Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 8 (1)

1. Một điều khác có thể khích lệ cho sự khiêm nhường: Nghĩ thử xem, ta đâu thể khẳng định rằng cả đời mình đã sống đúng như một triết gia - thậm chí chỉ quãng thời gian trưởng thành cũng không. Tự ta hiểu rõ bản thân còn cách triết bao xa. Và cả những người khác cũng biết nữa. Tự ta hiểu có nhiều lúc mình đã dễ dãi với bản thân. Thời nay thật chẳng dễ dàng gì - để có thanh danh như một triết gia. Và ngay cả địa vị của ta cũng là một điều cản trở nữa.
Vậy ta hiểu vấn đề một cách rõ ràng, đúng không? Giờ hãy quên đi những gì họ nghĩ về ta. Sẽ là hài lòng nếu ta có thể sống phần còn lại của đời mình, bất kể có ngắn ngủi thế nào, như cách mà tự nhiên, và bản chất của ta yêu cầu. Tập trung vào điều đó, và đừng để bất cứ thứ gì làm ta sao nhãng. Ta đã để mình lạc trôi theo mọi hướng và cuối cùng mới nhận ra rằng ta chưa bao giờ tìm thấy được thứ mà mình mong muốn: cách sống cuộc đời này. Không phải trong những tranh biện, hay trong tiền bạc của cải, sự nổi tiếng, hay những khoái lạc cơ thể. Chẳng ở đâu trong số chúng.
Vậy ta có thể tìm thấy nó ở đâu?
Trong việc làm những thứ mà bản chất tự nhiên của con người đòi hỏi.
Bằng cách nào?
Qua những quy tắc tối quan trọng. Thứ nên được tuân thủ, và để nó điều khiển cả động cơ cũng như hành động của ta.
Những quy tắc nào?
Những quy tắc phân biệt tốt và xấu. Rằng không gì tốt đẹp trừ khi nó dẫn đến sự công bằng, khả năng tự chủ, dũng cảm, và ý chí tự do. Và không gì xấu trừ những thứ ngược lại.
2. Với mỗi hành động, hãy tự hỏi: Nó ảnh hưởng đến ta như thế nào? Liệu ta có thay đổi suy nghĩ của mình vì nó?
Nhưng sớm thôi cuộc đời ta sẽ kết thúc, và rời bỏ mọi thứ. Vậy nên đây là câu hỏi duy nhất: liệu đó có phải hành động của một con người có trách nhiệm, biết mình là một phần của cộng đồng, và cùng chịu những luật lệ chi phối của Thượng Đế như thầnh thánh hay không?
3. Alexander và Caesar và Pompey. So sánh họ với Diogenes, Heraclitus, Socrates? Những triết gia ấy hiểu về cái gì, tại sao, và như thế nào. Tâm trí họ phục vụ họ.
Những cái tên nổi tiếng kia? Không gì khác ngoài sự lo âu và nô lệ (Lời người dịch: nô lệ ở đây là nô lệ cho tham vọng, ham muốn vv. của chính họ nhé. Một sự phũ không hề nhẹ của Marcus dành cho những cái tến huyền thoại như Alexander đại đế).
4. Ta có thể cố (nhịn) giữ hơi thở của mình cho đến khi chuyển tái xanh, nhưng ngay cả như thế cũng sẽ chẳng thay đổi được gì, họ sẽ vẫn làm những điều ấy mà thôi.
(Lời người dịch: Câu này thực sự không rõ nghĩa. Mình nghĩ bản dịch tiếng Anh đã dịch sai câu này ở vế sau ('they' thay vì 'it'). Vì mình nghĩ ý của Marcus ở đây là ngay cả khi một người có cố nhịn thở đến nỗi chuyển tái xanh, thì hơi thở sau đó sẽ vẫn quay về với sự vận hành tự nhiên của nó. Nếu dịch như thế thì ý nghĩa câu này sẽ rõ và chắc chắn hơn rất nhiều, vì nó nhắc ta nhớ về việc dù con người có cố thay đổi tự nhiên thế nào, cuối cùng sự vận hành của tự nhiên vẫn phải diễn ra như nó vốn thế.
Trong khi nếu dịch như bản tiếng Anh (và kết quả là cả bản dịch tiếng Việt của ông Tiết Hùng Thái), thì ta phải hiểu việc cố nhịn thở ở đây như cách để tỏ ý ta chống lại hành động của 'họ'. Nhưng nếu như thế, nghe rất buồn cười. Hoặc kể cả nếu có để 'they' như bản dịch tiếng Anh thì về bản tiếng Việt vẫn nên chuyển thành 'chúng' - ý chỉ các hơi thở, thay vì dịch là 'họ').
5. Bước đầu tiên: Đừng lo lắng. Tự nhiên điều vận và kiểm soát tất cả mọi thứ. Và sớm thôi ta sẽ chẳng còn là ai, chẳng còn ở đâu nữa - như Hadrian, như Augustus.
Bước thứ hai: tập trung vào thứ ta cần phải thực hiện. "Dán mắt mình" vào nó, chỉ nó mà thôi. Tự nhắc mình rằng nhiệm vụ của ta là làm một con người tốt đẹp; và tự nhắc cả về thứ gì tự nhiên đòi hỏi ở con người. Sau đó làm mọi thứ theo chúng, không chần chừ, và nói sự thật như ta nhận thấy. Nhưng với lòng tốt. Với sự khiêm nhường. Và không đạo đức giả.
6. Công việc của tự nhiên: chuyển đổi mọi thứ đến mọi nơi, biến đổi chúng, nhấc chúng lên rồi chuyển đến chỗ này chỗ khác. Cứ thay đổi luôn luôn. Nhưng đừng lo lắng: chẳng có gì mới mẻ ở đây cả. Mọi thứ đều quen thuộc. Thậm chí ngay cả tương quan cũng không đổi.
7. Bản chất tự nhiên của mọi thứ đều phát triển tiến lên. Và sự tân tiến cho một tâm trí sáng suốt tức là không chấp nhận sai lầm và sự không chắc chắn trong nhận thức của nó, coi những hành động không vị kỷ là mục đích duy nhất của nó, chỉ hướng sự cố gắng của nó vào những thứ thuộc quyền kiểm soát của chính nó (nhằm có được hay lánh xa chúng), trân trọng những thứ tự nhiên yêu cầu ở nó - tự nhiên mà nó là một phần trong đó, như bản chất của một chiếc lá đối với cây. Ngoại trừ một điều rằng bản chất tự nhiên của chiếc lá thì không có ý thức hay lý trí, và phải chịu những trở ngại. Trong khi bản chất của con người thì không bị ảnh hưởng bởi bất cứ trở ngại nào, đồng thời bản chất ấy cũng là có lý lẽ, công bằng, vì nó có quyền năng để có thể phân cho mỗi sự vật sự việc một khoảng tương ứng và công bằng về thời gian, sự tồn tại, mục đích, hành động, và cơ hội. Xem xét một cách kỹ càng và tỉnh táo hơn. Không phải liệu chúng có thực sự cân bằng từng điểm từng điểm một, mà trong một tổng thể: cân nhắc so sánh cái tổng thể này với cái tổng thể khác.

8. Không có thời gian để đọc nữa. Nhưng để kiểm soát sự kiêu ngạo của ta, có.

Để có thể vượt qua mọi đau đớn cũng như khoái lạc, có. Để từ bỏ những tham vọng, có. Để không cảm thấy giận dữ với sự điên rồ và khó chịu của người khác - mà thậm chí vẫn có thể quan tâm đến họ - cho điều đó, ta có thời gian.

9. Đừng để người khác phải nghe ở ta quá nhiều lời than vãn về cuộc đời nơi triều chính. Hay về chính bản thân ta.
10. Sự hối tiếc là việc ta cảm thấy khó chịu vì đã bỏ qua thứ gì đó có lợi cho mình. Nhưng nếu thứ ấy thực sự có lợi cho ta thì nó phải tốt đẹp - thứ mà một con người tốt đẹp, đức hạnh sẽ quan tâm đến.
Nhưng không một ai thực sự tốt đẹp, đức hạnh lại cảm thấy hối tiếc vì đã bỏ lỡ khoái lạc.
Vậy nên nó không thể là một thứ có ích, hay tốt đẹp
11. Về cơ bản, đó là gì? Đâu là bản chất của nó, và thứ gì tạo nên nó, hay mục đích tồn tại của nó? Nó đang làm gì trên thế gian? Và sẽ ở đây trong bao lâu?

12. Khi ta chẳng thể lôi mình ra khỏi giường lúc sáng sớm, hãy nhớ rằng tính cách đặc trưng của ta - thứ khiến ta là một con người - là làm việc cùng người khác. Ngay cả động vật cũng biết ngủ thế nào. Nhưng tính cách đặc trưng của ta, thứ thuận hơn theo tự nhiên - thì sẽ luôn trội hơn cả về mặt bẩm sinh cũng như cả sự thoả mãn nó mang lại.

13. Áp dụng chúng một cách đều đặn, vào mọi thứ xảy đến:
Vật lý. Đạo đức. Logic.
(Lời người dịch: ở đây Vật lý thực ra có thể hiểu là toàn bộ khoa học nhé, thời đấy chưa tách ra thành các ngành riêng biệt như bây giờ. Và Logic là toàn bộ những ngành về ngôn ngữ học và cách vận dụng lý trí trong cuộc sống)
14. Khi ta phải giao thiệp với ai đó, tự hỏi mình: người đó nhận định về tốt và xấu như thế nào? Nếu anh ta nghĩ x hay y về khoái lạc và đau đớn (và những thứ tạo nên những cảm giác mạnh mẽ ấy), về vinh nhục, về cái chết và sự sống, thì ta sẽ không thể bị sốc hay ngạc nhiên khi anh ta làm x hay y.
Thực tế, ta sẽ có thể tự nhắc mình rằng anh ta đâu có lựa chọn nào khác (Lời người dịch: kiểu với những suy nghĩ như thế, thì anh ta sẽ chẳng thể nhận ra những lựa chọn khác để hành động cho đúng đắn được).
15. Hãy nhớ rằng: ta không nên ngạc nhiên khi thấy cây vả tạo ra những trái vả, hay thế giới tạo ra tất cả mọi thứ (bao gồm cả những thứ tốt đẹp và những thứ xấu xa). Một bác sĩ giỏi không bao giờ ngạc nhiên khi bệnh nhân của ông ta lên cơn sốt, hay người lái tàu (không bao giờ ngạc nhiên) khi cơn gió lớn cản trở hay đe doạ con tàu của anh ta.
16. Hãy nhớ rằng việc chỉnh đốn tâm trí mình và chấp nhận những sự sửa đổi cho đúng cũng là một hành động mà ta được tự do lựa chọn. Hành động lựa chọn đó là của ta, dựa trên ý muốn của ta, quyết định của ta - và đó chính là lý trí của ta.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)