[Tóm tắt Sách] Não bộ kể gì về bạn? - David Eagleman
Đã bao giờ bạn tự hỏi, khối vật chất nặng 1,4 kg chiếm chưa đến 3% trọng lượng trung bình của cơ thể nhưng lại tiêu hao đến tận 20%...
Đã bao giờ bạn tự hỏi, khối vật chất nặng 1,4 kg chiếm chưa đến 3% trọng lượng trung bình của cơ thể nhưng lại tiêu hao đến tận 20% năng lượng do cơ thể nạp vào, mang tên “não bộ”, có ý nghĩa gì trong cuộc sống bạn không?
Vâng, chắc chắn rồi, miễn là não bộ còn hoạt động, bạn sẽ minh chứng được mình là một cá thể còn đang sống. Còn điều gì khác nữa không nhỉ? Chẳng hạn như cấu tạo và cách thức vận hành của não bộ có tác động gì đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn hay không? Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc tâm lý người dưới góc nhìn của khoa học thần kinh (neuroscience) qua phần tóm tắt quyển sách “Não bộ kể gì về bạn?” được viết bởi tác giả David Eagleman.
1- Chúng ta giống nhau nhưng chúng ta khác nhau.
Đầu tiên chúng ta hãy cùng nắm bắt một số khái niệm cơ bản về não bộ. Đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên não bộ là tế bào thần kinh (neuron), các neuron liên kết với nhau thông qua khớp thần kinh (synapse). Khi chúng ta vừa được sinh ra đã có sẵn 100 tỷ neuron đang trong trạng thái ngủ đông chờ được kết nối, không gian não bộ lúc này như được một màn đêm bao phủ, mọi thứ hoàn toàn tĩnh lặng.
Từ lần đầu tiên chúng ta tiếp xúc với thế giới thông qua 5 giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, công tắc điện đã được bật, các neuron bắt đầu được kết nối với nhau với tốc độ cực khủng. Hơn một trăm nghìn tỷ synapse được tạo thành trong hai năm đầu đời, đây cũng là mức tối đa. Sau đó, chúng dừng lại. Synapse gần như sẽ không còn được tạo mới trong suốt cuộc đời còn lại của bạn, chúng chỉ chọn lọc giảm dần mà thôi. Đó là tất cả vốn liếng bạn có.
Đừng vội hoang mang! Bạn có thể yên tâm rằng với số lượng neuron và synapse mà tạo hóa đã ban tặng, chúng ta sẽ đủ để sử dụng, cơ thể và trí não bạn vẫn sẽ phát triển một cách hoàn toàn khỏe mạnh dù cho quá trình chọn lọc giảm dần synapse có diễn ra dần qua thời gian (trừ một số bệnh lý đặc biệt như Parkinson hay Alzheimer).
Một trăm nghìn tỷ synapse tương ứng với các con đường neuron khác nhau. Về cơ bản, con đường neuron có thể được hiểu đơn giản như là các tòa nhà, chúng móc nối lại với nhau thành các mạng lưới neuron rộng lớn tạo nên một thành phố vĩ đại. Những tòa nhà được thường xuyên sử dụng sẽ được sáng đèn liên tục, những tòa nhà bỏ hoang quá lâu sẽ không còn được nhớ đến và chìm vào quên lãng. Neuron, synapse, con đường neuron, mạng lưới neuron - tất cả chúng là ý thức, tiềm thức và vô thức của chúng ta; là ký ức quá khứ, trải nghiệm hiện tại và quyết định tương lai của mỗi người.
Đó cũng là điều tạo nên sự khác biệt giữa bạn, tôi và 7 tỷ dân cư trên trái đất này. Cơ bản về mặt giải phẫu sinh học chúng ta giống nhau về các thành phần cấu tạo, tuy nhiên trong vận hành, chúng ta có hệ thần kinh hoàn toàn riêng biệt, thành phố rộng lớn của bạn không giống tôi và những người khác, chúng ta không giống nhau.
2- Chúng ta cần có nhau.
Hãy cùng ngược dòng về sự phát triển giống loài. Với kích thước khoảng bằng hai nắm tay như hiện nay, não tiêu tốn 1/5 tổng năng lượng của cơ thể. Với số năng lượng vốn đã ít ỏi còn lại, con người vốn không thể nhanh như báo hay mạnh như sư tử. Chúng ta thậm chí cũng không so được với loài voi và loài hươu cao cổ về tốc độ trưởng thành. Các cá thể con của loài này có thể tự đứng, đi và ăn chỉ sau khi được sinh ra vài giờ. Điều này được lý giải bởi thời gian mang thai của hai loài này lần lượt là 22 và 15 tháng, đủ lâu để cá thể con có thể trưởng thành trong bụng mẹ. Loài người ra đời vào khoảng thời gian 9 tháng, lúc đầu của thai nhi đã đạt kích thích phát triển tối đa so với sức xương chậu người phụ nữ. Để có được một bộ não phát triển cao nhất trong muôn loài, chúng ta đã phải đánh đổi về sức mạnh thể lý.
Do không có lợi thế về sức mạnh, chúng ta đã phải hình thành lối sống cộng đồng, bảo vệ và phát triển cùng nhau. Loài người, về cơ bản là sinh vật xã hội. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi ở một mình quá lâu không tiếp xúc với thế giới bên ngoài hay việc bị cô lập ra khỏi một nhóm sẽ làm thay đổi cấu trúc não bộ, tình trạng sang chấn sẽ diễn ra.
Chúng ta sống dựa trên việc định hướng thế giới xung quanh thông qua biểu cảm của người khác, sự giận dữ hay buồn bã của người xung quanh sẽ buộc bạn tự nhìn nhận và điều chỉnh bản thân không lặp lại hành vi gây tổn thương vào lần sau; niềm vui cũng có tác dụng tương tự. Chúng ta quan sát, bắt chước biểu cảm và hình thành khả năng đồng cảm với đồng loại.
Lối sống cộng đồng, nhu cầu được thuộc về các nhóm là yếu tố bản năng cần được đáp ứng của con người. Hiểu được điều này giúp bạn cân bằng giữa cuộc sống nội tâm độc lập và cuộc sống xã hội, không để bản thân rơi vào trạng thái rời xa tập thể quá lâu vì điều đó sẽ có thể tác động xấu đến sức khỏe và tinh thần.
3- Những gì chúng ta mắt thấy tai nghe cũng chưa chắc là đúng với sự thật.
Về cơ bản để có một tương tác hoàn hảo với thế giới này bạn cần 3 bước: (1) Các giác quan để tiếp nhận thông tin từ môi trường, các tín hiệu này được chuyển đổi thành xung thần kinh (hay được hiểu đơn giản là dòng điện) truyền đến não bộ; (2) Quá trình xử lý thông tin trong não bộ được thực hiện bởi các con đường neuron khác nhau. Não sẽ so sánh thông tin mới được đưa vào với các kinh nghiệm đã được lưu trữ trước đây để ra quyết định phản ứng phù hợp; (3) Não bộ truyền tín hiệu đến các cơ, chi để tương tác lại với môi trường. Hãy tập trung vào quá trình số (2), những gì diễn ra bên trong não bộ của bạn.
Bạn có biết rằng sự nhìn không xảy ra trong mắt bạn, sự nghe không xảy ra trong tai bạn và sự ngửi cũng không xảy ra ở mũi bạn không? Và màu sắc thì vốn dĩ không thực sự tồn tại. Tất cả mọi trải nghiệm bạn cảm nhận được về thế giới này đều là những dòng điện từ các giác quan vận chuyển đến não bộ trên những đường cao tốc neuron. Thế giới thực sự không có màu sắc cũng chẳng có âm thanh, mỗi loài sinh vật đã tự chọn cho mình một lát cắt thực tại, như việc dơi định vị mọi thứ bằng sóng âm, với ve là nhiệt độ và mùi cơ thể, và với con người là tất cả những gì diễn ra trong bộ não.
Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta khóa lại tất cả những giác quan? Nghiên cứu trên tù nhân biệt giam cho thấy, khi không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong thời gian đủ lâu, bạn sẽ xuất hiện những ảo giác như đang trải nghiệm thế giới thật, những hình ảnh này do bộ não tạo ra dựa trên những thông tin, ký ức, kinh nghiệm đã có trước đây.
Các dẫn chứng trên cho thấy, ý thức của chúng ta về thực tại không liên quan gì đến những gì đang xảy ra ở đó, mà liên quan nhiều hơn đến những gì đang xảy ra bên trong não bộ. Đôi khi chúng ta sẽ nhận định sai thế giới xung quanh bởi những gì bạn trải nghiệm không phải là dữ liệu thô đập vào mắt mà đó là mô hình nội tại chủ quan của bạn, cách bạn nhìn nhận về thế giới này, ngay tại thời điểm này, là duy nhất, những trải nghiệm đó chỉ bạn mới cảm nhận được. Vậy nên câu nói “những gì bạn mắt thấy tai nghe cũng chưa chắc là đúng với sự thật” là hoàn toàn có cơ sở về mặt khoa học.
4- Chúng ta không thể kiểm soát tất cả mọi thứ.
Điều gì đang thúc đẩy chúng ta hành động, một sự vật, sự việc như thế nào được định nghĩa là đúng, một quyết định được xem là đúng với cá nhân có phải là chân lý với tất cả mọi người hay không? Chúng ta sẽ tạm hiểu đơn giản, tâm trí con người là một tảng băng trôi dầy 3 lớp. Phần dễ tiếp cận nhất, chúng ta cảm nhận và sử dụng hằng ngày là lớp ý thức. Dưới một bậc, chính là lớp tiềm thức. Và phần sâu thẳm bên trong thế giới nội tâm của con người, chính là lớp vô thức.
(1) Ý thức là việc bạn quan sát được, cảm nhận được và tương tác được với thế giới ngoại quan bên ngoài và nội quan bên trong cơ thể. Bạn có thể mô tả được quá trình nhận thức đó bằng ngôn từ. Ví dụ như: “Hôm nay tôi cảm thấy rất vui”.
(2) Khi bạn rèn luyện một khả năng thành thục đến mức đạt được “kỹ năng”. Đó là lúc khả năng của bạn đã được ghi vào phần cứng vi mô của bộ não và trở thành tiềm thức. Nghĩa là bạn có thể vận hành kỹ năng này một cách tự động mà không cần đến sự nỗ lực tư duy nào, não của bạn cũng tiết kiệm được năng lượng tiêu hao so với việc xử lý một thông tin mới. Ví dụ như việc bạn học kỹ năng lái xe hay một ngôn ngữ.
(3) Vô thức là phần sẽ điều khiển cuộc sống bạn một cách tinh vi hơn và rất khó để nhận biết. Đó là phần khao khát được chôn giấu, hay một nỗi đau đã được chìm sâu đến mức bạn nghĩ nó đã được hoàn toàn chữa lành và không còn tác động gì đến cuộc đời của bạn nữa. Nhưng không, tất cả mọi sự vật, sự việc đến và đi đều để lại một dấu vết trong tâm hồn của bạn. Phần lớn ý thức của bạn sẽ bị tác động bởi tầng vô thức này.
Vậy, cách mà bạn bùng phát cơn giận dữ một cách không thể kiểm soát vào sáng nay với đồng nghiệp hoàn toàn có thể liên quan từ việc bạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ. Chúng ta không dán nhãn tiêu cực cho hành vi mà chỉ hãy nhìn nhận khách quan mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Đó là kết quả của sự liên kết từ các mạng lưới neuron đã được hình thành rất lâu trước đó, đôi lúc nó sẽ sáng đèn lên và kích hoạt điều gì đó trong ta, đôi lúc nó sẽ chìm trong im ắng. Cuộc sống của chúng ta thực tế vượt xa những gì chúng ta có thể nhận thức và kiểm soát được.
5- Mọi quyết định đều đã được quyết định trước.
Trước khi đọc tiếp nội dung bên dưới, bạn hãy nhìn bức tranh này và cho mình biết bạn thấy gì?
Rất nhiều thí nghiệm vật lý đã được tạo ra để kiểm tra khả năng phóng chiếu của tâm lý người lên sự vật, hiện tượng. Trong căn phòng đông người với cùng một bức tranh, một số người sẽ nói bức tranh đang vẽ một bà lão già nua, một số người còn lại có thể khẳng định bức tranh này chỉ có duy nhất một cô gái trẻ đẹp. Cả hai đáp án này đều không sai, bức tranh đã được thiết kế sao cho tất cả đều đúng.
Điều tạo nên sự khác biệt ở đây là góc nhìn của người tham gia thực nghiệm, hay nói rõ hơn là cách các mạng lưới neuron của họ được kết nối và cạnh tranh lẫn nhau, mạng lưới neuron nào đến đích sớm hơn thì đáp án được họ lựa chọn cũng nảy lên sớm hơn, đích đến của con đường neuron cuối cùng là giây phút họ ra quyết định. Chiến thắng không thuộc về vị giám khảo đặt ra câu hỏi về bức tranh mà thuộc về nhóm mạng lưới neuron mạnh nhất và nhanh nhất.
Tin vui là bằng cách hiểu bản chất của lựa chọn là sự cạnh tranh giữa các mạng lưới neuron, chúng ta có thể rèn luyện để khai thác lợi ích của sức mạnh ý chí. Ví dụ như việc người ăn kiêng lựa chọn từ bỏ một phần thưởng nhỏ trước mắt là một phần ăn vặt ngon lành với rất nhiều calories để có kết quả tốt hơn về sau. Việc chống lại cám dỗ, học cách xây dựng các con đường neuron lành mạnh một cách có chủ đích sẽ hao tốn rất nhiều năng lượng của chúng ta nhưng chắc hẳn sẽ rất xứng đáng để đánh đổi.
6- Tương lai của chúng ta.
Thông qua sự phát triển của khoa học và công nghệ não bộ, người có khiếm khuyết cơ thể như điếc, mù, mất tứ chi hiện nay đã có thể khôi phục lại các giác quan của họ bằng các phương pháp như cấy ghép ốc tai, võng mạc và chi giả. Điều kỳ diệu là các tín hiệu phát ra từ các sản phẩm nhân tạo này có thể kết nối với não bộ bằng một ngôn ngữ mới, mặc dù quá trình não bộ học ngôn ngữ mới này sẽ khá khó khăn vào thời gian đầu nhưng đến cuối cùng, não bộ bạn có thể làm được.
Điều này có nghĩa chúng ta sẽ có khả năng điều khiển các ốc tai, võng mạc và chi giả bằng suy nghĩ của mình mà không cần một nút bấm điều khiển vật lý nào. Để phát triển công nghệ này thành công, chúng ta phải cảm ơn “tính mềm dẻo” của thần kinh. Đây được hiểu đơn giản là khả năng thay đổi và thích nghi của não bộ với điều kiện môi trường bên ngoài.
Loài người chúng ta ngày nay kỳ vọng có thể bảo tồn bộ não của một người đã chết và khôi phục lại nó trong tương lai. Hay mong muốn có thể mã hóa và lưu trữ toàn bộ tất cả thông tin của một bộ não người vào trong máy tính. Tuy nhiên, không một bộ máy dữ liệu lớn nào trên thế giới hiện nay có khả năng xử lý, phân tích và lưu trữ khối lượng thông tin khổng lồ của một bộ não thực thụ.
Thêm một câu hỏi được đặt ra, sự liên kết của các thành phần vật chất chúng ta đã chứng minh cho đến ngày nay đã đủ để giải thích cho mối quan hệ giữa tâm trí và não bộ trong việc lý giải nguồn gốc của mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của con người chưa; hay liệu còn một tổ chức nằm dưới nào khác đang điều kiển mọi thứ mà chúng ta chưa biết đến?
Khoa học và công nghệ não bộ đã và đang phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh chóng để tiếp tục thực hiện các sứ mệnh của mình. Mọi câu trả lời vẫn đang đợi chúng ta ở phía trước.
Người thực hiện: Chloe Châu
Thông tin được biên soạn tổng hợp từ quyển sách “Não bộ kể gì về bạn?” - Tác giả: David Eagleman
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất