Tôi toxic là có lý do
Một bài viết mang tính chủ quan của tác giả về sự toxic, không có hàm ý đả kích bất kỳ ai
“Việt Nam lọt top 5 quốc gia kém văn minh nhất trên MXH”
“Cộng đồng quá toxic”
“Ngu vcl @$I*&%))*$*(&!)$, đâm đầu vào…và ch***&%^$#%@”
Bạn có thấy quen không, những bình luận ác ý và thiếu tính xây dựng mà bạn vẫn đọc hằng ngày.
Có thể trong lúc bạn đang đọc những dòng này thì ngoài kia đang có hàng tá người Việt, đang dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để miệt thị đồng bào của mình chỉ bởi vì...những lý do rất nhỏ nhặt.
Vậy sự toxic là gì và nó bắt đầu từ đâu?
Nói qua một chút thì “toxic” - là một từ tiếng anh được vay mượn của từ “toxicum” trong tiếng Latinh cổ, ban đầu nó được dùng để chỉ chất độc tẩm trên mũi tên của các chiến binh để kết liễu kẻ thù. Còn ngày nay, toxic được dùng để biểu thị cho những người mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho người khác.
Có nhiều lý do để khởi nguồn cho việc này, có người toxic vì bất đồng quan điểm, một số thì lên tiếng để bảo vệ cho thứ họ muốn. Một số khác thì nghĩ rằng những câu nói sâu cay mà họ đang biên soạn là để tốt cho người khác, hay nói đơn giản hơn là chửi cho nó khôn ra.
Vậy thì tại sao chúng ta lại như thế?
bản thân người viết cũng không là ngoại lệ, mình cũng từng có một thời gian trở thành gã “Chí Phèo 4.0”, tiêu tốn rất nhiều thời gian trong ngày chỉ để lao vào những “trận chiến ngôn từ” vô nghĩa, nơi mà chẳng có ai công nhận là mình thua.
Một cuộc chiến không trọng tài, không luật lệ, không phần thưởng và không có kết quả. Cuối cùng lại đi vào ngõ cụt, khi một bên im lặng và rời cuộc chơi, bên còn lại thì chốt hạ kết quả theo những gì họ tin là đúng.
Còn chiến lợi phẩm cho những cuộc chiến kể trên là gì?
1. Sự thỏa mãn khi dồn ép một người khác vào thế bí.
2. Sự tung hô của đám đông khi bạn vừa viết một cái gì đó
thật "gắt".
3. Sự tức giận vì những câu chửi miệt thị.
4. Sự lo lắng khi có ai đó đòi đến tận nhà.
Ít nhất thì có 50% chiến lợi phẩm kể trên khiến bạn cảm thấy "hơn người" khi toxic trên mạng xã hội, và như vậy là quá đủ rồi.
Thông qua quá trình quan sát và tự vấn lại bản thân, mình cho rằng điều này xuất phát từ ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất : Không áp lực, không trách nhiệm
Theo quan sát của cá nhân mình, không phải ai toxic ở trên mạng cũng là người toxic ở cuộc sống thực, bởi vì họ biết rằng, trong thực tế thì tính cách độc hại này mang lại rất nhiều rủi ro. Điều này dẫn đến kết luận rằng, khi mang một danh tính ảo sẽ làm cho con người ta có nhiều điều kiện thuận lợi để bộc lộ sự ích kỷ của bản thân.
Khi mang một danh tính ảo, chúng ta không còn chịu áp lực từ người đối diện, không cần phải giữ gìn hình ảnh bản thân, không sợ bị người khác đánh giá, không sợ bị người khác tràn vào trang cá nhân và không cần chịu trách nhiệm cho những gì mình nói...
Ở Việt Nam, có những điều luật ràng buộc cho những gì bạn phát ngôn trên mạng xã hội, nhưng nó có tác thường chỉ có tác dụng khi dính dáng đến những chủ đề nhạy cảm như chính trị hay dư luận trên phạm vi cả nước. Còn với hàng trăm ngàn trận chiến nhỏ lẻ nhằm chứng minh cái tôi và hạ nhục người khác ở ngoài kia, thì luật pháp hay trách nhiệm quả thực là món trang sức xa xỉ.
Bằng chứng cho điều này là tình trạng sử dụng page/nick clone để comment dạo đang ngày càng phổ biến hơn.
Thứ hai : Tự do ngôn luận và chọn cách giải tỏa tâm lý
Với lý do thứ nhất làm tiền đề, những cư dân mạng đã có một cơ sở vững chắc để toxic mà không ngại đến hậu quả. Cái họ còn thiếu là một lý do để tin rằng những gì mình đang làm là đúng.
Không để hổ thẹn với lòng mình, nhiều người chọn cách lạm dụng ý nghĩa của tự do ngôn luận để thực hiện hành vi của mình. Họ chăm chăm vào luận điểm “tại sao tôi không được nói điều đó” để bao biện cho thứ chất độc của mình và cố tình phớt lờ nhiều thứ tốt đẹp khác, chẳng hạn như “tôi nên nói điều đó như thế nào”.
Tất nhiên, trong cuộc sống hiện đại xô bồ và vội vã, mọi tầng lớp hay độ tuổi cũng đều có những nỗi niềm riêng, nên áp lực luôn song hành với thực tế. Đây là một nỗi đau chung và mỗi con người đều cần có nhu cầu giải tỏa tâm lý cho mình, vẫn còn nhiều cách khác để tự "làm mát" mình, nhưng đáng buồn thay là đại đa số chúng ta lại chọn cách tồi tệ nhất.
Bằng cách trút sự giận dữ và tiêu cực lên một người lạ xui rủi nào đó, đè nén họ, mạt xác họ để vơi đi áp lực của mình tuyệt nhiên chỉ là phương thuốc giảm đau tạm thời. Có lẽ làm như vậy khiến cho bạn tạm quên đi những ưu phiền, mệt nhọc trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra thêm nhiều nạn nhân khác.
Thứ ba : Thiếu kiến thức
Đây lại là một góc nhìn chủ quan, nhưng theo mình quan sát thì những người có nhiều tri thức thường rất điềm đạm. Không phải vì họ thiếu đi cảm xúc mà hơn ai hết, họ rất hiểu rằng, cách làm như vậy không thể giải quyết được vấn đề.
Nếu họ muốn người khác nghe theo mình, họ sẽ có nhiều phương án khác từ thay vì gào thét lên. Nếu họ cảm thấy không phù hợp với một quan điểm nào đó, họ thường góp ý nhẹ nhàng hoặc đơn giản hơn là chọn cách bỏ qua bài viết đó. Và kể cả khi họ thật sự phải bước vào một cuộc tranh luận, họ vẫn luôn nằm lòng quy tắc số 1 trong phản biện chính là không công kích cá nhân.
Lời kết :
Nếu bạn đã đọc đến đây thì mình xin chúc bạn có nhiều sức khỏe và một tinh thần thư thái trong mùa dịch căng thẳng.
Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, hãy nhân từ hơn với người khác. Nếu bạn không thể ban phát sự ngọt ngào thì cũng đừng rải đi những chất độc, gieo lấy hạnh phúc để tìm lại bình yên.
Phần 2 đã có tại :
#vjetchovui
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất