Bạn có nhớ lần đầu tiên đánh nhau là khi nào không? 
Tôi thì có đấy, vì sao ư? 
Vì nó rất đã và đầy tính "giáo dục"
Cho đến mãi bây giờ, tôi vẫn mong bạn bè mình có thể trao cho nhau những "bài học" như thế !

LẦN ĐẦU TIÊN ĐÁNH NHAU

Khi còn đi học, do suốt ngày chỉ cắm mặt vào học nên gần như không có cơ hội để tôi vung nắm đấm. Nhưng rồi, bức tranh êm đềm đó chấm dứt ngay khi định mệnh tôi "va" phải một thằng nào đấy, và cãi nhau với nó về việc cái áo trắng của tôi bị vấy mực, mà tôi khá chắc là nó cố tình làm thế. Tôi không quen thằng này, chỉ biết nó là thằng học cùng khóa với tôi trong lớp học hè Anh Văn.

Với tâm thế học sinh gương mẫu, tôi cố gắng nói "đạo lý" với nó, nhưng chịu, vì vốn dĩ nó bỏ ngoài những gì tôi nói, như kiểu một thằng Việt Nam đang gằng giọng cố tỏ ra lịch sự để đối thoại với một thằng ngoại quốc chỉ biết trả lời Yes, No, OK, với những từ súc tích: "C*c, De*k, Đmm". Đầu tôi sôi dần lên với từng từ nó phát ra. Thế rồi, nó thốt ra một câu, chấm dứt mọi sự bất lực về ngôn từ của tôi: 

"Thích đánh nhau không ?"

Như tức nươc vỡ bờ, đầu tôi lúc đó bỗng hiện ra lời nói của Bác trong diễn văn kêu gọi toàn quốc kháng chiến, muốn hòa bình thì chúng ta không thể nhân nhượng. Thế là từ bài học rút ra từ lịch sử của dân tộc, tôi quyết định đứng lên đấu tranh, cho thằng này một trận.

Chúng tôi hẹn nhau ra sân sau trường để giải quyết. Và không như tiến trình lịch sử vẫn thường được học, chính nghĩa luôn chiến thắng, hoặc là nó đã không đứng về tôi lúc đó. Tôi và nó quần nhau tím mặt, cho đến khi tôi bỏ cuộc vì quá đau, thì nó dừng lại và bất ngờ đưa tay kéo tôi lên. Và trong giây phút trời đánh đó, tôi không còn ghét nó nữa và tôi đoán là nó cũng thế. 
Về đến nhà, khi bố mẹ hỏi, thì tôi nói là bản thân đã vấp liên tiếp vào một cây cột nào đấy trong trường, đại loại thế. Sau buổi ấy, chúng tôi có nói chuyện với nhau vài lần trong lớp, rồi sau hè, tôi không còn thấy nó nữa. Kỷ niệm đánh nhau đầu tiên của tôi trong mùa hè năm đó.

Thế đấy, mâu thuẫn giữa hai thằng chả quen biết gì nhau giải quyết chỉ trong một trận đánh tay đôi, không văn vẻ, không đạo lý, chỉ có nắm đấm và bàn chân nện thẳng vào thân thể đối phương. Đó là lần đầu tiên, tôi phát hiện ra giá trị giao tiếp thần kỳ của nắm đấm, và quả thật không tệ so với cách người ta vẫn nói về nó.

"ĐỐI THOẠI" ĐẶC BIỆT

Hình ảnh lấy trong phim Fight Club
Càng lớn tôi nhận ra rằng, cách người ta giao tiếp với nhau trở nên phức tạp hơn. Tôi gần như rất khó để nhận ra ẩn ý trong từng câu nói, và cảm thấy khó chịu khi phải đoán về nó, như thể nó là một phần của những cuộc đối thoại. Một vài lời nói còn có thể tổn thương tâm lý, hay bắt đầu những trò bẩn thỉu sau lưng một ai đó. Thế nên tôi ngày càng dành sự tôn trọng đặc biệt cho việc đấm nhau hơn, không lòng vòng, rất thẳng thắng, không xúc phạm, chỉ tao ghét mày nên đấm thế thôi. 

Nhiều lúc khi phải giải quyết một task vô lý nào đấy, hay đối diện thái độ lồi lõm của một thằng cùng công ty, tôi chỉ ước là giá như mình có thể tống thẳng một cú vào mặt thằng đấy, kết thúc cuộc tranh luận đang dần trở nên bế tắc, rồi kéo nhau ra bãi sân nào đấy giải quyết, thế cho nhanh.

Đấm nhau, phương thức giao tiếp riêng của con trai, cứu cánh cuối cùng khi bất đồng quan điểm, sự tôn trọng cuối cùng mà bọn nó có thể dành cho nhau.

Khi sức nặng tâm lý trở nên quá sức, bọn con trai cần thứ gì đó bộc trực, đơn giản hơn để giao tiếp, chúng nó lại quay ra đấm nhau. Cũng giống như đối thoại, không thể chỉ có một người hỏi và cũng không thể chỉ có một người trả lời trong suốt cuộc trò chuyện, nên hãy cứ xem mỗi cú đấm là một lời nói, cứ thế một thằng nói, thằng còn lại trả lời, thành thật mà nện lên đối phương. Không vòng vo, không tư thù, hay cố tình gây thương tích, chỉ giải tỏa cảm xúc, tung và nhận đòn, đến khi một trong hai thằng gục, đó là cách đàn ông đấm nhau. Tôi thích những cuộc "trò chuyện" như thế và không thoải mái khi người khác can ngăn nó.

Nắm đấm, nó không cần quan tâm đối phương là ai, địa vị của xã hội như thế nào, hễ ăn đấm thì phải đau, chấm hết, rất công bằng. Và người ta chỉ đấm  chỉ khi đã dành một sự quan tâm đặc biệt đến ai đó. Mỗi cú đấm có thể là một nỗi thất vọng, một sự bất cam, nỗi uất ức, hay đơn giản là sự bồng bột nhất thời. Nhưng không một cú nào được tung ra mà không chất chứa cảm xúc trong ấy, không giấu diếm, không biện minh như câu chữ, thẳng thắng và chân thành hơn cả lời nói. 

Tôi còn nhớ những ngày ông nội tôi bạo bệnh và mất, chứng kiến áp lực của gia đình, thằng bạn tôi đã ở đó, đèo tôi đến phòng tập, chỉ để đấm nhau suốt buổi, sau đó là xách balo ra về. Hàng này cứ như thế, từng cú đấm, từng  cảm xúc vơi đi, tôi dần ổn hơn. Nó đã luôn ở đó để đấm nhau với tôi, và tôi sẽ luôn ở đó, sẵn sàng tống thẳng một đấm vào nó bất cứ khi nào nó cần.

Có lẽ khi bị đè nén, khi thất vọng, khi chán trường, và khi không còn có thể giao tiếp bình thường với nhau được nữa, thứ bọn con trai cần không phải là những lời động viên sáo rỗng, mà là những không gian riêng, đừng nói gì cả, cứ lao vào nhau và để nắm đấm làm thay điều đó. Hãy để bọn nó "đối thoại" bằng cách ấy, trao cho nhau những "bài học", đừng can ngăn, chỉ quan sát thôi, mọi chuyện rồi sẽ ổn.