Theo từ điển Oxford, đạo đức giả ( Hypocrisy) là hành vi không khớp với chuẩn mực đạo đức mà một người từng tuyên bố. Hành vi đạo đức giả chia ra 6 loại:
1. Không nhất quán: yêu cầu người khác phải thực hành đạo đức trong khi bản thân thì không.
2. Đổ lỗi: lên án hành vi thiếu đạo đức của người khác trong khi bản thân cũng phạm phải.
3. Giả vờ: tuyên bố tin tưởng vào một quan điểm đạo đức trong khi sâu thẳm trong lòng thì ngược lại.
4. Tự mãn: tuyên bố về một hệ thống đạo đức hoàn hảo của bản thân trong khi chỉ thực hành một số ít trong đó để giữ hình tượng.
5. Tiêu chuẩn kép: bộc lộ đạo đức cá nhân bằng cách hạ thấp đạo đức của người khác.
6. Ba phải: thay đổi nhận thức đạo đức tuỳ theo quan niệm, dư luận của số đông dù không có lý lẽ rõ ràng.
Đạo đức giả tồn tại ở những người nhận thức được lẫn không nhận thức được nó.
Tự do là sống thật với con người tốt đẹp của mình

1. Nguyên nhân và một số diễn biến

1.1 Nguyên nhân khởi thuỷ

Đạo đức giả được tạo ra bởi nỗi sợlòng tự trọng thấp, chúng ta sợ phải thừa nhận trách nhiệm cho sai lầm của bản thân, bên cạnh đó, con người thường có xu hướng tin tưởng bản thân là một cá thể vượt trội nên tự nguỵ tạo lý lẽ để che giấu sự tự ti, hoà hoãn xung đột trong nội tâm giữa niềm tin và sự thật, có thể nói rằng đạo đức giả là cơ chế tự phòng hộ, nó không xấu cho đến khi được đem ra biện minh, thể hiện và gây tổn thương. Người ta lựa chọn đạo đức giả thay vì đạo đức thật bởi vì nó dễ chịu và dễ làm, vì vậy cũng có thể nói người đạo đức giả là người yếu nhược.
Khi xã hội nhiều phán xét hơn lại càng kích động nạn đạo đức giả như một diễn viên càng được nhiều người xem thì diễn càng hăng, người ta diễn để chứng minh mình vô can hay thanh cao. Vì vậy, thời nay có câu " người hay nói đạo lý thường sống như *beep*".

1.2 Những biểu hiện

1. Cố chấp vào định kiến, cộng thêm với sự thiếu hiểu biết cũng vô tình gây ra nạn đạo đức giả, tương tự như vậy với những người luôn bảo người khác phải làm cái này cái kia trong khi bản thân không dám hoặc không có khả năng làm. Loài người rất giỏi thử thách đồng loại trong khi chính bản thân họ cũng đang mông lung. Họ thường áp dụng rất chính xác những tiêu chuẩn đạo đức lên người xung quanh nhưng không phải bản thân. Ví dụ rõ nét cho luận điểm này là những người cấm phá thai cực đoan và tương tự đối với những người phản đối cái chết nhân đạo.
2. Quan điểm thường tình phân ra thiện ác không sai nếu chỉ dùng đó làm lằn ranh phân biệt, song, do mù quáng và quá khích nên nhiều người tự định đoạt thiện ác một cách lệch lạc, sự khích lệ cái thiện và trừng phạt cái ác cũng vô tình bắt buộc con người phải chọn phe mặc dù bản thân họ chưa trải nghiệm và vượt qua thực sự, điều này gây ra thiếu nghị lực kiên trì cái thiện khi gặp thử thách và ở chiều hướng đối lập thì gây ra xu hướng đay nghiến cái ác quá độ, vì lý do đó, người phạm lỗi phải dùng đạo đức giả để khoả lấp tội lỗi, mặc cảm, nỗi sợ bị trừng phạt và dần gắn kết với nó, trường hợp này có thể bắt gặp ở trẻ nhỏ. Con người đã gắng sức diệt trừ thói đạo đức giả nhưng họ có một quán tính xấu là bài trừ bằng cách đặt nó vào một người khác chứ không phải bản thân mình. Tiêu biểu, hình tượng quỷ dữ được tạo ra để con người áp đặt cái ác vào đó, để trút giận, để làm cái cớ cho sự sa ngã hay nổi bật tầm vóc vĩ đại của những người chiến thắng cái ác mà hiếm nhìn nhận cái ác đến từ bên trong, tương tự như vậy đối với việc tạo ra một kẻ thù chung.
3. Đặc biệt khi mù quáng kiên cố hơn hiểu biết sự thật, thói đạo đức giả xuất hiện ở những người có cái tôi cao. Một số người tự hào vỗ ngực xưng tên đại diện chính nghĩa mà đâu ngờ thói đạo đức giả đã dẫn dụ họ vào căn bệnh rối loạn hoang tưởng thuộc nhóm hoang tưởng tự cao. Thứ họ tự hào giờ đây mặc nhiên trở thành một điểm yếu chí mạng, nếu nó sụp đổ, tâm lý họ cũng sụp đổ theo nên họ sẽ mãi sống với hoang tưởng đó như hình với bóng. Ví dụ cho luận điểm này là những anh hùng rơm thích nhân danh chính nghĩa, những người hay thể hiện đao to búa lớn mà không đi kèm hành động tương xứng.
4. Khi thói đạo đức giả dần lấn át do tính thực dụng, nó tuyệt nhiên được công nhận, lúc này, người ta quay mũi giáo nghi ngờ trở lại đối với các tiêu chuẩn đạo đức. Lắm người tân thời kêu gào bài trừ cổ hủ để trút ra ẩn ức bị áp chế bởi khuôn khổ đạo đức thắt chặt nhưng sự thật họ cũng khó biết được đã tìm được nền tảng đạo đức ưu việt hơn hay là chỉ đang cần sự tự do để thoải mái phóng thích phần bản năng hoang dã rồi một ngày nào đó lại hối hận và khôi phục lại thứ họ từng bác bỏ. Điều này dễ bắt gặp ở những người trẻ yêu chuộng tự do đến mức mất kiểm soát, cộng thêm đó là sự cổ vũ sống phóng túng từ bên ngoài, và nan giải hơn là những người khôn lỏi thực dụng.
5. Kền kền drama có lẽ là một ví dụ rõ nét nhất cho thấy nạn đạo đức giả đang hoành hành, thiên kiến xuất hiện khắp nơi nhằm chứng tỏ bản thân ưu việt hơn phần còn lại của thế giới núp dưới danh nghĩa những cái nick ảo và một cộng đồng những người sẵn sàng chửi đổng, phán xét trong bất kỳ drama nào.
6. Những kẻ hiểu biết cao rộng và rao giảng đạo đức nhưng đến lúc đối mặt với thử thách thì chính họ cũng lờ đi nguyên tắc hằng tôn thờ, thậm chí là bẻ cong sự thật để an ủi toà án lương tâm và loè mắt người đời. Điều này dễ thấy ở những người hành thiện giả dối cốt để xin gia ân từ những đấng tối thượng hay lợi dụng danh nghĩa hòng chiếm đoạt lợi ích.

2. Mặt tối của một số phong trào nhân đạo

2.1 Nữ quyền

Phong trào nữ quyền rất nhân văn, nhưng đáng tiếc, nó vẫn chưa triệt để bởi khó có thể thuyết phục toàn bộ nhân loại vốn luôn giằng co bởi phần con và phần người, ví dụ, vẫn tồn tại nhiều trường hợp vật thể hoá phụ nữ (objectification), lỗi chỉ tại những gã đàn ông đê tiện hay có sự tiếp tay của một thiểu số phụ nữ méo mó tâm đắc việc mượn nhan sắc và cơ thể để lợi dụng đàn ông rồi xem đó là một thành tựu chiến thắng của phái đẹp? Không ít hơn trăm lần tôi bắt gặp sự nể phục và những câu đùa về nghề prostitute hay việc cố trở thành một trophy wife chỉ bởi đó là cách nhanh nhất đem lại nhiều tiền tài và danh vọng ( tôi không đề cập hay có ý xúc phạm đến những người kiếm sống bằng nghề này), đó chỉ là những lời bâng quơ hay đang âm thầm bình thường hoá và cổ vũ việc bất chấp tất cả miễn đạt được mục đích sung sướng tấm thân, nhận thức độc hại này phải chăng là bước lùi của việc thúc đẩy nữ quyền khi hoà hoãn với việc đem cơ thể phụ nữ ra làm mồi câu, có thể ví dụ trường hợp này bằng một số văn hoá phẩm câu khách rẻ tiền? Và liệu đó có là một sự gợi mở nguy hại cho những gã não tàn tiếp tục hành vi thú tính bằng cách quấy rối, chinh phục, chiếm hữu cực đoan và gọi đó là bản lĩnh đàn ông? Khuyết điểm thứ hai là nhiều người quá khích đang cố áp đặt suy nghĩ thù ghét, xem thường đối với phái nam và lấy cái mốc là sự hạ bệ, cô lập nam giới nhằm khẳng định cho chiến thắng của nữ quyền, họ còn ngầm gây sức ép buộc phái nữ quan trọng hoá cá nhân thái quá và chú ý nhìn nhận của người khác bằng cách đóng khung phụ nữ thành công với những từ khoá phổ biến và chung chung: công chúa, bà hoàng, phong cách, lối đi riêng, bản lĩnh, độc lập... Vậy hoá ra chỉ những người phụ nữ trên đỉnh cao mới có tư cách tham gia và đại diện đấu tranh cho nữ quyền hay có người cố tình lợi dụng phong trào bằng cách biến nó từ rộng rãi nay trở thành hình thức PR cá nhân, hậu quả là hại phong trào thoái hoá trở về cục bộ? Những kẻ tiêu cực có đang biến phong trào bình đẳng tiến bộ này thành phong trào thúc đẩy mẫu hệ man di dưới danh nghĩa đạo đức. Tôi nghĩ nữ quyền không nên chỉ dừng lại ở việc hô hào nhận thức cho cộng đồng mà chính những người phụ nữ phải tiên phong nhận thức và hành động rốt ráo, ngoài ra, còn phải cải thiện bằng pháp luật nghiêm ngặt, giáo dục, bình đẳng vị thế kinh tế, gia đình, xã hội của phụ nữ, vốn là những mục tiêu gần gũi, thiết thực và chủ chốt tạo nên sức nặng thực sự của nữ quyền. Một cách hữu hiệu khác để nữ quyền được nâng cao là thuyết phục nam giới cùng ủng hộ bằng cách tháo chiếc gông định kiến " phải tuyệt đối mạnh mẽ, không có điểm yếu" đè chặt nam giới, cho phép cả hai giới thấu hiểu, chấp nhận rằng không ai khớp với mặc định truyền thống về nữ tính hay nam tính 100%, ai cũng có quyền tự do với hệ giá trị tốt đẹp của bản thân.

2.2 LGBT

Nói đến phong trào LGBT, bên cạnh những thành tựu tích cực thì vẫn có một số bước lùi như cố ý đóng khung cộng đồng này bằng những hình mẫu lý tưởng trên trời như giàu có, CEO, chuyện tình đẹp, sắc vóc kinh diễm, tài năng, đối lập với hình tượng hoàn hảo đó, đám đông toxic sẵn sàng thiếu tôn trọng, tấu hài những người LGBT không hoàn hảo như hình mẫu đam mỹ, bách hợp lý tưởng được vạch sẵn. Đâu ai sinh ra chỉ để thành trò hề! Huống hồ còn có một phong trào tiến bộ ở đây mà! Truyền thông hiện nay dường như chưa hiểu LGBT mà chỉ mượn hình ảnh đó để câu view và giải trí, trùng khớp với khái niệm Queerbaiting. Có ai đã thực sự thấu hiểu và đem những khái niệm như giới tính sinh học, bản dạng giới, xu hướng tính dục và thể hiện giới đến với rộng rãi quần chúng, giúp họ hiểu và chấp nhận một cách khoa học? LGBT hiện nay thậm chí đã phát triển thành LGBTQ+ chứ không chỉ có tên gọi " giới tính thứ 3" hay " bê đê". Kỳ thị LGBTQ+ bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết dẫn đến thiếu cảm thông, có cả một lý giải tâm lý học homophobia cho hiện tượng này. Phong trào LGBTQ+ không chỉ dừng lại ở khía cạnh vận động toàn bộ nhân loại chấp nhận mà còn giúp những người thuộc LGBTQ+ dũng cảm nhận ra chính mình và tránh tình trạng mạo nhận LGBTQ+ theo trend. LGBTQ+ thực sự là một phong trào nhân đạo và nên là một phong trào nhân đạo đúng nghĩa đem lại tiến bộ, lợi ích chung hơn là chỉ dừng lại ở hình thức vì lợi ích của một thiểu số người đem nó ra để giải trí, trêu ghẹo hay tâng bốc.

2.3 Từ thiện

Theo cuốn luận về biếu tặng của Marcel Mauss, ông đã vạch trần bản chất của hành động cho - nhận không thực sự trong sáng như mọi người hằng nghĩ, bởi loài người là một sinh vật xã hội sống với nguyên tắc tương hỗ nên mọi hành động cho - nhận luôn là trao đổi! Quả thật, ở đây tồn tại thứ lớn hơn nhiều, đó là những người cho muốn tìm cảm giác thống trị nên lòng trắc ẩn trong từ thiện dễ bị ô nhiễm thành trịch thượng với người nhận và cả những người không cho, tiêu biểu bằng suy nghĩ " Sao mày không làm từ thiện đi, như tao làm ( hoặc chỉ nghĩ rồi vận động người khác làm)" cốt ý khoe khoang và dè bỉu để thấy mình là thượng phong, là người " tốt". Về cơ bản, người cho muốn nhận lại giá trị tương đương cái họ quan niệm đã cho, ở chiều hướng ngược lại, người nhận bị đặt vào nghĩa vụ, cảm giác phải đền đáp xứng đáng hoặc có trường hợp tệ hơn, họ dần chây ì và dùng sự khổ sở của bản thân ( phổ biến là hình ảnh người già, trẻ em, khuyết tật, nghèo) để làm thứ đền đáp tối thiểu nhằm thoả mãn mong muốn nhận lại ( làm người tốt) của người cho. Đó là bản chất công bằng phổ quát của loài người vì không phải ai cũng là người tốt " cho đi không cần nhận lại" hay sống đúng với câu " vô công bất thọ lộc"! Vậy có nên làm từ thiện không? Câu trả lời là , bởi con người là một sinh vật hướng thượng, hãy cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận việc từ thiện khoa học hơn chỉ là cơ chế xin cho đơn thuần, mục đích tối thượng của từ thiện nên là hỗ trợ đảm bảo các quyền, nhu cầu cơ bản của con người và đảm bảo công bằng khả năng tiếp cận tri thức, nghề nghiệp.
Ngoài ra, người tốt là người tự động nhận thức hoàn toàn tư duy và hành động sao cho tỉnh thức, thống nhất lợi ích của riêng và chung chứ không phải học vẹt theo quan niệm " người tốt" của đám đông.

3. Kết luận

Tháo mặt nạ xuống và sống chân thành với nhau
Tháo mặt nạ xuống và sống chân thành với nhau
Các phong trào dù phân biệt về đối tượng nhưng không nằm ngoài chỉnh thể nhân đạo và mục đích tối thượng của nhân đạo là đem lại lợi ích cho toàn bộ loài người chứ không riêng một thực thể nào cả.
Từ những ví dụ trên, ta thấy thứ ngăn trở đạo đức chính là cái tôi thái quá, không phải chỉ có một cái tôi hám danh, hám lợi thái quá mà có rất nhiều cái như thế trong xã hội hợp thành cơ chế suy đồi, đó là nguyên nhân gây ra suy nghĩ " ở đời phải hơn thua, xảo trá miễn cứ núp dưới lớp đạo đức giả tạo là không ai biết", đó là tha hoá nhưng cũng là phòng thủ, hãy biết đời lên voi xuống chó thì ai cũng như ai, lắm khi chính ta là nạn nhân của ta, hãy sống tốt không chỉ vì người mà còn vì mình.
Con người tự động đi tìm hạnh phúc nhưng trớ trêu thay, thường tỉnh giấc bằng nỗi đau
Một võ sĩ thành thục cũng phải từng trải qua cảm giác chịu đòn đau

4. Giải pháp

Luyện tập mỗi ngày một số cách sau để tư tưởng và hành động trở nên khắng khít hơn đối trị thói đạo đức giả:
1. Không vội phán xét người khác, chỉ tập trung chỉnh sửa bản thân.
2. Đừng thề thốt.
3. Đừng xem bản thân quá quan trọng.
4. Tập trung giải quyết sự thiếu đồng nhất của bản thân trong tư duy và hành động.
5. Tập quan sát đa chiều và trung lập.
6. Phân tích sâu sự vật, sự việc.
7. Dũng cảm, tôn trọng sự thật.
8. Tự chủ tư duy và xây dựng lòng tự trọng, tránh xa tâm lý bầy đàn.
9. Vứt đi thói khôn lỏi.
10. Hướng thiện.