''Mình không ăn thì cũng có người khác ăn '' : Quanh đi quẩn lại vẫn là tham lam
Con người thực sự tham lam. Nhưng chúng ta luôn có cách để làm cho vấn đề ''nhẹ đi''. Chính xác hơn đó là sự ngụy biện nghe có vẻ hợp...
Con người thực sự tham lam. Nhưng chúng ta luôn có cách để làm cho vấn đề ''nhẹ đi''. Chính xác hơn đó là sự ngụy biện nghe có vẻ hợp lí. Và nếu không lật tẩy điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi.
Trước khi đi vào chuyện chính, mình muốn nhắc lại một điều rằng, hầu hết chúng ta đều ăn thịt (trừ người đi tu). Và ăn thịt là chúng ta gián tiếp ủng hộ việc sát sinh động vật. Nhu cầu về nó càng cao thì việc săn bắn, chăn nuôi lấy thịt càng nhiều bất kể bằng những hình thức man rợ nhất. Đại loại như muốn thử những loại thịt quý và lạ như thịt thỏ, thịt trâu rừng, thịt đà điểu, tê tê, bề bề....Mình cũng thừa nhận thẳng thắn luôn rằng mình cũng muốn thử những thứ đó nếu được mời. Ok mình mâu thuẫn. Nhưng cùng với ham muốn với thịt thú hiếm thì trong mình cũng dấy lên cái cảm giác tội lỗi. Nó đủ để mình phải nghĩ ngợi ngày này qua ngày ngày khác để cuối cùng đặt bút viết. Mình tự vấn bản thân và đưa ra quan điểm của mình.
Ok chuyện là tuần trước chú mình có gửi thực phẩm xuống cho nhà mình trong những ngày chống dịch thiếu thốn. Thực phẩm khô cũng có mà thực phẩm là đồ tươi sống cũng có. Chú gửi mực một nắng, gà, thịt lợn....Trong đó có một con cá chép bị lôi ra từ thùng xốp vì nhà mình chọn cá nấu luôn cho ngày hôm đó. Kì lạ là cá chép có biểu hiện to hơn kích cỡ bình thường. Nó đang mang bầu. Mẹ mình rạch bụng nó ra, cái khe càng ngày càng rộng, đến nỗi tưởng như toác ra. Mình nhìn mẹ lôi từ trong bụng nó ổ trứng vàng dính dớp máu và chất nhầy. Mắt nó luôn trợn trừng, mồm hơi hở như tưởng mình vẫn đang mở miệng hít thở thoải mái trong nước. Bát trứng đấy cất riêng vào tủ lạnh còn cá thì om dưa. Mẹ bảo nghĩ xem riêng trứng cá chế biến kiểu gì thì ngon. Nhưng mình không muốn làm. Mình bảo nghĩ cứ thấy thương thương, trong đầu mình lại hiện lên hình ảnh lúc nãy. Dứt câu thì mình nhận được vô số những lời ''phản biện'' của mọi người trong nhà.
Song mình chỉ nhớ nhất một câu :'' Mình không ăn thì người khác cũng ăn thôi. Thà mình ăn còn hơn.''
Nghe rất hợp lí phải không?. Lúc đầu mình cũng cảm thấy mọi người nói đúng. Thái độ của họ khi nói còn có vẻ như họ coi đó như điều hiển nhiên vậy. Cho nên nói rất ''đanh thép'', ''hùng hồn'', nét mặt đầy tự tin là mình đúng. Nhưng rồi nghĩ lại mình mới thấy có gì đó thật nực cười. Cái tính của mình là luôn cố gắng hiểu để tin. Mình đã đồng tình với cái gì thì mình phải hiểu nó sâu sắc hoặc ít nhất có sự hợp lí trong đó. Nên khi không thể tìm ra lý do thuyết phục được bản thân đồng tình với họ, mình lại tìm lý do để không nghe theo. Và ngay lập tức khi ngẫm lại câu nói lúc nãy, mình bỗng hiểu ra một điều : Thực ra đó chỉ là lời ngụy biện cho sự tham lam mà cụ thể ở đây là ăn thịt động vật. Được thôi đồng ý là không ăn thì cũng sẽ có người khác ăn thật. Mình không quản được họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình phải ăn. Càng nghĩ mình càng thấy buồn cười, chuyện ăn gì mặc gì là chuyện của cá nhân. Mình là người quyết định. Nên mình đã không muốn thì không ai ép được mình. Trừ khi là mình muốn. Và quan trọng hơn là: Vì sự muốn đó có thể không tốt đẹp gì nhưng lại không muốn dứt ra, nên mới tìm ra cái luận điệu nào đó để tự huyễn hoặc mình. Hiểu đơn giản hơn là vì tham nên tìm cách ngụy biện để tự che mắt mình lẫn người khác. Nó cũng giống như khi đi ngoài đường mà nhìn thấy một cái ví tiền trong đầu sẽ nghĩ là : '' mình không nhặt thì người khác cũng nhặt mất '' vậy.
Trở lại với vấn đề, mình sẽ đi sâu vào việc sát sinh động vật để phụ vụ cho lòng tham của con người. Không phải ngẫu nhiên từ một chuyện cỏn con kia mà mình xé toạc ra một mặt trái nhức nhối trong xã hội. Tất cả được hình thành qua những lần mình chứng kiến trực tiếp lẫn gián tiếp tội ác của con người với động vật để phục vụ những mục đích khác nhau của họ.
Hồi đó gia đình mình đi du lịch cùng mấy nhân viên công ty của bố. Chiếc xe đến đón ông sếp. Trong lúc đợi ông ấy sửa soạn, mình may mắn được bước vào căn biệt thự sang trọng với đồ nội thất tinh xảo. Mình nhớ nhất là chiếc đầu bò trang trí được treo ở một góc dễ nhìn thấy, rất to và rất sang. Người ta vẫn hay đồn nếu treo những đầu thú quý với những cặp sừng vươn dài thì sẽ phát tài, phát lộc, xua đuổi tà khí. Nên nó trở thành nhu cầu của bất kì ai mê tín. Nó được săn đón rất nhiều vào dịp Tết. Và theo như mình tìm hiểu thì trừ chiếc đầu thú làm giả, các cặp sừng uy nghi ấy đều lấy từ các loài thú ở sâu trong rừng của Châu Phi, Myanmar, Ý....Trong cảm nhận của mình thì riêng đối với người giàu, treo đầu thú quý là một cách để bọn họ chứng minh sức mạnh và quyền lực của mình. Lấy những biểu tượng của sự dũng mãnh, đại diện cho sức mạnh của thiên nhiên là cách hiệu quả nhất. Chưa kể bọn họ luôn có hẳn những bộ sưu tập đủ thứ đồ khác làm từ da động vật như cá sấu, da hổ,lông chồn...Và chính vì có những thú chơi lập dị đó nên sẽ có những hoạt động tàn sát dã mãn để kiếm lời. Cả người bán và người mua đều có những mục đích khác nhau. Điều đau lòng là cùng tàn nhẫn với những loài thú vô tội. Trong cái đẹp sang trọng mà bọn họ vẫn ca ngợi khi ngồi chia sẻ thú chơi của mình, có tội ác của những gã săn bắn cừ khôi, cái chất máu tươi của các loài đã ngã xuống. Qủa đúng như người ta vẫn nói, cái đẹp trước hết phải là cái thiện.
Lòng tham của con người không chỉ dã man, mà còn bệnh hoạn. Trong ký ức về động vật của tôi, có lẽ đây là câu chuyện khó quên nhất. Tôi biết chị qua một workshop. Nó được tổ chức cho các nghệ sĩ từ các ngành nghệ thuật đến để chia sẻ về quá trình khám phá và tạo ra tác phẩm của mình. Chị là một nữ nghệ sĩ người Nhật. Tôi thậm chí không có cơ hội kết bạn với chị vì cái duyên không cho phép. Song cả một dàn nghệ sĩ với những câu chuyện đa màu, tôi chỉ nhớ mỗi chị.
Chị đam mê làm phim. Và tác phẩm mà chị hé lộ với chúng tôi là bộ phim ngắn. Cả bộ phim chỉ xoay quanh một chú dê. Chị nghiên cứu về một chú dê và quay lại cảnh chơi với nó. Thật nhạt nhẽo!, tôi nghĩ. Nhưng đằng sau một con vật mà tôi thấy nhàm chán ấy, lại là lời tố cáo đến cái xã hội Nhật Bản thối nát. Thời đó, Nhật Bản chiến tranh với một nước phương Tây. Giới quý tộc, vua chúa Nhật Bản có một thói quen hoang dâm tột cùng. Đó là giao phối với những con dê. Sự thật này khiến cho bất cứ đất nước nào ở trong hoàn cảnh đó cũng muốn úp mở lịch sử. Và khó chịu hơn khi người xé rách mảnh kí ức ấy chính là người con của đất nước họ. Tôi yêu sự dũng cảm của chị. Chị đem mảng tối của lịch sử nước mình đến với người Việt Nam chúng tôi. Chị kể cho chúng tôi nghe chị đã tắm cho chú dê, tìm hiểu về bộ phận sinh dục của nó. Bọn họ thậm chí còn lấy dê làm món đồ tình dục dâng tặng các vua chúa nước phương Tây. Những chú dê được nuôi tốt béo và đem sang để phục vụ những con quái vật dâm dục các nước đế quốc. Đây là chi tiết tôi thấy rùng rợn và buồn nôn nhất.
Công việc nghiên cứu của chị dường như đã thất bại khi một khán giả hỏi chị làm sao chị có thể chắc chắn những thông tin chị tham khảo qua internet . Chị đã khóc khi không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi đó mặc dù rất nỗ lực. Vì chị cũng bất lực với chính bản thân mình, vì không thể làm được tốt hơn. Tôi đoán vậy. Lần đầu tiên tôi được thấy trực tiếp một nghệ sĩ khóc trước mặt khán giả trong trạng thái bất lực. Nhưng nó phản ánh một cái tâm quyết đi đến tận cùng của sự thật. Cái tâm ấy được xây dựng từ tình yêu thương động vật và sự say mê tìm kiếm những bí mật của lịch sử. Tôi đặt câu hỏi cho chị rằng tại sao chị làm bộ phim này trong khi đây là bí mật của đất nước chị?. Chị nói rằng chị không thể biết con người còn làm gì kinh khủng hơn với động vật trong quá khứ nữa, nhưng những gì chị làm là cách để chị gửi lời xin lỗi tới động vật. Đó là điều tâm đắc nhất trong cả quá trình theo dõi chị của tôi. Động vật không phải là món đồ chơi để chúng ta muốn đối xử thế nào cũng được. Con người càng không có quyền lấy động vật để phục vụ cho những bản năng thuộc phần ''con'' của mình. Chúng ta hơn những loài khác ở chỗ chúng ta có nhận thức. Nhưng chính vì vượt trội hơn về bộ não nên hãy hành động sao để không bị nhìn nhận giống một loài thú bản năng. Tôi nghĩ, ý đồ của tự nhiên khi ban cho ta ý thức là để chúng ta có một cuộc sống văn minh và hiện đại hơn những loài khác. Vậy nên hãy hành xử thế nào để xứng đáng với sự ưu ái đó.
Có người nói với tôi: '' Nếu nó thông minh hơn mình thì nó đã ăn mình rồi đó. Gía trị của nó sinh ra là dành cho những thứ hơn nó rồi. Bé bị to đè, to thì bị to hơn, nhưng chúng đều dành để chuẩn bị cho con người cả''. Lại có người thể hiện quan điểm của họ với mình:" Bây giờ chúng ta chuyển sang ăn chay thì sẽ ăn những loại thực vật, rau củ....Đấy cũng là phần lớn thức ăn của loài vật. Làm như vậy ta cũng cướp đi thức ăn của chúng thôi.'' Vậy vẫn hơn là ăn trực tiếp, phải không nào?. Còn về quan điểm thứ nhất mình thiết nghĩ: Người thông minh thực sự sẽ biết cách làm thế nào để vừa đạt được lợi ích của mình mà không làm ảnh hưởng đến những thứ khác. Đâu phải chà đạp lên kẻ yếu hơn mình thì mới đạt được nhu cầu của mình. Chắc các bạn đã rất quen thuộc với câu nói này: ''Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình'' (Nam Cao). Trong khía cạnh về cách hành xử với loài vật, chúng ta có nhận thức còn là để kiểm soát những hành vi ích kỷ của mình để trở nên văn minh hơn. Trong trường hợp đảo lại, loài vật lấn lướt tấn công chúng ta, thì văn minh cộng thông minh sẽ tìm cách phòng thủ sắc bén thay vì cuộc tấn công hay trả thù đẫm máu. Mình luôn quan niệm, nếu mình đã không muốn thì tìm cách khác. Đâu phải cứ tấn công mới bảo vệ được mình đâu phải không? . Vậy nên mọi thứ hầu như xuất phát từ lòng tham không đáy. Khi ta tấn công, tức là ta đang vì mục đích nào đó của mình. Thực chất con người đổ lỗi để xoa mờ những gì mình đã làm với động vật. Và đại dịch corona đang ghé thăm thế giới của chúng ta có lẽ là cái giá mà con người phải trả cho việc làm mất cân bằng hệ sinh thái, đảo lộn giới tự nhiên. Một lời cảnh cáo vẫn còn nhẹ nhàng của thiên nhiên. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc đại dịch, biết được nó xuất phát từ loài dơi. Mà kể cả virus không phải từ loài dơi thì ít nhất tôi đã biết được bọn Tàu ăn uống mọi rợ như thế nào. Đủ thứ trên đời!
Thời sự của loài người: ''Chúng ta mong dịch bệnh này sẽ sớm qua đi để quay trở lại nhịp sống bình thường'' Thời sự của loài khác: '' Chúng ta mong loài người tiếp tục ở trong nhà để duy trì nhịp sống bình thường hiện nay''. /Nhân dịp ngắm chim sa cá lặn và con kênh Venice nước xanh trở lại/ -chị Huyền Châu-
Những ngày chống dịch thế này, cả thế giới cùng nhau chung tay đẩy lùi bệnh dịch. Hình ảnh các y bác sĩ vất vả, người dân mỏi mệt và lo âu. Chúng ta cùng nhau chia sẻ những khó khăn để sống sót qua giai đoạn này. Thật cảm động!. Vâng, tôi cũng cảm thấy rung động khi nhìn những hình ảnh người với người đùm bọc, yêu thương nhau; những chiến sĩ, bộ đội sốt sắng hỗ trợ người dân phòng tránh, cách ly hay bức ảnh một cụ ông người Trung Quốc tắt thở nằm bên đường phố vắng tanh của Vũ Hán. Nhưng làm ơn hãy nhìn thẳng vào sự thật, đây là hậu quả mà chúng ta đã gây ra. Đơn giản thế thôi!. Để biết chúng ta phải thay đổi. Đã là con người thì ai cũng có lòng tham, nhưng lòng tham đi quá xa thì đó là ích kỷ. Hãy biết ơn đội ngũ y bác sĩ, bộ đội với ý niệm thế này: người ta đang phải cùng bạn gánh chịu những hậu quả mà bạn đã gây chứ không chỉ đơn thuần giúp đỡ bạn_ những kẻ vừa gián tiếp vừa trực tiếp tàn sát động vật, và bao gồm cả mình, người hàng ngày vẫn ăn thịt. Mình viết bài viết này không phải là những lời tuyên ngôn của một kẻ ăn chay, cũng chẳng để rao giảng cho các bạn vì bản thân mình đã chưa là một tấm gương. Mình chỉ cần thông qua những gì mình viết mình sẽ ý thức trách nhiệm hơn những gì mình đang ăn, đang mặc, đang sử dụng....Vì một thay đổi lớn lao trong tương lai bao giờ cũng xuất phát từ một ý thức ''đủ chín''. Mong rằng câu chuyện về tuyệt chủng sẽ không còn tái diễn. Và thiên nhiên sẽ không phải giận dữ với chúng ta nữa.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất