Thời gian gần đây tôi thấy mình luôn ở trong một trạng thái survival mode khi đi làm.
Là một giáo viên Tiếng Anh, tôi thấy mình lên lớp giảng những nội dung cũ mà mình đã giảng suốt mấy năm. Nội dung kiến thức có thay đổi chút nhưng đa phần chẳng có gì mới mẻ. Mỗi lần ra khỏi nhà, tôi phải xốc tinh thần cho mình là cố lên, đi làm cho xong nhiệm vụ nào.
Lẽ ra kỳ này có một môn học mới tôi đang rất mong đợi được dạy, nhưng vì số sinh viên đăng ký môn đó quá ít nên lớp bị huỷ. Khi đó, tôi cảm giác mọi kỳ vọng của mình vào sự thay đổi trong học kỳ mới hoàn toàn tan biến. Tôi lại rơi vào trạng thái chơi vơi, không biết phải mong đợi gì mỗi ngày.
Khi đi dạy thêm, tình trạng cũng tương tự. Những kiến thức nội dung mà tôi dạy toàn những thứ tôi đã thuộc nằm lòng và gần như phát ngán.
Tâm lý chán nản khi đi làm khiến tôi đến lớp với năng lượng rất thấp và tiêu cực. Gần đây, tôi phát hiện mình dễ nổi cáu với học sinh và sinh viên hơn bình thường. Ví dụ có em nào nghịch điện thoại trong giờ mà bị nhắc nhở vẫn không thay đổi thì tôi dễ bùng nổ và đuổi em đó ra khỏi lớp.
Sau mỗi lần như vậy, tôi đều biết mình đang phản ứng thái quá và bất công với học sinh. Vấn đề sâu xa nhất ở đây luôn nằm ở chỗ tôi. Vì tôi chán ngán công việc, vì tôi không hào hứng với chính bài dạy của mình, vì tôi đang đi làm với thái độ đối phó.
Tính cả đi làm trên trường và lớp dạy lớp chỉ tốn của tôi khoảng 17 tiếng một tuần. Tôi đọc trên một bài báo rằng khi bạn tìm cách sử dụng năng lượng tối thiểu cho công việc tức là bạn không còn phù hợp với công việc đó nữa. Tôi nhận ra mình đang rơi vào trường hợp đó nhưng không biết phải làm gì.
Thực sự phải nói là tôi có quá nhiều thời gian rảnh. Ngoài lúc đi làm, tôi đọc sách và đi học đủ thứ trên đời, từ vẽ đến bơi, thư pháp rồi cả đàn nữa. Nhưng cảm giác của tôi thường khá trống rỗng và thấy mỗi ngày dài lê thê.
Nhưng tôi thấy mình luôn loay hoay nghĩ cách làm gì cho hết thời gian. Có nhiều lúc tôi lang thang quán cafe, đi dạo các khu mua sắm, đi lòng vòng công viên trong vô định. Vừa đi đầu óc vừa suy nghĩ lung tung về việc mình cần thoát ra, nhưng chưa đủ động lực và dũng khí.
Tôi biết nhiều người sẽ nghĩ tôi sướng quá hoá rồ. Công việc vừa rảnh rỗi, có địa vị xã hội mà thu nhập lại tốt, tại sao tôi vẫn cảm thấy khổ sở như vậy. Nhưng tôi biết mình đang chết dần chết mòn với mức độ năng lượng trung bình mỗi ngày ngang một con zombie.
Hôm nay tôi nghe podcast tập mới nhất của Have a sip giữa chị Thuỳ Minh và bác Xuân Phượng - một tác giả sách, đạo diễn 93 tuổi. Câu chuyện về cuộc đời của bác Phương cực kỳ truyền cảm hứng và tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi câu hỏi cuối của chị Minh rằng ở tuổi 93 bác cảm thấy thời gian của mình dài hay ngắn. Bác đã trả lời là quá ngắn vì bác có quá nhiều việc cần làm và muốn làm.
Nghe bác trả lời mà tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân đến mức muốn tự đánh vào đầu mình mấy phát. Ở tuổi 27, tôi đang cảm thấy thời gian dài lê thê vì không biết làm cái gì thì bác lại làm không hết việc. Năng lượng của một người trẻ ở dộ tuổi 20 của tôi đang bị hoài phí như vậy trong khi một người U100 như bác Phượng lại tràn trề nhiệt huyết và khí chất.
"Rốt cục thì mình đang làm gì với cuộc đời mình vậy?" là một câu hỏi tôi phải tự hỏi mình. Tôi còn định ở trong tình trạng này bao lâu nữa trước khi tôi mất hẳn cảm giác mỗi ngày khi được làm những việc mình thực sự cảm thấy thoả mãn và hào hứng.
Về cơ bản, không phải tôi đứng núi này trông núi nọ, mà tôi cần một cảm giác mình đang sống có ý nghĩa và có ích. Tôi cần có không gian để phát triển trong công việc thay vì loay hoay trong vùng an toàn này. Nếu tiếp tục sống vật vờ như bây giờ, tôi nghĩ sớm muộn mình cũng phát điên mất.
Cái tôi cần bây giờ là động lực đủ mạnh như câu chuyện của bác Phượng và một kế hoạch cho lối đi của mình. Tôi sẽ không bốc đồng để nghỉ việc ngay lập tức, nhưng tôi phải quyết tâm và suy nghĩ kỹ càng về bước đi tiếp theo của mình.
Mỗi chúng ta đều không biết khi nào cuộc đời mình kết thúc. Không ai nói trước được điều gì, nhưng nếu có chết thì tôi hi vọng mình không hối tiếc vì đã để thời gian và năng lượng tuổi trẻ hoài phí như hiện tại.
P/s: tôi viết bài này một phần chính là để tạo động lực cho mình để bước ra khỏi vùng an toàn và tìm con đường phù hợp hơn. Nếu bạn trẻ nào ở tình trạng mông lung tương tự và thấy đồng cảm với bài viết thì tôi cũng sẽ rất vui, hi vọng chúng ta đều có thể tìm được một lối đi trong đó mình thấy được sống ý nghĩa hơn.