1. Cuộc cá cược giữa Thiên Chúa và Satan
"Tại xứ Út-xơ có một người tên là Gióp. Ông Gióp là một người gần như hoàn hảo.
Ông không những có một gia đình thương yêu và sự giàu có tựa vua chúa mà ông còn là một người tin yêu và thờ phượng Thiên Chúa. Sự khiêm nhường và lòng mộ đạo của ông không ai sánh bằng. Sự đứng đắn khó ai bì kịp của ông thật tuyệt vời đến độ khiến cả hai vị cai trị thiên đàng và địa ngục đều để ý.
Ác quỷ - Satan đến gặp Thiên Chúa để thảo luận về sự công bình của Gióp. Satan lập luận rằng ông Gióp chỉ yêu quý và ca ngợi Thiên Chúa vì ông được ban phúc mà thôi. Chứ nếu Gióp phải mất đi gia đình và tài sản của mình, thì chắc chắn ông sẽ nguyền rủa Chúa.
Nghe đến đây, Thiên Chúa nói với Satan rằng: Tốt thôi, thế thì mọi thứ hắn có đều phó trong tay ngươi nhưng chớ hại đến mạng hắn, dù chỉ là một ngón tay của ngươi" Nhờ thế, Satan tiến hành tước đi mọi sự giàu có của ông Gióp, tất cả động vật và người hầu của ông.
Nhưng không chỉ vậy, Satan giết những đứa con của ông, cả trai và gái. Và trên hết thảy là ông Gióp chịu đau đớn bởi ung nhọt trên da khiến ông phải dùng những miếng sành để gãi. Khi ông Gióp đầm mình trong đớn đau, vợ và bằng hữu chẳng hề an ủi ông mà còn nhấn mạnh nỗi khốn khổ của ông. Bằng hữu thì xét đoán rằng ông Gióp hẳn đã làm gì đó tội lỗi đến mức phải nhận mức độ dày vò thần thánh này.
Thế nhưng, ông Gióp và người đọc biết rằng ông chưa làm gì sai cả. Ông trung thành với đạo đức của mình thậm chí còn tiếp tục thần thờ phụng Chúa và cầu nguyện trong tình trạng đau đớn này. Hành vi này làm bẽ mặt vợ ông, bà nói như sau: "Ông vẫn còn duy trì lòng trọn thành của mình sao? Nguyền rủa Chúa và chết quách đi!"
Hiển nhiên là ham muốn nguyền rủa Chúa sẽ xuất hiện. Hầu hết mọi người khi rơi vào trường hợp của ông Gióp sẽ bị tha hóa bởi những khổ đau không đáng ấy. Và dù ta chứng kiến ​​cuộc vật lộn giữa Gióp với sự cám dỗ, ông vẫn vững tin vào tình yêu mình dành cho Chúa Dù nói là vậy, nỗi đau ông cảm nhận quá đỗi dữ dội tới mức khiến ông không kiềm nổi khao khát có được một lời giải thích. Ông Gióp mong ước được thỉnh cầu Thiên Chúa, Người được cho là vị thẩm phán tối cao, với hy vọng rằng Ngài chắc sẽ lắng nghe cảnh ngộ của mình. Ông Gióp biết mình không làm gì sai cả, ông đã sống theo những lời răn đạo đức của Thiên Chúa và vẫn tiếp tục dâng lên những lời ca tụng và lễ vật đúng đắn mà Thiên Chúa yêu cầu bất chấp tình trạng tiều tụy và nghèo đói của mình. Nếu xét đến tội lỗi mà ông Gióp mắc phải thì chỉ có thể là niềm tin rằng ông có thể thỉnh cầu công lý thánh thần.
2. Lời thỉnh cầu của ông Gióp
Nhưng trong tình trạng ấy, chẳng phải khao khát này cũng có thể cho qua sao? Thế nhưng, đối với Thiên Chúa thì dường như là không. Thiên Chúa xuất hiện trước ông Gióp dưới dạng một cơn gió lốc. Và thay vì đưa ra lời giải thích cho những khổ đau của ông Gióp, Thiên Chúa lại xoáy vào chỉ một vi phạm của ông Gióp. Ngài chỉ trích sự nhỏ nhen và ngu dốt của ông Trích: "Là kẻ nào che khuất các mưu định của ta, bằng những lời không tri thức?"
Trái ngược với một đấng tối cao, Gióp chỉ như một con chuột chẳng may lọt vào mắt của một con sư tử. Thế rồi Thiên Chúa phô trương sức mạnh của mình thông qua một loạt các viễn thị. Và trong những viễn thị ấy, Chúa hỏi ông Gióp các câu: "Ngươi đã ở đâu khi Ta đặt nên nền Trái Đất?" Thiên Chúa hỏi ông liệu ông có biết khi nào dê rừng đẻ chăng? Thiên Chúa hỏi ông ai ban sức lực cho ngựa cùng nhiều câu hỏi khác, để ông Gióp thấy được quyền năng không thể chất vấn của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa kết thúc màn phô diễn sức mạnh của mình Ngài hỏi Gióp rằng liệu một kẻ trong thể trạng phàm trần như ông có khả năng hiểu được các chức năng của vũ trụ!? chứ chưa nói chi là điều khiển nó.
Thế rồi, ông Gióp đáp lại như sau, trích: "Trước tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng giờ, mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy tôi lấy làm gớm ghê bản thân và xin được ăn năn trong đống tro bụi."
Mặc dù lời khẩn cầu của ông Gióp rõ ràng đã bị từ chối, thì một chuyện kỳ lạ đột ngột xảy ra vào cuối truyện. Sự giàu có và sức khỏe của ông Gióp đã được trả lại gấp hai lần. Gióp sống đến tận 140 tuổi, chứng kiến con cái và cháu chắt đến tận đời thứ tư.
3. Diễn giải tích truyện về ông Gióp.
Được nuôi dạy như một tín đồ Kitô, tôi được dạy rằng sách Gióp được coi như một lời giải đáp cho câu hỏi tại sao điều tồi tệ xảy ra với người tốt ? Vị thế của Thiên Chúa được xem như một đấng tối cao, như vị thẩm phán tối cao của công lý, gợi lên rằng có một mục đích siêu việt cho mọi sự kiện trong đời của ta. Ngay cả khi một vài sự việc dường như không công bằng hay thỏa đáng, thì mọi sự đều có ý nghĩa tối thượng mà ta phải đi đến cùng mới thấy được. Và ta chỉ đến được đó bằng cách sống theo ý chí của Thiên Chúa. Trong phần lớn cuộc đời mình, tôi chấp nhận lời giải thích này, cho dù đó là một sự thật khó nuốt. Tôi chắc rằng ngay cả những người nhiệt thành nhất với Cơ đốc giáo cũng có thể thông cảm với cảm giác này, đặc biệt là những ai bị thử thách niềm tin khi phải đối mặt với những đau khổ cực độ. Chắc chắn tôi cũng nằm trong nhóm này, vì tôi đã trải qua đau khổ khôn cùng, không chỉ riêng trong đời mình mà cả trong cuộc đời của những người tôi quen và không quen. Dù cho tôi cố đặt bao nhiêu niềm tin vào Thiên Chúa, tâm trí vẫn hành hạ tôi khôn nguôi, bởi khao khát được hiểu về mục đích đằng sau sự đau khổ cực độ này. Tôi không cưỡng lại nổi! Và khi truy tìm lời lý giải cho những đau khổ dường như vô nghĩa, và lời giải cho hành động của Thiên Chúa trong sách Gióp, tôi tình cờ tìm thấy GS Jung.
Qua cuốn "Trả lời ông Gióp", GS Jung cung cấp lời giải thích mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu nay. Ông ấy không chỉ đưa ra lời giải thích hợp lý cho hành vi của Thiên Chúa, mà lời giải thích của ông đã minh oan cho Gióp theo hướng biến Gióp trở thành "bề trên đạo đức" trong truyện. Tôi biết lời gợi ý này có vẻ báng bổ đối với những Cơ đốc nhân, và thật đến là khó hiểu đối với người vô thần. Rốt cuộc thì làm sao một con người lại có thể công bình hơn được Đấng toàn năng ? Để làm rõ, trước tiên tôi phải cung cấp những chỉ trích của GS Jung về Thiên Chúa trong sách Gióp. Khi cung cấp xong rồi, tôi mới có thể đưa ra lời giải thích của GS Jung theo cách rõ ràng nhất có thể.
4. Diễn giải "báng bổ" của Carl Jung
Hãy cùng trở ngược lại phần đầu câu chuyện khi Chúa trao đổi với Satan. Giáo lý Ki-tô tuyên bố rằng người ta nên chống lại ma quỷ mọi lúc mọi nơi. Vậy sao Thiên Chúa không làm điều tương tự để là một tấm gương tốt? Chẳng phải Ngài nên phớt lờ Satan và đuổi hắn khỏi thiên đàng? Sau cùng thì Chúa Giê-su đã nói rằng Chúa Cha đã đuổi Satan khỏi thiên đường một lần trong Lu-ca 10:18. Vậy, điều gì ngăn Ngài làm điều ấy lần nữa? Tệ hơn cả là Thiên Chúa cho phép Satan gieo rắc nghi ngờ trong tâm trí Ngài, một việc đáng lý ra phải là bất khả thi chứ.
Hãy thử ngẫm mà xem! Nếu Thiên Chúa thực sự là một Đấng toàn trí, thì sao Ngài không dựa vào sự toàn tri của mình và loại bỏ bất kỳ nghi hoặc nào về bề tôi trung thành của Ngài? Nếu Ngài toàn trí thì chẳng phải cuộc thử nghiệm này lên ông Gióp là hoàn toàn không cần thiết sao? Nhân tiện thì đây chẳng phải lần đầu mà vị thế Đấng toàn giác của Thiên Chúa bị đặt dấu chấm hỏi. Ví dụ như trong Sáng thế ký 6:6, Thiên Chúa bày tỏ sự hối tiếc về việc đã tạo ra loài người bởi sự gian ác của họ. Nếu Ngài thực sự là một đấng toàn trí, chẳng phải Ngài sẽ biết trước được nhân loại tất yếu sẽ trở thành giống loài mang đầy tội lỗi sao ? Hãy giữ câu hỏi này trong đầu nhá, vì chúng ta sẽ quay lại với nó.
GS Jung tiếp tục chỉ ra rằng Thiên Chúa được cho là đã vi phạm 2 trong số 10 điều răn mà Ngài đã phán truyền Mô-sê trên núi Sinai. Một điều răn là "Ngươi không được giết người" và điều còn lại là "Ngươi không được trộm cắp". Chúa là đồng chủ mưu trong vụ mưu sát khi Ngài cho phép Satan giết các tôi tớ của ông Gióp và con cái ông. Ngài cũng là đồng chủ mưu trong vụ trộm cắp khi Satan cướp hết tất cả tài sản của ông Gióp. Dĩ nhiên, người ta có thể chỉ ra rằng Gióp đã được nhận lại của cải gấp hai lần vào cuối câu truyện. Nhưng còn những đứa con mà ông yêu thương hết mực? Chắc hẳn tổn thương mà ông trải qua từ cái chết của họ sẽ đeo bám ông cho đến cuối đời. Nhưng như GS Jung chỉ ra một cách mỉa mai, rằng con cái không dễ bị thay thế bằng những mô hình mới và tốt hơn đâu. Xin nhắc lại, nếu Thiên Chúa dựa vào sự toàn tri của mình thì vụ dàn dựng giết người và trộm cắp này đáng lẽ là hoàn toàn không cần thiết.
Ta cũng đừng bỏ qua sự thật rằng khi nói tới hệ thống đạo đức thì tất cả các bên đồng ý với hệ thống ấy đều sẽ phải tuân theo những điều luật. Liên quan đến mười điều răn, chẳng phải việc xem chúng như một loại khế ước luật lệ giữa Chúa và nhân loại mới hợp lẽ sao? Tức là bất cứ ai tham dự vào giao kèo này đều có thể nhấn mạnh các quyền như thỏa thuận rằng Thiên Chúa sẽ trung thực và chân thật hoặc ít nhất là công bằng? Và nếu con người tuân theo 10 điều răn thì Thiên Chúa cũng phải công nhận các giá trị đạo đức hoặc ít ra, là cảm thấy phải giữ lập trường pháp lý của mình?
Tóm lại, GS Jung chất vấn rằng liệu Thiên Chúa có được hành động vượt ngoài phạm vi luật lệ mà Ngài đã tạo ra? Và nếu có, thì tại sao nhân loại nên nghe theo Ngài? Hãy cùng chuyển chủ đề từ sự toàn tri của Chúa qua sự toàn năng của Ngài, vị thế của Ngài như một đấng toàn năng. Chắc hẳn ông Gióp - một kẻ sùng đạo đã bị Thiên Chúa đảo lộn cả cuộc đời đã nhận thức đầy đủ về sự toàn năng của Ngài. Ông ta vốn biết rằng Người duy nhất cho phép tất cả những bi kịch này chỉ có thể là Thiên Chúa. Và chắc rằng Thiên Chúa cũng phải biết điều này nếu Ngài là đấng toàn tri theo như Ngài đã nói. Vậy tại sao Thiên Chúa cảm thấy cần phô trương thanh thế trước Gióp? Trích lời GS Jung: "Một con sư tử có đáng mất thì giờ để dọa nạt một con chuột?"
Sau cùng, GS Jung xét đến một lập luận phổ biến ủng hộ cho hành vi của Thiên Chúa trong cuốn sách Gióp. Đó là có thể trong sự toàn tri của mình, Thiên Chúa biết rằng Gióp rốt cục sẽ thành công và sẽ tiếp tục thờ phụng Thiên Chúa bất chấp đau khổ sẽ tôn ông lên thành một hữu thể đạo đức cao hơn. Đáp lại lời chỉ trích này, GS Jung cho rằng nếu vậy thì hành vi của Chúa thậm chí còn phi logic và phi lý hơn vì khi ấy, đáng lẽ Ngài có thể khai sáng cho Gióp thấy những kiếp nạn mà ông phải trải qua. Phải thế thì mới công bằng chứ? Nhưng Thiên Chúa lại không làm vậy. thay vào đó Ngài gần như dọa cho Gióp phải khiếp đảm vì ông dám có ý kiến về cảnh ngộ của mình. Một lần nữa, đây được cho là lỗi lầm duy nhất của ông Gióp. Ngoại trừ điều đó, ông là bầy tôi tận tụy nhất của Thiên Chúa dựa trên đạo đức của ông. Giờ khi ta xem xét đến tất cả những chỉ trích này, người ta có thể đưa ra một thể kết luận là Thiên Chúa trong Do thái- Kitô giáo không phải là một đấng toàn tri như Ngài thừa nhận. Vài người có lẽ đi xa đến mức gợi ý rằng những Cơ đốc nhân phái Gnostics đã đúng khi cho rằng Vị cai trị thực sự của trái đất này là một Đấng tạo hóa ác độc. Tuy nhiên, GS Jung đưa ra một lời giải thích mà ngạc nhiên thay, công nhận vị thế Đấng toàn tri của Thiên Chúa, mặc cho sự thật rằng Thiên Chúa đã không dựa vào sự toàn tri của mình trong cuốn "sách Gióp".
5. Thiên Chúa là "vô thức"?
Cho phép tôi giải thích sự khả thi này ra sao Một trong những điều đầu tiên mà một cơ đốc nhân sẽ học là Chúa có 3 đặc điểm: Ngài toàn trí, toàn năng và toàn hiện. Chính ba phẩm chất này đã cho phép Thiên Chúa không chỉ tạo ra vũ trụ này mà còn biết được tất cả các chức năng của nó và cho phép Ngài hiện diện mọi nơi, mọi lúc. Như nhiều nhà thần học, người ta có thể thừa nhận rằng nếu mọi tạo vật sinh ra từ Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa là sự hợp nhất toàn vẹn của tất cả mọi thứ thì Ngài cũng trường cửu và bao la tựa như vũ trụ. Từ đó ta cũng có thể suy luận logic rằng Thiên Chúa là bất tử. Vậy, nếu Thiên Chúa là bất tử, cũng như là hợp nhất của mọi thứ thì ta suy ra rằng Chúa là vô hạn. Không nơi nào mà không có Ngài Không quyền năng nào mà Ngài không sở hữu, Ngài là mọi thứ. Nghịch lý thay, dù Thiên Chúa chứa đựng tất cả mọi thứ bên trong thì vẫn có một thứ mà Ngài không sở hữu đó là những giới hạn.
Ngược lại với Ngài, ông Gióp và toàn bộ nhân lọai đều hữu hạn. Thiên Chúa thiếu đi giới hạn về sự khả tử của con người. Điều này rất quan trọng bởi chính nhờ những giới hạn của nhân loại mà GS Jung bắt đầu giải thích hành động Chúa gây ra cho Gióp. Trích: "Con người sỡ hữu thứ gì mà Chúa không có? Bởi vì sự nhỏ bé, yếu ớt, bất khả kháng của con người so lại Đấng toàn năng, mà con người sở hữu một thứ tựa như ý thức nhạy bén hơn dựa trên sự phản tư: "Để sống sót, con người phải luôn luôn hữu thức về sự bất lực của mình." Bởi vì cái chết không bỏ qua bất cứ hữu thể nào nên họ cần phải tự phản tư để tránh những đau khổ và cái chết. Nếu họ vẫn vô thức về những gì đã gây ra cho họ đau đớn, họ chắc chắn sẽ chết. Thiên Chúa không cần tự phản tư bởi Ngài là bất tử, Ngài không bao giờ chết. Cho nên đạo đức của con người khác với đạo đức của Thiên Chúa. Con người là khả tử còn Chúa là bất tử. Đạo đức của con người dựa trên khả năng hành xử có đạo đức của họ khi đối mặt với sự đau khổ cùng cực, giống như ông Gióp đã làm.
Trong trường hợp của ông Gióp, bằng cách tiếp tục hành xử có đạo đức khi đối mặt với đau khổ tồi tệ nhất mà ông phát triển, theo lời của Jung, một thứ ánh sáng "cô đặc" hơn cả thứ ánh sáng Thiên Chúa sở hữu. GS Jung bắt đầu giải thích hành vi của Chúa chính từ điểm này. Chính bởi ông Gióp tiếp tục trung thành và yêu mến Thiên Chúa bất chấp đau khổ của mình mà ông phát triển một hình thái đạo đức vượt trên cả Đấng toàn năng. Từ sự ghen tỵ này mà Thiên Chúa trả đũa lại Gióp. Điều này phù hợp với hành động của Thiên Chúa cho tới thời điểm này trong Kinh Thánh. Chúa thậm chí còn thừa nhận đã ghen tỵ trong quá khứ, vậy sao không phải là ghen tỵ ở chi tiết này?
Nhưng điều đó đặt ra câu hỏi: Sao phải ghen tỵ làm chi? Tại sao một Đấng được coi là đáng mến - Vị Thánh được coi là đã có hết mọi thứ, lại không khen ngợi ông Gióp vì sự công bình của ông? Hãy nhìn điều này từ góc độ tâm lý: Khi bạn thấy ghen tỵ với ai đó thì đó là bởi họ sở hữu thứ gì đó mà bạn không có. Nếu một người có đạo đức cảm thấy ghen tỵ, có lẽ họ sẽ tự hỏi bản thân mình đang thiếu điều gì, điều gì đang cản trở họ đạt được thứ họ khao khát. Ví dụ như: tôi không có cái TV đắt tiền như người đàn ông đó bởi vì tôi không làm việc chăm chỉ như anh ta. Theo như lời của GS Jung, một người có đạo đức sẽ phản tư, họ phải làm vậy. Và nếu không thì họ sẽ tiếp tục để cho những ham muốn ghen tị chiếm hữu. Lý tưởng là sau giai đoạn phản tư này, họ sẽ ý thức được về điều họ còn thiếu. Không như loài người, Thiên Chúa chưa từng phải phản tư hay ý thức về bất cứ thứ gì bởi Ngài vốn là mọi thứ rồi. Nếu Thiên Chúa chưa từng phải ý thứ về bất cứ thứ gì, thì kết luận logic duy nhất người ta có thể đưa ra đó là Thiên Chúa là vô thức.
Không chỉ thế, Ngài còn hành động một cách vô thức. Nếu điều này là đúng, thì nó sẽ giải thích được rất nhiều thứ. Nó giải thích rằng hành động của Thiên Chúa trong "sách Gióp" là hoàn toàn phi đạo đức, không tốt cũng không xấu bởi đó là hành động được thực hiện mà không có chủ ý. Hơn nữa, nó giải thích cho việc thế nào mà Thiên Chúa sỡ hữu sự toàn giác lại không bao giờ dùng nó. Đó là bởi vì Ngài thiếu khả năng ý thức để dùng đến nó. Cũng tương tự như khi tôi nói đến việc Thiên Chúa bày tỏ hối tiếc về việc tạo ra nhân loại và nó mâu thuẫn ra sao với sự toàn giác của Ngài? GS Jung lập luận rằng nếu Thiên Chúa vốn là toàn thể mọi thứ và toàn thể nằm trong tâm trí vô thức, thì sự bày tỏ hối tiếc của Thiên Chúa là hợp lẽ. Trích:"Từ cách mà bản tính thánh linh tự bộc lộ, ta có thể thấy rằng những phẩm chất cá nhân không liên kết thích đáng với nhau, dẫn đến việc chúng phân ra thành các hành vi mâu thuẫn lẫn nhau. Ví như, Đức Giê-hô-va hối tiếc vì đã tạo ra con người, mặc dù với sự toàn giác của mình ngài hẳn phải biết tất cả những gì sẽ xảy đến với họ."
6. Giới hạn cũng là một sức mạnh?
Trong tâm trí GS Jung, Thiên Chúa không bao giờ phải phản tư, cho đến khi đối mặt với ông Gióp. Ngài không bao giờ phải ý thức về điều gì cho tới thời điểm ấy. Chúa cố lảng tránh khoảnh khắc ý thức này giống như cách con người làm vậy. Khi một người trở nên ý thức về điểm yếu cá nhân, đó là một trải nghiệm đau đớn. Ta sẽ làm mọi thứ có thể để không trở nên ý thức về điểm yếu đấy. Và Thiên Chúa đã làm y như vậy. Ngài cố gắng tránh sự thức tỉnh đau đớn ấy bằng một màn biểu diễn sức mạnh, Không may là, ngay cả khi là Thiên Chúa thì quyền năng vượt bậc cũng không có nghĩa là Ngài đúng. Ý niệm về một vị Thiên Chúa vô thức là toàn thể tất cả mọi thứ mang đến những ẩn ý đáng sợ, đặc biệt là đối với Cơ đốc giáo. Cũng như những Cơ đốc nhân khác, tôi được nuôi dạy để tin rằng Chúa Ki-tô là "Toàn thiện" (theo tiếng la-tin thì là Summum bonum) Rằng Thiên Chúa là tất cả những gì tốt đẹp và không có gì là xấu xa.
Nhưng, nếu nhận định của Jung là đúng thì nếu Thiên Chúa là hợp nhất của tất cả mọi thứlà vị Chúa vô thức thì nó sẽ khiến Ngài thành một thể tương phản. Một tổng thể của các mặt đối lập không tốt cũng không xấu vì khi đó, Ngài là cội nguồn cả sự tốt và xấu một cách vô thức. GS Jung đưa ra rất nhiều lập luận ủng hộ khái niệm mới này về Chúa. Trong bài viết theo, tôi sẽ tập trung vào các lập luận về mặt tâm lý ủng hộ rằng Thiên Chúa là một thể tương phản. Sau đó tôi sẽ trình bày các bằng chứng mà GS Jung trích dẫn từ Kinh thánh Cho đến lúc ấy, xin hãy để lại bình luận của bạn về bài viết chuyển thể này nhé. (Bài viết này là bản dịch nội dung video Answer to Job 1 - Jordan Peterson's God - Jung vs. God trên kênh của Max Derrat) Mời mọi người theo dõi kênh "Tâm lý học qua video" tại đường link phía dưới để theo dõi những bản dịch tương tự liên quan tới chủ đề tâm lý học.