Xin chào bạn đọc !
Trong phần 1, mình có đề cập đến việc bản thân cũng từng là một gã “Chí Phèo 4.0”, lang thang khắp các ngỏ ngách của làng “mặt sách” để lao vào các trận chiến vô nghĩa. Ấy vậy mà bây giờ, cái thằng Chí ngày đó lại đang đi khuyên người khác bớt toxic lại, đúng là cái trò đời mà.
Gõ phím bình thiên hạ, click chuột định giang sơn
Gõ phím bình thiên hạ, click chuột định giang sơn
Lưu ý : Đây không phải là bài viết mang tính hướng dẫn cách để không còn toxic, càng không có tí dẫn chứng hay học thuật nào. Vì mình tin rằng, không thể bê nguyên cách làm của người này đi áp dụng lên người kia. Nên mình chỉ chia sẽ lại câu chuyện đã diễn ra, nếu bạn cảm thấy bất cứ thứ gì phù hợp với bạn, hãy cứ lấy nó về.
Trước khi chúng ta đến với cách giải, xin hãy nghe mình kể câu chuyện về một tên thiếu niên ngông cuồng.
Khoảng lặng bình yên trước cơn bão.
Hắn tiếp cận tới facebook vào cuối năm 2014, một thời điểm khá trễ so với bạn bè đồng trang lứa. Lần đầu lập nick và cũng bắt trend như bao người, mỗi ngày hắn đều up 1-2 status cho đủ KPI, chủ yếu là than vãn, chia sẽ cảm giác, kể về ngày hôm nay, truyện cười, và cả…ảnh tự sướng. (haha bạn có giống “hắn” không?)
Giai đoạn khởi động
Quay về những năm 2016-2017, game online là một món ăn không thể thiếu đối với bất kỳ học sinh nam nào, riêng hắn thì may mắn giật cả giải nghiện game của xóm nhà lá.     
Dần dần, mọi thứ không còn đơn giản chỉ là chơi cho vui, hắn bắt đầu tìm đến vào các cộng đồng, nhóm riêng tư trên facebook, nhóm chat bang hội để giao lưu cùng anh em, chia sẽ kiến thức.
Nói cho sang vậy thôi, chứ trên thực tế là cùng các anh em đi chửi ch*t m* những kẻ chống đối bằng võ lực và cả võ mồm, kênh chat lúc nào cũng huyên náo cả ngày lẫn đêm, còn chiến trường chất đầy ân oán của những kẻ bại trận.
Toxic ở giai đoạn này, đơn thuần chỉ là những câu chửi đổng, chửi tục là chính, ít có lý lẽ và chẳng thể làm ai câm nín lại cả. Nhưng đây lại chính là tiền đề, chuẩn bị cho những trận võ mồm kinh điển nhất sắp xảy ra.
Giai đoạn hoàng kim
Hai năm kế tiếp (2018 – 2019) là thời “hoàng kim” mà hắn rất tự hào, thế giới quan của hắn đã thay đổi kể từ khi đọc được cuốn sách tư duy phản biện - Critical thinking. Ngay từ cái tựa đề đã tràn trề sự thú vị, kích thích bản tính hiếu thắng của một gã thanh thiếu niên đang tập tễnh đóng vai người lớn.
Tuy nhiên, nào có chịu học hành đến nơi đến chốn, hắn quên sạch cái gì gọi là công kích cá nhân và lao vào bẻ lập luận của những người khác, trong khi luôn lấp liếm lỗ hổng của mình bằng ngụy biện. Tất nhiên, ở trên internet thời buổi đó không phải ai cũng hiểu rõ những điều này, nên gã thiếu niên ấy cũng được đắc chí nhiều phen. Nhưng kỳ lạ thay, lý lẽ đã của hắn dù đúng dù sai, cũng chẳng thể thuyết phục được ai tin tưởng.
Vì đi kèm với những lập luận đanh thép đó, là những câu dè bỉu, mỉa mai đối thủ, chỉ khi làm như vậy, hắn mới cảm thấy thỏa mãn. Để tận hưởng cảm giác chiến thắng khi được số đông công nhận, hắn bán mình cho con quỷ cảm xúc, những lượt like và bình luận tung hô cứ thế tăng lên rồi đưa hắn lên mây.
Tuy nhiên, chẳng có kẻ nào là bất bại mãi
Cũng là những bình luận đó, nhưng lần này gió đã đổi chiều và dìm hắn xuống vực sâu. Hắn vẫn nhớ mãi hai cuộc chiến kinh điển nhất, hắn đấu với một cặp đôi nọ, vì một lý do nào đó mà bây giờ đã không còn quan trọng nữa.
Từ 3h chiều cho đến 10h đêm, ngủ một giấc dậy lấy lại sức, hắn lại tiếp tục chiến, dù phần thưởng là con số 0 tròn trĩnh. Kết quả chung cuộc được thể hiện qua những con số biết nói : 3 tài khoản, 400+ comment, 0 người thắng cuộc.
Lần thứ hai là chuyện xảy ra mâu thuẫn với một chủ guild, và bên đối thủ thì rất đồng lòng bảo vệ thủ lĩnh. Một trận chiến không cân sức 1 vs 20 đã diễn ra, dù đã rất cố gắng, nhưng hắn đã ra đi anh dũng, thi thể bị vùi trong một biển từ vựng.
Giai đoạn chữa lành
Cho đến đầu năm 2020, Hắn đã bớt hẳn những lần toxic, không phải vì hắn đã hiểu ra lẽ đời, mà có lẽ là vì bản thân đã quá mệt mỏi với những cuộc chiến không hồi kết. Mọi thứ vẫn êm đềm cho đến khi dịch bệnh bùng phát mạnh, từ tháng 4/2021 cho đến nay, hắn đã có dịp “sống chậm” lại và suy ngẫm nhiều hơn.
Hắn đã ngưng toxic như thế nào?
Năm dài tháng rộng, cách ly xã hội kéo dài, mệt mỏi và cô đơn, hắn vô tình tìm thấy podcast, nơi cho hắn cảm giác như một người bạn để lắng nghe, chuyện trò. Bắt đầu từ kênh Tri kỉ cảm xúc (tâm sự kinh doanh cũ), đến cả kênh của chị Hà Chu Work, Amateur Psychology rồi cộng đồng của Spiderum, nơi cho hắn viết lên những dòng tâm sự này, đây cũng là lúc hắn thật sự tìm ra câu trả lời cho sự toxic của bản thân.
Và giải pháp của hắn là?
Về mặt tư tưởng
Đến với nơi đầu tiên hắn biết khi lạc chân vào thế giới podcast, kênh Tri Kỉ Cảm Xúc của admin Web5ngay, các bạn có thể tham khảo:
- Tập 156 - Dừng những cố gắng vô nghĩa.
- Tập 153 - Cuộc đời là những bữa tiệc.
Thông qua 2 tập Podcast này, hắn đã ngộ ra sự vô nghĩa của việc tranh luận trên mạng và cả việc toxic với người khác. Rằng có những lúc hắn nên chọn cách bỏ đi, lựa một game mới thay vì cố gắng viết lại luật chơi.
Để mọi thứ đi đúng hướng, trước tiên bạn phải xuất phát từ những suy nghĩ đúng. Nên việc củng cố lại tư tưởng là rất quan trọng để dẫn đến hành vi của hắn như hiện nay.
Về mặt quy tắc
Dù về mặt tư tưởng đã thông, nhưng quá trình giảm thiểu toxic này vẫn rất cam go và có thể “tái nghiện” bất kỳ lúc nào. Vì chỉ cần nhìn thấy một comment ngu ngơ nào đó, đi kèm với thái độ thách thức và xấc xược là lại làm cho hắn ngứa ngáy khắp người.
Vì vậy, cần có những quy tắc riêng để hắn kiểm soát mình:
Trước khi tranh luận
1.   Tự hỏi xem có cần thiết phải tranh luận vấn đề này không? Có thể bỏ qua không?
2.  Thử dành 1 phút ra để suy nghĩ về hoàn cảnh của câu nói, người nói.
3.   Kiểm tra tài khoản chính chủ hay không.
Khi bước vào tranh luận
4.   Tìm hiểu trước khi phủ nhận/khẳng định một chủ đề mà mình không nắm rõ.
5.   Không công kích cá nhân, không cố gắng lấn lướt người khác.
6.   Không cố gắng thay đổi quan điểm/suy nghĩ của người khác.
7.   Nếu phát hiện đối phương toxic thì rút lui ngay, block nếu cần thiết.
Những điều luật này, giúp mình xem xét và bỏ qua những chủ đề không thật sự cần thiết. Ngoài ra, việc này sẽ tạo ra một thói quen nghi ngờ mục đích của người viết, họ thật sự muốn truyền tải điều gì? Hay đơn thuần là cố tình gây tranh cãi để phục vụ mục đích riêng. Và cuối cùng là giúp mình không quên đi mục đích ban đầu, tránh để cảm xúc điều khiển những ngón tay và viết nên những điều tiêu cực.
Đó là cách mình đang giúp “hắn” vượt qua thói toxic này. Còn bạn thì sao? Chia sẽ với mình nhé.