Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 7 (4)

56. Hãy nghĩ rằng ta đã chết - ta đã sống hết cuộc đời mình. Giờ hãy nắm lấy phần còn lại và sống nó một cách chuẩn mực.
57. Chỉ yêu những gì đã xảy đến - những gì là định mệnh. Không có gì hài hoà hơn.
58. Những việc xảy ra trong đời ta, hãy liên tưởng đến những người đã từng trải nghiệm chúng trước ta, và cảm thấy bị sốc, giận dữ hay phẫn uất trước sự kiện tương tự như thế.
Giờ họ đang ở đâu? Không đâu cả.
Liệu ta có muốn giống họ hay không? Tại sao ta không kệ những khích động/giận dữ, thứ xa lạ với bản chất tự nhiên của ta, cho những kẻ gây nên sự kiện ấy, hoặc những người khác - những người để cho chính họ bị ảnh hưởng bởi sự kiện (bên ngoài) - còn ta tập trung vào thứ mà ta có thể làm với chúng?

Vì ta có thể sử dụng chính những sự kiện xảy đến ấy, coi chúng như nguyên liệu thô. Chỉ cần chú tâm, và cố sống như kỳ vọng của chính mình. Trong mọi thứ. Và khi đối mặt với lựa chọn, ghi nhớ: nhiệm vụ của ta là với những thứ thực sự quan trọng.

59. Đào sâu (vào bên trong), suối nguồn của sự tốt đẹp ở ngay đó thôi. Và bao lâu ta còn tiếp tục đào, chúng sẽ nổi lên những bong bóng báo hiệu cho ta.
60. Thứ cơ thể cần là sự ổn định. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hay bất kể làm gì, nó cũng không thể làm ta ngạc nhiên hay choáng váng. Sự liên kết và vẻ đẹp mà nét mặt "mượn" của trí tuệ - đó cũng chính là điều mà cơ thể cần.
Nhưng điều đó cũng nên đến một cách tự nhiên, không gượng ép.
61. Không phải một vũ công, mà như một lực sĩ: chờ đợi, xuống thế chắc chắn, giữ vững vàng trước những đợt tấn công đột ngột bất ngờ (của vận mệnh).
62. Hãy xem họ thực sự là ai, những người mà ta cứ mong chờ sự tán dương hay chấp thuận của họ, và tâm trí họ như thế nào. Vì từ đó ta sẽ thôi không trách tội khi họ vô tình phạm lỗi, và ta cũng sẽ không cảm thấy cần sự chấp thuận của họ nữa. Ta sẽ hiểu được nguồn gốc của cả những đánh giá cũng như những hành động của họ. 
63. "Con người, linh hồn chúng ta thường rời xa khỏi chân lý một cách trái với ý muốn" (trích Plato)
Chân lý, đúng vậy, và cả công lý, sự tự chủ, lòng tốt ...
Điều đó rất quan trọng để ghi nhớ trong tâm trí. Nó sẽ khiến ta kiên nhẫn hơn với những người xung quanh.
64. Với những hoàn cảnh khi ta cảm thấy đau đớn, hãy nhớ suy nghĩ này cho tâm trí:
Rằng không có gì đáng hổ thẹn ở đây hết. Đau đớn không thể làm ảnh hưởng đến trí tuệ - vì nó không thể ngăn trí tuệ khỏi hành động một cách có lý trí và không vị kỷ.
Và trong hầu hết mọi trường hợp thì điều Epicurus đã nói sẽ hữu ích: rằng đau đớn thì không bao giờ là không thể chịu đựng được hay cứ kéo dài mãi. Bao lâu ta còn có thể ghi nhớ điều này, tâm trí ta sẽ có thể nhớ được những giới hạn của đau đớn và không phóng đại, làm trầm trọng thêm sự đau đớn bởi những tưởng tượng của chính nó.
Và cũng hãy nhớ rằng cũng có những thứ gây khó chịu phiền hà chẳng khác đau đớn - như chóng mặt, sốt, ăn uống mất ngon ... Khi ta thấy mình phiền muộn, sao nhãng vì những thứ ấy, hãy tự nhắc mình: "Ta đang đầu hàng cơn đau".
65. Hãy cẩn thận, đừng để mình đối xử với sự tàn bạo như chính cách nó đối xử với con người.
66. Làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng Telauges không tốt hơn Socrates?
Việc hỏi liệu cái chết của Socrates có vinh quang hay không, hay ông ta có thực sự tranh luận một cách sâu sắc với những nhà nguỵ biện (the sophists), hay ông ta cho thấy khả năng chịu đựng kiên cường bằng cách chịu rét cả đêm ngoài trời, và khi người ta ra lệnh cho ông bắt giữ người đàn ông từ Salamis, ông đã cho rằng lựa chọn tốt hơn là từ chối không thực hiện mệnh lệnh (và thực hiện đúng như thế), và "nghênh ngang trên đường phố" (một thứ đáng để ta nghi ngờ) (Lời người dịch: nghênh ngang trên đường phố - một câu trong vở hài kịch Những đám mây của Aristophanes, chế giễu Socrates). Tất cả những thứ ấy là chưa đủ cho ta kết luận.
Điều quan trọng nhất là loại linh hồn nào ông ta có.
Liệu ông ta có hài lòng trong việc đối xử với người khác bằng công lý, và đối xử với thần linh với lòng sùng kinh, và không nổi nóng bất ngờ với những lỗi lầm của kẻ khác, không biến mình thành nô lệ cho sự ngờ nghệch của kẻ khác, không coi bất cứ thứ gì tự nhiên tạo ra là kỳ lạ, bất thường, hay coi nó như sự áp đặt không thể chịu nổi, không để tâm trí chịu đứng dưới cơ thể.
67. Tự nhiên không hoà trộn mọi thứ một cách quá sít sao đến nỗi ta không thể vẽ ra vạch ranh giới của bản thân mình - để nắm hạnh phúc toàn vẹn của mình trong tay. Thực ra hoàn toàn có thể là một con người tốt đẹp, đức hạnh mà chẳng cần ai biết đến. Hãy ghi nhớ điều đó.
Thực ra hoàn toàn có thể là một con người tốt đẹp, đức hạnh mà chẳng cần ai biết đến. Hãy ghi nhớ điều đó.
Và cả điều này nữa: ta đâu cần nhiều để sống hạnh phúc. Và vì ta đã từ bỏ những hy vọng trở thành một nhà tư tưởng hay nhà khoa học, đừng để điều đó trở thành lý do khiến ta từ bỏ việc cố đạt đến tự do, sự khiêm nhường, phục vụ người khác, và tuân theo Chúa.
68. Sống cuộc đời mình trong thanh thản, tự do - miễn nhiễm trước mọi cưỡng bách. Cứ để những người khác la ó như họ muốn. Hay thậm chí cứ để cả những con vật xẻ thịt ta ra. Làm sao mà bất cứ thứ gì trong số ấy có thể khiến ta mất đi tâm trí bình thản của mình - thứ giúp ta đánh giá một cách xác đáng mọi điều mọi vật xung quanh mình - và sẵn sàng để tận dụng bất cứ thứ gì xảy đến theo một cách tốt đẹp? Để Lương tri ta có thể nhìn nhận tình huống và nói: "Đây là con người thực của ta, bất kể bên ngoài trông ta như thế nào". Trong khi Khả năng thích nghi thêm vào: "Ngươi thực ra là thứ ta đang mong chờ". Vì với ta hiện tại là cơ hội để rèn luyện những phẩm cách - của một cá nhân trong cộng đồng - tóm lại, là nghệ thuật mà con người chia sẻ với thần linh. Cả hai đều coi bất cứ thứ gì xảy đến là tự nhiên, không mới mẻ, hay khó để đối mặt và xử lý, mà mọi thứ đều là quen thuộc và dễ dàng giải quyết.

