"Tôi tử tế hay chỉ là nô lệ?"
"Cuộc sống vốn đã chẳng dễ dàng để đạt được hạnh phúc, đừng hi sinh hạnh phúc của bản thân bằng cách chăm chăm đi làm hài lòng người khác!"
Chúng ta vẫn luôn được dạy phải trở thành một con người tử tế
Từ khi còn nhỏ chúng ta vẫn luôn được dạy phải sống tử tế như thế nào. Cha mẹ luôn muốn chúng ta trở thành một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, thầy cô thì luôn cố gắng rèn chúng ta vào khuôn, một cái khuôn mẫu tử tế.
Không khó để bắt gặp những trường hợp giáo viên luôn ưu tiên cho các bạn biết nghe lời, và khá gay gắt với những bạn cá biệt hơn. Hay thậm chí cả trong gia đình cũng thế, đứa nào ngoan hơn, học giỏi hơn thì thường được thương hơn. Ừ thì cũng đúng, ai ngoan hơn, dễ bảo hơn sẽ được thương hơn. Tôi nghĩ một phần là do ảnh hưởng của cảm xúc, mà cảm xúc thì nó mang tính cá nhân nên chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm cho việc đó.
Vậy đó, thế là từ mẫu giáo cho đến hết cấp ba, chúng ta được giáo dục rằng chúng ta phải trở thành một người tử tế, một mẫu người tốt bụng khi chúng ta trưởng thành. Nhưng mà rất ít ai dạy chúng ta phải tử tế như thế nào cho đúng, nên một số người (bao gồm cả tôi) vô tình trở thành nô lệ của sự tử tế.
Tử tế sai cách
Tôi không biết liệu câu chuyện ở trên có phải chỉ là trải nghiệm cá nhân của tôi mà mọi người chưa bao giờ nhận thấy. Nhưng khi tôi nhận ra điều đó rồi thì cuộc sống của tôi trở nên tốt hơn rất nhiều.
Tôi lớn lên như những gì tôi kể ở trên, và nó hình thành trong tôi một sự thụ động trong các mối quan hệ. Thay vì tôi có thể lên tiếng, bày tỏ những gì tốt cho tôi, thì tôi luôn phải đặt người khác lên trên, và để họ lấn lướt mình. Tôi luôn có suy nghĩ rằng mình phải làm hài lòng người khác, không được làm người khó chịu, vì như vậy thì người khác sẽ đánh giá mình.
Tôi luôn nói "có" trong mọi vấn đề mặc dù trong lòng tôi đã đánh trống liên hồi bảo "không". Nhưng biết làm sao được, tôi không đồng ý thì họ sẽ giận tôi mất. Thật sự lối sống này ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần, thể chất và kinh tế của tôi khá nhiều.
Lúc đi học, bạn bè tôi rất hay rủ rê nhau đi chơi, đi ăn, karaoke,... và đương nhiên là tôi sẽ được mời. Thật sự thì tôi không thích đi những buổi như thế lắm, tôi chỉ muốn nằm ở nhà và đọc quyển truyện mình yêu thích, hay thậm chí là ngồi chơi game thôi, với cả lúc đó tôi không phải là đứa có điều kiện tiêu xài cho lắm. Nhưng tôi vẫn cắn răng nói "có" và đi trong sự ăn năn với bản thân. Hay khi đi làm, việc tôi được nhờ tăng ca và làm thêm việc rất nhiều, có những lần tôi thật sự stress khi công việc như chất đống, nhưng khi sếp hỏi tôi ổn không thì tôi luôn nói "có". Tôi chả bao giờ thành thật cả.
Tôi sẽ cố gắng tránh những va chạm với tất cả mọi mối quan hệ, dù việc đó ảnh hưởng đến tôi như thế nào. Tôi luôn nói không với xung đột, nhưng chưa bao giờ biết nói "không" với người khác. Ngoài ra tôi cũng sẽ rất ngại ngùng khi nhờ ai đó, bởi tôi luôn cảm thấy sẽ làm phiền ai đó nếu mở lời.
Tử tế lâu ngày có gây "ung thư"?
Thật ra "ung thư" thì không, nhưng lâu ngày như vậy nó khiến tôi trở nên mất kiểm soát và tâm lý bất ổn định hơn rất nhiều. Trong mắt người khác, tôi luôn cố tỏ ra mình ổn nhiều như thế nào, thì bên trong tôi hàm lượng sự tiêu cực nó tích tụ bấy nhiêu trong đó.
Việc phải gồng mình chịu đựng đủ mọi cảm giác tiêu cực và không thể nói ra, giống như việc một hố núi lửa đang chờ ngày hoạt động trở lại. Tôi luôn cảm thấy uất ức, tủi thân với mọi người, mặc dù chính tôi là người đã đẩy tôi vào cái hố đó. Có một thời gian tâm trạng tôi cực kỳ cáu bẳn, có thể nổi nóng bất kỳ lúc nào, và tôi biết đó là lúc mà ngọn núi lửa kia đang chuẩn bị phun trào. Tôi phải làm gì đó, trước khi mọi việc quá muộn.
Và đó là khi tôi nhận thấy rằng mình chưa từng yêu bản thân
Khi ấy tôi biết đến thiền, thiền là công cụ rất hữu dụng để tôi có thể nhìn vào bên trong của mình. Để tôi biết rằng tâm hồn của tôi nó đang mục rửa ra sao. Tôi nhận ra mình chưa bao giờ yêu bản thân.
Suốt từ khi còn bé, tôi đã luôn được dạy phải nghe lời, thi đại học cũng là trường bố mẹ chọn hoặc tham khảo của bạn bè, đi làm thì chả bao giờ dám ý kiến. Tôi phó thác mọi việc cho người khác dù đó là việc của tôi chăng nữa. Tôi cũng chưa từng nghĩ rằng tương lai mình sẽ làm gì, tôi chỉ biết đi làm để kiếm tiền và sống thôi. Tôi hoàn toàn mất tự chủ.
Sau suốt một quá trình dài để tự nhìn nhận, đánh giá về bản thân, tôi cố gắng cho bản thân mình cảm thấy thoải mái hơn. Quá trình này thật sự không dễ dàng gì.
Dũng cảm hơn trong việc nói "không"
Tôi bắt đầu bằng việc nói không nhiều hơn, học cách nói không một cách lịch thiệp và ân cần nhất với những việc sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và giới hạn cá nhân của mình.Việc bạn nói "không" nhiều hơn không có nghĩa là bạn từ chối chinh phục những thử thách, cũng không có nghĩa bạn là người lười nhác. Bạn chỉ đang yêu thương mình hơn một chút thôi.
Nhưng đừng lấy đó làm cớ để nuông chiều mình quá nhé. Việc bạn yêu bản thân không có nghĩa là bạn có thể sống hời hợt.
Khởi đầu bằng những việc nhỏ nhất
Nếu một anh/chị đồng nghiệp muốn nhờ bạn tăng ca giúp, bạn có thể đồng ý để phòng khi bạn cũng cần được đổi ca. Nhưng nếu những lần như vậy quá nhiều, và nó ảnh hưởng đến thời gian của bạn, thì cứ từ chối nhé.
Đừng vì sợ mất lòng mà hãy thoải mái với bản thân hơn. Bởi vì sự thật là người đối diện họ cũng mang tâm lý không muốn làm phiền người khác. Nên nếu bạn có thể khéo léo từ chối, họ sẽ hiểu thôi.
Kết
Sau tất cả, bạn không cần phải vứt bỏ đi sự tử tế của mình, mà là trang bị cho mình khả năng sử dụng nó đúng cách. Hãy suy xét đến mục đích của bạn khi bạn đồng ý làm một việc gì đó. Nếu bạn chỉ đơn giản là muốn giúp đỡ, muốn cho đi thì điều đó sẽ giúp cảm xúc của bạn thoải mái hơn trong quá trình bạn làm việc.
Xây dựng cho mình lập trường, và tính quyết đoán cũng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định trong những tình huống khó xử. Kết quả của sự quyết đoán trong hành động dù đó là một sự thỏa hiệp hay từ chối thì cũng chính xác là gì bạn mong muốn. Hãy bắt đầu với những thay đổi nhỏ, dù có như thế nào thì nó cũng giúp bạn làm chủ được cuộc đời của bạn nhiều hơn.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất