạnh chủ yếu được trau dồi qua mạng xã hội. Tương tự, phần lớn kiến thức cũng được GenZ dung nạp qua các trang mạng hoặc diễn đàn chung, trước khi tìm đến gia đình, bạn bè, và người có chuyên môn cao. Hơn 70% số nguồn trong danh sách ưu tiên của GenZ đều thông qua truy cập Internet. Qua báo cáo, ta có thể thấy đây là hiện tượng phổ biến của người trẻ trước sự tiện lợi và thoải mái của mạng xã hội.
Ảnh 7: Lối sống của GenY dựa vào các kênh khác nhau [<a href="https://www.statista.com/statistics/1366821/vietnam-healthy-lifestyle-search-channels-gen-z/">15</a>]
Ảnh 7: Lối sống của GenY dựa vào các kênh khác nhau [15]
Điều tương tự cũng xảy ra đối với GenY (Millennials), khi đa phần người tham gia đều ưu tiên mạng xã hội trước khi tương tác "thật". Tuy vậy, chuyên gia vẫn là lựa chọn ngay sau mạng xã hội, chút ít khác biệt với GenZ. Đây được tin là hệ quả của đợt dịch COVID-19 bởi nó đã làm GenY-Z thay đổi hành vi tiêu dùng cũng như tâm lí ứng phó với hoàn cảnh, buộc mọi người phải chuyển hoá "số" [16].
Ảnh 8: Các kênh mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam
Ảnh 8: Các kênh mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam
Trong đó, Facebook, Instagram, và Tiktok được xem là ba ứng dụng mạng xã hội chi phối lối sống của GenZ nhiều nhất, còn Zalo lại có tiếng hơn trong giới GenY và GenZ [17]. Hơn hết, trong năm 2021, có 22% người tham gia báo cáo cho biết họ sử dụng internet hơn chín giờ mỗi ngày, một sự tăng đáng kể so với con số 9% ghi nhận vào năm 2020. Trái lại, có sự giảm sút trong các đoạn thời gian sử dụng internet khác, với 27% sử dụng internet từ ba đến năm giờ mỗi ngày, so với con số 31% vào năm 2020, và 23% sử dụng từ năm đến bảy giờ, so với con số 27% vào năm 2020. Đa số người tham gia truy cập internet qua điện thoại thông minh để học tập, xem phim, nghe nhạc và mua sắm trực tuyến. Gần 75% số người tham gia cho biết họ mua sắm trực tuyến, trong khi 91% sử dụng điện thoại thông minh cho các hoạt động trực tuyến khác nhau. Các danh mục mua sắm trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị gia đình và thiết bị điện tử. Mặc dù thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng vẫn được ưa chuộng với tỷ lệ 73%, nhưng việc sử dụng ví điện tử đã tăng lên từ 23% vào năm 2020 lên 37% vào năm ngoái. Khoảng 24% số người tham gia cho biết họ tiêu hơn 10 triệu đồng mỗi năm để mua sắm trực tuyến. Uy tín của một nền tảng thương mại điện tử được xem xét là yếu tố quan trọng nhất đối với người tiêu dùng trực tuyến, với 74% số người tham gia coi đó là quan trọng. Các yếu tố quan trọng khác bao gồm việc giao hàng nhanh chóng và các chương trình khuyến mãi. Về kích thước thị trường thương mại điện tử (TMĐT), nền kinh tế TMĐT của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 20% để đạt 16,4 tỷ đô la vào năm 2022, gần bằng với tỷ lệ tăng trưởng 25% được ghi nhận vào năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. iDEA ước tính ít nhất có 57 triệu người sẽ tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2022, tăng 4% so với 2022 [18].
Chung quy, ta thấy rằng ở hiện tại, khi có vấn đề xoay quanh lối sống và sức khoẻ, con người phó mặc phần lớn "mạng" của họ cho mạng xã hội và truyền thông quyết định, trong khi tìm đến chuyên gia hay người thân cận chỉ là phương án sau. Ta thấy rõ sự chuyển mình của con người dạo gần đây. Điều này làm các nhà khoa học không khỏi hoài nghi rằng cái giá mà con người phải trả cho sự dựa dẫm vào công nghệ mới trong hành trình số hoá sắp tới là gì? [19].

3. AI như một chỗ dựa mới?

Trong bối cảnh hiện tại, sự xuất hiện bất ngờ của làn sóng Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) đã kích động thị trường: các data-driven business dần đổi "họ" thành AI-driven business; các ứng dụng và websites hỗ trợ công cụ AI để tóm tắt nghiên cứu khoa học, tạo ảnh viral, hay nổi bật nhất là ChatGPT, đã hâm nóng công nghiệp ở nhiều khía cạnh, từ tài chính, kinh tế, đến marketing, viết lách, hạch toán, và lập trình [20]. Tuy còn trong quá trình phát triển, tất cả ứng dụng đều cho người dùng khả năng học và đọc nhanh những kiến thức mới, tự động hoá qui trình, và thế nhân viên làm việc "cỏn con" như viết email trả lời khách hàng, tư vấn gói dịch vụ, và khảo sát thu thập mức độ hài lòng qua điện thoại. Đây có thể là bước đầu của nhân loại trong công cuộc tiến vào kỉ nguyên 5.0, nơi tự động hoá hoá "con người". Ở một góc nhìn chung, AI mang lại nhiều lợi ích cho con người và sớm hay muộn, sẽ soán ngôi mục "mạng xã hội" trong việc tư vấn đời sống. 
Ảnh 9: Minh hoạ cho sự dựa dẫm vào công nghệ [<a href="https://exoplanetscience.org/is-modern-society-too-reliant-on-technology-to-communicate">NA</a>]
Ảnh 9: Minh hoạ cho sự dựa dẫm vào công nghệ [NA]
Tuy nhiên, đây có phải là "điềm báo" cho sự hạn hẹp tri thức của con người 5.0? Tính đến thời điểm hiện tại, AI nổi tiếng chủ yếu vì khả năng "tự động hoá" như đã nhắc đến trong các doanh nghiệp lớn, nhưng nếu xét việc sử dụng ở qui mô con người, khả năng đấy lại là một con dao hai lưỡi. Việc có mọi thứ một cách dễ dàng qua vài phút gõ phím nghe thoáng qua tưởng chừng sẽ giúp con người tiết kiệm thời gian đọc tài liệu, nhưng với những đặc tính vốn có của con người như tham lam, tự thân, và háu thắng, AI có "nguy cơ" trở thành chỗ để các con dân trục lợi khoa học, thay vì được sử dụng như một công cụ phục vụ nghiên cứu hàn lâm. Điều tương tự đã từng xảy ra với Google. Có một sự thật bất ngờ rằng đa số người dùng đều không thật sự hiểu cách sử dụng Google, ngoài tra những gì mình nghĩ và đọc những gì hiện lên tức khắc, trước khi kịp đọc cả báo cáo hoặc đánh giá nguồn bài báo. Đáng kể hơn, như đã phân tích ở mục II, Facebook, Instagram, hay Tiktok được xem như "thầy" ở thế giới hiện đại, hướng dẫn con người đến với cách sống khoẻ. Ta thấy rất rõ sự ham muốn đáp án của con người. Con người mong họ biết được kết quả sau vài chữ tìm kiếm và vài video với thời lượng 15-60s, từ những người "truyền cảm hứng" hoặc nói chuyện có "hiểu biết" nhờ học cóp, học nhặt như cách phần lớn người dùng tra Google. Vấn đề này sẽ trầm trọng hơn khi AI dần được phổ cập. Giờ đây, cùng một câu hỏi tra Google, ChatGPT có thể vào thẳng vấn đề và soạn ra một văn bản hoàn hảo gồm những thông tin học được từ cả bộ dữ liệu "thế giới" ở mọi ngành nghề. Với những bản tính trên, việc "copy-paste" hẳn là phương án tối ưu nhất với người dùng và việc học "lỏm" dần trở nên nhanh chóng hơn. Trên đà hiện tại thì chẳng phải nay mai Việt Nam sẽ đầy rẫy những nhà bác học tự xưng? Xã hội sẽ lại đối mặt với căn bệnh thế kỉ mang tên: "lười". Mọi thứ đều xuất phát từ tư duy "lười" đọc, "lười" khám phá, và "lười" hiểu.
Phải chăng con người đang quá ám ảnh với việc "đúng" hay "sai"? Đưa ra một đáp án chuẩn xác và giải quyết được vấn đề là một điều đáng khen ngợi, nhưng chúng ta đâu thể đảm bảo 100% những phán đoán mình đưa ra đều phải đúng? Và bởi lẽ, chính vì sợ sai, nên con người mới luôn tìm một "đáp án", để làm dịu lòng? Đôi lúc, thứ quý giá để xây dựng nên tư duy cá nhân không nằm ở đáp án cuối, mà ở chặng đường người nghĩ đã du hành qua. Chính hành trình dài dăng dẳng và thay đổi không ngừng sau mỗi lần thất bại đấy mới hình thành nên thứ mà con người gọi là "tư duy phản biện" (critical thinking). Nếu AI móm cho chúng ta đáp án từ đầu, phải chăng hành trình đã kết thúc từ lúc bấm phím "Enter", còn đâu là "nội chiến" vũ trụ trong đầu?.

III. Góc nhìn cá nhân

Con Người 5.0: Mất mạng là "Mất mạng?"
Anh Nguyễn (2024)
"Vô lí, mạng sao mà mất được" và "Điện không biến mất được đâu" đều là những nhận định chính xác vì vốn dĩ chúng sẽ song hành với con người đến khi tài nguyên Trái Đất cạn kiệt. Nhưng đó không phải là ngụ ý của tiêu đề. Tại sao tôi đặt câu hỏi như thể mạng con người được quyết định bởi cục WiFi trong phòng mỗi người?
Đơn giản, vì tôi tin thực tế là như vậy. Tôi thấy những cuốn sách dần đóng bụi trên kệ tủ thư viện, những bài báo khoa học chẳng mấy lôi kéo bạn đọc trẻ, và sự lạm dụng mạng thần kinh nhân tạo. Giả sử, tôi hỏi bạn về cách sửa chiếc xe Dream để ngoài mưa không đề máy lên, việc đầu tiên bản thân bạn làm là gì? Bạn biết đề máy xe bị nghẹt xăng không? Tại sao dòng Code này lại nằm ở đây? Bạn có phương pháp riêng nào để đọc một bài nghiên cứu chứ? Nhà vệ sinh chẳng may bị nghẹt, bạn biết thông chứ? Đèn trong phòng bị cháy bóng, bạn thay được chứ? Mình dùng Sunlight rửa xe được không?..., và 1001 câu hỏi. Giả sử, tôi rút điện nhà bạn, liệu bạn có cho tôi câu trả lời?.
Ảnh 10: Khi con người tôn sùng sự tiện nghi và an toàn
Ảnh 10: Khi con người tôn sùng sự tiện nghi và an toàn
Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại dễ dàng vấp phải câu trả lời "đợi t Google" hay "để t hỏi ChatGPT". Như đã nói, việc thích nghi và hiện đại chẳng có gì là sai, nhưng đến những thứ căn bản và thực tế bạn còn không thể tự tin trả lời, hoặc tự mình ngồi đó tìm đáp án, thì đúng thật "mạng" đã có thể đoạt mạng bạn bất cứ lúc nào. Tôi tin rằng mọi công cụ chỉ nên là bàn đạp, để giúp cho hành trình đỡ gian nan. Sự xuất hiện của mọi thứ, từ Google, Bing, Cốc Cốc, đến ChatGPT đều để giúp con người vào đúng trọng tâm, dựa trên những gì ông cha ta đã nghiên cứu suốt những thế kỉ. Thứ mà đời trước đã dày công truy tìm, giờ có thể được học và áp dụng trong vài ngày, đó là nếu bạn không "lười" và dừng ở khâu "tìm". Việc này tương tự như việc nhiều bạn trẻ bảo sau này lập trình sẽ chẳng có cơm vì AI lo liệu mọi thứ, hay trẻ con không cần học tiếng Anh, vì sau này có máy phiên dịch. Điều quan trọng nằm ở tư duy (mindset). Bạn hãy thử quan niệm rằng Code được viết nên để cho người đọc-hiểu, và máy chỉ vô tình xử lí; tiếng Anh là một chất keo thống nhất, và cá nhân lĩnh hội được nó có thể tự tin trao đổi với thế giới. Chính mindset này sẽ không để đời bạn phó mặc cho bất kì ai, bởi tôi tin rằng người yêu cuộc hành trình sẽ luôn thành công hơn người chỉ muốn về đích. Và tôi tin, nếu bạn hiểu, bạn sẽ đủ khả năng để cưỡi làn sóng AI trong tương lai, và dùng nó để tối ưu hoá, cũng như tạo nên những thứ chưa từng tồn tại.
Những sự kiện gần đây, như Amazon sáng tạo ra người máy giúp tháo dỡ hàng cồng kềnh [21]; FPT đào tạo đội ngũ AI để lo toang việc kế toán [22]; Các công ty Unicorn ồ ạt bán sản phẩm AI-based được thêu dệt theo ý khách hàng [23]; hay AI thế bộ phận HR tuyển dụng nhân viên [24], tất cả tưởng chừng như đã tước đi cơ hội nghề nghiệp của hàng nghìn người, nhưng với tôi, đây là một dấu hiệu tốt để nhắc con người ra khỏi vùng an toàn của họ và tiến đến những vùng trời mới cao cấp hơn, khắc phục tình trạng "mua/bán" nhiều hơn "tạo" ở Việt Nam. Phải chăng con người trở nên lo sợ sẽ bị thế chỗ vì họ đã sống quá quen trong vùng an toàn "giá trị thấp" mà mình chọn?.
"Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành." _Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam

IV. Kết luận

Ở hiện tại, tôi tin phần lớn các bạn trẻ đều sẽ gặp khó khăn trong việc mất đi "mạng", bởi lẽ điện và thiết bị điện tử là một phần lớn trong xã hội toàn cầu, cũng như công cuộc cách mạng số hoá và mất đi nó cũng đồng nghĩa với việc cánh cổng tri thức khép lại. Tuy nhiên, việc phó mặc bản thân và để bản thân bị chi phối bởi kiến thức bề nổi cũng như kinh nghiệm từ công nghệ tự động hoá là giới hạn mà con người đặt ra cho bản thân, dẫn đến một sự thật đáng buồn rằng nếu con người mất đi Internet, có mấy ai đủ tự tin để bước ra ngoài kia và đối mặt với những điều đã từng là căn bản đối với những thế hệ trước. AI, suy cho cùng, là một mạng thần kinh mô phỏng lại bộ não con người. Vậy nếu ai cũng dựa vào AI để biết cách sống thì đâu là kiến thức mới để AI mô phỏng lại?. Những nhận định trên đã vẽ nên một viễn cảnh 5.0, nơi con người bị đô hộ bởi công nghệ nói chung, và AI nói riêng, như hệ quả của việc sụt giảm kĩ năng và giá trị "thực" của xã hội.
Có những kĩ năng nếu chúng ta trải nghiệm, sẽ hiểu được nhiều hơn. Giữa xã hội bộn bề, sống chậm lại và để tâm đến cảnh vật cho ta thấy được chiều sâu, thấy những thứ mà ta đã từng "vô tâm" phớt lờ, như cách bố đã sửa xe như nào, mẹ đã thay bóng đèn ra sao, hay anh IT nhà kế thấy điều gì ở những dòng mã xanh đỏ chi chít, bởi lẽ kiến thức chỉ là cái vỏ rỗng nếu người học không thật sự hiểu. Ngoài ra, học cách đồng tồn tại và song hành cùng AI là thiết yếu để tránh bị hoà tan vào ma trận, nơi tư duy được "móm" trực tiếp vào bộ não của người dùng. Đôi lúc, bạn học những gì và bao nhiêu chẳng quan trọng mấy, bạn học như thế nào và làm ra sao, mới là điều đáng trân quý. Tóm lại, với sự tiến bộ của công nghệ, việc tìm ra lý thuyết trở nên dễ dàng hơn bao giờ , và chỉ khi con người thực sự biết cách tận dụng lợi ích này để xây dựng nên những cơ đồ mới thay vì gặm nhắm trên nỗi an nhiên, thì xã hội mới có thể hướng đến một thời kì 5.0 bền vững (sustainable).
"With great power comes great responsibility." _Ben Parker
Anh Nguyễn, 30/01/2024, TPHCM