Vốn Humans of Spiderum là series những bài "chúng tôi viết" về các nhân vật của động Nhện, nhưng lần này là một ngoại lệ...
Chúng tôi vô tình đánh rơi những dòng tâm sự của vợ anh Hưng - Tech Lead ở Spiderum, được trích trong cuốn sách "Người Trong Muôn Nghề: Ngành IT có gì?" ở đây. "Có lẽ chúng ta thường nghĩ đến lập trình viên (dev) như những người khô khan, thường ngồi nhiều tiếng đồng hồ gõ những dòng code khó hiểu. Thế nhưng, ra khỏi công việc, họ cũng là những người chồng, người cha, người yêu, cũng có cảm xúc và cả những trắc trở đời thường..."
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Nhà tôi có nuôi một anh dev. Dáng người anh dong dỏng ngoài 1m70. Khi được hỏi anh luôn trả lời mình 1m72, như thể "2cm" là một trò trống gì đó rất hệ trọng. Ngoài công việc chính là ngồi trước một chiếc màn hình đen sì, "tành tạch" gõ cả bài sớ dài như tấu chương cho Khang Hy thì anh còn là người yêu, là bạn thân, là chồng và là bố của hai đứa con tôi.

Nói chung, nhà tôi có nuôi một anh dev.

Khi tôi đang viết những dòng này thì anh dev của tôi vẫn đang ngồi “gõ sớ”, còn đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng. Chỉ mới cách đây 6 năm, anh vẫn còn sinh hoạt kiểu ông-cụ-bảy-mươi: 9 giờ tối đi ngủ, 7h sáng thức giấc và chăm chỉ tập thể dục như thể sợ nay mai sẽ ốm. Thế mà giờ anh thường làm việc đến 3 giờ sáng, thức giấc đâu đó vào khoảng 8 rưỡi, ngủ tranh thủ thêm vài giấc vặt vãnh trong ngày. Có lẽ đây gọi là tiến hóa ngược.
Người ta thường nghĩ gì khi nhắc đến một developer? Mắt cận, suốt ngày cắm mặt vào máy tính, khô khan và giao tiếp dở. Về cơ bản thì người tôi yêu đúng là như thế. Kính mắt dày ngang đít chai, thời gian dành cho máy tính nhiều hơn cả thời gian ăn với ngủ cộng lại, ăn nói (có vẻ) thật thà quá mức và rõ ràng không biết bày tỏ tình cảm thế nào cho phải.       
Thế nhưng đâu chỉ có thế. Anh dev của tôi rất thích đọc truyện tranh. Tôi ngờ rằng chỉ vài năm nữa thôi, khi chồng tôi 35 tuổi còn con tôi 6 tuổi, có lẽ bố nó sẽ tranh đọc cả truyện của nó. Trước khi quen tôi khoảng 1 năm, anh cũng bắt đầu tự học chơi piano. Anh tập luyện không ngừng nghỉ cho đến khi đánh thuần thục một bài. Anh cũng chăm tập gym và chống đẩy vì muốn sở hữu thân hình vừa vặn với những chiếc sơ mi slimfit. Cho đến khi yêu tôi, anh còn học luôn cả thói cày phim truyền hình Mỹ dài tập nữa. Những 10 mùa phim "Friends", "How I met your mother", "How to get away with murder", "Breaking Bad",... anh đều xem trọn. Dev thì cũng như ai cả, cũng đều có những sở thích rất đời thường và đôi khi... rất con trẻ.
Sau 2 năm yêu nhau, anh quyết định nhảy việc. Có một ngày anh hỏi tôi: “Anh nên làm một công ty nổi tiếng với số lương rất cao nhưng bản chất công việc outsource không có gì mới mẻ hay nên làm một công việc mới mẻ nhưng lương không quá cao?”. Tôi nói vốn anh đã có câu trả lời rồi, anh chỉ cần tôi khẳng định lại mà thôi. 

Vậy là anh chọn Spiderum.

Những ngày đầu đi làm về, anh bảo anh đang làm một nền tảng cho người thích viết lách, “hợp với em quá còn gì, anh làm cho em đấy”. Chuyện làm cho tôi hay cho ai còn chưa hạ hồi phân giải thì tôi bị lôi đầu ra test sản phẩm. Một mạng xã hội cho người viết lách thì phải cho người hay viết test rồi còn gì, anh nghĩ thế như một lý do để ngang nhiên “tuyển dụng” tôi làm tester... không lương. Spiderum bắt đầu trở thành một ấp ủ của chính anh, với mong muốn nền tảng phát triển thành một mái nhà nơi thành viên có thể tự do viết và chia sẻ những kiến thức hữu ích.
Cuộc sống văn phòng của anh tại công ty mới rất vui: Nhân sự thì trẻ trung, “nhây” và rất dễ chịu thoải mái. Tôi nhớ thời điểm đó anh thường kể rất hào hứng về công việc anh phụ trách cũng như đồng nghiệp cùng chiến tuyến. Không may là chỉ sau 2 đến 3 tháng, Spiderum gặp khó khăn về vốn đầu tư. Anh lại một lần nữa đứng trước 2 lựa chọn: hoặc chuyển sang một dự án khác để đảm bảo mức lương hiện tại, hoặc ở lại cùng Spiderum với một số lương phù hợp với khả năng tài chính của team hơn. Lại một lần nữa anh hỏi tôi. Tôi lại một lần nữa trả lời: “Anh nên ở lại, vì em biết anh sẽ không bỏ lại những gì mình đã bắt đầu.”
Cả team hứng khởi dọn tới một văn phòng mới, nhỏ hơn nhưng ấm cúng vô cùng. Lương của anh kể từ đó cũng “ấm cúng” không kém, nhưng tiền chưa bao giờ là vấn đề với chúng tôi. Có lẽ bởi trời phú cho chúng tôi cái thói “chê tiền”, có nhiều xài nhiều, có ít xài ít. Vì thế, tôi chưa bao giờ phải động viên anh về chuyện đồng lương ít ỏi, anh cũng chưa từng kêu ca không đủ tiền tiêu. Đói thì rủ nhau đi ăn bát cháo Bách Khoa chưa đến 10k, lại còn hào phóng rủ người yêu ăn thêm bát nữa: “Anh trả”; khát nước thì ngồi vỉa hè gọi 2 cốc nước mía, nói vài ba câu chuyện thường ngày. Mọi thứ vô cùng đơn giản như vậy thôi.
Đến năm thứ hai tập trung cho Spiderum, anh dev của tôi đã trở thành người đúng chuẩn của một startup. Thời điểm đó tôi bắt đầu bận bịu với công việc của riêng mình, thức giấc vào 7h sáng và chỉ về nhà khi đồng hồ điểm 8h. Bởi vậy, thay vì có tôi nấu cơm trưa cho anh đem đi, giờ anh phải tự lo cái bụng đói của mình. Không có tôi, anh chọn cách sống khổ hạnh như một nhà tu chân chính: Sáng dậy chạy xe ra đầu ngõ mua chiếc bánh mì pate trứng 10k đem đến văn phòng ăn sáng, gần trưa úp một bát mì tôm “không người lái”, tráng miệng bằng 1- 2 gói Ostar kim chi. Đến chiều tối, khi tâm trí bắt đầu trở nên mờ mịt và có dấu hiệu mệt mỏi, tất cả con trai văn phòng lại rủ nhau thi chống đẩy. Chỉ tưởng tượng vài anh con trai cởi trần hùng hục hít đất, các anh còn lại hú hét ầm ĩ xung quanh, mồ hôi mồ kê ướt rượt, lại còn trong một chiếc phòng nhỏ nhỏ xinh xinh, tôi lại tự hỏi chẳng lẽ “hành xác” có thể đem lại một thứ gì đó tựa như niềm vui cuối ngày làm việc.
Đến cuối năm 2017, anh lại đứng trước một sự lựa chọn nữa. Thật kỳ lạ khi bạn cứ phải trả lời hết lần này đến lần khác một câu hỏi y hệt nhau: “Giữ hay buông?”. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của Spiderum khi thậm chí không còn đủ vốn để duy trì những hoạt động cơ bản nhất. Dù các thành viên đều đi kiếm cho mình một công việc khác, Spiderum vẫn có thể duy trì hoạt động nếu có sự hỗ trợ từ những thành viên cốt cán. Anh đứng trước lựa chọn vẫn tiếp tục phát triển Spiderum trong khi làm công việc mới, hoặc không. Vẫn như hai lần trước, câu trả lời chẳng có gì mới mẻ. Vẫn như lần trước, tiền với chúng tôi chưa bao giờ là vấn đề, cho đến một ngày đẹp trời nó bỗng dưng là vấn đề lớn.

Anh và tôi quyết định làm đám cưới.

Anh và tôi sắp có một đứa con chào đời. 

Anh sắp làm cha.

Ban ngày anh lo hoàn thành công việc chính, sau giờ làm lại tập trung phát triển và duy trì Spiderum. Spiderum như một đứa con anh không nỡ bỏ, một gánh nặng anh không muốn buông. Đó là khoảng thời gian căng thẳng và mệt mỏi khi anh phải học cách cân bằng giữa công việc và đam mê của mình. Bạn biết đấy, ai cũng chỉ được ban cho một ngày 24 tiếng mà thôi, vì thế ai cũng phải đứng trước lựa chọn có được thứ này sẽ phải hy sinh thứ kia. Khi bạn đầu tư quá nhiều thời gian vào công việc, mọi thứ xung quanh đều trở nên ít quan trọng hơn, đôi khi đó là điều cần thiết nhưng nhiều khi sẽ là sai lầm khó có thể vãn hồi. Đó là bài học đầu tiên anh gặp phải trong cuộc sống hôn nhân: Công việc hay Gia đình. Chúng tôi chọn cách thỏa hiệp và cùng nhau làm mọi thứ nhiều nhất có thể. Điều đó có nghĩa, thỉnh thoảng tôi lại phải làm tester không công cho anh, dùng thử và chủ yếu là phê bình sản phẩm của anh. Có khi anh còn gạ tôi học HTML chỉ để phụ anh làm những công việc nhỏ nhặt nữa.
Lần đầu tiên anh có cảm giác làm bố thực sự là khi anh chạy bộ 12 tầng bệnh viện chỉ để mau chóng lên gặp vợ và con trai đầu lòng. Ngày hôm đó, anh thức đến 2h sáng làm việc, vừa chợp mắt thì 3h sáng vội vội vàng vàng chở vợ đi viện, chờ đợi đến tận 3h chiều con mới chào đời. “Mệt, nhưng vợ còn mệt hơn” - anh nghĩ vậy. Chẳng thế mà không ngủ vẫn có sức chạy đến 12 tầng lầu. Rồi nhanh chóng, cuộc sống “bỉm sữa” len lỏi trong từng nhịp sống của anh. Cuộc sống của anh từ khi có con trai hóa ra không đáng sợ như anh từng nghĩ. Anh xung phong tắm cho con dù vẫn hơi ngượng tay và lần đầu còn cho con uống nguyên 1 ngụm nước, anh nhận rửa bình dù trước giờ chẳng phải rửa dù chỉ một chiếc bát. 
Họ hàng ai cũng bất ngờ vì bỗng dưng anh trở thành bố bỉm sữa “xịn” đến vậy. Nhưng một anh dev quen “gõ sớ” cũng gặp phải vài khó khăn nhất định khi chăm con. Nhiều khi Google cũng không cứu cánh nổi cho anh những lúc con “lên cơn” quấy. Trời phú cho con tôi cái tật “thính” - chỉ một tiếng động nhỏ cũng có thể khiến nó thức giấc, hoặc không thể ngủ được. Những lúc ấy, bản năng của một coder trỗi dậy. Anh test đủ bảy bảy bốn chín tư thế rung lắc ru con ngủ: từ ngoáy cháo đại pháp, sàng nia tam chiêu, xóc ốc liên hoàn chưởng đến đu thuyền chân kinh. Anh thậm chí còn thử bế con đi lên đi xuống cầu thang hòng “chuốc” con vào cơn buồn ngủ, rốt cục chỉ có hai cái chân giò của anh là “say mèm”.
Ở thời điểm đó anh đã có một công việc remote khá ổn, làm tại nhà, lương tốt, sếp thân thiện, không phải quan tâm nhiều đến những chuyện râu ria công sở. Công việc dần đi vào ổn định, thu nhập khá lên rất nhiều, duy chỉ có nếp sống của tôi và anh chẳng mấy thay đổi. Chúng tôi vẫn đi ăn cháo Bách Khoa lúc rảnh, tuần nào cũng rủ nhau đi ăn nướng lụi khói mù ám đến từng chân tóc. Cuộc sống không mấy phải lo lắng về tiền bạc mới quay trở lại không bao lâu thì đùng một cái anh nhận tin có đứa thứ hai. Câu đầu tiên mà anh nói là “Que hỏng rồi, làm gì có chuyện đấy!”. Hóa ra cái gì hỏng chứ que thì không hỏng. Lại một lần nữa anh phải suy nghĩ về tiền. Có lẽ khát khao cho con một cuộc sống như ý đã khiến anh lo lắng những điều trước kia mình chưa từng mảy may nghĩ tới.
Anh đặt tên đứa đầu là Sudo. Không phải Cam, Táo, Mít, Quýt, Dừa,... Không phải Su Kem, Su Su mà là Sudo. Anh bảo Sudo là một lệnh trong “ngành gõ sớ” của anh. Mặc kệ cho tôi cười, anh dứt khoát chốt cái tên Sudo như thể gói ghém đặt cả vào đó bao mơ ước và kỳ vọng con trai sẽ học code. Tôi không biết liệu có phải developer nào cũng muốn con mình theo nghiệp của bố không, nhưng anh dev của tôi như muốn thổi bùng lên ngọn lửa đam mê code cho những đứa con một từ bẻ đôi còn chưa nói được. Mà có lẽ cha mẹ vốn vậy, thời đi học cứ trách sao bố mẹ ép con học nhiều quá, đến khi làm bố mẹ rồi lại muốn con sống tiếp ước mơ của mình. Anh nói đấy là điều tốt nhất anh có thể định hướng cho con, công nghệ phát triển từng ngày, mỗi lúc lại có một nghề mất đi vì sự phát triển đó, nhưng anh biết nghề của anh sẽ là nghề mất đi cuối cùng.
Tôi có biết nhiều người bạn và người anh làm kỹ sư phần mềm. Có rất nhiều người trong số đó đã sớm chuyển mình sang một nghề khác năng động hơn vì không thể chịu được việc ngồi mười mấy tiếng trước cái màn hình đơn sắc. 5 năm qua tôi đã quen với hình ảnh người bạn đồng hành của mình, ngày qua ngày, dù ngồi code cả ngày, vẫn tràn ngập trong tim niềm hứng khởi. Tôi nghĩ dù sao đi nữa, đam mê vẫn là chất xúc tác cho mọi công việc, là chất đốt cho mọi hoài bão.
Spiderum của anh hiện tại đã bắt đầu “khôn lớn”. Cùng với sự giúp đỡ của nhiều thành viên khác nữa, Spiderum bước qua giai đoạn khó khăn, không còn ai phải ăn mì tôm với bim bim, số lượng người dùng đăng kí đã lên đến 50 nghìn người, hàng tháng có tới 1,5 triệu pageviews và đem lại thật nhiều giá trị cho cộng đồng. Có được những khởi sắc như vậy, có lẽ anh cũng như team, ai cũng mừng và có nhiều động lực để tiếp tục cố gắng. Anh và team cũng có cơ hội được phát triển thêm những tính năng mới mà mọi người từng ấp ủ.
Đôi khi tôi tự hỏi nếu anh học Đại học Thương mại thay vì FPT, hoặc nếu trường Thương mại có đủ điều hòa để năm đó nhập học anh không “chạy mất dép” vì... nóng, thì liệu giờ anh có là anh dev của tôi không. Tôi nghĩ có thể nghề đã chọn anh trước khi anh chọn nghề. Cũng có thể mỗi khi cuộc đời hỏi anh “Đi hay ở”, anh chỉ giản đơn trả lời lại duy nhất một đáp án đã cũ: “Anh chọn nghề.”
Để anh dev Spiderum có tiền mua sữa cho con, anh chị em hãy chung tay đặt mua sách "Người Trong Muôn Nghề: Ngành IT có gì?" và nhập mã "SPIDERUM" để nhận ưu đãi nha.