69. Sự hoàn hảo của tính cách: sống mỗi ngày như ngày cuối cùng của đời mình, không mê loạn, lười biếng, hay giả bộ.

70. Thần linh, với sự tồn tại vĩnh cửu của họ, mà họ còn không cảm thấy phiền phức với việc phải chịu đựng con người và những hành động của chúng ta, qua suốt bao thế hệ. Và không chỉ chịu đựng, họ còn thậm chí chủ động quan tâm chăm lo cho con người.
Còn ta thì sao - ở bờ vực cái chết - ta vẫn từ chối chăm lo cho những người xung quanh - những con người, dù chính ta là một trong số họ.
71. Thật ngờ nghệch nếu cố gắng tránh khỏi lỗi lầm của kẻ khác. Chúng là không thể tránh khỏi. Chỉ cần cố gắng tránh khỏi lỗi lầm của chính mình là đủ rồi.
72. Bất cứ khi nào nguồn sức mạnh, khiến chúng ta là thực thể có lý trí và sống cộng đồng, đối mặt với thứ gì không có những đặc tính ấy, thì nó có thể coi thứ ấy là thấp kém hơn nó.

73. Ta ban ơn, giúp đỡ và họ đã nhận lấy nó. Nhưng, như một kẻ ngờ nghệch, ta đòi hỏi hơn thế: được ghi công với hành động tốt đẹp của mình, được trả công. Tại sao?

74. Không ai phản đối thứ gì có lợi cho anh ta.
Việc có ích cho người khác là tự nhiên.
Vậy đừng phản đối thứ gì có ích cho ta – “việc phục vụ - làm lợi cho người khác”.
75. Tự nhiên quyết định sự khởi nguồn của thế giới. Hoặc là tất cả những gì tồn tại được sinh ra để tuân theo nó một cách logic, hay ngay cả những thứ mà trí tuệ toàn thể của thế giới hướng ý chí của nó vào đều là ngẫu nhiên (tư tưởng sau là của phái Epicureanism).
Nguồn gốc của sự thanh thản trong nhiều hoàn cảnh.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)