Nếu có “mặt tối” thì bạn có là người tồi? (phần 1)
Source: Unsplash PHẦN 1: THẤU HIỂU BÓNG TỐI Một bạn nhắn tin chia sẻ với mình: “Em sợ yêu chị ạ, bởi khi yêu vào, em sợ bản thân...
PHẦN 1: THẤU HIỂU BÓNG TỐI
Một bạn nhắn tin chia sẻ với mình: “Em sợ yêu chị ạ, bởi khi yêu vào, em sợ bản thân trở thành con người hoàn toàn khác, lúc bình thường thì tốt, nhưng khi yêu vào trở nên xấu xa, khiến người mình yêu đau khổ”; “Đời là vô thường, có những người đang rất tốt tự nhiên biến hoá trở nên độc ác khó hiểu,…”. Những quan sát này của bạn thực chất đều đang hướng tới một chủ đề trong tâm lý học: Bóng tối (Shadow Self).
Bạn đã bao giờ gặp một người đang tự dưng hiền lành, tốt đẹp, bỗng dưng nổi khùng, nổi loạn, trở nên “xấu xí” bất ngờ chưa? Bạn có nhận thấy được một khuynh hướng rằng, đôi khi bạn có những hành vi mà bạn không hiểu nổi tại sao lại vậy, đặc biệt khi dính vào những vấn đề tình cảm, bạn lại càng khó kiểm soát hành vi của mình, và càng dễ “loạn”, điên cuồng không? Đấy là khi phần tính cách “bóng tối” trong bạn làm chủ hành vi của bạn trong vô thức, và nếu bạn không làm quen với thuật ngữ “bóng tối”, cũng như những mặt tính cách đang bị che lấp đi này, thì bạn sẽ luôn bị “mặt tối” điều khiển, không bao giờ thấu hiểu chính mình – và sau cùng, khó mà tìm thấy niềm vui thực sự trong cuộc sống, khi bạn để những hành vi ngoài tầm kiểm soát này giày vò, gây ảnh hưởng tới tâm lý bạn, những mối quan hệ thân mật của bạn.
“BÓNG TỐI” LÀ GÌ? Bên trong mỗi chúng ta đều có “mặt tối”, hay “bóng tối” (shadow) – một thuật ngữ tâm lý học do nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung đặt ra. “Mặt tối” (Shadow) là những tính cách của chúng ta bị chính ta chèn ép, chối từ, không chịu đối mặt, do những tính cách này không được xã hội, môi trường xung quanh ta chấp nhận. Những tính cách đấy tuy nhiên không bao giờ biến mất, mà nó sẽ “chui” sâu vào phần vô thức của ta – và trở thành một phần của “bóng tối”.
Những tính cách nằm trong mặt tối của ta có thể là những tính cách bị coi là “xấu xa” bởi xã hội như: ghen tị, giận dữ, căm hận, tham lam, ích kỷ; tuy nhiên, “mặt tối” còn có thể bao gồm cả những tính cách tốt đẹp khác như: tính sáng tạo, giàu xúc cảm, … Những mặt tối này là những nét tính cách của bạn bị chính bạn chối từ, như đứa con rơi bị bỏ đi, là những phần tính cách mà bạn không chịu thừa nhận là bạn có sở hữu. Tuy nhiên, dù bạn có cố chối bỏ chúng, “vượt lên” mặt tối của mình, không chấp nhận chúng, thì chúng vẫn cứ cứ bám theo bạn, như “cái bóng” của bạn phản chiếu trên mặt đất – cái bóng không bao giờ mất đi, mà cứ luôn theo bạn, điều khiển hành vi của bạn trong vô thức, và xuất hiện vào những lúc bạn không ngờ nhất.
Tóm gọn lại: “Bóng tối là phần tính cách CỦA BẠN mà bạn không nhìn thấy, không công nhận hoặc không chấp nhận.”
Giống như khi bạn đi giữa ban ngày, chẳng ai bao giờ để ý đến cái bóng dưới chân mình cả – dù cái bóng đó phản ảnh chính con người bạn – thì “bóng tối” của tính cách cũng tương tự như vậy đấy.
BÓNG TỐI ĐƯỢC SINH RA NHƯ THẾ NÀO? Theo Carl Jung và các nhà tâm lý học, bóng tối được sinh ra khi chúng ta bước vào tiến trình “xã hội hoá” – được chỉ dạy cái gì là tốt, cái gì là xấu. Những nét tính cách của ta được xã hội chấp nhận, như sự cầu tiến, lòng yêu thương, sự biết điều, biết vâng lời – đấy là những nét tính cách được chấp nhận bởi cha mẹ ta, thầy cô, xã hội quanh ta – thì sẽ trở thành persona – cái mặt nạ mà ta đeo để đối mặt với những người xung quanh. Còn những phần tính cách còn lại của ta: sự giận giữ, ích kỷ, tham lam sẽ bị chèn ép lại, bị gán cho tính từ “xấu xa”, “tồi tệ” – ta không được phép thể hiện những nét tính cách này, và những nét tính cách này sẽ dần chìm sâu trong tiềm thức ta – trở thành “bóng tối” – shadow trong ta.
Ví dụ: Khi còn nhỏ, bạn hay giận dữ, bực bội, gào thét khóc lóc khi cha mẹ bạn không thực hiện lời hứa với bạn. Tuy nhiên, cha mẹ bạn cũng hết sức nóng tính, thay vì kệ bạn để bạn khóc cho thoả rồi nói chuyện, thì cha mẹ bạn đánh bạn, quát nạt bạn, ép bạn phải ngừng khóc đi, và không được phép giận dữ. Dần dần, bạn sẽ học cách điều chỉnh hành vi của bạn. Khi cha mẹ bạn làm gì đó sai, bạn sẽ phải tự nín đi cơn giận, không được thể hiện sự bực bội của mình.
⇒ Điều này trở thành một thói quen của bạn. Sau này, không chỉ với cha mẹ, mà bất cứ ai dẫm lên ranh giới của bạn, bạn vẫn giữ thói quen im lặng, tự căm giận trong âm thầm, không cho phép bản thân bộc lộ cơn giận. Và những cảm xúc giận dữ ấy tích tụ, trở thành “bóng tối” của bạn.
“LÀM LƠ” BÓNG TỐI – TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG!
Việc thấu hiểu bản thân, làm việc với bóng tối (Shadow Work) là một điều rất quan trọng – đặc biệt nếu bạn là người liên tục gặp trắc trở trong các mối quan hệ cá nhân, cuộc sống u ám, thiếu màu sắc.
Tại sao lại thế? Bởi Bóng tối là phần tính cách của bạn bị bạn xua đuổi – và một khi bạn vẫn tiếp tục xua đuổi, không chấp nhận phần tính cách này ở bạn, bóng tối sẽ tiếp tục theo đuôi bạn, điều khiển hành vi của bạn trong vô thức, và thậm chí huỷ hoại cả cuộc sống của bạn – bởi bạn đâu có thể điều khiển nó! Bóng tối cứ như là một “bạn” khác vậy – nó có suy nghĩ của riêng nó, hành động của riêng nó, chỉ là nó sử dụng cơ thể bạn để thực hiện những hành vi đấy thôi.
Until you make the unconscious conscious, it will direct your life and you will call it fate.Cho tới khi bạn nhận thức được những gì tiềm thức của bạn chôn chặt, chúng sẽ điều khiển cuộc đời bạn và bạn sẽ gọi đấy là “số phận”.- Carl Jung
Khi bạn “làm lơ” bóng tối, bạn sẽ có xu hướng làm những việc mà bạn không tình nguyện làm (ví dụ như gào thét, khóc lóc, chửi rủa người khác một cách không kiểm soát được). Bạn nói những lời mà bạn không ngờ là bạn có thể nói ra (ví dụ, bạn vô tình buông những lời gay gắt, cay nghiệt với người khác – mà bạn sẽ thấy rất xấu hổ, ân hận sau này). Gương mặt bạn biểu lộ những thứ cảm xúc mà bạn không thực sự cảm thấy (ví dụ: ghê tởm, sợ hãi,…).
Đặc biệt, khi bạn “làm lơ” bóng tối, điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ gần gũi, thân thiết của bạn, nhất là mối quan hệ tình cảm, mối quan hệ thân mật trong gia đình – bởi những mối quan hệ thân mật này là nơi ta thể hiện chính con người ta nhiều nhất, và nếu bạn không hiểu chính bạn, thấu hiểu và làm chủ bóng tối của mình, bạn sẽ có những hành vi gây tổn thương cho người bạn yêu trong vô thức, ví dụ như buông ra những lời nói nghiệt ngã mà bạn không dự định nói, có hành vi bạo lực, âm thầm thao túng người khác,…
Một vấn đề khác của Bóng tối, là những gì bạn từ chối chấp nhận ở chính bạn, bạn sẽ thấy nó ở người khác (trong tâm lý học còn gọi là “sự phóng chiếu” – projection). Những nét tính cách bạn không chấp nhận được, thậm chí có phản ứng hết sức mạnh mẽ ở người khác phản chiếu những nét tính cách mà bạn không chấp nhận được ở bản thân bạn – hay chính là “bóng tối” của bạn.
Ví dụ: Một người nào đó tỏ ra hung hãn, giận dữ đối với bạn – và bạn trở nên hết sức bực bội, căm giận đối với họ. Điều này chứng tỏ, bạn vẫn chưa làm chủ được nét tính cách hiếu chiến, thô lỗ bên trong bạn – hay nói cách khác, bạn vẫn chưa chấp nhận được rằng bên trong bạn cũng có những nét tính cách hung hãn, cáu giận như họ.
⇒ Điều này không có nghĩa là “họ đúng” khi họ tỏ ra thô lỗ với bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thấu hiểu cho nét tính cách/ mặt tối “hung hãn” trong chính bạn, bạn sẽ không trở nên khó chịu đến thế khi người ta tỏ ra bực bội, mà bạn sẽ có thể thấu hiểu được cho người khác.
Như vậy, tác hại khác của việc làm lơ bóng tối, không thấu hiểu chính mình là bạn sẽ rất rất hay bị kích động (triggered) bởi hành vi của người khác. Nếu bạn không chấp nhận được rằng bạn là một linh hồn tự do – bạn sẽ không thể chấp nhận được sự tự do của người khác. Nếu bạn không làm chủ được sự tự tin, dám là chính mình của bạn – thì khi người khác thể hiện sự tự tin của họ, bạn sẽ có xu hướng hết sức khó chịu và muốn dìm người ta xuống. Cuộc sống của bạn sẽ luôn là một mớ hỗn loạn – bởi khi bạn không thể chấp nhận được “bóng tối” trong bạn, bạn sẽ luôn luôn bị thế giới xung quanh kích động, hết sức mệt mỏi, khổ cực, không thể tìm được niềm vui sống mỗi ngày!
Kết lại, để trả lời câu hỏi đầu bài: “Nếu có mặt tối thì bạn có là người tồi?” – câu trả lời là: Không. Bản chất con người sinh ra chẳng có tốt hay xấu gì cả – tất cả chỉ là những khái niệm do xã hội đặt ra. Điều quan trọng là bạn biết bạn là ai, mặt tối của bạn là gì, thay vì để những mặt tối đấy thao túng bạn, thì cần học cách quan sát, thấu hiểu chính mình, từ đó không để những “mặt tối” bên trong thao túng, làm khổ bạn và những người xung quanh nữa. Đặc biệt, khi bạn đào sâu vào góc tối của chính bạn, bạn sẽ tìm ra những “mỏ vàng” mà bạn không ngờ bạn sở hữu, như sự sáng tạo, lòng vị tha, trái tim yêu thương, thấu hiểu cho người và cho mình,…
Vậy làm sao để có thể nhận biết “bóng tối” của chính bạn, từ đó “làm việc”, hợp tác với “bóng tối”, để làm chủ lại chính mình, cuộc sống của mình, tìm lại niềm vui từ sâu bên trong? Chờ đợi ở phần 2: Làm việc cùng bóng tối (Shadow Work) – sẽ được đăng trong tuần tới nhé :D
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Mystic Cat Lady
—
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
---
Nguồn tài liệu cho bài viết:
https://innermostselves.wordpress.com/2017/07/13/om-lay-phan-bong-toi-ben-trong-ban/ - Các bạn có thể tìm hiểu thêm về Shadow Work qua Blog này, các bạn ở đây dịch khá nhiều bài về Shadow Work, sẽ rất hữu ích cho những bạn muốn tìm hiểu sâu về phần “bóng tối” mà chưa có vốn Tiếng Anh tốt
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất